Mối tình Song Tử Tây (Lê Hứa Huyền Trân - Bình Định)

   
    Chị có vẻ hồi hộp trên chuyến tàu của đoàn công tác từ đất liền ra thăm anh. Khi mũi tàu đang dần tiến gần hơn với đảo Song Tử Tây chị càng trở nên luống cuống khiến những người trong đoàn cười òa khi nhìn thấy bóng dáng người phụ nữ nửa chừng xuân lại thẹn thùng như lúc mới yêu. Chuyến tàu này là chuyến tàu thăm thân và cũng là chuyến tàu đưa chị gặp lại chồng, vốn là một chiến sỹ đang công tác tại xã đảo có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ ở khu vực quần đảo Trường Sa này.

    Trên bến chị đã thấy bóng dáng của người chồng thân thương đang đợi chị, anh đang vận một bộ đồ hải quân màu trắng tinh khôi: với màu trắng của áo tượng trưng cho mây trời, còn màu xanh của quần lại mướt một màu rộng bao la đẹp tuyệt vời như biển cả. Chị vẫn còn nhớ giọng nói của con chị khi về khoe với chị trong buổi học hôm nay, khi cô giáo ra đề tài kể về ba mẹ đang làm nghề gì, bé đã vô cùng hãnh diện khi khoe trước lớp:

    - Ba em đang công tác tại đảo Song Tử Tây.

    Vì tính chất công việc nên hai vợ chồng sống xa nhau, những nhớ thương trải dài qua Từng trang thư nhỏ. Ngày chị chấp nhận yêu anh cũng là lúc anh nhận được chấp thuận đơn xin công tác ngoài xã đảo. Lên đường tòng quân bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm sóng gió nơi đảo xa thử thách tình yêu của hai người từng bấy. Anh hay nói với chị :” Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, lính đảo tâm niệm trong tim bấy nhiêu điều để vượt qua những cơn sóng trùng đầy thử thách, cũng là để chị yên tâm nơi hậu phương không nhọc nhằn lo lắng cho anh. Lấy nhau được non tháng, chị cũng như anh đăng kí dạy tình nguyện tại huyện núi Chư Prông, Gia Lai để đưa con chữ đến gần hơn với trẻ em nơi đây. Cả hai vợ chồng chị đều muốn góp một phần công sức mình cho Tổ Quốc, người trên núi, người hướng biển, dẫu xa cách nghìn trùng nhưng tình yêu quê hương được nuôi dưỡng cùng tình yêu lứa đổi là động lực mạnh mẽ nhất đưa hai anh chị đến với nhau.

    Anh đưa đoàn của chị đến với âu tàu, đó là một âu tàu lớn có sức chứa lên đến 80- 100 tàu cá lớn của ngư dân. Một người trong đoàn chị vốn là một người chịu ơn với đảo, khi quay lại âu tàu này vẫn tấm tắc:

    - Tui vẫn còn nhớ như in đợt bão năm 2012, khi tàu tui bơ vơ giữa biển, tàu tui đã neo lại tại đảo này. Khi ấy dễ cũng đến cả 700 ngư dân được đảo bao bọc nhiều ngày.

     Nhiều người chịu ơn đảo, chịu ơn các anh đặc biệt là các ngư dân tránh bão, khi gặp hoạn nạn cũng là lúc chân tình và tình quân dân thấm đượm hơn. Mọi người say sưa kể cho nhau về những cán bộ, chiến sĩ nhường cơm sẻ áo, bớt chút phần ăn để giúp các ngư dân, không chỉ thế các công tác dân vận, hỗ trợ ngư dân, cứu hộ cứu nạn luôn được các anh triển khai thực hiện triệt để. Chị vẫn còn nhớ như in có một bận một người lạ mặt ghé tạt ngang trường chị nhất quyết bắt chị phải nhận một giỏ trái cây, hỏi ra mới biết là một ngư dân may mắn thoát chết trong một đợt bão nhờ chồng chị bơi ra cứu không ngại hiểm nguy. Anh nhất quyết không chịu nhận quà cáp nên người này đành nhờ người quen tìm đến trường chị tặng giỏ trái cây vừa thuận tình, vừa để ơn nghĩa được đền đáp.

     Khi đến với xã đảo màu xanh đã được bao trùm mát mắt. Nhờ công tác dân vận, đảo không chỉ mang một màu khô khốc mà đã được phủ xanh bởi những cây và những luống rau. Nơi anh ở cùng với các chiến sĩ khác, những vườn tăng gia mướt màu xanh, đủ các loại rau vừa tạo sự đa dạng cho bữa ăn của dân quân, vừa khiến một màu mát mắt đề phòng những tháng tiết trời oi bức, khi nhìn một màu xanh sẽ thấy dễ chịu. Phải rất lâu sau anh chị mới có khoảng không gian riêng, nhìn người đàn ông của mình sạm đen vì nắng gió chị không khỏi xót xa, nhưng bàn tay lùa dưới mái tóc người phụ nữ chợt trở nên dịu dàng và chị nghe tiếng anh trong gió:

    - Rắn rỏi để bảo vệ Tổ Quốc, cũng là để bảo vệ gia đình mình.

    Anh chỉ chị xem giếng nước anh tự đào, được bao bọc bởi một đường viền đá xung quanh thật đẹp, lại nhớ về hai người từng ngồi bên giếng nước tình tự  mỗi khi trăng lên lúc vẫn còn ở đất liền. Những kỉ niệm thoáng chốc phút hồi, chị chợt nhận ra anh khỏa lấp nỗi nhớ chị bằng việc nhìn nơi đâu cũng thấy hình bóng chị nơi anh công tác.

   - Mình thấy con đường này không, trước là triền cỏ, có năm đoàn sinh viên tình nguyện ghé đảo, chung tay phát quang, tạo ra con đường bọc quanh đảo. Cứ như một vòng tay ôm lấy đảo vậy.

    Ánh mắt anh long lanh, vừa như tự hào, vừa như cảm động, chị cảm nhận được anh yêu nơi này như cách anh đã yêu chị, nồng nàn. Lúc hai người đang say sưa trò chuyện, có người dân trên đảo đi ngang hỏi chuyện biết chị là vợ anh cứ bắt chị phải về nhà dùng bữa cơm trưa, chị mới hiểu không chỉ vì dân nơi đây vốn nhiệt tình, hiếu khách mà cũng vì chính anh đã xây dựng được một vị trí quan trọng trong lòng mọi người.

    Tối đến, dưới tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, các chiến sỹ hay tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, không chỉ lúc này tình đoàn kết được gắn kết hơn mà cả niềm vui cũng được chan hòa. Nơi góc giường anh có một cây ghita, mỗi khi đến sinh hoạt anh vẫn hay cùng mọi người tụ tập ca hát bên ánh lửa. Mọi thú vui đều được xây dựng bằng những hoạt động đơn giản nhưng khi con người xa rời với những xô bồ cuộc sống thì lúc đó những giá trị chân thật mới đến bên một cách rõ ràng và dịu dàng hơn.

    - Hôm nay có vợ nên đồng chí ấy cứ đòi phải hát tình ca kìa.

    Mọi người trêu khi anh hát tình ca tặng chị, vì bài tủ của anh vẫn thường hay dùng hát là “gửi đồng đội nơi đảo xa”, trong ánh nhìn bẽn lẽn của chị và hơi ngại của anh, tưởng chừng đêm sinh hoạt ấy là một đêm rất dài của quân dân xã đảo và đoàn công tác.

    Ngày hôm sau, anh lại cùng vài chiến sỹ thay mặt xã đảo tiễn chị lên tàu. Sóng đại dương vẫn trùng điệp muôn khơi, giữa anh với chị trước giờ không có quan niệm gọi là xa cách. Họ vẫn vậy, trong lòng có nhau là đủ. Đột nhiên như sực nhớ điều gì, chị quay lại mỉm cười với anh:

    - Quên nói với mình, em đã được duyệt đơn xin dạy tình nguyện tại Song Tử Tây rồi đấy.


Phamngochien.com - 12:27 - 08/06/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận