Mái nhà dột (Nguyễn Vũ Tuấn - Thừa Thiên - Huế)

Buổi chiều mưa lạ, nhẹ nhàng bay trên cuống lá, chiếc lá giật mình thảng thốt giấc mơ xanh. Chiếc lá lìa cành bay vội cuống quýt ...và bắt đầu một giấc mơ.

Hương người phụ nữ trạc tuổi năm mươi cầm chiếc lá trong tay, nhìn bụi mưa bay trên đường tất tả. Nước dồn về mái nhà dột tí tách vài giọt như giọt cà phê làm ướt một góc phòng. Chị vào bật điện, nhìn vào bàn thờ con, nơi tấm ảnh loang lỗ nước. Chị dịch bàn thờ sang một bên, kê lại ngay ngắn thắp nén hương cho con, chị không khóc bởi chẳng còn nước mắt nào để khóc.

Quê chị ở Quảng Bình vào học cao đẳng sư phạm Huế, ra trường lên vùng cao A Lưới dạy. Ngày đầu lên, A Lưới bảng lãng sương mù, trời đất âm u hoang dã. Cô gái trẻ xinh, hai mươi tuổi dường như bị cả núi rừng A Lưới nuốt chửng. Đêm đêm soạn bài nghe tiếng vượn kêu, nghe tiếng thác chảy, nghe mưa rơi trên mái nhà tranh tập thể. Và chị khóc vì sợ, và còn vì ngày mai...

Những ngày đầu rồi cũng trôi qua, hàng ngày trên bục giảng nhìn đám học trò áo quần rách bươm, đi chân đất, nói tiếng Kinh chưa sỏi. Nhưng nhìn sâu trong mắt chúng chị thấy một niềm tin rạng ngời lên một ý chí. Thế là chị gắn bó. Năm năm trôi qua chị vẫn chưa về đồng bằng. Người yêu chị, anh chàng người thành phố, trắng tinh nõn nà, đưa chị lên lần đầu nhập trường hình như đã đi lấy vợ. Còn chị thì chỉ biết yêu cả đại ngàn, cả tiếng gầm gào của thác lũ và ánh mắt học trò ngây thơ.

Nhưng rồi chị nghĩ con gái có thì, ở mãi trên này chắc tuổi xuân rồi cũng qua đi, mà người con gái cần nhất là một người chồng. Nhưng biết yêu ai và lấy ai bây giờ. Trong trường mấy thầy đều có vợ. Chỉ có thầy Xuân cùng tuổi, nhưng hơi ngất ngất, nhiều lần bỏ dạy đi bẩy thú, đánh cá, đi đào vàng, đi săn rùa vàng. Học trò gọi là thầy "Rùa". Người như vậy thì ai yêu, mặc dù nhiều lần ngỏ lời cùng chị.

Rồi sau đó ít năm có mấy người làm đường lên xã. Người nói giọng Bắc, người giọng Nam. Anh nào cũng lực lưỡng.

Trong số đó, chị có quen anh Quyết lái xe quê ở Khánh Hòa. Anh có làn da mặn mòi của biển, thân hình rắn chắc, nói giọng Nam rất dễ thương, thổi sáo và chơi thể thao rất giỏi. Sau đợt giao lưu giữa chi đoàn giáo viên trường chị và chi đoàn Giao thông hai người quen nhau. Như sự sắp đặt vô tình của tạo hóa một năm sau hai người thành vợ thành chồng. Ai cũng bảo đôi trai tài gái sắc hiếm thấy ở đời, rồi họ sinh con một trai một gái khôi ngô, học giỏi.

Nhưng vào một ngày mưa...

Một ngày mưa không nặng hạt, những cơn gió lướt mình qua sóng cỏ lau trên đồi lạnh, những cây rừng ngả nghiêng như đang rên mình trước tai họa thế gian. Những con quạ đen bay nhanh qua hàng cây cao vút bỏ lại sau lưng tiếng kêu "có họa...có họa" làm lạnh cả đất trời. Chiếc xe anh bình thường nó nghe lời, nay cái vô lăng nặng quá không tránh được cột mốc ven đường khi có một em nhỏ qua đường tìm mẹ trong mưa ướt mềm cả áo. Em bé không tìm được mẹ đứng dưới mưa khóc nhè bởi vừa thoát chết. Còn chiếc xe lao qua cột mốc, băng mình xuống vực thẳm chừng năm mươi mét. Nhìn xuống vực, chiếc ô tô chở đất bây giờ như chiếc xe rùa công nhân chổng ngược. Xe thành đống sắt vụn, người bê bết máu. Sau vụ tai nạn đó, anh Quyết thoát chết nhưng rồi cũng chẳng biết gì trên đời này nữa. Chị Hương nuôi một người chồng thực vật, niềm hi vọng chị gửi trọn vào hai đứa con: một trai, một gái khôi ngô, học giỏi.

Những ngày tháng trôi qua, bỏ lại sau lưng nỗi đau thương mất mát, chị gạt nước mắt để sống, để vui với đám học trò với mái tóc khen khét mùi nắng với áo quẩn âm ẩm mồ hôi, còn trang giáo án thì thẳng tắp những nét chữ theo chị mỗi ngày đến lớp.

Bước ra khỏi bộ áo quần thoang thoảng hương comfor, chị lại lăn lộn vào công việc gia đình: bốn con heo, một bầy gà, một bầy vịt ngày nào cũng há hốc miệng chờ ăn. Chị còn cuốc thêm mảnh vườn trồng ít rau để cải thiện đời sống. Chứ một thân một mình nuôi con ăn học, nuôi chồng thực vật, mà lại đồng lương thì ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống.

Cuộc sống trôi qua trong gia đình cô giáo trẻ, vẫn rộn ràng tiếng cười trẻ nhỏ, tiếng cô giáo giảng bài cho con và cả tiếng gà vịt kêu lên khi đói. Dân làng vẫn bảo đó là âm thanh của cuộc sống muôn màu. Thế mà hai mươi năm đã trôi qua, thằng Cường của chị lớn rồi, giống bố như đúc, cái thân hình đẹp trai rắn rỏi, giọng nói mặn mòi như tiếng biển cả, cặp mắt sâu thẳm xa xăm. Vừa tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải ở sài Gòn, ra trường xin được việc lương tháng mười lăm triệu gấp ba lần lương chị. Nhiều người nói ở hiền thì gặp lành, đời người ai giàu ba học ai khó ba đời. Họ cảm phục bàn tay tần tảo ngược xuôi của chị. Có lẽ bây giờ chị đã thảnh thơi vui với đồng nghiệp, thỉnh thoảng mỗi sáng vẫn thấy chị uống cà phê, tụm năm tụm bảy với mấy cô giáo già nói về chuyện chồng con, gia đình. Và người ta thấy chị mãn nguyện. Bước lên bục giảng với bộ áo quần thoảng thoảng hương comfor, đám học trò thấy cô giáo mình trẻ hơn, vui hơn, yêu đời hơn trước.

Chiều hôm nay, A Lưới lại mưa, trời se se lạnh, cô giáo Hương khoác thêm chiếc áo choàng nép mình dưới ô vội vã đi trong mưa cho kịp tiết dạy. Cái mắt trái của chị cứ may máy từ sáng đến giờ, không hiểu sao chị cảm thấy lo. Đến lớp với tâm trạng rối bời. Các em đợi cô chút  - chị vội vàng ra lớp nhấc máy lên thấy số lạ.

- A lô! Ai đó ạ.

Một giọng Nam nghe lanh lỏi, thanh thanh khó nghe.

- Dạ chị Hương ạ.

- Vâng !

Lại cái giọng Nam nghe réo rắt lanh lỏi hơn.

- Em là Hùng, giám đốc của Cường

Là giám đốc Cường, tưởng ai làm mình lo mãi, chắc thằng Cường được nâng lương hay lên chức gì đấy - chị nghĩ.

- Dạ vâng!

Vẫn giọng Nam nghe chậm rãi, hình sự làm chị thảng thốt.

- Sáng nay công ti liên hoan, em cường uống say...rồi...

Ừ uống say thì đem nó về, sao lại gọi cho mình, chị chột dạ, hay là nó làm sao?

- Rồi bị tai nạn, nhưng...

Chị vứt chiếc máy xuống đất òa lên khóc, khóc như một đứa trẻ không tìm thấy mẹ. Đám học trò nhìn theo cô giáo không hiểu chuyện gì, rồi chúng cũng òa lên khóc, chúng cũng khóc to như cô nó. Cả trường không còn tiếng giảng bài, ai cũng chạy ra xem cô Hương có chuyện gì. Thôi thì mọi người hiểu ra cơ sự, ai cũng khóc thương cho số phận cô: một người chồng thực vật, một đứa con sáng giá bỏ đi khi tuổi xuân phơi phới. Ai cũng nói sao bố nó không chết thay cho nó để gia đình chị bớt vất vả hơn. Nhưng đó là chồng chị. Hai mươi năm. Hai mươi năm trời chị tần tảo ngược xuôi lo cho con ăn học, nuôi chồng mà chắc anh Quyết cũng chẳng biết chị là vợ. Chị bón từng bát cháo miếng cơm, đút từng thìa nước, đỡ chồng đi vệ sinh. Chị nuôi chồng không khác nuôi một đứa trẻ sơ sinh, chỉ khác đứa trẻ thì lớn lên khôn ngoan, còn chồng chị thì già đi và yếu dần. Nhưng đó là chồng chị dù người ta nói vậy thì vẫn là chồng chị. Chồng chết cũng đau lòng như con chết. Thậm chí, nhiều lần nhà nội xin anh Quyết về nuôi và giải phóng cho chị để chị đi tìm hạnh phúc khác chứ để thế này mãi thì tội thân chị quá. Hơn nữa có nhiều người còn để ý đến chị. Nhưng chị nhất quyết không. Anh Quyết là chồng chị, là bố của thằng Cường và bé Thuỷ. Ngày trước khi anh còn khỏe, khi tuổi xuân của chị sắp qua đi, anh đã đến với chị bằng tất cả lòng thương yêu và trách nhiệm. Bây giờ anh ốm đau, anh không còn là anh thì anh vẫn là chồng chị. Chị tự thấy mình phải yêu thương và có trách nhiệm với anh hơn. Không biết anh nghĩ gì nhưng với chị như vậy là vui và có ý nghĩa. Bây giờ thì thằng Cường không còn nữa, nhiều lần chị nghĩ đó hãy là một giấc mơ không có thật, con chị vẫn sống nó học giỏi khôi ngô, lương tháng mười lăm triệu gấp ba lần lương chị. Nó gửi cho chị một tháng mười triệu nuôi bố nuôi em. Rồi nó còn hứa cuối năm có thưởng nó sẽ gửi tiền về sửa lại mái nhà dột. Nó hứa sẽ bù đắp lại cho mẹ những đau thương mất mát. Nó hứa. Nhưng bây giờ nó không còn nữa.

Chị nhìn vào bàn thờ con, thắp lại nén hương, dịch lại bàn thờ ngay ngắn và nhìn trời mưa. A Lưới lại mưa. Trời mưa dầm, mưa dề. Nước sông A Sáp lại lên to. Chị thương đám học trò lội qua sông khi nước lớn, kiểu gì chẳng ướt mèm rồi lại bị thầy cô la là không cẩn thận. Chúng nó cũng như con chị...ướt đẫm ngoài mưa.

Hôm nay đúng vào năm mươi ngày con chị. Thầy Bình - chủ tịch công đoàn trường - cùng anh em công đoàn đến thăm, thắp nén hương chia buồn cùng chị. Thầy vận động mọi người và kêu gọi sự ủng hộ của Công đoàn ngành xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chị. Thế mà chị nhất nhất từ chối. Anh em nói gì chị cũng không nghe. Chị thắp nén hương cho con rồi nói:

- Thằng Cường nó quen ở nhà này rồi. Nay xây nhà mới nó tưởng nhà lạ nó không về nữa thì tội lắm. Hơn nữa chắc còn nhiều người khổ hơn gia đình tôi, thôi thì cảm ơn thầy với anh em.

- Thì chị nhận một ít mà sửa lại mái nhà dột cho anh em vui lòng -thầy Bình tiếp lời.

Chị đành miễn cưỡng.

Có được ít tiền, với sự giúp đỡ của anh em công đoàn, mái nhà của chị không còn dột nữa. Trời nắng không còn những sợi nắng đan vào nhà, trời mưa chị không còn dịch bàn thờ con cho khỏi ướt, mà thế chắc thằng Cường vui lắm.

Chiều nay nhìn vào mái nhà mới, lòng chị rạo rực hẳn lên. Chị khoác chiếc áo choàng thơm mùi comfor đến lớp. Đám học trò nhìn chị tươi tỉnh hẳn lên. Chúng nghĩ cô giáo mình có chuyện gì vui. Không vui sao được bé Thuỷ con gái út của chị vừa thi đỗ Quốc học Huế. Nơi đây biết đâu con chị sẽ thi đỗ đại học rồi đi làm lương tháng mười triệu, hai mươi triệu gấp nhiều lần lương chị. Nó sẽ có một cuộc sống sung sướng hơn. Nó sẽ lợp lại mái nhà tinh thần đau thương của chị. Chị nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của đám học trò  thấy bừng lên một ý chí. Biết đâu sau này nó sẽ giỏi giang hơn, sung sướng hơn không còn nghèo khổ như bố mẹ chúng nó. Nó sẽ lợp lại mái nhà tri thức vùng cao A Lưới. Chị chợt nghĩ đến mài nhà dột, đến trời mưa A Lưới dầm dề, rồi nhìn ra cửa sổ phòng học bên dãy Trường Sơn giáp đất Lào bừng lên một sườn nắng đẹp trong một buổi sáng hòa lẫn sương mơ.

 


Phamngochien.com - 05:47 - 06/08/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận