Lỗi hẹn quê hương (Phạm Thị Dung - SV ĐH Văn Hiến)

Nơi có những con đường đất đỏ hoà chan màu của nắng, màu của sự vất vả.

Nơi có dòng sông Sê San và Pô Kô sống mãi với thời gian.

Nơi có những trang sử hào hùng, những dòng nhật ký không lời mãi đọng trong tâm khảo của những người con bản xứ.

Nơi có những ngàn thông nghi ngút gió mòn mỏi vươn lên đón đợi ánh mặt trời.

Nơi...của những giấc mơ xanh thẳm như những triền núi ngút ngàn, nơi của những khát khao vang dội, nơi của những tình cảm chứa chan, nồng nàn như hạt thóc, của những tiếng gà gáy sáng, của những tiếng thác rú gầm, của những điệu xoang rộn ràng bập bùng bên nhà rông rộn lửa, của những đôi trai gái yêu nhau dập dìu ven suối hát khúc tình ca.

Và...

Nơi của dáng mẹ gầy tần tảo sớm hôm, nhấp nhô như  những ngọn đồi, ngọn núi  của bản, xanh xao, vàng vọt...

Nơi của nấm mồ cha đã ngã xuống để bảo vệ xóm làng.

Và nơi của tuổi thơ tôi!

Xa quê rồi tôi mới thấm thía biết bao tình thương và nỗi nhớ, nỗi nhớ như con suối của quê hương chảy tràn tiềm thức của tôi, sự xa lạ của chốn thị thành khiến trái tim tôi lạc nhịp, chao ôi, "quê hương ơi sao mà thương đến thế". Tôi nhớ...

Tôi nhớ tình làng nghĩa xóm, nhớ bát canh rau rừng, nhớ trái khổ qua đắng, nhớ quả cà nhà. Tôi nhớ người cha chưa một lần được gặp mặt, tôi nhớ mẹ, hơn ai hết tôi hiểu những nếp nhăn hằn sâu trên trán mẹ, những suy tư trầm lắng lúc đêm về, tôi biết thế ấy vậy mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể làm gì hơn thế!

Bao năm trôi chảy, lăn lộn giữa dòng đời đầy bom chen và cạm bẫy, tôi đã tập đánh vần nơi xa lạ ấy là quê hương và kiên trì vượt qua tất cả những khó khăn vất vả chốn lạ dòng.

Sống xa quê như thuyền neo lạc bến

Giữa dòng đời đành chịu đục trong

Thế rồi tôi đã tập mình đánh đổi và cố gắng nỗ lực.Và điều ước đã trở thành hiện thực. tôi đã trưởng thành và từ chối nhận lời mời về quê hương công tác, tôi sợ cái nghèo, cái khổ đã vá víu lấy dân quê tôi từ bao đời nay, hằn lên đôi vai cơ cực của mẹ tôi và cả tuổi thơ tôi nữa.

Tôi đã lập gia đình với một công tử chốn thị thành và gia đình chồng đã xin cho tôi được ở lại Tp công tác. Bao mùa xuân nở rồi tàn tôi cứ lần nữa lỗi hẹn trở về quê thăm mẹ, tôi sợ nhìn thấy cái khổ, cái nghèo mà tôi đã chối bỏ và cũng là để cho toà án lương tâm trong tôi không có dịp để lên tiếng, tôi chốn chạy chính mình và những phút giây nẻo nhớ ùa về, dáng quê gầy và đôi mắt mỏi mòn chờ trông của mẹ.

Thế rồi tôi cũng không thể né tránh mãi được. Vào một buổi sáng chủ nhật, vợ chồng tôi và hai con đang đi chơi ở công viên thì nhận được một cuộc điện thoại từ nhà, tôi  bắt máy giọng mẹ từ đầu dây bên kia vọng lại, vẫn cái chất giọng đặc sệt của quê, của cái vất vả đã thấm sâu vào cả trong từng hơi thở, lời nói: "mẹ thấy hơi khó ở trong người, mẹ nhớ con lắm, về với mẹ nghe con"

  Đầu tôi bắt đầu quay cuồng,  chống chếnh, tôi quá hiểu mẹ mà, chắc hẳn mẹ phải bệnh nặng lắm mới gọi tôi về. Hình ảnh của người mẹ đáng thương của tôi dần dần hiện ra trong đầu tôi với những thước phim thật buồn, thật chậm. Tôi đã cùng hai con lên đường về quê.

   Qua những con đường ngang dọc xe cộ ồn ào, những miền đất, những phu phố, xóm nhỏ, những con đường vừa quen vừa lạ hiện ra từ xa đến gần, lòng tôi vộn về biết bao cảm xúc và những kỷ niệm đan xen. Đây, chính là ngôi trường mà tôi đã phải đạp chiếc xe cọc cạch đi học cấp III đến vẹo cả sương sườn. Đây là con suối đã tắm mát tuổi thơ tôi. A, đúng rồi vẫn đây  những rặng tre qua lối nhỏ về nhà nhưng hình như nó đã già hơn nhiều và không còn thơ mộng như  cái ngày xưa nơi ấy mà giờ đây tôi đã gọi nó bằng cái tên kỷ niệm....Rồi một ngôi nhà nhỏ hiện ra trước mặt tôi, vẫn y nguyên như thuở nào, chỉ có cái vách đất bên phải hình như không thể bám trụ được với thời gian nên đã được thay thế bằng mấy tấm ván mỏng ọp ẹp, mấy viên ngói cũ đã ngả màu vàng đen, lớp lớp rêu phong, tôi chạy ùa vào nhà như mỗi lần tan học trở về chờ đợi một mâm cơm với mấy bát canh rau đắng với mấy trái cà, với tôi ngày ấy đã là thịnh soạn lắm, cất to tiếng gọi Mẹ ơi!

  Đáp lại tiếng gọi của tôi là một giọng run run, yếu ớt : 'Lúa đã về rồi hả con" phát ra từ cái phòng nhỏ mà ngày trước đã từng là của tôi. Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe cái tên ấy, tự nhiên tôi thấy thân thương đến lạ. Tuy nghèo nhưng thật ra tôi vẫn còn sướng gấp mấy lần tụi con Béo, Con Ty, thằng Tèo, nhà nó đông anh em, áo cũng không có mặc. Mẹ chỉ có mình tôi nên tôi được hưởng một mình một phòng( dù là cái phòng rất bé và nghèo nàn), tôi lại còn được đi học nữa,ngày ấy xóm của tôi có mình tôi được đi cấp III à, mẹ tôi lấy làm hãnh diện lắm nói với bà con rằng dù khổ ráng cho con Lúa đi  học, sau này làm kỹ sư về gúp bà con mình làm giàu. Tôi chạy thật nhanh về phía mẹ, hai đứa con tôi cũng lẽ đẽo theo sau.

  Vén cái màn gió cũ kỹ ra tôi thấy mẹ đang nằm mệt mỏi trên chiếc giường cũ nát, tóc mẹ đã bạc trắng cả đầu, những nếp nhăn khắc khổ chồng chéo lên nhau, môi mẹ run run long lanh những giọt lệ ứa. Tôi bật khóc!

  Đã mười mấy năm trôi qua rồi còn gì, từ ngày tôi xa quê đi học, đến giờ tôi mới được trở lại quê hương, gặp lại mẹ. Cả cái ngày tôi lên xe hoa về nhà chồng cũng không được mẹ cầm tay chúc phúc, hồi đó mẹ không xuống thành phố dự đám cưới tôi vì mẹ nói, con được làm dâu nhà giàu mẹ cũng mừng cho con rồi con cái sau này cũng đỡ khổ, mẹ không xuống được tận nơi chúc mừng cho con vì nhà người ta giàu có, sang trọng, sự xuất hiện của mẹ chỉ càng làm cho con thêm xấu hổ với gia đình nhà chồng và bạn bè, thôi thì ráng chừng nào thu xếp công việc rảnh về thăm mẹ, bà con làng xóm và quê hương nghe con. Thế mà ngày ấy tôi lại cho rằng mẹ nói thế là phải, tôi không dám phủ nhận tôi cũng đã sợ sự xuất hiện của mẹ sẽ làm cho tôi phải lúng túc và mất mặt trước bạn bè, bởi chính bản thân tôi, cái chất nhà quê đã thấm vào đến tận trong máu tôi cũng đã cố gắng gạn lọc để tập mình vững vàng bước đi trên thế giới thượng lưu, thậm chí ngay cả cái tên mẹ thân thương đã gắn chặt với tôi cả hai mươi năm trời tôi cũng cho là quê mùa và đang tâm đánh đổi nó bằng một cái tên Như Ngọc vô hồn và xa lạ.Tôi bộn bề trong một đống công việc ở cơ quan với những ngày nghỉ ít ỏi, tôi vừa phải làm dâu, làm vợ và làm mẹ để rồi tôi lạc mất cả quê hương, lạc mất xóm làng và lạc mất đôi mắt chờ trông mỏi mòn của mẹ  Để rồi bây giờ đây, khi nhìn thấy dáng mẹ gầy, tóc mẹ bạc lòng tôi lại dậy sóng, mẹ tôi giờ chỉ còn mỗi mình tôi trên cuộc đời này. Môi mẹ tím tái, khuôn mặt hắt heo vì nghèo, vì khổ, vì bị bệnh tật giầy vò, tôi thấy mình khốn nạn quá, đã bao mùa xuân bến rồi đi qua đời mẹ, đã bao lần mình mẹ lủi thủi lặng lẽ đón giao thừa, tôi chợt nhớ lại câu thơ:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!

  Tôi đã sai rồi, tôi chỉ biết hàng tháng gửi tiền về đều đặn để phần nào mong chuộc lại lỗi lầm của mình nhưng tôi đâu có ngờ cái mẹ tôi cần đâu phải là điều đó,mẹ đã dùng toàn bộ số tiền mà tôi đã gửi chịu đói nghèo để ủng hộ xây dựng trường học cho quê hương để ngày càng có nhiều trẻ em được đến trường mà không phải oằn lương vẹo cả sương sườn như tôi để đạp xe tới lớp, dù không có tiền nhưng mẹ đã nuôi tôi chẳng để tôi phải thua thiệt bạn bè, dù không giàu có nhưng mẹ đã cho tôi ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ đã sống chung với cái nghèo, cái khổ thì dù giờ có nghèo, có khổ nữa thì mẹ có can gì. Mẹ chỉ cần được ở gần bên con cháu để an ủi tuổi già, sức mẹ giờ như lá mùa thu, như trái chín cây, tôi không cầm lòng được, hai bàn tay dường như siết chặt mẹ hơn,  dụi đầu vào lòng mẹ khóc tức tưởi, hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi sợ mất mẹ đến nao lòng, thầm nguyện chúa chở che đời mẹ, hãy đổ những tội lỗi lên đầu đứa con bất hiếu này, nếu mẹ không gọi điện thì bao giờ tôi mới chịu về, hay đến lúc tôi cảm thấy có thể rảnh rỗi để về thì chúa ơi, có lẽ mộ mẹ đã xanh rì nấm cỏ, tôi oà lên trong ngẹn ngào. Mẹ đưa đôi bàn tay gầy gò, chai sạm lên má tôi lau những giọt nước mắt nóng hổi đang tuôn trào, tôi thấy mắt mẹ rưng rưng  dường như đang nở một nụ cười hiền hậu,chưa bao giờ tôi lại cảm thấy được bình yên đến thế, tôi dắt bé Lệ, bé Tâm ra trước mặt mẹ nói: "đây là bà ngoại của các con, ra khoanh tay chào ngoại đi con" Hai đứa trẻ ngơ ngác, đây là lần đầu tiên nó gặp ngoại, ngoại giống như bà tiên trong chuyện cổ tích mà cô giáo vẫn thường hay kể, ngoại với mái tóc bạc và đôi mắt hiền từ, hai đứa chạy ra khoanh tay lễ phép chào rồi ngoại rồi ngả vào lòng ngoại. Ngoại ơi!

  Tình mẹ bao la như núi rừng Tây Nguyên lộng gió, trái tim mẹ nồng nàn mà ngay đến cả khi tôi đã là mẹ của hai con vẫn chưa thể hiểu hết chiều sâu.Tôi cảm thâý sung sướng ngập tràn, suýt nữa tôi đã đánh rơi mất một điều thiêng liêng và quan trọng nhất trong đời. Mẹ luôn yêu thương tôi rộn ràng, tha thứ, vòng tay mẹ luôn rộng mở đón đợi tôi trở về. Mẹ ơi, con đã lỗi hẹn với quê hương!

  PHẠM THỊ DUNG


Phamngochien.com - 16:44 - 24/04/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận