Lê Thị Kim - tình nhân của thơ và hoạ (Đặng Văn Sĩ)

Là một nhà khoa học có nhiều cống hiến cho đất nước, một doanh nhân thành đạt nhưng mấy thập kỉ qua công chúng lại biết tới Lê Thị Kim nhiều hơn trong vai trò một nhà thơ - một họa sĩ. Đến với nghệ thuật như một mối lương duyên và ngay từ "cái thủa ban đầu lưu luyến ấy" với thơ và họa, Lê Thị Kim như một tình nhân không có tuổi.

Chân dung nhà khoa học - một doanh nhân.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đó là nền tảng để Lê Thị Kim trở thành một nữ sinh xuất sắc của trường trung học Gia Long (nay là trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai). Vốn yêu thích những môn tự nhiên nên khi là sinh viên Lê Thị Kim đã chọn chuyên ngành hóa hữu cơ để theo học và rồi trở thành kĩ sư của Viện khoa học Việt Nam. Hơn hai mươi năm miệt mài nghiên cứu, Lê Thị Kim đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học nước nhà, huân chương hai mươi năm vì sự nghiệp khoa học mà nhà nước phong tặng cho chị là minh chứng rõ nét cho sự nghiệp vẻ vang ấy. Nhiều năm đã trôi qua nhưng những công trình về hóa học dầu mỏ mà Lê Thị Kim tìm tòi nghiên cứu vẫn còn nguyên giá trị và đang được ứng dụng rộng rãi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước nhà nói chung. Những thế hệ kĩ sư, nhà khoa học trẻ được chị hướng dẫn, đào tạo nay đã trưởng thành và đang có đóng góp nhất định ở nhiều vị trí công tác. Đó là thành quả mà Lê Thị Kim đã giày công vun trồng và xứng đáng được thừa hường trong cuộc đời làm khoa học của mình. Là một người nhạy bén, những năm gần đây, Lê Thị Kim chuyển qua ngành quản trị kinh doanh và đang là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực địa ốc. Gặp chúng tôi trong một chiều Sài Gòn đầy nắng, chị say sưa tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề. Trong phong thái của một người đàn bà đẹp, Lê Thị Kim luôn nồng nàn với tâm hồn của một người nghệ sĩ.

Từ cái duyên với thi ca...

"Thời là sinh viên chúng mình thường ở lại trường hay thư viện vào những buổi chiều để cùng nhau học tập. Nhưng có một lần bỗng nhiên vắng "bạn ấy" nên mình có một cảm giác xốn xang rất khó tả. Giàn hoa tím đằm thắm, rực rỡ hôm nào bỗng chẳng còn lung linh - như bạn ấy thường nói: như có mắt ai trong ấy kìa. Mình đã làm bài thơ đầu tay trong buổi chiều hoa tím lất phất mưa bay ấy". Lê Thị Kim đã đến với thơ ca như thế, đó là sự tình cờ mà cũng là cái duyên để chị trở thành một thi sĩ. Mấy thập kỉ qua người yêu thơ không thể nào quên những vần thơ nồng nàn của chị. Với những bài thơ như: Đừng nhìn em như thế; Khi tình yêu đến; Đóa quỳnh hư ảo; Sương bụi tình yêu; Nỗi nhớ sương đêm; Vòm me mùa hạ... Lê Thị Kim đã được công chúng yêu mến và gọi là thi sĩ của tình yêu và tuổi trẻ. So với những nhà thơ cùng thế hệ như Nguyễn Nhật Ánh, Trương Nam Hương, Đỗ Trung Quân... thơ của Lê Thị Kim vừa đằm thắm dịu dàng, lại vừa thể hiện sự mãnh liệt khao khát: Anh bây giờ xa quá / Bên bờ hoa em héo gầy / Anh bây giờ xa quá / Nửa vầng trăng khuyết trên tay...

Nhìn lại cả chặng đường thơ của Lê Thị Kim, cảm nhận chung của nhiều độc giả, nhiều bạn thơ đó chính là sự đằm thắm, nhân hậu và nồng nàn như chính người đàn bà trong chị. Lê Thị Kim yêu thơ như yêu chính sự sống của mình, với chị thơ là người bạn tâm giao, là điểm tựa để vượt qua những "khúc quanh" trong cuộc sống: Đôi cánh mày bé bỏng / Sao mang nổi bầu trời / Nhỡ mà kì giông bão / Núp đâu chuần kim ơi,...Tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ đó chính là đề tài muôn thủa cho thi ca kim cổ. Thơ của Lê Thị Kim cũng nằm trong mạch nguồn cảm hứng ấy, nhưng ở mỗi bài thơ chị lại chọn cho mình một cách thể hiện mới mẻ và độc đáo: Ai níu mùa xuân xuống / Cho tóc ta bồng bềnh / Lòng vẫn đầy khao khát / Tình yêu dường mưa xuân,...

Một điều đặc biệt nữa là thơ của Lê Thị Kim rất có duyên với âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ đã tìm thấy sự đồng điệu từ những bài thơ, những ý thơ của chị để từ đó viết nên những bài ca được nhiều người yêu thích. Trong số những bài thơ được phổ nhạc, đáng chú ý nhất phải kể tới bài Đừng nhìn em như thế, cho tới nay bài thơ này đã được năm nhạc sĩ phổ nhạc đó là Trương Tuyết Mai, Vũ Hoàng, Nguyễn Tôn Nghiêm, Dzoãn Bình, Quỳnh hợp. Mỗi nhạc sĩ đều có một cách kết hợp khác nhau với lời thơ của Lê Thị Kim nhưng tựu chung, khi những ca khúc này được cất lên, người nghe luôn cảm nhận được sự trong sáng thiết tha về một tình yêu buổi đầu còn e lệ mà thi sĩ đã khéo đưa vào trang thơ của mình. Ngoài ra còn có những bài như: Trên cánh sầu đông; Hư ảo tình ta; Vu vơ,... đã được Quốc Bảo, Nguyễn Hiệp, Phạm Trọng Cầu phổ rất thành công. Dù sáng tác với hình thức nào, thơ của Lê Thị Kim vẫn rất giàu nhạc tính, điều này khiến cho những bài thơ của chị không chỉ dễ dàng tìm thấy cuộc "hôn phối" với âm nhạc mà còn giúp độc giả dễ đọc, dễ thuộc và lưu lại những dư ba trong mình: Ta vẫn ru ta / Đóa quỳ cúc dại / Mùi hương một nửa / Tình yêu tràn về / Ta vẫn ru ta / Tháng ngày xưa cũ / Cội gốc đa già / Hằn in dấu nhớ...

Ngôn ngữ thơ của Lê Thị Kim gần với đời thường nhưng vẫn không kém phần tinh tế, có được điều này là nhờ sự vận dụng ngôn từ một cách linh hoạt và khéo léo. Nhiều câu thơ được kết hợp giữa những động từ mạnh với những tính từ chỉ mức độ nên câu thơ đầy hàm xúc và gây ấn tượng mạnh với người đọc: Hình như tôi chết sao còn thấy / Cánh buồm đỏ chói tận chân trời / Cánh buồm ôm giữ bao mộng ước / Băng nghìn trùng biển về cùng tôi / Hình như chim chết sao còn hót / Ngọn nến lung linh giữa giấc ngày / Thì ra khi chết tôi nhận biết / Tôi yêu người - kinh - khiếp dường nào...

Như thế, dù khai thác ở đề tài nào và dù hồn thơ có biến chuyển theo năm tháng nhưng Lê Thị Kim luôn biết ghi dấu ấn thơ của mình trong làng thi ca mấy chục năm qua. Hiện tại, dù cũng hòa chung vào nhịp sống hối hả của đời thường nhưng chị vẫn dành cho thơ ca một sự quan tâm đặc biệt và điều đáng quý hơn là Lê Thị kim vẫn đang là một nhân tố tích cực của đời sống thơ hôm nay.

Đến mối tình với hội họa

Trò chuyện với chúng tôi, Lê Thị Kim khẳng định ngay rằng, hội họa với chị chính là một mối tình. "Từ nhỏ Kim đã rất mê tranh và thích được vẽ tranh. Cha Kim cũng là một họa sĩ và chính ông đã truyền niềm đam mê ấy cho mình để rồi chẳng biết từ bao giờ, Kim đã coi hội họa là một phần cuộc sống của mình". Năm 1993, Lê Thị Kim đã có triển lãm tranh cho riêng mình và gây được sự chú ý của giới họa sĩ và đông đảo người yêu tranh. Tiếp nối những thành công, Lê Thị Kim tích cực tham gia nhiều hoạt động hội họa. Từ năm 1996 chị là hội viên Hội mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 1999 là chủ nhiệm Câu lạc bộ họa sĩ nữ Ngân Hà - một trong những nhóm họa sĩ sôi nổi nhất trong làng hội họa. Cho đến nay, Lê Thị Kim đã có rất nhiều triển lãm tranh cá nhân cả trong và ngoài nước, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc triển lãm gây tiếng vang lớn được tổ chức tại Mỹ năm 2002. Có thể nói, cùng với thơ thì hội họa cũng là con đường để đi vào cõi riêng trong tâm hồn Lê Thị Kim. Vốn trung thành với trường phái trừu tượng, màu sắc tranh của chị là tiếng nói trực tiếp trào tuôn từ thẳm sâu tâm hồn người nghệ sĩ để từ đó cuốn người xem tranh vào một thế giới suy tưởng thật kì diệu. Mảng đề tài về người thiếu nữ được Lê Thị Kim đặc biệt yêu thích, những bức tranh chị vẽ ở đề tài này được công chúng đánh giá cao. Phác họa hình ảnh người thiếu nữ trong tranh từ xưa đã gợi hứng cho nhiều họa sĩ. Ở Việt Nam, người yêu tranh từng say đắm với những bức họa của Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Cẩn...thì đến nay, Lê Thị Kim được coi là một trong những họa sĩ có tài năng để tiếp nối những danh họa ấy. Mặt khác, với tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ, Lê Thị Kim biết cách thổi vào tranh của mình những rung động từ cuộc sống. Nói về điều này chị chia sẻ: "Thơ và hội họa, cả hai đều giúp Kim trải lòng mình. Những con chữ và màu sắc, cái nào cũng lung linh huyền ảo, chúng luôn gợi cho Kim những tâm trạng nao lòng khi kề cận. Chúng không chỉ là những người bạn tâm giao mà nhiều khi còn là điểm tựa, là cứu cánh giúp Kim vượt thoát". Là một thi sĩ cầm cọ, lại là người phụ nữ đa cảm, qua mỗi tác phẩm tranh, Lê Thị Kim như muốn gửi gấm lòng mình. Nhiều người sưu tầm tranh của chị cũng bởi họ bắt gặp trong đó sự đồng điệu từ cách cảm, cách thể hiện của người nghệ sĩ.

Hội họa cũng góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi của Lê Thị Kim, có được thành công ấy không chỉ bởi chị đã có nhiều cuộc triển lãm mà quan trọng hơn, qua mỗi nét vẽ, mỗi gam màu, "người đàn bà đẹp" này đều gửi vào đó tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt. Mỗi bức tranh cũng chính là con người chị - hiền hòa, đằm thắm mà cũng đầy hoài niệm khát khao. Chia tay chúng tôi khi phố thị đã lên đèn, Lê Thị Kim không quên nói thêm về cuộc triển lãm tranh sắp tới. Với chúng tôi, đó không chỉ đơn giản là một lời nhắn gửi mà qua đó còn thấy một tinh thần hết mình vì nghệ thuật trong chị, thật đáng trân trọng biết bao!

 

 

 


Phamngochien.com - 09:14 - 18/12/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận