KHÔNG GIAN "NGHIÊNG" TRONG THƠ HOÀNG CẦM (Huỳnh Phượng Lynh)

 "Ông nằm đó nghiêng nghiêng trên chiếc giường nhỏ, thân hình mỏng tanh, mái tóc như những sợi cước trắng xóa dài trên gối... ông nằm miên man đôi mắt đẹp chan chứa nỗi u sầu giờ hững hờ khép mở. Mặc cho ngoài kia cuộc sống đang ầm ào, gấp gáp và sôi sục, mặc cho thiên hạ dan díu nhau trong bể trầm luân của kiếp người..." [5]. Cả cuộc đời thơ của Hoàng Cầm đang dần khép lại như vậy đó! Nhà thơ "giờ một nửa là người của cõi thiên thu, của cõi phiêu bồng, một nửa còn lại vẫn còn vương vấn dan díu và duyên nợ với đời thực. Một nửa tỉnh dậy với những cuộc viếng thăm đột ngột, những nghĩa vụ và bổn phận với gia đình, cháu con. Còn lại là khoảng thời gian vô định, khoảng không gian bát ngát để cho tâm hồn thi sĩ của ông chấp chới tự do bay lượn" [5, 2]. Một con người được sinh ra để dành cho thơ, sống hết mình và gắn cả cuộc đời mình với thơ "Hoàng Cầm thuộc lớp người sinh ra để làm thơ, bởi vì trọn cả cuộc đời ông chung thủy với thơ và...không chịu làm việc gì khác! Ông cũng chẳng khác gì chàng nghệ sĩ dế mèn 'suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ' " [1,5].

Người ta thường ví von thơ là đời, là chính tâm hồn và khối óc của người xây dựng nên những vần thơ đó, mỗi thanh bằng - trắc đều gắn với tâm trạng, suy tư của nhà thơ. Hoàng Cầm cả cuộc đời mải mê chạy theo nàng thơ, lao theo những giấc mơ phiêu bồng không mệt mỏi và yêu chân thành như đúng nghĩa con người ông. Tâm hồn nhà thơ giờ đây chấp chớt giữa cõi mơ và thực, chênh vênh trong khoảng không gian riêng của mình, bình lặng với những giấc mơ từ xa xưa . . . chàng "Hoàng Tử lãng du" đã xây cho mình - cho đời những lâu đài thơ bất hủ ...! Nhìn lại sáu thập kỷ thơ Hoàng Cầm, ta thấy một gia tài khá đồ sộ, mỗi bài thơ là một chứng nhân cho tinh thần lao động hăng say, chân thành, không toan tính. Đâu đó, trong thơ Hoàng Cầm ta thấy thấp thoáng niềm khắc khoải, da diết khôn nguôi với đời, với thơ, ông không quan tâm đến "thế sự thăng trầm" chỉ cốt giữ cho mình tâm trong sáng ... thế cho nên đọc thơ Hoàng Cầm chúng ta như nhìn thấy cánh chim bằng chao nghiêng trong bầu trời thơ rộng mở và chan chứa tình người, một tay đua cừ khôi chạy đua với thời gian, lao theo tốc độ trên những vòng đua kiên trì và nhẫn nại, một ảo thuật gia với những tuyệt chiêu làm hấp dẫn người xem. Nhà thơ với một tâm hồn lãng du nghệ sĩ đã tự do bay lượn trong thế giới của riêng mình, tâm hồn hòa nhập vào thơ, chấp cho đôi cánh của thơ bay cao bay xa và trong cái nhìn cũng đầy lãng du ấy ta thấy không gian mà Hoàng Cầm lột tả cũng chao nghiêng, chênh vênh như chính tâm hồn mình...

Hơn nửa thế kỷ thơ đã trôi qua kể từ ngày mọi người biết đến cái tên Hoàng Cầm với dòng sông Đuống "nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" và cũng ngần ấy thời gian Hoàng Cầm đã gieo vào lòng người đọc những hạt mầm yêu thương và cả sự mới mẻ trong thơ. Hai từ "nghiêng nghiêng" đã sớm mang đến một cảm xúc khác lạ và làm tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu. Có thể nói, không gian trong thơ là một thế giới đa màu sắc mỗi người một vẻ mang đến những thi vị khác nhau không ai giống ai.

Chúng ta đã biết không gian nếu được định nghĩa theo từ nguyên thì nó là cái khoảng trống cần thiết để chúng ta sử dụng hoặc để tạo hóa đặt vào đấy điều kì diệu của tự nhiên. Tuy nhiên, không gian nghệ thuật lại cho chúng ta những liên tưởng khác, những cảm nhận khác. Từ thuở ấu thơ chúng ta đã được Bà, Mẹ đưa về không gian của thuở hồng hoang nào đó. Mà ở đấy, tâm hồn con trẻ tràn ngập niềm hạnh phúc lung linh, đắm chìm trong thế giới của hoàng tử Sọ Dừa, công chúa Lọ Lem hay nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. . . miên man theo từng làn điệu của ca dao dân ca, ở đó thường là không gian trần thế, đời thường và bình dị nhất! Tất cả đã cùng tạo nên trong tâm hồn mỗi người những kiến thức hoang sơ đầu tiên. Lớn lên một chút, chúng ta tiếp cận với không gian rộng hơn và cũng trừu tượng hơn. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết, văn xuôi là môi trường hoạt động của nhân vật, nơi diễn ra sự kiện, biến cố, hành động, nơi xảy ra nguyên nhân cũng như kết quả. Còn trong thơ, nơi để chủ thể trữ tình bộc lộ tư tưởng, tình cảm, quan điểm, ý định của mình là không gian nghệ thuật.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì không gian nghệ thuật chính là "hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chủ thể của nó, ... không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan của con người và nó có tính độc lập tương đối" [2, 160]. Giáo sư Trần Đình Sử lại cho rằng "hình tượng không gian được sáng tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật, nó được dùng làm phương tiện nghệ thuật để phản ánh đời sống, không gian nghệ thuật luôn mang cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh" [3, 50]. Trong mỗi thể loại, phạm vi diễn đạt cũng như hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác nhau thì không gian biểu hiện theo đặc trưng của thể tài. Không gian chính là tâm hồn nhà thơ.

Còn không gian "nghiêng" là loại không gian nghệ thuật được nhìn theo phương nghiêng, tâm hồn nhà thơ trải rộng theo mặt phẳng nghiêng, tất cả đều phiêu du, chênh vênh và chập chùng. Người nhìn ra phương ấy hẳn cũng có một tâm hồn phiêu bồng, lãng du và vô cùng nhạy cảm. Không gian bình thường có thể được miêu tả theo nhiều phương diện, khía cạnh, được nhìn theo nhiều kiểu, nhiều góc độ khác nhau. Thông thường không gian bình thường thể hiện cách nhìn, quan điểm, tư tưởng, tình cảm của tác giả một cách trực diện và thường theo trục thẳng.

Cái độc đáo của không gian "nghiêng" so với không gian bình thường là nó được sinh ra theo một cách nhìn, một quan điểm, cách rung động của trái tim mãnh liệt, chan chứ tình yêu với thơ và đời, thể hiện đẳng cấp trong cái nhìn sáng tạo vô cùng độc đáo, có thể xem đây là cú huýt, một ánh hào quang mới về quan niệm nghệ thuật của nhà thơ. "Rõ ràng không gian nghệ thuật là phương diện rất quan trọng của tư duy nghệ thuật, đánh dấu trình độ chiếm lĩnh của nhà thơ" [4, 180]. Hoàng Cầm hoàn toàn có thể được đánh giá như vậy. Tuy nhiên điểm chung của chúng là đều đi đến tận cùng tâm hồn nhà thơ, đều thể hiện niềm chất chứa, một hoài vọng, niềm tin nào đó và một tình yêu nồng nàn, rực cháy.

Hoàng Cầm chân thành lắm! Chân thành trong tất cả các thứ tình yêu. Và đó là lẽ dĩ nhiên để Hoàng Cầm trở thành nhà thơ tình xuất sắc. Hoàng Cầm gắn với suốt một phần lịch sử dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là đại diện tiêu biểu cho lớp thi sĩ trí thức thời bấy giờ ở cả thơ và đời. Hoàng Cầm đã cho chúng ta thấy một thực tế đó là trong tất cả các thứ tình cảm thì tình yêu dành cho quê hương đất nước là trên hết, là yếu tố quan trọng nhất cho mỗi cuộc đời.

Còn nhớ vào một đêm tháng 4 năm 1948, có người con của vùng Kinh Bắc xa xôi và cổ kính đã đau xót, căm giận tột cùng khi nghe tin quê hương bị giặc tàn phá nặng nề, niềm thương nhớ hòa cùng sự tiếc nuối những ngày tháng thanh bình, yên ả, những năm tháng tuổi thơ nô đùa trên dòng sông Đuống hiền hòa, uốn lượn bao quanh bến bờ, những bãi cát trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời đã tuôn trào những mạch thơ như dòng sông cuộn chảy... Dòng sông ấy đã gắn liền cả tuổi thơ Hoàng Cầm, nuôi dưỡng cho nhà thơ một tâm hồn trong sáng, hồn hậu và thủy chung. Trái tim nhân hậu đó đã rung lên như nức nở, như nghẹn ngào, như hòa chung hàng triệu triệu trái tim đồng bào trên mọi miền đất nước. Sông Đuống hiện lên vừa là nỗi đau, vừa là niềm tự hào và quan trọng hơn, nó đã được Hoàng Cầm thổi vào đấy phép nhiệm màu để trở thành một thực thể sinh động có linh hồn, có niềm vui, nỗi buồn, niềm trăn trở, băn khoăn, lo âu và đau cùng nỗi đau đất nước. Tư thế nằm nghiêng chỉ xảy ra khi chủ thể đang lo lắng, phải suy nghĩ nhiều về một vấn đề quan trọng:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.

                                                                                                  (Bên kia sông Đuống)

Con sông Đuống không những có hồn mà còn duyên dáng. Đây là dòng thơ đặc sắc, ấn tượng và hay nhất trong bài và có lẽ cũng là câu thơ hay nhất trong cuộc đời thơ Hoàng Cầm. Quả thật chỉ có Hoàng Cầm mới nhìn ra tư thế độc đáo đó của con sông. Ta còn thấy ở đó ẩn chứa chút gì hồn hậu, khép nép của một người con gái. Hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến con sông Đà của Nguyễn Tuân hay sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều được dựng lên bởi nhiều góc độ của điện ảnh, quân sự, hội họa, địa lý, văn hóa, nghệ thuật . . . Nhà nghiên cứu Phan Huy Dũng đã nhận xét về đặc sắc của dòng thơ này: "Thật khó nói hết những ấn tượng mà từ nghiêng nghiêng gợi nên trong một đoạn thơ rất giàu chất điện ảnh, thể hiện từ góc quay toàn cảnh đến nét đặc tả và thủ pháp xoay nghiêng ống kính theo một góc độ hẹp" [6, 94] Trong nhiếp ảnh, góc độ nghiêng thể hiện sự chông chênh nguy hiểm đó có khi là sự chao đảo của nhà thơ trước nỗi đau quá lớn! Tôi nghĩ rằng "nghiêng nghiêng" còn có thể không chỉ do con sông nằm nghiêng hay có linh hồn mà còn là cách nhìn của tác giả, thái độ nghiêng mình kính cẩn với quê hương, với con ngươi nơi đây.

Kinh Bắc là một đề tài chưa bao giờ cũ trong thơ Hoàng Cầm, nó gần như ăn sâu vào máu, vào tâm trí nhà thơ. Hoàng Cầm được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của những liền anh, liền chị, những lễ hội truyền thống và thấm nhuần qua lời ru của Mẹ - một liền chị thực thụ.Thế mới thấy, nhà thơ đã đặt cả tâm hồn, tình yêu của mình vào từng mạch thơ, câu chữ. Và đặc biệt trong bối cảnh nào cũng vậy, Hoàng Cầm luôn nhìn theo phương nghiêng rất riêng và đầy cá tính.

Bóp tay vỡ toác đốt tre ngà

Nghiêng mình thi lễ

Mắt trầm tư ngó vội khảo đài

                                                                                                    (Hội vật)

Đấy là tư thế chào của chàng võ sĩ đấu vật, một trong những bộ môn võ thuật cổ truyền của dân tộc, đó là nghi thức chào truyền thống trước mỗi trận đấu. Việt Nam vốn có truyền thống lễ nghi, những đạo lý ngàn đời, khoảnh khắc thiêng liêng trước mỗi trận đấu cũng thế: "Nghiêng mình thi lễ". Tư thế thể hiện lòng tôn kính ông Tổ nghề võ, tôn trọng đối thủ cũng như quá khứ oai hùng trong lịch sử.

Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu

Ngực yến phập phòng bưởi ngọt

Nhiều nho sĩ bút gài tai nghển ngó

Lòng run nghiêng thời vận Trình Chu

                                                                                                 (Hội vật)

Đến đây cuộc chiến giữa hai đô vật chắc hẳn đã đi vào hồi gay cấn. Lẽ thường, lễ hội sẽ thu hút tất các thành phần trong xã hội, từ nam thanh, nữ tú đến những bậc lão làng có uy tín rồi cả những nhà Nho quanh năm chắp bút múa rồng, tất cả hòa chung không khí vui tươi, rập rình của ngày hội.

Trong khung cảnh "thùng thùng trống chuyển nhịp tơi bời", những tiếng hò reo huyên náo xung quanh, những thế võ tuyệt chiêu được tung ra như "Bạch hầu đoạt trái", "hồng hạc tề phi" tựa những chú sư tử oai phong lẫm liệt, xung quanh mọi người tưởng chừng như cũng nghiêng ngửa theo từng động tác, từng bước chân di chuyển, từng đòn thủ, tấn công của hai đô vật. Các nhà Nho cũng nhập vào không khí ấy nhưng lại run và ví trận đấu võ ấy như những cuộc khởi nghĩa đầy anh dũng, những biến cố chính trị thời Tam Quốc cùng hình ảnh của Trình Giảo Kim, Chu Nguyên Chương. Ở đây, chúng ta bắt gặp từ "nghiêng" rất trừu tượng, đó là sự nghiêng ngã theo đám đông, chao nghiêng theo tâm trạng hồi hộp hay phải chăng đó là lát cắt của thời gian nghiêng về quá khứ! Đấy cũng có thể là sự so sánh, ví von của tác giả với những cuộc chiến lẫn trong bụi mù mịt thời Trình Chu.

Trong mùa lễ hội, ngoài đấu vật thì hội thi đánh đu cũng không kém phần hấp dẫn:

Luồn tay ôm say giấc bay lay đỉnh núi

Tuột hàng khuy lơi yếm, tóc buông mành

Đùi chảy búp dài thon nhún vội

Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh

                                                                                                     (Thi đánh đu)

Khi đánh đu hai người nam - nữ sẽ đứng lên một cái đu treo giữa hai trụ lớn đóng chắc chắn xuống sân hội, tốc độ một lần đánh đu là rất nhanh, đu bay cao và tạo cảm giác nín thở "bàng hoàng", mọi vật xung quanh lướt qua như trong đoạn phim quay nhanh không rõ hình. Đu đánh theo một chu kì nhất định, lên cao rồi hạ thấp rồi lại vèo lên cao giống như chuyển động của con lắc đơn với gia tốc cực đại. Người đứng trên đu sẽ tuân theo nhịp đẩy của đu và mỗi lần đu lên cao là thân người lại nghiêng so với mặt đất, mặt ngửa lên trời hoặc bầu trời được nhìn qua kẽ mắt chao liệng và cứ thế cho đến khi nào kết thúc.

Nhắc đến Kinh Bắc là nhắc đến cội nguồn của quan họ, như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, đặc biệt là nhân dân lao động. Để nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị của quan họ không phải ai cũng đạt được và cũng không phải ai cũng chấp nhận những đôi trai gái đêm đêm hát đối với nhau, đặc biệt là những người mang nặng tư tưởng Nho gia "nằm xuống gối đầu lên chồng sách cũ" như ông "Lão làng tiên chỉ" của Hoàng Cầm:

Đêm đêm lão thu hình trong cửa

Nghiêng ngó ra ngoài đồng

Cụ ông nghiêng tai lắng nghe động tĩnh của một đêm sắp bắt đầu, động tác "nghiêng" ở đây thể hiện một hành động không mấy thiện cảm, chứng tỏ chủ thể của hành động đang chất chứa những tình cảm không hài lòng. Cụ bất bình khi trai gái cứ đêm đêm hẹn hò nhau, đứng trên bình diện của cụ thì cụ đúng, còn xét phía thế hệ trẻ thì quan điểm đó có hơi khắc khe vì quan họ là loại hình nghệ thuật lành mạnh.

Như lúc đầu đã nói, Hoàng Cầm là một nhà thơ tình xuất sắc. Thơ tình của ông không gào thét, điên cuồng, vật vã như Hàn Mặc Tử, cũng không rạo rực và khao khát như Xuân Diệu. Thơ tình của Hoàng Cầm thanh thoát, nhẹ nhàng, phiêu lãng, bồng bềnh và có chút gì đó trớ trêu. Tình yêu đến với Hoàng Cầm khá sớm, từ thuở 12 nhà thơ của chúng ta đã yêu chị Vinh lúc đấy đã 20 tuổi. Nhưng nào có thể! Đó là nỗi buồn đầu tiên của một tâm hồn nhạy cảm để rồi hơn 50 năm sau nỗi đau lớn đến với Hoàng Cầm - một nỗi đau thật sự khi người vợ trăm năm của ông ra đi vĩnh viễn . . . Cái trớ trêu, đa đoan của cuộc đời ông là tất cả những người phụ nữ từ chị Vinh, rồi Tuyết Khanh, đến người vợ hiền tay ấp má kề và sau này là cô Ninh đều mỗi người một kiểu lần lượt rời khỏi cuộc đời ông... Cộng hưởng với cách thức làm thơ của Hoàng Cầm cũng không giống người bình thường, mỗi lần như thế là y như rằng nhà thơ lại nghe một tiếng phụ nữ thanh thoát như vọng từ tiền kiếp đọc lên những dòng thơ và nhà thơ chép lại, tất cả đã cùng tạo nên hồn thơ Hoàng Cầm. Nhìn vào thơ Hoàng Cầm để thấy chặng đường tình của ông nó giống như một hành trình được sắp xếp của tạo hóa : tình ngây, tình si mê và tình xưa.

Trong thơ tình của Hoàng Cầm, ta bắt gặp nhiều hơn một chữ "nghiêng", rồi những từ khác âm nhưng cũng diễn tả trạng thái nghiêng, mọi thứ đều chênh vênh khó tả ...

Dường như cánh gió không bay

Lời ca không tắt

Rượu đầy không men

Dường như biết lại không quen

Một mình tôi

Một mình em

Lạ thường

Dường như trăng chếch cuối tường

Tiếng gà tiễn biệt đêm trường lặng im

                                                                                                      (Một mình)

Nỗi cô đơn thấm vào tâm hồn, mọi thứ xung quanh dường như vô nghĩa vì không sao khỏa lấp nỗi cô đơn đang giày vò nhà thơ. Một chút mơ hồ nửa thực, nửa mơ, nó như mờ ảo trong ánh trăng "chếch cuối tường". Từ "chếch" được sử dụng ở đây như một sự trượt dài của ánh trăng, trượt dài trên nỗi buồn và vô vị. Không gian ở đây gần như dừng lại ở phía cuối bức tường hòa trong "tiếng gà tiễn biệt" như một dấu chấm lặng chao nghiêng và đứt quãng. Giấc mơ lúc này có lẽ sẽ tốt hơn, đó là giấc mơ:

Đón chị hồn chênh lệch bóng đêm

Chân không dìu dặt cánh tay mềm

Tóc buông đổ thác về vô tận

Bát ngát mùa đương độ tuổi em

                                                                                                 (Chị em xanh)

Quả thật một nỗi nhớ rất ngây thơ, hình ảnh của chị mà ta biết là chị Vinh "vẫn cầm lá chị chiều Diêu Bông" hiện lên giữa màn đêm. Sự cô đơn của Hoàng Cầm trong ngày chị cưới thể hiện rất rõ bởi vì nhà thơ không thể gặp trực tiếp một con người bằng xương bằng thịt, chỉ mong đón được phần hồn của chị thôi. Câu hỏi rất ngây ngô : "Mau về mừng cưới ... (nhớ em không?)" có lẽ chị cũng nhớ nhung là nỗi nhớ với một người em! Chính vì thế mà Hoàng Cầm nhìn thấy "hồn chị chênh lệch bóng đêm " có chút gì đó mơ hồ không rõ ràng và thị giác gần như đánh lừa và thể hiện một nỗi nhớ quay quắt trong lòng nhà thơ.

Hoàng Cầm luôn luôn kiếm tìm một hình ảnh nào đó có đôi khi tuyệt vọng:

Em cầm được cõi mưa nhung

Mờ chênh gối chị đôi dòng vu vơ

Em chìm chưa? Chị nổi chưa?

Bỗng dưng hai đứa hai bờ tháng năm.

                                                                                                        (Gọi đôi)

Giống như anh chàng si tình bị mộng du vậy, vu vơ và bồng bềnh giữa hư không. Một khoảnh khắc thoáng qua để rồi vụt tắc và chợt nhận ra "hai đứa hai bờ tháng năm", khoảng cách xa cho cả không gian và thời gian.

Nếu "Bên kia sông Đuống" ta bắt gặp những tiếng "chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu" thì ở đây lại xuất hiện tiếng chuông như một niềm hoài tưởng về quá khứ:

Chuông sớm có nghiêng về mộng cũ

Nhường em vướng tóc sợi mây xa?

Bàn tay chấp cánh chừng nguôi nhớ

Sao buộc làng hương thoảng lướt qua?

                                                                                                      (Chùa Hương)

Tiếng chuông hòa quyện trong làn khói hương mờ tỏa như làm nền cho nỗi khắc khoải trông về "mộng cũ", một ánh nhìn nghiêng nghiêng theo chiều dài của thời gian, lướt qua nhanh như làn khói hương và như những cuộc tình mà Hoàng Cầm đã trải...

Đã hẳn em về xa mê tâm linh

Sao còn đứng nghiêng khói thiêng vươn mình

Đã hẳn em lên thượng tầng khinh thanh

Sao còn rưng rưng cỏ mồ bình minh.

                                                                                                   (Nén linh hương)

Những giọt nước mắt "rưng rưng" trước ngôi mồ đã bắt đầu xanh cỏ của người vợ thân yêu, đây phải chăng là một sự thật? "Sao còn đứng nghiêng khói thiêng vươn mình", nhà thơ không dám nhìn thẳng vào thực tại, không dám tin là mình mất vợ vì...đó là nỗi đau quá lớn khó gì bù đắp được! Chỉ biết "đứng nghiêng" lắng nghe hồn mình đang run lên những cung bậc của nỗi đau không thốt thành lời. Nỗi đau như trải rộng ra cùng trời đất, cảnh vật xung quanh cũng hòa cùng nỗi sầu của nhà thơ.

Cuộc sống đâu còn mùa xuân khi bên mình vắng bóng những người thân yêu nhất, Hoàng Cầm cũng không ngoại lệ. Ngày xưa, khi mùa xuân đến niềm vui như "Đậu chênh vênh bến mi dài rợp xanh"(Khi mùa xuân đến) trong mắt em. Còn bây giờ mùa xuân trong mắt anh không còn trông thấy bóng em... "Bên này" là anh còn đang tận hưởng cuộc sống trần gian, "bên kia" là bến bờ nơi em đến, mang màu trắng của khăn tang  "nhập nhòa khói sương". Trong cuộc sống không có gì là tuyệt đối cả, tất cả đều chông chênh và sẽ trồi khỏi tay ta bất cứ lúc nào, ngay cả mùa xuân cũng chỉ đến "đậu chênh vênh" trên "bến mi" rồi cũng vội vàng căng buồm đi xa...

Em đi một loáng trăm năm

Nơi đâu em ngủ tôi nằm lênh đênh

Đầu nghiêng gối nặng tay mình

Chợt run mắc áo dáng hình cheo leo

Về khuya mê bóng bóng theo

Nhìn chênh thế kỷ bóng vèo qua mi.

                                                                                                        (Ngày giỗ)

Hoàng Cầm nằm đó, đầu nghiêng gối lên cánh tay của mình thấm thía nỗi cô đơn, trống trải trong ngày giỗ vợ. Nơi đó từng là nơi chứng kiến cuộc sống hạnh phúc mấy chục năm của Hoàng Cầm và cụ bà Lê Hoàng Yến, trong tâm tưởng người chồng thì hình bóng vợ vẫn còn lẫn khuất đâu đó trong không gian lênh đênh của nỗi nhớ. Tư thế nằm nghiêng của Hoàng Cầm bộc lộ trạng thái suy tư, sầu não, tâm trạng não nề trong đêm khuya, nhìn một phần thế kỷ trôi qua trong tư thế "nghiêng" thành thử ra nó cũng "chênh vênh" và cái bóng của quá khứ, chứa đựng cả bóng dáng vợ mình thoáng "vèo qua mi" không trở lại.

Dường như càng về sau, thơ tình Hoàng Cầm càng sâu lắng, chan chứa và cũng khó hiểu hơn. "Vào đường mê" và "Ngã ba sông" là một trong những bài như thế. Một cái gì phiêu du, lãng đãng, một cuộc đối thoại giữa hai bờ hư - thực :

Anh ơi! Anh ơi!

Dẫu còn lạc lối

Van nhau đi môi nồng

Đường mê Anh đắm tận cùng

Nữa mai Em chếch về cung riêng mình.

                                                                                                 (Vào đường mê)

Hay như cuộc dạo chơi nơi chốn trời nước bồng lai:

Vừa khi vuốt tóc nhìn chênh bến

Chợt lóe đài xanh ngất nước mây

                                                                                                    (Ngã ba sông)

Những bài thơ cuối cùng của "Hoàng tử lãng du" vẫn "Si tình đến ngất ngây" (Xuân Diệu), tâm hồn nhà thơ đã gần như hòa nhập cùng trời đất, trải ra trên một không gian rộng hơn, bao la hơn và cũng mơ hồ hơn đôi khi có cái gì đó ngộ nhận và ảo tưởng:

Tơ tưởng em đếm từng li sợi tóc

Có nhịp nhàng nhịp óng hỡi cơ duyên?

Chợt lắng nghe anh thấm em eo óc

Gà gáy rồi em chải tóc dáng chờ nghiêng

                                                                                                     (Tơ tưởng)

Rồi:

Vòng tay anh ôm trọn cõi riêng trần

Không phân vân cành li tan nghiêng ngó cửa

Vừa dựng trăng đã nồng nàn hoa sữa

Đi tận cùng trời trải lụa đón tê mê

                                                                                                       (Phương xa)

Cõi hư không như bao trùm tâm tư nhà thơ:

Tôi về nhặt lá đáy khe

Ném lên ao lặng mình nghe thật người

Thật anh dáng chếch lưng trời

Thật em dáng khóc dáng cười thật mê

                                                                                                   (Tu)

Phía cuối chân trời tượng trưng cho một dòng đời đã đi gần hết, bóng đã ngã về chiều nhưng đâu ai cấm được tâm hồn vẫn còn yêu ...

Có thể nói "Thơ tình của Hoàng Cầm phản ánh tình yêu si mê, đắm đuối nhưng người đọc dễ nhận ra tính chất đạo lý cổ truyền của người phương Đông thắm đượm trong từng câu thơ. Ở đó chữ THƯƠNG không bao giờ tách rời chữ YÊU, chữ CHUNG không bao giờ tách rời chữ THỦY, chữ TỬ không bao giờ tách rời chữ SINH" [1, 5]. Hoàng Cầm yêu nhiều nhưng đã yêu thì rất chân thành, yêu quê hương đất nước, yêu nét truyền thống của dân tộc và cả những tình yêu đời thường cũng vậy. Hoàng Cầm đã sống và cống hiến cho đời không mệt mỏi, giờ đây tuy nhà thơ không còn sáng tác được nữa nhưng những bài thơ của Người vẫn sống và ngày càng phát huy cái đẹp tiềm ẩn của mình, cũng như bản chất người tạo ra nó. Hoàng Cầm đã nói : "...Cuộc sống của ta như người bị thời gian và cuộc đời lãng quên rồi" [5, 1]. Nhưng những vần thơ của Hoàng Cầm luôn là cú huýt tác động vào tâm hồn người đọc, cứa vào da chúng ta những vết hằn in đậm theo thời gian, để những ai đã - đang - sẽ tiếp cận Hoàng Cầm đều có chung một cảm nhận : Hoàng Cầm tuyệt vời hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ! Tác giả của câu thơ nổi tiếng về sông Đuống, giờ đây, cũng như nó "nằm nghiêng nghiêng". Chỉ khác là sông  "nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" còn ông nằm đây để đếm từng bước thời gian trôi, nhìn lại chặng đường đời đã qua và bay lượn trong những giấc mơ phiêu bồng ...

 

HUỲNH PHƯỢNG LYNH

(Lớp 07 Ngữ văn - ĐH Văn Hiến)

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Thi ca Việt Nam chọn lọc (2002), Thơ Hoàng Cầm, Nxb Đồng Nai.

2.     Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, H.

3.     Trần Đình Sử (1993), Giáo trình thi pháp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường ĐHSP TP. HCM.

4.     Trần Đình Sử (1989), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, H.

5.     Bình Như, Hoàng Cầm - Hoàng tử lãng du, nguồn : google.com/anninhthegioi.

6.     Nguyễn Xuân Lạc (biên soạn) (2004), Hoàng Cầm và giai điệu thơ Kinh Bắc, Nxb Trẻ, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM.

 

 


Phamngochien.com - 21:56 - 11/05/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận