Kiểu nhân vật người điên trong văn học (Nguyễn Thị Kim Hồng - Đắc Lắc)

Trong văn học thế giới, kiểu nhân vật người điên là một hình tượng nghệ thuật đặc biệt và được nhiều nhà văn quan tâm xây dựng. Kiểu nhân vật này ta gặp trong các sáng tác của M. Cervantex, N. V. Gogol, Lỗ Tấn... Kiểu nhân vật người điên gợi cho người đọc rất nhiều suy nghĩ, liên tưởng về con người, về cuộc sống. Sự bất thường về tâm lí, tính cách, ngôn ngữ, hành động... của nhân vật người điên đã gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc cho độc giả mỗi khi tiếp xúc với tác phẩm. Những vấn đề xung quanh hình tượng nghệ thuật này là câu hỏi mà người viết luôn muốn tìm kiếm lời giải đáp.

Kiểu nhân vật người điên xuất hiện với tần số cao trong sáng tác văn học và mỗi nhân vật người điên có một biểu hiện khác nhau. Có nhân vật điên do bệnh lí, có nhân vật lại giả điên để che giấu con người thật của mình nhằm thực hiện mục đích nào đó.

Quen thuộc với độc giả nhất là kiểu nhân vật chấn thương tinh thần. Có thể khẳng định sự rối loạn tâm thần của nhân vật người điên thể hiện một chấn thương tinh thần nặng nề ngoài sự chịu đựng khiến nhân vật đang bình thường trở thành nhân vật người điên. Vở chèo Kim Nham cho ta thấy một mối tình đau khổ, không chung lí tưởng của nàng Xúy Vân và Kim Nham dẫn đến việc nàng giả điên rồi điên thật. Xúy Vân ao ước cảnh "chồng cày vợ cấy", ao ước ngày "chờ cho lúa chín bông vàng, để anh đi gặt để nàng mang cơm", nhưng Kim Nham lại theo lí tưởng của kẻ nho sinh. Chàng mải mê học hành thi cử mong đỗ đạt làm quan. Cưới vợ xong là Kim Nham ra Hà Nội "dùi mài kinh sử", bỏ Xúy Vân ở nhà mòn mỏi chờ đợi. Gã Trần Phương xui nàng giả điên để tìm cách thoát khỏi Kim Nham, hắn sẽ cưới nàng làm vợ. Xúy Vân nghe theo nhưng Trần Phương là gã nhà giàu sở khanh trở mặt. Tất cả đau khổ ngoài sức chịu đựng khiến Xúy Vân hóa điên dại.

Cũng mang vết thương tinh thần nhưng có nhân vật người điên do hậu quả của chiến tranh. Những mất mát, đau thương của người thân trong chiến tranh sẽ là vết dao cứa dày vò tâm hồn những người còn sống. Ta có thể thấy kiểu nhân vật này trong truyện ngắn Trận gió màu xanh rêu của Võ Thị Hảo. Đó là nhân vật người vợ đã hóa điên sau cái chết của người chồng trong chiến tranh. Sự mất mát quá lớn có thể gây ra những cú sốc tâm lí khiến nhân vật hóa điên.

Trong tiểu thuyết Vu khống của Lin-đa Lê, nhân vật Chệt khùng bị dòng họ đưa vào nhà thương điên vì nảy sinh mối tình sầu muộn, trái đạo với người em gái. Đây là kiểu nhân vật điên trong mắt của những nhân vật khác nhưng nhân vật biết rằng mình không điên và luôn muốn trốn tránh thế giới bên ngoài, một thế giới chất chứa những khổ đau, nơi có mối tình loạn luân tuyệt vọng, nơi có một gia đình với những thành viên vô tâm và tàn nhẫn khiến cho anh ta phải vào nhà thương điên mười năm trời. Qua sự xuất hiện của nhân vật này, tác giả đã thể hiện nỗi cô đơn và đau khổ của con người trong chính gia đình của mình.

Đến với văn học Anh, ta không thể quên vở bi kịch nổi tiếng Hamlet của W. Shakespear. Lermontov- nhà thơ Nga thế kỉ XIX rất chí lí khi ca ngợi rằng: "Nếu W. Shakespear vĩ đại thì đó là ở Hamlet". Ấn tượng với người đọc ở vở bi kịch này là nhân vật Hamlet với những suy tư, hoài nghi, bi quan. Việc tác giả để cho Hamlet giả điên là vừa nhằm che mắt kẻ thù vừa biểu thị thái độ tách mình ra khỏi xã hội tầm thường, xấu xa, trì trệ. Như vậy, Ham let xuất hiện với tư cách là một nhân vật giả điên, hành động và lời nói lúc mê, lúc tỉnh. Nguyên nhân khiến Ham let giả điên là nhân vật muốn đi tìm câu trả lời cho những suy tư trăn trở của chính mình. Tiếng nói của một nhân vật tỉnh táo đầy lí trí được tác giả bộc lộ thành công qua ngôn ngữ của một người điên.

         Ngoài ra, ta cũng không thể không nhắc đến Don Quijote trong tác phẩm Don Quijote- nhà quý tộc tài ba xứ Manche của M. Cervantex. Đây là nhân vật điên rồ hoang tưởng đầy hấp dẫn với độc giả Tây Ban Nha nói riêng và trên thế giới nói chung. Nguyên nhân gây nên cơn bệnh hoang tưởng của Don Quijote là do nhân vật đã ngốn quá nhiều sách kiếm hiệp. Chàng ham mê thứ tiểu thuyết độc hại ấy đến nỗi trở nên rồ dại, lú lẫn. Chàng quý tộc xứ Manche đã phát cuồng vì tư tưởng hiệp sĩ thấm sâu vào đầu óc. Tư tưởng hiệp sĩ thời Trung cổ còn rơi rớt lại trong xã hội Tây Ban Nha ngày ấy đã đầu độc con người Don Quijote khiến chàng hoang tưởng mình có thể trở thành một hiệp sĩ trứ danh. Việc Don Quijote trở nên điên rồ hoang tưởng xuất phát từ ý đồ phê phán, đả kích tiểu thuyết hiệp sĩ của M. Cervantex. M. Cervantex muốn lên án những tiểu thuyết kiếm hiệp rẻ tiền đầy rẫy lúc bấy giờ, chính loại tiểu thuyết này đã gieo rắc những ý nghĩ điên rồ trong những con người đắm chìm mù quáng tinh thần hiệp sĩ như Don Quijote.

 Đồng thời trong văn học còn xuất hiện kiểu nhân vật người điên mắc chứng vĩ cuồng. Tác phẩm tiêu biểu viết về kiểu người điên này là hai truyện ngắn Nhà tu hành vận đồ đen của Tsekhov và Nhật kí của một người điên của N. V. Gogol. Từ hai truyện ngắn này của N.V. Gogol và Tsekhov, một câu hỏi được đặt ra: xã hội Nga như thế nào mà lại sản sinh ra những người điên vĩ cuồng? Phải chăng xã hội đó quá tù đọng, trì trệ và tẻ nhạt? Con người phải nổi loạn để phá tan không khí nhàm chán trong xã hội và lên tiếng cảnh tỉnh mọi người đang bằng lòng với cuộc sống vô vị ấy. Những con người bất mãn như nhân vật Poprischin (Nhật kí của một người điên của N. V. Gogol), như Corvin (Nhà tu hành vận đồ đen của Tsekhov) muốn thoát ra khỏi sự quẩn quanh bế tắc mà không thể. Vì vậy nhân vật đã phát điên vĩ cuồng để tìm được cảm giác sung sướng tự hào về bản thân mình.

Bệnh vĩ cuồng của Poprischin là một cách nổi loạn tiêu biểu cho thấy sự đè nén nặng nề trong tâm lí nhân vật. Xã hội Nga đương thời là một xã hội đầy ngột ngạt bức bối bao vây thân phận những người nhỏ bé. Những câu nói của người điên là lời tố cáo mạnh mẽ và thể hiện thái độ căm ghét xã hội của nhà văn. Qua cái nhìn của nhân vật Poprischin ta thấy cả xã hội Nga đầy những xấu xa, trì trệ. Bộ máy nhà nước quan liêu, con người sống luồn cúi. Bệnh vĩ cuồng của Poprischin thể hiện thái độ muốn tách mình ra khỏi những xấu xa trì trệ. Nhà văn đã dùng ngôn ngữ của một người điên để phê phán, đả kích gay gắt những trì trệ của cơ quan hành chính nhà nước và cả xã hội Nga đương thời. Như vậy nhân vật người điên có đặc điểm chung là luôn chống lại hiện thực bằng thái độ phủ nhận trong điên loạn. Các nhà văn đã xây dựng nhân vật người điên với hành động phản kháng để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

Chúng ta còn tìm thấy trong kho tàng văn học thế giới nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về nhân vật người điên như: Truyện ngắn Nhật kí người điên của Lỗ Tấn với kiểu nhân vật người điên mắc chứng bức hại cuồng. Người điên trong truyện ngắn này đã chỉ rõ thực chất của cái gọi là "nhân nghĩa, đạo đức" phong kiến chỉ là mấy chữ ăn thịt người và mong muốn xóa bỏ những lí thuyết đạo đức trong xã hội. Theo Lỗ Tấn: Đừng hãm hại trẻ em bằng những học thuyết chữ Lễ, đừng "ăn thịt" các em thì sẽ có thể cải tạo, xây dựng xã hội tương lai tốt đẹp hơn. Nhà văn đã vận dụng những kiến thức y học vốn có cùng với tài năng văn chương sắc sảo để tạo nên một hình tượng độc đáo. Tác giả đã khéo léo thông qua lời kháng nghị của người điên để truyền lòng phẫn nộ đến với độc giả. Như vậy sự xuất hiện của nhân vật này trở thành một phương tiện để nhà văn nói lên tiếng nói phê phán của mình đối với xã hội.

Qua nhân vật người điên, tác giả có thể chuyển tải những suy tư của mình về cuộc đời, về những vấn đề của xã hội. Đồng thời từ cái nhìn của nhân vật người điên, người đọc có thể suy ngẫm, liên tưởng rất nhiều về cuộc đời mà đôi khi lí trí của những đầu óc tỉnh táo luôn tìm cách né tránh. Một con người tỉnh táo có thể sẽ khôn khéo hòa nhập vào xã hội xấu xa để tồn tại, nhưng người điên sẽ đứng ngoài những mưu toan tính toán tầm thường. Họ là những kẻ khờ không hề dối lòng, là những người ngây dại nhưng chân thật nhất nói lên tình trạng rối loạn của xã hội.

Ngoài ý nghĩa trên thì qua những chấn động tâm lí của nhân vật người điên, các nhà văn có thể mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Hiện thực không chỉ là thế giới đời thường mà còn là một thế giới đầy bí ẩn trong tâm thần rối loạn của người điên. Thế giới trong mắt người điên sẽ trở nên bất thường, bước vào thế giới ấy ta sẽ thấy u ám, bí ẩn và lo sợ. Đồng thời khám phá thế giới ấy sẽ làm xuất hiện những cảm xúc dồn dập khó tả. Sự hấp dẫn của văn chương khi miêu tả con người bình thường đã lôi cuốn rung cảm nghệ thuật lớn lao. Và khi miêu tả con người điên loạn, nhà văn còn tạo ra trong lòng độc giả nhiều cảm xúc ấn tượng hơn nữa về con người và cuộc đời. Khi tiếp xúc với nhân vật người điên, độc giả luôn có những xúc cảm thẩm mĩ rất đặc biệt. Nhân vật người điên với đặc tính tâm lí phức tạp có thể gợi cho người đọc liên tưởng đến những biến động mạnh mẽ trong tâm hồn con người.

Có thể nói những giây phút điên loạn của nhân vật người điên là lúc nhân vật đã thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức, không còn lí trí tỉnh táo nữa nhưng đó là khi nhân vật thể hiện chân thật nhất con người của mình. Những con người điên dại, ngẩn ngơ trong văn học giúp nhà văn mở rộng hiện thực sang ranh giới giữa ý thức và vô thức, chập chờn cõi điên và cõi tỉnh, xáo trộn lí trí và phi lí trí đầy bí ẩn mà một nhân vật tỉnh táo không thể dẫn độc giả bước đến ranh giới ấy được.

Kiểu nhân vật người điên xuất hiện thường xuyên trong nhiều tác phẩm văn học thế giới. Cảm hứng của các nhà văn về những con người điên loạn bất thường đã đóng góp cho nền văn học thế giới nhiều hình tượng người điên độc đáo. Đó là những con người bất thường về tâm lí, tính cách, lời nói, hành động... được nhà văn xây dựng cùng những biến cố lớn trong cuộc đời hay dưới những ảnh hưởng của môi trường sống nhằm phản ánh quan niệm nào đó của nhà văn về hiện thực. Nhân vật người điên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái hiện đời sống con người.

Chủ đề về nhân vật người điên là một chủ đề khá phổ biến trong văn chương. Từ Shakespeare đến N. V. Gogol, Tchekhov, Lỗ Tấn... Câu chuyện về những con người không bình thường này luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những nhà văn lớn. Sự quan tâm của nhiều nhà văn đến chủ đề này đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của kiểu nhân vật người điên đối với việc thể hiện những vấn đề trong cuộc sống con người. Các tác giả này tuy ở các thời đại khác nhau, không cùng chung quốc gia, dân tộc nhưng giữa họ lại có một sự gặp gỡ kì diệu trong cảm quan nghệ thuật là đã nhìn cuộc đời qua lăng kính của những con người điên loạn. Khi cảm nhận cuộc đời qua cái nhìn của nhân vật người điên, các nhà văn đã chuyển tải sự hỗn loạn của thế giới thực tại một cách chân thực nhất.

Nguyễn Thị Kim Hồng

(Đại học Tây Nguyên)

 


Phamngochien.com - 14:02 - 29/05/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận