Luận về sự " a dua " (Trần Anh Tuấn - SV ĐHKHXH & NV TP.HCM)

"A dua" là một từ mà dân gian hay dùng, hiểu nôm na là hiện tượng bắt chước thiếu sự tham gia của ý thức. Người bị coi là a dua thường nói theo lời người khác mà không hiểu mình nói gì, đề cao hay tôn thờ một điều gì đó mà tự thân cũng không hiểu vì mục đích hay lý tưởng gì. Có suy nghĩ a dua đương nhiên có lời nói và hành động a dua... Thế giới ở đâu xa thì không biết, nhưng tại Việt Nam có vẻ như nó sắp thành một phong trào...

Thủa bé, cái ngày còn "cởi truồng nghịch cứt gà", theo lũ trẻ lớn hơn nhà hàng xóm rủ nhau ra sông tắm, thấy chúng nó đùa nghịch ở dưới nước sao mà vui, thế là "ùm"!, thế là nếu không có cô lái đò đang neo thuyền gần đấy thì thì toi đời với Hà Bá rồi.

Rồi đến tuổi đến trường, mỗi lần đứng dưới cờ hay khi cô giáo vào lớp, cả lớp đứng lên chào, rồi đồng thanh " Năm điều bác Hồ dạy...Yêu tổ quốc! Yêu đồng bào!...", mình cũng gân cổ lên mà gào mặc dù chưa biết "Tổ quốc" với "Đồng bào" to nhỏ hay mặn nhạt ra sao... Ấy thế mà được cô giáo tuyên dương vì "em hăng hái nhất!"

Lớn lên một chút nữa, lũ bạn cứ gọi bố mẹ chúng nó là "Ông bô", "Bà bô" nghe là lạ, hay hay,.. thế là học theo... Một lần ở trong nhà nói chuyện với đứa bạn "Tao chắc không đi đá bóng được đâu, ông bà bô tao nghiêm lắm!"... Ai ngờ "Bà bô" nghe được, nộ khí xung thiên, quất cho mấy roi quắn đít.

....................

Ấy là kỉ niệm của một thời chưa nghiêm chỉnh làm người, hãy còn tính "khỉ" (Bắt chước như khỉ). Cứ tưởng khi trưởng thành sẽ khác, mà có vẻ là khác thật! Nhưng nhìn chung quanh thấy vô số người vẫn còn bắt chước tính khỉ.

Cứ khoảng 10 sinh viên khi thuyết trình hay bàn về các chủ đề "Tuổi trẻ", "Sinh viên", "Trí thức",... thì chắc có đến năm, sáu cô cậu phải nhắc đi nhắc lại ít nhất là hai lần cụm từ "Năng động, sáng tạo"... Thế nhưng nội dung nói thì chẳng có mấy lý giải  để chứng minh "Năng động, sáng tạo" cụ thể là thế nào.

Sinh viên trên giảng đường chỉ giỏi phản biện nhau chứ ít khi dám phản biện giáo viên, và thường khởi đầu lời phản biện là như thế này "Em đồng ý với ý kiến của bạn A, em chỉ xin bổ sung thêm một số ý...". Nhưng rồi nhiều khi cái ý bổ sung này lại hoàn toàn đi ngược lại với ý của bạn mà em vừa "đồng ý"

Cũng là sinh viên, lên thành phố học thì phải biết ngồi quán nước, phải biết tiêu tiền, phải có người yêu và cần học theo các anh chị ở Tây về sự thoải mái trong sinh hoạt tình dục...Thế là quẳng cha cái gáo nước mưa, quên phắt mùi vị của chè tươi, gác lại những chuẩn mực của văn hóa nơi mình sống và xác tín rằng bố mẹ đúng là "Ông bà bô (hay Ông bà...Khốt) thật"

Thì ngay ở những làng quê đấy thôi, đường bê tông bụi mù, thi thoảng tô điểm mấy bãi phân trâu chứ đâu có sạch như nền đá hoa hay thảm đỏ gì?. Ấy thế mà các đám cưới cũng phải làm sao cho "giống thành phố", ít nhất là trang phục. Bởi vậy váy cưới của cô dâu đôi khi lại tiện hơn cái chổi của chị lao công rất nhiều.

Ấy là ở tầm "dân", còn ở tầm "quan", chả cần phải để ý nhiều cũng thấy tại bất cứ cuộc họp hay đại hội nào, bàn về cái gì, kết quả thực tế ra sao thì cái câu "Thành công tốt đẹp" lúc nào cũng nhăm nhe mai phục ở trên miệng các ông... Còn tại cơ quan thì "Cái thằng X ở bên Y nó lại sắm xe bạc tỉ cơ à? Thôi! Đó là xu thế rồi, mình nghèo hơn nhưng cũng phải có cái tám trăm cho nó sang...."

(...)

Ông bố đi họp về nói với đứa con trai "Mày đừng chơi bời gì với con bé ấy! Nó xấu tính lắm đấy!". Thằng bé nghe lời bố đi lu loa trong đám bạn là "Con bé ấy xấu tính lắm đấy!".. Thế là đám bạn chẳng cần biết nếp tẻ gì cũng cứ a dua mà nghĩ theo như vậy. Cái tâm lý của lũ "vẹt" này có thể thông cảm được vì chúng là con nít.

Những ví dụ vừa kể chắc chưa phải là điển hình nhưng cứ từ đó mà liên hệ ra chắc sẽ thấy chung quanh ta đầy rẫy sự a dua

Chán quá, định viết một bài cho ra hồn để tự khen suy nghĩ của mình mạch lạc, mà rồi đọc lại thấy quá thể rời rạc. Định nặn thêm chút keo nữa để gắn kết nó lại cho toàn vẹn mà thấy thằng em bên cạnh ngủ khì từ lâu rồi. Thôi thì đành a dua theo nó vậy.

Trần Anh Tuấn

Phạm Ngọc Lân - (vào lúc: 20:11 - 11-01-2010)
Giá như Vũ Trọng Phụng còn sống, viết thêm " Số đỏ thời hiện đại" thì hay biết mấy. 

Phamngochien.com - 10:18 - 26/10/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận