Kết cấu vẫy gọi trong Nhịp điệu Châu thổ mới của Nguyễn Quang Thiều

                                         TS. Mai Thị Liên Giang - ĐH Quảng Bình

 

Đừng hỏi Nguyễn Quang Thiều là ai, ở đâu. Chúng ta chỉ cần biết anh là người đồng hành với quá trình nổi loạn ngôn từ từ những tập thơ Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người lính của làng (1994), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999)... cùng nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi, tiểu luận, kịch bản được dựng thành phim; nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại nước ngoài.


Theo các nhà mỹ học tiếp nhận thì tác phẩm văn học thực sự phải thường trực trong nó một kết cấu vẫy gọi (Wolfgang Iser). Đó là biểu hiện của những điểm trắng, những khoảng lặng, những điểm chưa nói hết, lập lờ, nhiều bè, nhiều tầng bậc, tình tiết.Chính những điểm trắng ấy sẽ vừa làm nhiệm vụ kén chọn người đọc, tầm đọc, lại vừa kích thích người đọc sử dụng trí tưởng tượng của mình để lấp đầy văn bản, biến những văn bản ngôn từ trở thành tác phẩm văn học. Nói như Wolfgang Iser thì văn bản vừa phải đáp ứng sự quen thuộc của người đọc, vừa phải phủ định nó để kích thích người đọc tìm hiểu, khám phá.Thơ Nguyễn Quang Thiều đã chứa đựng những dự phóng, một số kiến tạo trước như thể nhà thơ đã từng có mong đợi về một thế hệ người đọc với tầm đọc mới. Nói theo ngôn ngữ tiếp nhận trong hội họa thì "nhị sắc" trong bức tranh Nhịp điệu châu thổ mới đã tỏa sáng.

1. Đảo ngữ và tỉnh lược

Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ tuân thủ các nguyên tắc ngôn ngữ trong giao tiếp, trong sáng tạo. Tuy nhiên, đối với các nhà thơ, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc truyền thống, họ còn biết phá vỡ, đảo lộn trật tự ngôn từ để vừa làm ổn định các nguyên tắc truyền thống, vừa phát triển ngôn ngữ.

Từ Ngôi nhà 17 tuổi đến Nhịp điệu châu thổ mới, Nguyễn Quang Thiều đã biết nói không với cái đã biết. Trong Nhịp điệu châu thổ mới, nhiều cấu trúc câu tiếng Việt được đảo ngữ từ cấu trúc C (chủ ngữ) - V (vị ngữ) đến V - C như:Dâng ngập/ những mái nhà, những vòm cây, những đỉnh núi u trầm; Mọc lên/ cánh đồng xanh phía thì thào cháy họng; Khởi xướng từ xứ sở bóng tối đang lan tỏa/ những tiếng không phải tiếng; Dựng lên/tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa;...Cách viết này tưởng như đơn giản chỉ là việc đưa vị ngữ câu lên trước là xong. Nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng tự làm đứt gãy tư duy của mình. Để làm được điều này, nhà thơ phải biết vận dụng các kỹ xảo lắp ghép, biết chơi với ngôn từ một cách tự nhiên như thể máu của họ được tạo bằng ngôn từ. Kỹ thuật đảo ngữ được kết hợp rất rõ với phép tỉnh lược. Chẳng hạn, mở đầu chương IV, Nguyễn Quang Thiều đưa ra vấn đề chung là "Những người đàn bà của làng đồng phục màu nâu/ Đến quanh Người Nông Dân/ Những cái cây mảnh mai, xào xạc/ Tóc họ chói sáng, tung những tia nắng vô tận/ Mắt họ mở một vũ trụ tối đến trong vắt và sáng đến u huyền". Nếu theo trật tự thông thường, vấn đề nêu ra phải được giải thích ngay sau đó, nhưng để tạo nên khoảnh khắc hồi hộp, hấp dẫn của hình tượng thơ, Nguyễn Quang Thiều giới thiệu 05 đối thoại làm minh chứng. Đó là 03 đối thoại: - Xin chào người - (tỉnh lược chủ ngữ) và 02 đối thoại: - Chúng ta sinh ra, chỉ có sinh ra (tỉnh lược lời dẫn trực tiếp).Sau đó, để luận giải điều này, tác giả liên kết chuỗi hình ảnh những chiếc áo mọc quanh chúng ta/ Đấy những lá của chúng ta/ Đấy hội họa, đấy kiến trúc - Những thẩm mỹ tội lỗi/ Đấy reo vang của vải, đấy bệnh câm của vải/ Đấy rũ rượi căng tràn. Đấy giản đơn tha thứ (tất cả những câu thơ này đều tỉnh lược chủ ngữ)...Nói chung trong Nhịp điệu châu thổ mới, kiểu tỉnh lược xuất hiện khá sinh động. Khi thì một loạt các câu lược vị ngữ, khi thì xuất hiện loạt câu lược chủ ngữ. Khi người đọc đã quen tư duy với hai dạng này, nôn nóng muốn đọc xong bài thơ để hiểu, để kết thúc, Nguyễn Quang Thiều lại dẫn dụ người đọc sang một lối rẽ mới, tỉnh lược nhiều thành phần. Kiểu kết cấu này được sử dụng triệt để từ chương I đến chương VI: Và hơn thế (chương 1); dựng lên.../ bời bời/ dâng lên/ ngân lên/ và lúc này (chương III); xin chào người/ sinh ra (Chương IV); Chỉ đi như một trụ cầu để đỡ lấy một giọng nói (chương V); Những vòng/ những quả đồi (chương VI).Nhưng đến chương VII, thủ pháp này được chuyển đổi bằng hình thức dùng vế câu nối bằng quan hệ từ kết hợp lạ hóa hình ảnh tự nhiên: Và giờ đây mọc lên một quả đồi mới, mọc lên một người bạn (Chương VII). Lại một con đường mới xuất hiện trong văn bản nên không thể bước tiếp cho xong việc.Tác giả như đồng hành cùng người đọc đi tìm châu thổ. Châu thổ ở đâu? Nhịp điệu châu thổ mới là trò chơi ngôn từ bí ẩn. Trong trò chơi ấy, người đọc như được tác giả tiếp sức: hãy cố lên, hãy chạy tiếp, châu thổ mới sắp xuất hiện trước mắt!Và người đọc cứ thế mải miết chạy, châu thổ mới hiện ra trước mắt rồi nhưng mãi chưa vào được. Do lối rẽ, do thủ tục, do giao tiếp, do âm tiết, do giới hạn thẩm mỹ, do áp đặt, do ngàn vạn sự phi lý,... Do một trật tự không ổn định của thế giới luôn song hành cùng chúng ta.Có hay không, ở đây, thủ pháp viết tiểu thuyết của Franz Kafka đã được tác giả đã vận dụng trong sáng tạo thơ? Việc cố tình tỉnh lược các thành phần câu là để buộc người đọc nỗ lực suy đoán.Bên cạnh đó, sự trúc trắc trong sử dụng âm tiết không vần vè, không đăng đối, sự cố tình tạo ra vẻ phong phú của kiểu cấu trúc câu thơ phần nào giúp người đọc cảm thấy sự cảm nhận đời sống mệt mỏi của tác giả vì những vòng luẩn quẩn do các thiết chế vô hình đè nặng lên sinh mệnh của loài người chúng ta.Cách viết như thế buộc người đọc phải dừng lại sau mỗi câu thơ để ngẫm ngợi, để suy nghĩ về các ngã rẽ trong tư duy sáng tạo của tác giả. Bởi các tình huống xảy ra trong các câu sau tạo bất ngờ cho quá trình hiểu nghĩa của các câu trước đó. Nếu làm thao tác thiết kế lại các văn bản từ chương VII lùi lại chương I trải trên một mặt phẳng, chúng ta sẽ thấy rất rõ dụng ý của quá trình tỉnh lược, quá trình tạo bất ngờ cho người đọc trong thơ của Nguyễn Quang Thiều.

2. Thủ pháp lạ hóa và ẩn dụ kép

Khi ngôn từ lạ hóa, ý nghĩa văn bản trở nên mù mờ như triết học; đa nghĩa, lập lờ, bất ổn như văn chương. Nghệ sĩ là người phải biết phát hiện cái mới lạ, biết sắp xếp, tôn tạo các tình huống bất ngờ, biết đi ngược lại với sự quen thuộc.Một yếu tố nữa tạo nên kết cấu vẫy gọi trong thơ Nguyễn Quang Thiều là các hình ảnh lạ, phi lí, các quy luật được hiểu thông qua cách đi ngược lại với sự hiểu thông thường hoặc đi chệch hướng nghĩa thông thường.

Chính điều này tạo nên sức hút riêng của thơ anh. Thử dùng một thao tác nối kết các hình ảnh lạ trong Nhịp điệu châu thổ mới, chúng ta sẽ hiểu hơn về tính đa nghĩa trong thơ Nguyễn Quang Thiều được tạo ra từ đâu:

1/ Nhóm hình ảnh nối kết với động từ: dựng lá cờ xương thịt/ uống chầm chậm/ những dòng tóc/ cất trong rương thơm/ đi qua những ngôi nhà đang sụp lạy, loang lổ hoàng hôn/ có nỗi đau chưa nguôi trong tự do của vải/ mọc lên một người bạn/ thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình...;

2/ Nhóm hình ảnh nối kết với danh từ: Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ trước/ Con đường của cái chết đẹp/ phía thì thào cháy họng/ cộng đồng nấu cháo/ bản kinh của cỏ/ lá phổi trong ngực người được giặt giũ, phơi phóng và gấp lại/ người mặc lá phổi mới tay dài/ khâu lặng lẽ những hơi thở rách/ phẩm hạnh ngôn ngữ/ bài ca ngũ cốc/ chúng ta sinh ra, non run rẩy, trong suốt run rẩy và chói lòa run rẩy/ chiếc áo yếu đuối từng khóc ròng theo cánh tay buổi tối/ chiếc áo kiên nhẫn và bạc nhược theo hơi thở chúng ta...;

3/ Những hình ảnh nối kết với các từ loại khác: Những vết rạn dương gian chầm chậm tràn đầy/ sự tự vẫn của may sẵn/ và máu không bao giờ cũ, rống vang trên đầu những ngón tay/ những thẩm mỹ tội lỗi/ những chiếc áo đại diện phía thị giác/ những chiếc áo bị hành hình trên dây phơi mang ý thức của nước/ những cái thây của bóng tối đầm đìa...

Khi các hình ảnh lạ được nối kết với động từ, các hoạt động trong thơ Nguyễn Quang Thiều trở thành hành động đặc biệt, có khi làm biến dạng cả sự vật, con người. Nhưng đó là cách nhà thơ muốn làm mới thế giới quanh mình để ứng xử với nó đúng mực hơn.Khi nối kết với danh từ và các từ loại khác, con người, sự vật trở nên khác lạ trong vẻ đa chiều, đa sắc. Những sự vật quen thuộc như lá cờ, áo, ngôi nhà, hơi thở, bài ca,... được thay đổi trạng thái, được hóa thân thành sự vật mới, hoạt động mới.Thơ Nguyễn Quang Thiều vì vậy đã phá vỡ các luật lệ thông thường, hình thành cho người đọc thói quen mới, thói quen đồng hành sáng tạo cùng tác giả. Thủ pháp lạ hóa đã giúp người đọc khám phá những trạng thái mới của thế giới sự vật quen thuộc xung quanh mình, từ đó hiểu hơn nỗi day dứt về phẩm hạnh, về thẩm mỹ, về trí tuệ, về kiếp sống... của tác giả thường trực khôn nguôi qua mỗi bài thơ.

Sợi dây thòng lọng có sẵn trên đầu mỗi người chúng ta luôn sẵn sàng chờ đợi. Chỉ trong gang tấc con người có thể mắc vào trong đó. Nhưng trong thơ Nguyễn Quang Thiều, một mặt tác giả hiểu rõ sự mời gọi, sự áp đặt của nó, mặt khác thể hiện một niềm tin vào trí tuệ, tin vào sự tự do sẽ giúp con người thoát ra khỏi nó.Đây là nét đáng yêu trong Nhịp điệu châu thổ mới (ví như: chúng tôi đẹp chan hòa/ chúng tôi đẹp bền vững/ con chuột đồng dừng lại, cắn môi bên bông hoa cổ tích)... Điều này còn được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ kép của ngọn nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ trước.Ngọn nến chính là biểu tượng của ngọn lửa rồi sẽ thiêu cháy tất cả. Và chúng ta sẽ còn lại gì nếu chỉ biết gieo vào sự chối từ, gieo xuống những kinh hoàng, gieo xuống những bệnh tật, gieo xuống sự sống những mầm hạt hủy diệt... Ngoài những câu thơ sử dụng quy tắc lạ hóa như đã ví dụ trên thì hình ảnh Người Nông Dân Già cũng là một ẩn dụ kép rất quan trọng xuyên suốt từ chương I đến chương VII. Người Nông Dân Già xuất hiện ở đầu chương I tự tin, điềm đạm, bình tĩnh, lo lắng đến cả việc đặt tên cho những hành lý của mình rồi cuối cũng khép cửa ra đi.Và người đọc ngỡ câu chuyện kể về Người Nông Dân Già trong nhịp điệu châu thổ đã kết thúc ở chương IV nhưng không phải. Ông già lại trở lại trong hình hài Cậu Bé và mỉm cười ở cuối chương VII.Trật tự từ Người Nông Dân Già đến Người đến Cậu Bé chính là nghệ thuật biểu hiện không thời gian đời người của tác phẩm. Cách sắp xếp này cũng giúp người đọc hiểu rõ hơn về triết lý sinh tử diệt trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đây cũng là kiểu ẩn dụ theo nguyên lý tảng băng trôi đã được Ernest Hemingway sử dụng thành công trong Ông già và biển cả. Nhưng trong thơ Nguyễn Quang Thiều, nó được thể hiện sáng tạo khi phối hợp xây dựng song hành cùng hình ảnh ngọn nến và lá cờ.

Đó chính là biểu hiện sự tự tin về bản lĩnh của con người vào cuộc sống. Cho dù nhịp điệu cuộc sống lúc trầm lúc bổng, lúc thăng lúc giáng, lúc hạnh phúc tột đỉnh, lúc bất hạnh cùng cực nhưng sự sống của loài người vẫn tiếp diễn.Chúng ta phải tìm cách tồn tại bên cạnh tất cả những cái có lý và cái phi lý, bên cạnh yêu thương và giận hờn, bên cạnh cái tốt đẹp và sự xấu xa, bên cạnh trí tuệ và sự ngu dốt lạc hậu... Điều quan trọng là phải biết thức dậy và đứng lên, biết "rút chân hương ra khỏi ngực mình", đừng giận giỗi và thù hận: Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé.Các triết gia đã từng nói muốn có thành quả lao động nghệ thuật thật sự thì phải hủy hoại bản thân. Chân lý này có vẻ rất đúng với thơ Nguyễn Quang Thiều. Thơ anh đã sống với đời sống tiếp nhận đa dạng từ nhiều kiểu bạn đọc.Lời khen có nhiều, sự chê bai cũng không ít nhưng tất cả đều là minh chứng cho quá trình đồng hành của người đọc cùng với thơ anh. Điều quan trọng là cách nhà thơ ứng xử với những lời khen chê đó không phải bằng tranh luận ồn ào để khẳng định đúng sai mà bằng những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật.Chúng ta hiểu rằng "đáy reo vang của vải" và "đáy bệnh câm của vải" vẫn luôn phải tồn tại cạnh nhau. Và chúng ta cũng sẽ bất hạnh nếu không có được một nhịp điệu sống đa dạng như nhịp điệu châu thổ mới, nhịp điệu sống của loài người.

M.L.G


Phamngochien.com - 08:28 - 16/09/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận