Mắm mực quê hương (Phan Thu Thảo - sinh viên ở TP.HCM)

Mùa tháng 11 ở quê giờ này đang mưa dầm, nhớ chén mắm mực mẹ chưng với gừng ngày đó, thơm nức nở cả tuổi thơ. Mưa dầm suốt cả tháng là chẳng chợ quán gì, ngày ba buổi mắm mực với cơm trắng,. Hai vợ chồng với bầy con xúm xít lại hít hà mùi thơm đặc trưng của mắm và hít hà cái lạnh của mùa tháng chạp. Người mẹ phả hơi vào tay cho thật ấm rồi đưa lên mặt các con, cảm giác cái lạnh tan biến trong tức khắc và chỉ còn lại không khí ấm cúng của hơi ấm gia đình. Mấy đứa con thấy thế, thinh thích làm theo, đưa hai tay lên miệng phả hơi vào tay rồi hí hửng đặt tay vào má đứa chị đứa em, cười khúc khích. Nồi cơm phả ra những gợn hơi trăng trắng mờ mờ ảo ảo tựa làng khói chiều hè bay lên nơi khói bếp nhà ngoại. Cả nhà lúm xúm ăn với nhau bữa tối.

Có những ngày mưa lớn hoặc những hôm gió to, điện mất, cả nhà chỉ tựa vào nguồn sáng của chiếc đèn dầu yếu ớt. Tiếng rót dầu của ba vào lọ đèn nghe êm ấm tựa  tiếng nhạc dịu dàng, thân thương. Âm thanh đó đại diện cho cái nghèo nhưng cũng là đại diện cho sự ấm áp. Cả nhà quay quần bên mâm cơm chỉ có những vật dụng được tính trên đầu ngón tay: mâm cơm có năm đôi đũa và năm cái chén, nồi cơm trắng nức nở mùi gạo tháng tám, gói gọn chung quanh chiếc đèn dầu yếu ớt ánh sáng.

Người cha đưa đôi bàn tay thô ráp vào nồi cơm nóng hổi lấy chén mắm mực chưng đặt vào giữa mâm, cạnh chiếc đèn dầu, người mẹ lấy chén đơm cơm cho từng thành viên, cô chị nhanh nhẩu chia đũa, khi mẹ đơm cơm xong thì tất cả đồng thanh "mời cả nhà ăn cơm", và sau đó mọi người cười với nhau một nụ.

Ăn tối xong, cả nhà lúc nào cũng có màn văn nghệ chào mừng. Hai vợ chồng hay song ca bài "chuyện tình không dĩ vãng", mấy đứa con nằm im ắng thưởng thức để rồi khi câu hát cuối cùng vừa tắt, chúng hô hào nhảy múa rân rần như đang đi xem một buổi ca nhạc cao cấp. Đến lượt những đứa con, nhà có ba cô, cô chị cả là đứa học viết văn cực kì hay nhưng lại không hề biết hát, hai cô em còn lại cứ thi nhau hát những bài chúng yêu thích. Vậy là cô chị cả đành e thẹn làm MC cho đêm văn nghệ gói gọn trong không gian của chiếc phản gỗ đã ít nhiều bị phai sờn bởi từng lớp bụi thời gian cay nghiệt, MC phải khen lấy khen để mỗi lần một màn ca hạ xuống. Cứ thế chương trình văn nghệ diễn ra cho đến khi chiếc đèn dầu yếu dần và tắt lụi.

Những ngày đó mưa to, mấy đứa con đi học về đứa nào cũng ướt nhẹp, dù trước khi đi học người mẹ đã chuẩn bị cho mấy đứa con mấy cái quàng mưa, cả đám còn nhí nhố tranh giành cho được cái quàng mưa mình thấy thích.  Quàng mưa là mấy tấm nilon màu trắng bạc, hình chữ nhật, chỉ cần quàng lên vai và buộc chặt phía trước ngực là có thể che chắt bớt mưa gió ngoài kia (mấy đứa con cứ hay bảo tấm quàng mưa là trang phục của siêu nhân. Rồi chúng tự hạnh phúc khi chọn cho mình một bộ trang phục siêu nhân mà chúng ưng ý nhất). Có hôm mưa lớn, người cha phải đạp xe tận trường đèo con về, mặc cho ngoài trời những cơn gió như muốn lật đổ tất cả. Người mẹ thấy con ngoài đầu ngõ đã xót xa bao nhiêu phần, vội vã đưa đôi bàn tay gầy gầy đón lấy đứa con trong trạng thái ướt nhèm nhẹp. Người cha thì như con chuột lột, bờ môi tím ngắt, tay chân như muốn đông cứng. Người mẹ xót xa mấy cha con rồi vội vội vàng vàng kéo cả nhà xuống bếp, nơi có hơi ấm của bếp lửa hồng rực rỡ mẹ đã nhóm sẵn. Cả nhà ngồi chụm lại, tiếng ấm nước sôi sùng sục hòa lẫn vào tiếng mưa tan tác và tiếng gió hù hù nghe thật vui tai.

Những bữa ăn đạm bạc thiếu thốn đó đã nuôi những đứa con ngày qua ngày, để rồi khi chúng lớn lên, rời xa vòng tay gia đình, chúng mãi mãi không bao giờ quên được cảm giác ấm lòng đến tuyệt vời vào những năm tuổi thơ đó.

Thật ra món ăn ngon hay dở đôi khi không phải vì nguyên liệu nó làm ra mà vì nó được người ta thưởng thức trong hoàn cảnh nào. Vậy nên tại sao người ta không nhớ bao nhiêu món sơn hào hải vị đã từng ăn, mà người ta chỉ nhớ đăm đăm chén mắm mực ăn với miếng cơm trắng một tháng ba mươi ngày.

Vì đó là miền kia ức ăn sâu vào tuổi thơ tuyệt vời của họ


Phamngochien.com - 18:05 - 29/11/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận