Mấy cảm nhận nhân đọc sách Không nên khóc (TS. Phan Đình Tân)

 


 

Dù không đồ sộ và cũng không đề cập đến vấn đề rộng lớn như tiểu thuyết, nhưng truyện ngắn lại có một sức hấp dẫn mạnh mẽ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc bởi sự cô đọng, súc tích, đôi khi chỉ bằng một tình huống đơn lẻ, tưởng như mang tính cá biệt diễn ra trong một thời gian ngắn, hay cực ngắn và được kể một cách rất "cô đọng" nhưng cần phải có một thời gian để biên tập và chọn lọc đối với thể loại nghệ thuật trần thuật này. Và cũng chính vì vậy, một nhà viết tiểu thuyết lừng danh ở châu Âu đã trả lời phỏng vấn vì sao ông không viết truyện ngắn: "Do không có đủ thời gian và kiên nhẫn".  

Từ đầu thế kỷ 19, nhiều "cây đại thụ" thể loại truyện ngắn đã để lại những sáng tác kinh điển có sức sống vượt thời gian. Dưới ngọn bút tài hoa, sắc sảo bậc thầy của nền văn học Nga, văn hào Nga Chekhov đã góp công xây dựng, nâng tầm thể loại truyện ngắn Nga đến đỉnh cao của sự phát triển, trở thành một hình thức nghệ thuật nhân loại phổ biến trong văn học cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX.

Ở Việt Nam, văn học Nga đã có một vị trí và ảnh hưởng to lớn đối với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ, góp phần to lớn vào việc nuôi dưỡng nhân cách, nhân sinh quan và thế giới quan của nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ. Tên tuổi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Nga và Liên Xô như Pushkin, Gogol, Tolxtoi, Dostoievsky, Tsekhov, Pasternak, Bunhin, Solokhov, Gorky, Aitmatov... đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu được ở Việt Nam.

Thời kỳ hậu Xô Viết, văn học - nghệ thuật Nga cũng như một số các loại hình nghệ thuật khác đã chịu ảnh hưởng và bị tác động bất ổn trong một thời gian nên việc giới thiệu văn học Nga ở Việt Nam bị giảm sút. Mặc dù vậy, cảm hứng sáng tạo của các nhà văn Nga vẫn không ngừng nghỉ với những giá trị nhân văn cao đẹp, với truyền thống đã được kết tinh, vun đắp và khẳng định từ hàng trăm năm trước, những khởi sắc mới trong lĩnh vực văn học Nga thời kỳ này vẫn tiếp tục phát triển, làm phong phú thêm cho kho tàng văn học Nga và thế giới.

Để phát hiện, ghi nhận và tôn vinh những thành tựu của các tác giả trong lĩnh vực văn học, bắt đầu từ năm 2000, ở nước Nga đã hình thành nhiều giải thưởng văn học có uy ín, chủ yếu là do các báo, tạp chí và các tổ chức liên quan đến văn học đứng ra thành lập với số tiền thưởng rất lớn.

Tập truyện ngắn Không nên khóc được chọn dịch trong số các tác phẩm văn học Nga đương đại của các tác giả đã được trao nhiều giải thưởng văn học cao quý trong thời gian gần đây. Hầu hết các truyện ngắn là những sáng tác mới, nên dù tác phẩm viết về đề tài gì, phản ánh giai đoạn nào trong lịch sử nước Nga thì cũng được cảm thụ và thể hiện dưới một góc nhìn mới, chân thực và khách quan về cuộc sống đương đại, đồng thời vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị nhân văn của nền văn hóa Nga. Qua những tác phẩm này, người đọc như sống lại ở một nước Nga còn bộn bề khó khăn gian khổ sau cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm 1945, thời kỳ xây dựng CNXH trong Liên bang Xô Viết và đặc biệt là nước Nga sau ngày không còn Liên bang Xô Viết với bao chuyện buồn vui, cười và khóc khi bước vào cơ chế thị trường. Dẫu không phải là một cuốn biên niên sử, nhưng nước Nga vĩ đại với bao nỗi thăng trầm đang hiện lên trước mắt ta qua những trang truyện ngắn vô cùng sinh động, chân thực và hấp dẫn.

Bản chất văn học Nga sâu sắc nhưng bình dị, nhà văn Nga với xúc cảm trái tim của một nhà văn, nhà tư tưởng, nhà triết học và một nhà thơ, vì vậy, đọc những truyện ngắn của các nhà văn Nga buộc đọc giả phải đọc chăm chú với vốn sống và vốn văn hoá rộng, tập trung cao cả trí tuệ và tâm hồn với lòng nhân văn sâu sắc, có sự liên tưởng về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Với bút pháp dày dặn kinh nghiệm về cuộc sống, về sự am hiểu tâm lý, nhận thức xã hội sâu sắc, đã nắm bắt những khoảnh khắc con người không che đậy để khám phá tiềm thức nhân vật hoặc với bút pháp tinh tế đến lạnh lùng để mổ xẻ những phản ứng nhạy cảm nhất của nhân vật; hay chọc thủng cái màng che đậy bên ngoài con người để phơi bày cái đích thực, cái phi lý, cái nghịch lý và kể cả những cái vô lý để tìm đến cái chân lý... như lời tự truyện của nhân vật trong truyện ngắn Bàn là và kem của Polianxkaia: "Đối với cha, chiếc bàn là chỉ là một chuyện nhỏ có ý nghĩa giáo dục con cái. Ông không thể ngờ rằng, chiếc bàn là đó là chiếc bàn trượt bằng sắt trượt theo cuộc đời của Rita, đánh gục mọi trò mưu lược, tính toán của nó. Cho dù số phận của nó có tháo ra đan lại như thế nào đi nữa thì vẫn để lại dấu vết của chiếc bàn là, và trong tương lai, với sự ranh ma của nó trong cuộc sống, tôi không thể giúp được gì cho nó nữa. Chiếc bàn là nhỏ đã làm xong công việc sắt đá của mình."

Chính vì vậy, việc giới thiệu tuyển tập truyện ngắn Không nên khóc đến bạn đọc của Nhà xuất bản Lao Động, Công ty Sách Bách Việt và dịch giả Đào Minh Hiệp đã mang lại cho bạn đọc một món quà tinh thần có giá trị và có ý nghĩa to lớn, góp phần củng cố và khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống văn hóa tốt đẹp Việt - Nga đã được nhiều thế hệ các nhà hoạt động chính trị và văn hóa của hai quốc gia dày công xây dựng và vun đắp. Và đặc biệt, trong xu thế hội nhập, những tiêu cực từ cuộc sống, những mặt trái của cơ chế thị trường đang len lỏi, "gặm nhấm" những giá trị truyền thống, trật tự xã hội, đạo đức và những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đang đứng trước thách thức trong việc hình thành và giáo dục nhân cách thì việc ra đời tập truyện ngắn này sẽ là một "liều thuốc", góp phần ngăn ngừa những "vi khuẩn độc hại" đang rình rập./.

Tiến sĩ Khoa học PHAN ĐÌNH TÂN

 

 


[*] Tuyển tập truyện ngắn Nga đương đại. Đào Minh Hiệp dịch. NXB Lao Động và Cty Sách Bách Việt xuất bản.

 


Phamngochien.com - 20:59 - 15/12/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận