Mộng và thực trong tiểu thuyết Hãy trả lại tình yêu (Phạm Ngọc Hiền)

(Đọc tiểu thuyết Hãy trả lại tình yêu của Phạm Thanh Quang - NXB Văn học - 2010)

 

      Có ai đó nói, tiểu thuyết là tấm gương di động trên đường đi, nó phản chiếu cả chất văn xuôi và chất thi ca trong cuộc sống con người. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một tấm gương, tiểu thuyết Hãy trả lại tình yêu của Phạm Thanh Quang cũng là một tấm gương lớn phản chiếu cuộc sống muôn màu của xã hội Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay.

      Câu chuyện bắt đầu từ một vụ tự tử của người đàn bà mặc áo đen bí ẩn trên biển Vũng Tàu. Sau đó, tác giả đưa bạn đọc ra biển Sầm Sơn chứng kiến mối tình lãng mạn của kỹ sư Hoàng và Thanh Hằng. Rồi các nhân vật lại dẫn dắt bạn đọc tham quan những nơi kỳ thú cả ba miền Bắc - Nam - Trung, miền núi - đồng bằng, nông thôn - thành thị, Việt Nam - Liên Xô - Mỹ... Ta được đến thăm "phiên chợ ma" trên hồ thủy điện sông Bôi, chứng kiến trận lũ lịch sử năm 1969 ở Bắc Bộ, hiểu biết thêm những bí ẩn chưa công bố về sự ra đời của những công trình thủy điện lớn ...

     Thật khó có thể xếp tiểu thuyết Hãy trả lại tình yêu vào loại hiện thực hay lãng mạn vì nó đan cài cả hai. Tác phẩm rất hiện thực bởi tái hiện trung thành bộ mặt của xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Nó lột tả những cái đắng cay của chiến tranh, những vất vả của thời đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đọc những trang viết về ngành thủy lợi - điện lực, ta thực sự khâm phục kiến thức uyên thâm của tác giả Phạm Thanh Quang - chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Khảo sát Thiết kế các công trình điện. Cho nên, khó có nhà văn Việt Nam nào qua mặt được ông khi viết về đề tài này.

      Ta cũng có cảm tưởng như đây là cuốn tiểu thuyết tình cảm xã hội bởi có rất nhiều trang miêu tả cuộc sống xa hoa, phù phiếm của giới thượng lưu. Nhân vật mang những cái tên rất mơ mộng như Dạ Hương, Hiền Thư, Tố Hạnh, Bích Sang, Phượng Tường, Đan Huệ... Ta như bị lạc vào một mê cung có hàng loạt những mối tình bộ ba, bộ tư rất rối rắm nhưng cũng ly kỳ. Nhân vật chính là hai mẹ con Thanh Hằng và Mỹ Xuân. Mỗi người đại diện cho một thế hệ trưởng thành trong chiến tranh và thời bình. Mỗi nhân vật lại tạo ra xung quanh mình hàng loạt mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp. Người trần thuật đan xen các tuyến nhân vật và tạo ra nhiều tình huống kịch căng thẳng, với những cảnh chồng giả, vợ giả, bắt cóc nhau vì quá yêu, những mối tình công khai và vụng trộm, những bi kịch tình yêu già và trẻ... Đôi lúc tác giả dùng thủ pháp bỏ lửng câu chuyện hay che giấu bí mật để bạn đọc tò mò hứng thú theo dõi câu chuyện. Nhiều người tưởng cứ mãi là kẻ thù nhưng thành bạn thân, tưởng đã chết nhưng vẫn còn sống, tưởng sẽ không bao giờ gặp nhau nhưng bất ngờ gặp lại trong căn biệt thự bí ẩn... Tất cả nhân vật như được sinh ra từ một tấm gương lớn ở Hà Nội, bị bom đạn từ hai cuộc chiến tranh bắn văng đi khắp nơi. Mấy mươi năm sau, các mảnh vỡ ấy vô tình hội tụ gặp nhau tại Sài Gòn và ghép lại nguyên vẹn thuở ban đầu.

       Tác phẩm không chỉ hấp dẫn ở cốt truyện ly kỳ mà còn ở vẻ đẹp lãng mạn. Hiện thực khó khăn khốc liệt thường bị phủ lên chất thi ca của tình yêu. Đây là cảnh tâm tình của Vũ Hải và Thanh Hằng ở rừng Trường Sơn thời chiến tranh: "Đêm nay họ trở về thời kỳ đồ đá, họ giải phóng những gì mà thiên nhiên ban tặng. Khi dây buộc tóc Hằng tháo ra, một thác tóc đen nhánh mềm mại đổ xuống bờ vai, ánh trăng soi vào mắt Hằng lung linh như những vì sao. Cặp vú trắng ngần căng như bầu núi lửa sắp dâng trào. Hằng tắm trăng, ngây ngất thả hồn lên mây. Trăng bám vào người Hằng lung linh như rắc lên da thịt chất diệu kỳ, làm bật lên những đường cong như những dòng suối uốn lượn mơ hồ huyền ảo. Cảnh trần thế mà huyền diệu cõi tiên. Con người hòa vào vũ trụ". Ngôn ngữ của tác giả và nhân vật tràn đầy chất thơ. Phạm Thanh Quang đã mạnh dạn phá cách trong miêu tả ngôn ngữ một số nhân vật. Chẳng hạn, trong văn học cách mạng, nhân vật cán bộ thường có lối ăn nói mệnh lệnh, khô khan, cứng nhắc. Nay, tác giả để cho cán bộ cỡ lớn như Hoàng, giám đốc công trình thủy điện Trị An có lời thủ thỉ rất "diễm tình" với cô tiểu thư Hồng Giang (con của đại tá quân đội Sài Gòn): "Anh có lỗi với em là hay nhìn trộm, ham ngắm em phía sau bờ vai tròn thanh thoát, mớ tóc bồng bềnh như áng mây trôi. Nhìn xuyên thấy hàng mi cong vút, cái mũi dọc dừa nhỏ nhắn xinh xinh. Và anh thích nhất khi em bẽn lẽn, mắt chớp chớp, má ửng hồng làm anh xao xuyến"...

       "Hãy trả lại tình yêu" là tên một bài hát của nhân vật Vũ Hải, nguyên phó đoàn Văn công Trường Sơn. Nhan đề bài hát và nội dung cuốn tiểu thuyết toát ra thông điệp: hãy trả lại tình người sau những tháng năm bão tố, hãy sống yêu thương hơn là ghen ghét, hận thù... Thông điệp ấy xuyên suốt hàng loạt dãy tình tiết ly kỳ hấp dẫn bạn đọc suốt 330 trang sách.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

Bài đã đăng trên:

Tạp chí Non nước

Báo Đồng Nai

Phong Điệp . net

Nhà văn TP. HCM

Triệu Xuân. info

 


Phamngochien.com - 08:56 - 02/08/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận