Làm gì để thu hút học sinh đến với nhóm ngành xã hội ? (Ths. Trương Thị Linh)

 

Hiện nay, có một thực trạng đáng lo ngại là ngày càng ít thí sinh đăng ký vào học các ngành khoa học xã hội. Quy mô đào tạo các ngành Văn, Sử, Địa, Triết... ngày càng hẹp dần, ở nhiều trường đại học địa phương, khoa Xã hội dường như không tuyển sinh được. Đứng trước tình hình đó, nhiều trường đại học có ngành xã hội, nhất là các trường dân lập, đang tăng cường nghiên cứu giải pháp để thu hút sinh viên đến với mình.

I.    Ngành khoa học xã hội thiếu sức hút

Những năm gần đây, số lượng thí sinh (TS) đăng ký dự thi vào nhóm ngành xã hội - nhân văn ngày càng giảm. Có thể thấy điều này ở một trường có uy tín chuyên đào tạo các ngành xã hội là trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Vào năm 2008 có tới 17.466 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường này nhưng đến năm 2010 chỉ còn 12.752 hồ sơ. Tỷ lệ chọi vì vậy cũng giảm, từ 6,26 (2008) xuống còn 4,55 (năm 2010). Điểm đầu vào của trường cũng giảm theo thời gian tới mức cận với điểm sàn. Năm 2010, trường có tới 16 ngành và chuyên ngành lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 ở mức 14. Điểm trung bình của TS dự thi vào trường cũng thấp nhất trong toàn ĐHQG TP.HCM: 12,45 điểm (năm 2009) và 12,25 (năm 2010). Thậm chí, nhiều ngành của trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể từ năm 2006 - 2010, ngành Triết học chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, ngành Thư viện thông tin chỉ duy nhất năm 2008 là tuyển đủ, ngành Ngữ văn Đức chỉ tuyển được 45 % chỉ tiêu vào năm 2009... Năm 2010, trường có tới 15 ngành có điểm chuẩn thấp hơn năm 2005.

Theo Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, năm 2010 chỉ có 5,2 % TS nộp hồ sơ vào khối C (trong khi đó khối A chiếm 55,4 %; khối D chiếm 21,5 % và khối B chiếm 13,4 %). Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo tại TP.HCM cũng cho biết năm 2010, tại đây nhận được hơn 24.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng trong đó có chưa tới 1.200 hồ sơ khối C (trong khi khối A là 14.000 hồ sơ, khối B và D1 mỗi khối hơn 4.000). Đặc biệt, số lượng hồ sơ riêng khối C giảm gần một nửa so với năm 2009.

Việc học sinh ít mặn mà với các môn khoa học xã hội đang là mối lo của nhiều nhà giáo và nhà khoa học. Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học KHXH & NV TP. HCM, PGS. TS Đoàn Lê Giang cho rằng: "Một xã hội muốn phát triển bền vững cần phải dựa vào khoa học công nghệ và văn hóa. Nói đến khoa học xã hội nhân văn là nói đến chính trị - xã hội, đạo đức nhân cách, tư tưởng và văn hóa của cả một dân tộc". Các môn khoa học xã hội không chỉ là nền tảng văn hóa xã hội mà cũng là những môn định hướng cho sự phát triển đất nước. "Các ngành xã hội nhân văn cần phải là những ngành phát triển đi đầu để định hướng xã hội. Nếu xem nhẹ và không có sự đầu tư  thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng" (PGS. TS Trần Thị Ngọc Lang - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ). Đây là một thực trạng đáng báo động vì trong tương lai gần, nước ta sẽ thiếu đi một lực lượng kiến tạo nền tảng văn hóa trên con đường hội nhập với thế giới. Kiến thức khoa học xã hội là rất cần thiết cho mỗi người trong môi trường cạnh tranh gay gắt như ngày nay. Vì vậy, việc nhiều học sinh xa rời các môn xã hội nhân văn không chỉ là nỗi lo của ngành giáo dục mà còn là cả xã hội.

II.    Điểm qua một vài lý do

Ở nhóm ngành tự nhiên - kỹ thuật, sinh viên mới ra trường thường có việc làm ngay, lương cao và có nhiều cơ hội thăng tiến. Ngược lại, sinh viên nhóm ngành khoa học xã hội ra trường khó có việc làm, lương thấp, cơ hội thăng tiến không cao. PGS. TS Trần Thị Ngọc Lang - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ cho biết: "Nhiều người có quan niệm không đúng về ngành nghề trong lĩnh vực này, như: học ra không có việc làm, thu nhập thấp... Thực ra, tôi lại thấy rằng trong xã hội, mọi lĩnh vực đều có nhu cầu nhân lực. Hơn nữa, nhiều người trong lĩnh vực này khi được đào tạo bài bản ra trường là có việc làm ngay, đúng ngành nghề đào tạo, với mức lương hấp dẫn...".

Trong xã hội thực dụng hiện nay, tồn tại quan niệm coi những trường đào tạo các ngành xã hội là đại học hạng hai cho dù đó là các trường đại học lớn, có uy tín, chất lượng đào tạo tốt. Người ta thường đánh giá cao các môn học "thời thượng" như kinh tế, ngân hàng, công nghệ, xây dựng... Nếu đi theo khoa học cơ bản thì chọn Toán, Lý, Hóa... Ít có sinh viên giỏi lựa chọn những ngành xã hội nên chất lượng đầu vào thấp, đầu ra không thể cao. Các môn xã hội từ bậc phổ thông đến đại học hầu như không có đủ "thương hiệu" để cuốn hút học sinh đến và sống cả đời với nó.   

Khi được hỏi tại sao không chọn học ngành Văn, nhiều học sinh trả lời không chút phân vân: "Do em không có năng khiếu văn chương". Nhiều người quan niệm, muốn học Văn tốt thì phải có cái khiếu "trời cho", và lấy lý do mình không có "năng khiếu" để bỏ rơi môn Văn ngay từ những năm học phổ thông. Hậu quả là năng lực cảm thụ tác phẩm nghệ thuật kém, viết câu cú không ra hồn. Ngoài ra, nhiều người còn đổ lỗi cho sách giáo khoa khô khan cứng nhắc, xa rời thực tế, giáo viên dạy không hấp dẫn làm học sinh không muốn học. Ở các môn Sử, Địa, Công dân, học sinh còn ngán hơn. Đó là những lý do cơ bản   vì sao học sinh thường thờ ơ với các môn xã hội.

III. Một số giải pháp

Đứng trước thực trạng trên, các trường ĐH, CĐ đã và đang có phương án chuyển dịch đào tạo theo hướng phân ngành cho sinh viên ngay trên giảng đường đại học. Muốn vậy, phải hiểu xã hội cần gì để định hướng cho người học, không đào tạo những gì mình có mà hãy đào tạo những gì xã hội cần. Để làm được điều này, phải có sự nghiên cứu sâu và rộng về nhu cầu xã hội. Trong khi đó, chúng ta vẫn rất mù mờ về nhu cầu xã hội. Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ công lập chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Ở các trường dân lập, có trường Đại học Văn Hiến từ nhiều năm nay đã chú ý nhiều đến nhu cầu xã hội. Khoa Ngữ văn của trường trước đây vốn đào tạo cho sinh viên theo mô hình cử nhân khoa học như ở trường ĐH Tổng hợp. Nay, đã tạo điều kiện cho sinh viên học thêm các chứng chỉ như: báo chí, xuất bản, văn phòng, sư phạm... Không chỉ học lý thuyết mà còn thực tập để sinh viên thông thạo công việc ngay sau khi ra trường. Bởi vậy, sinh viên ra trường không bỡ ngỡ trước cuộc sống đa dạng và có nhiều hướng lựa chọn nghề nghiệp cho đời mình.

Xã hội thay đổi từng ngày, trong khi giáo trình đào tạo sinh viên các ngành khoa học xã hội vẫn là giáo trình cũ, xuất bản cách đây mấy chục năm. Đây cũng có thể là một nguyên nhân nữa khiến sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu công việc của nhà tuyển dụng. Nhất là ở các khu công nghiệp có nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, sức ép công việc cao như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Không những thế, Đa số sinh viên đi học vì chỉ muốn có tấm bằng đại học nên khi học không có sự đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo dẫn đến thụ động trong việc kiếm tìm tri thức. Ngoài ra, nhà trường chỉ chú tâm đến việc truyền đạt tri thức mà không giúp sinh viên rèn luyện những kỹ năng quan trọng như giao tiếp, làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, kĩ năng thực hành nghề nghiệp... nên việc tìm việc trở nên khó khăn. Ngoài ra, các Trường cần phải liên kết chặt chẽ với các cơ quan, xí nghiệp, nơi sử dụng lao động, để có sự gắn kết chặt chẽ trong việc đào tạo người học theo nhu cầu xã hội. Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng: "Trường cần quảng bá hình ảnh với doanh nghiệp" để có thể bắt tay vào việc đào tạo. Vì những nơi này mới biết chính xác họ mong muốn điều gì nơi người lao động.

Và một vấn đề quan trọng nữa là cần phải thay đổi quan niệm về mục đích học ngành Ngữ văn. Trong xã hội công nghiệp hiện nay, học Văn không chỉ để đi dạy, để nghiên cứu hoặc ngâm nga thi phú như các cụ Hàn nho ngày xưa mà học Văn cũng phải góp phần vào công cuộc hiện đại hóa đất nước. Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngữ văn có thể làm ở các văn phòng, phụ trách truyền thông cho các công ty... Và cả sinh viên khoa Sử, Địa, Triết, Tâm lý, Xã hội học, Văn hóa học... cũng có thể làm nhiều công việc khác nhau chứ không nhất thiết phải làm đúng chuyên ngành. TS. Phạm Ngọc Hiền (ĐH Sài Gòn) quan niệm: "kiến thức học được ở trường đại học chỉ là nền tảng để ra đời làm nhiều việc khác nhau" (Ngành Ngữ văn thích nghi với xã hội - Báo Người Lao động, số 3 / 3 / 2011). Có quan niệm cởi mở như vậy mới tháo gỡ những lo lắng về việc làm cho sinh viên các ngành xã hội.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới, nhóm ngành xã hội đã đi qua thời vàng son của mình. Chúng ta cần nhận thức rõ điều đó để không phải nuôi tâm trạng hoài cổ giữa thời đại công nghệ thông tin. Điều đó không có nghĩa là không cần các môn khoa học xã hội nữa. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như nước Mỹ chẳng hạn, những năm đầu Đại học, sinh viên được học rất nhiều kiến thức khoa học xã hội. Họ quan niệm,"Việc đào tạo khối kiến thức về khoa học xã hội phải là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành" (TS Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐHQG TP.HCM). Nghĩa là các ngành xã hội không mất đi vai trò của mình nhưng cần phải thổi cho nó một sức sống mới để bắt kịp nhu cầu thời đại.

 

ThS. Trương Thị Linh (ĐH Thủ Dầu Một)

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Minh Tiến, Đào tạo theo nhu cầu xã hội được không?, Tuổi trẻ, 11/09/2007

2.   Hà Ánh, Ngành khoa học xã hội thiếu sức hút, Thanh niên online

09/01/2011;

3.  Phạm Ngọc Hiền, Ngành ngữ văn thích nghi với xã hội, Người lao động, 04/03/2011

4.  Lý Hà - Mai Minh, Đào tạo theo nhu cầu xã hội: "Người học phải biết tự giải cứu", VNEconomy online, 13/03/2011

 


Phamngochien.com - 19:53 - 16/03/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận