Huế - tình yêu của tôi (Quỳnh Như - SV ĐHSG)

 Tôi có người em sông Hương, núi Ngự
Của lũy tre thôn Vỹ hiền từ
Của kinh thành cổ xưa thật xưa
Buổi trưa em che nón lá
Cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ....
                               
(Lời bài hát Huế xưa. Nhạc và lời: Châu Kỳ)

Hình ảnh cố đô Huế - đất thần kinh, cùng hình ảnh người con gái xứ Huế dịu dàng trong tà áo dài tím và chiếc nón bài thơ đã đi vào thơ ca, nhạc, họa với niềm yêu tha thiết. Giờ đây, sau bao ngày mong ước, tôi đã được đặt chân lên mảnh đất kinh đô này. Tôi háo hức may cho mình một bộ áo dài màu tím để đến thăm xứ Huế mộng mơ.

Một chút không may mắn đã xảy đến với đoàn chúng tôi khi trong ngày tham quan Huế thì trời đổ mưa dầm dề. Tội nghiệp cho những tà áo dài của con gái lớp tôi phút chốc đã bị nước mưa, sình lầy làm vấy bẩn hết cả. Mưa Huế buồn buốt giá nhưng lãng mạn và mang nét đặc trưng riêng chỉ có ở đất Cố Đô...

"Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên..."

Thêm một điều đáng tiếc nữa là chúng tôi ra Huế vào đúng dịp chỉ còn một tuần lễ nữa là diễn ra Festival Huế nên ở sân chính Đại Nội đã được dùng để bắc giàn giáo, phục vụ cho đêm khai mạc lễ hội. Chúng tôi đành ngậm ngùi tiếc rẻ đôi chút nhưng cũng không vì thế mà Đại Nội Huế không còn đẹp trong mắt tôi. Tôi tưởng như mình đang đi trong không gian cổ kính của thế kỷ trước với ước mơ từ thuở bé là được làm công chúa. Theo đoàn, tôi dạo quanh Đại Nội (người ta thường gọi chung Tử cấm thành và Hoàng thành là Đại Nội). Tôi như choáng ngợp trước vẻ đồ sộ của cảnh vật nơi đây và tự hào vô cùng trước sự sáng tạo của ông cha. Trời mưa cũng không làm cho Đại Nội mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Ngược lại, cơn mưa dầm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính và vương lại trên từng tấc đất, viên gạch một nét buồn lãng mạn rất đặc trưng của xứ Huế. Ngọ Môn, điện Thái Hòa,... hiện ra trước mắt tôi khiến tôi đang bâng khuâng trong tà áo dài tím thướt tha bỗng chốc như bị đẩy ngược về quá khứ xa xôi với khung cảnh triều Nguyễn thuở trước. Gần 400 năm, trong đó có hơn 200 năm là nơi đóng đô của các vương triều Nguyễn và Tây Sơn, làm cho mỗi địa danh ở nơi đây đều ít nhiều gắn liền với lịch sử. Tuy không phải là 1000 năm như Thăng Long Hà Nội, nhưng vì Huế là nơi sau cùng của các vương triều, lại là những vương triều rực rỡ nhất so với các đời khác, nên các công trình, các dấu tích xưa tuy đã bị tàn phá nhiều nhưng so về số lượng vẫn nhiều hơn hết thảy những nơi khác. Nếu bạn chưa đi Huế, hãy tìm đọc một số sách về nhà Nguyễn trước, chuyến đi của bạn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, bạn sẽ cảm nhận Huế một cách rất khác. Từ khi còn là học sinh tôi đã đắm say trong thế giới diệu kỳ của lịch sử, đặc biệt là lịch sử triều Nguyễn bởi vì tôi cho rằng triều đại nào có nhiều luồng ý kiến khen chê thì triều đại ấy có rất nhiều điều để khám phá. Như bao cô gái hay mộng mơ khác, tôi say trong giấc mơ về thuở xa xưa của những cung tần mỹ nữ, của những chuyện thâm cung bí sử mà hôm nay đến Huế tôi như được mở mang tầm mắt.

Hôm nay, tôi tự hào biết bao khi được khoác trên mình tà áo dài tím, tay cầm chiếc nón bài thơ - nét đặc trưng của con gái xứ Huế, nhập gia tùy tục, tôi thử một ngày làm con gái xứ Huế dù cho màu tím của tôi cũng không chính xác hoàn toàn là màu tím huế bởi màu tím huế đậm hơn, trầm mặc hơn. Nhân nói về chiếc áo dài tím, trong lòng tôi chợt dấy lên những cảm xúc khó tả. Có nhiều sắc tím trong bảng màu của nhân loại, nhưng hình như có một màu tím Huế, của riêng Huế, người ta chợt nhận ra một cách thấm thía bởi cảm xúc hơn là bằng phân tích thị giác. Dịu, lạnh, và kín - một thứ ngôn ngữ gửi trao nhiều ẩn số cần giải mã, bởi, đang xen trong ấy là quá khứ, là lựa chọn và sự đồng cảm trong nhiều mối giao lưu. Nói như thế, bởi trong gam màu sắc chủ đạo trên trang phục của những lớp cư dân tiền trú trên dải đất miền Trung là chàm - đỏ - trắng, nhưng, riêng người Chăm trong lễ phục cho đến hiện đại vẫn còn lưu lại hình ảnh của lục - tím - trắng truyền thống. Màu tím Huế, theo tôi chứa đựng trong ấy niềm sâu kín của những tâm sự ngổn ngang, nhưng rất nề nếp. Buộc người khác phải khám phá, phải ngẩn ngơ trong phân tích cảm nhận. Tím nhưng không phải tím, lạnh nhưng không buồn, trầm mặc nhưng không trầm uất, trầm lắng nhưng sẵn sàng dậy sóng. Tím Huế màu của thời gian, của văn hoá và của cả những tiếng lòng... 

Chia tay Đại Nội, chúng tôi khởi hành đến tham quan chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ ở Huế không chỉ là chốn tâm linh bao đời nay của người dân địa phương, mà còn là nơi vãn cảnh hữu tình của nhiều người đến Huế. Thiên nhiên và kiến trúc ở đây hài hòa với nhau đến mức hoàn chỉnh. Với kiến trúc uy nghiêm cổ kính, với cảnh trí thanh thoát nên thơ, chùa Thiên Mụ có thể xem là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời của đất nước. Chùa Thiên Mụ ngày nay đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Tuy vậy, đến nay vẫn còn lưu giữ đại hồng chung nặng 2 tấn làm bằng đồng đúc từ năm 1710. Người thợ đồng xứ Huế vẫn rất tự hào với nghề đồng truyền thống và cho rằng tiếng đại hồng chung có thể lan tỏa ra xa đến vài cây số. Ngày nay, do tiếng ồn của động cơ, sinh hoạt thị thành nên tiếng chuông không còn vang xa nữa. Năm 1714 ngôi chùa được đại trùng tu với hàng chục công trình, kiến trúc quy mô lớn. Năm 1844 chùa lại tiếp tục được trùng tu và xây thêm tháp Từ Nhân, tức tháp Phước Duyên ngày nay, đình Hương Nguyện và dựng bia, đình ghi tạc công việc dựng chùa, thơ văn của các triều vua... Chùa Thiên Mụ không đơn thuần là chốn tâm linh mà còn là nơi vãn cảnh, từng được các triều vua xếp vào những cảnh đẹp xứ Huế. Đứng bên hàng rào thành chùa, nhìn về thượng nguồn, con sông Hương trông hùng vĩ nhưng vẫn thơ mộng vốn có. Dòng nước chia đôi bởi Hòn Chén rồi lại hợp dòng chảy lượn lờ trước cổng chùa.

Chẳng hiểu trùng hợp thế nào, tôi đến Huế lần này vào ngay lúc Huế đổ mưa, điều mà chẳng mấy ai mặn mà khi đến Huế. Vì mưa ở Huế thì buồn lắm, mưa ở Huế không tính bằng buổi bằng ngày, mà bằng tuần bằng tháng. Đến Huế vào mùa mưa thì cứ thế mà mặc áo mưa xông ra mà đi chơi thôi, đừng mong đến khi tạnh mưa mới đi. Mưa ào ạt như không muốn nói lời giã biệt. Mưa xối xả như khẳng định ta là thiên sứ của xứ sở mộng mơ đây. Mưa dai dẳng, da diết, triền miên đêm ngày, tuần tháng... nước của trời cao gom tụ về khúc ruột miền Trung, miền Trung lại dành cho Huế phần hơn. Mà mưa Huế không chịu đi một mình, lúc nào cũng mang gió, rét theo... thật nhịp nhàng, ăn ý hết chỗ nói! Nhưng cũng vì vậy mà Huế trong tôi lại đặc biệt, Huế gắn liền với mưa. Dĩ nhiên là Huế còn có mùa nắng, nhưng trong tôi, Huế chỉ gắn liền với mưa, và nghĩ về Huế là tôi lại tưởng tượng ra cái khung cảnh dòng sông Hương mịt mờ trong màn mưa, cảnh những con đường ướt đẫm nước mưa trong Đại Nội. Tôi rất yêu mưa và vì vậy tôi càng thêm yêu Huế: trầm mặc và thanh bình trong những ngày mưa. Trước khi đến Huế, tôi ước ao mình sẽ được ngắm nhìn dòng Hương giang lóng lánh trong nắng vàng rực rỡ nhưng giờ đây hình ảnh dòng sông ấy trong sương mờ ẩn hiện lại khiến tôi không thể nào quên được. Dòng sông này đã đi vào thơ ca nhạc họa để trở thành con sông huyền thoại trong mọi dòng sông. Xứ Huế như dịu dàng hơn, duyên dáng hơn cũng nhờ một phần của sông Hương tạo nên. Sông chảy vào tâm hồn của người dân xứ Huế và những ai từng nghe từng thấy dòng sông này. Chiều mưa như sương khói cho bận lòng người đi. Sông Hương đi thì nhớ, ở thì thương làm vấn vương bao người. Dòng sông này đã khắc họa lên một bài thơ rất Huế thật lãng mạn.

 

 Chiều hôm đó, chúng tôi khởi hành đi tham quan lăng Tự Đức và lăng Khải Định - hai vị vua của triều Nguyễn. Điểm đến đầu tiên là lăng Tự Đức. Lăng Tự Đức hay Khiêm Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475ha. Lăng Tự Đức mang yếu tố khoáng đạt, đường nét mềm mại phản ánh tâm hồn lãng mạn của vị vua thi sĩ này. Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ... nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn với tiếng nước chảy, hồ nước thơ mộng, hàng thông xanh ngát. Thậm chí ở đây còn xây dựng cả nhà hát và nơi ở của các phi tần mỹ nữ. Tại lăng Tự Đức có tấm bia đá lớn khắc bài "Khiêm Cung kí" dài 4.935 chữ do vua Tự Đức soạn thảo để tự nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình.

Rời lăng Tự Đức, chúng tôi khởi hành đi thăm lăng vua Khải Định. Trong số các lăng triều Nguyễn, lăng Khải Định hay còn gọi Ứng Lăng là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây. Đây là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng tọa lạc trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía Tây Nam. Tuy có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng lăng được xây dựng tỉ mỉ, kỳ công nên tốn nhiều thời gian cũng như kinh phí hơn các lăng khác (từ năm 1920 - 1930). Sử sách ghi lại để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Điểm nổi bật của lăng Khải Định là sự pha trộn giữa nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa "cửu long ẩn vân" tuyệt đẹp được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Đường lên thăm lăng Khải Định quả thật lắm gian nan hơn thăm lăng vua Tự Đức. Bởi chúng tôi phải vượt qua rất nhiều những bậc thang khá dốc mới vào tham quan được bên trong điện thờ. Khải Định cũng là vị vua duy nhất cho đời sau biết thánh thể mình được an nghỉ ở đâu bởi ông tin rằng người đời sau sẽ biết yêu cái đẹp và không bao giờ phá hủy một cung trình kiến trúc đồ sộ và nguy nga thế này. Đi thăm hai lăng của hai vị vua tôi chợt thêm yêu con người Việt Nam đầy tài hoa và đầy sáng tạo.

Ngày hôm ấy, chúng tôi được đi tham quan và mua sắm tại chợ Đông Ba. Tối hôm đó chúng tôi được lên thuyền nghe ca Huế trên sông Hương. Giữa một trời mây nước bồng bềnh, chơi vơi một giọng hò ai ngân, ai hát khiến lòng du khách giữa đêm thanh tịnh càng cảm thấy mình được siêu thoát, được thăng hoa, được chắp cánh bay tới vầng trăng kia...

Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế, những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang. Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân xứ cố đô. Người ta đến với ca Huế là để được đắm chìm trong cảm giác xao xuyến, buồn, vui đến lạ kỳ. Bước chân xuống mạn thuyền Rồng, trong không gian tĩnh mịch giữa trời, mây, sông, nước để cảm nhận hơn nữa cái chất Huế qua những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát cô ca sĩ Huế hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, xênh, phách... bản hòa tấu gồm 4 nhạc khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ đã mở đầu cho một đêm ca Huế. Một đêm ca Huế trên sông Hương giữa tiếng sóng nước ru vỗ vào mạn thuyền rồi lan xa, lan xa... Trăng càng về đêm càng vằng vặc giữa thinh không tĩnh mịch... Giọng hát, tiếng đàn đã thực sự ru tâm hồn ta vào một miền ký ức sâu thẳm nhuộm tím lòng người mà không sao quên được đó, Huế ơi!

Điều tôi nhớ nhất trong đêm hôm ấy chính là lúc giữa chương trình, tôi được thả hoa đăng cầu may trên sông Hương thơ mộng. Giữa một vùng trời nước mênh mông, tôi thả chiếc đèn xuống và thầm mong tất cả những ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực. Tôi như được sống trong một không khí lung linh, huyền ảo với những ánh nến lung linh. Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình là một nàng công chúa tỏa sáng dưới bầu trời đêm dù lúc ấy tôi rất là sợ bởi chỉ sơ sẩy một chút xíu tôi sẽ ngay lập tức bị rơi xuống mép nước. Để có nụ cười trong tấm ảnh tôi đã phải dẹp đi tất cả nỗi sợ hãi để được thả đèn hoa như các bạn bởi đây chính là kỷ niệm tuyệt vời trong chuyến đi thật đáng nhớ của tôi.

Nhắc đến Huế mà không nhắc đến ẩm thực Huế quả là một điều thiếu sót. May mắn trong lịch trình của tôi lần này có một đêm tự do để khám phá Huế. Điểm đến đầu tiên của tôi và mọi người chính là quán ốc Minh Nghĩa mà người ta hay gọi là ốc Trường An - quán khá nổi tiếng của xứ Huế. Nếu bạn đến Huế vào những ngày mưa lạnh này, chắc sẽ không ngạc nhiên tại sao người Huế lại có thói quen ăn cay đến vậy, cay đến cháy ruột, trào nước mắt, hai tai ù ù nhưng vẫn thấy ngon. Ốc là một món ăn như thế. Mỗi lần ăn ốc xong, ai nấy đều hít hà vì cay và nóng. Người nào người nấy môi đỏ lên, mồ hôi lấm tấm nhưng vẫn ăn ngon lành. Có người ăn đến chảy nước mắt, nước mũi nhưng vẫn ăn đến cùng và cảm giác "tuyệt cú mèo". Ốc ở đây cay cay và thơm nồng mùi mắm ruốc Huế nhưng khiến tôi nhớ mãi không quên. Tôi còn bị quyến rũ bới món hến xào khá dễ ăn đối với dân Sài Gòn như tôi. Đĩa hến được điểm xuyết trên đó bởi đậu phộng, ngò, xúc với bánh tráng ăn một lần là nhớ mãi. Điểm này lại càng khiến tôi thêm yêu đất nước và con người Việt Nam với sản vật phong phú và cùng một loại thực phẩm mà mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau. Nhắc lại những món ăn ấy, trong lòng tôi vẫn có cảm giác thèm khôn tả.

Sau khi thưởng thức ốc Huế, chúng tôi đón taxi tiếp tục đi thưởng thức chè hẻm nổi tiếng nơi đây. Không ai biết chè hẻm có ở Huế từ bao giờ mà chỉ biết gọi là thế bởi nó thường nằm sâu trong các ngõ ngách với rất nhiều loại chè khác nhau mà theo cách nói biểu trưng của ông bà ta xưa nếu ngoài Hà Nội có "36 phố phường" thì Huế cũng có "36 thứ chè". Tiếc là món chè bột lọc heo quay đặc trưng đã nhanh chóng được bán hết. Khi chúng tôi đến chỉ còn đúng một ly duy nhất. Chúng tôi chia nhau ăn để cảm nhận cho hết cái hương vị đặc trưng. Chè ở đây giá khá rẻ với 6.000đ / 1 ly. Tôi rất yêu thích vị chè nơi đây bởi nó ngọt thanh chứ không ngọt gắt như một số nơi tôi đã từng ăn. Ai đó đã từng nói đến Huế mà chưa được thưởng thức chè hẻm coi như chưa có một chuyến đi hoàn hảo. Riêng tôi, dù có ăn bao nhiêu loại chè ở bất cứ nơi đâu cũng không bao giờ quên được vị ngọt, bùi, thơm mát rất lạ của những món chè nơi đất Huế mộng mơ.

Tối hôm ấy, tôi còn cùng mọi người dạo phố đêm Huế và chiêm ngưỡng cầu Tràng Tiền đổi màu sắc thật đẹp. Phố đêm Huế có phần êm đềm hơn, không xô bồ, ồn ào như phố đêm ở xứ biển. Đứng bên dòng sông Hương, tôi đưa mắt ngắm nhìn cầu Tràng Tiền huyền ảo trong đêm. Dạo một vòng chợ đêm, chúng tôi mua một số món quà lưu niệm đặc trưng của xứ Huế để làm kỷ niệm khi về lại thành phố. Người Huế dịu dàng, trầm lắng ngay cả khi bán hàng cho khách, kể cả những lúc vô tình làm sai điều gì, họ cũng không nổi nóng mà chỉ nhẹ nhàng sửa lại cho đúng. Đó là điều khiến tôi càng thêm yêu con người Huế và xứ Huế thơ mộng này.

Chắc chắn từ bây giờ cho đến mãi mãi về sau, tôi sẽ không bao giờ quên lần đến Huế này và tôi mong sao sẽ có ngày trở lại. Huế trầm tư, dịu dàng khiến cho khách phương xa vừa đến đã thêm yêu thêm quý. Yêu chiếc nón bài thơ, yêu tà áo dài tím, yêu lịch sử cha ông một thời xưa cũ, yêu cơn mưa Huế lạnh rét và đầy dai dẳng. Huế trầm lặng để lắng sâu, cất giữ mãi cõi lòng, để nghe bâng khuâng, xao xuyến, nghe dìu dịu, rưng rưng cho mỗi giọt nhớ, giọt thương...

Nặng lòng với Huế xin viết tặng bài ca
Gởi trọn tình ta về Huế thương yêu!

     (Lời bài hát Huế tình yêu của tôi - Trương Tuyết Mai)

 

nguoiduongthoi - (vào lúc: 21:07 - 07-17-2012)
Bình luận của bạn đã được phamngochien.com gửi đến cho tác giả Quỳnh Như qua email.
trịnh thị thủy - (vào lúc: 21:06 - 06-11-2012)
cảm ơn bạn vì đã thảo luận và cho mình biết thêm thông tin về vùng đất này. bạn có một kiến thức rất phong phú và sâu sắc. và giúp mình học hỏi thêm bài viết của bạn giúp mình có thêm kiến thức mới về vùng đất này đặc biệt là biết thêm một từ ngữ mới và lạ.
Quỳnh Như - (vào lúc: 19:06 - 06-10-2012)
Chào bạn Trịnh Thị Thủy! Trước hết, mình xin chân thành cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và cảm nhận bài viết của mình. Mình xin được giải đáp câu hỏi của bạn như sau:
Theo những tài liệu mình tham khảo được thì cái tên "đất thần kinh" của cố đô Huế có nguồn gốc thế này:

Như chúng ta đã biết, vào thời Lê Trung Hưng thì Nguyễn Kim đã đưa chúa Chổm Lê Duy Ninh về làm vua nhà Lê. Tuy vậy, sau đó Trịnh Kiểm không rõ bằng cách nào đã lần lượt tiếm quyền của Nguyễn Kim và các con lên ngôi chúa lập thành thời kỳ vua Lê chúa Trịnh. Trong thời điểm này Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khuyên Trịnh Kiểm giữ ngôi của vua Lê và đồng thời cũng khuyên Nguyễn Hoàng rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Hiểu ý, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho mình vào nam làm trấn thủ đất Thuận Hoá để xa lánh hiểm họa không biết lúc nào sẽ xảy ra cho mình. Sự nghiệp của nhà Nguyễn ở phương nam bắt đầu từ đấy, và kéo dài 400 năm, núp bóng giải Hoành Sơn rồi lan rộng khắp cả Nam Kỳ.

Cũng theo Wikipedia, trong khoảng thời gian đi tìm vị trí để xây dựng kinh đô mới cho riêng mình, chúa Nguyễn Hoàng đã mơ thấy thấy một bà lão mặc sắc phục đỏ, tự xưng là Thái Thượng Lão Quân, bảo Nguyễn Hoàng đi về hướng đông khoảng ba dặm để lập kinh đô. Đêm hôm ấy, chúa Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng nghỉ chân ở một địa điểm trên bờ Sông Hương, cách Huế khoảng 5 cây số về phía tây. Sáng hôm sau, chúa Nguyễn Hoàng di chuyển về hướng đông như bà lão trong mộng đã bảo, và quả thật, sau mấy dặm đường, chúa Nguyễn Hoàng đã bị thu hút bởi cảnh trí tuyệt vời như thiên nhiên đã dành sẵn cho ông. Ngoài cái đẹp của sông núi hữu tình, chắc chắn ông và các cố vấn của ông còn “phát hiện” được những lý do địa lý mà thời ấy mọi người đều tin tưởng, và hy vọng rằng đây là một vùng đất tốt, một “địa linh nhơn kiệt” đáng được chọn làm nơi thiết lập bản doanh của chúa Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ, và sau này là kinh đô của cả nước. Một vài dẫn chứng khác lại cho rằng bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi vào ban đêm và nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”. Năm 1862, để cầu tự vua Tự Đức đã đổi thành chùa Linh Mụ vì sợ chữ Thiên phạm húy với Trời.

Với hai sự kiện Thần Bí kể trên, Kinh Đô Huế đã được gọi là đất Thần Kinh. Vua Thiệu Trị, cháu của Nguyễn Hoàng đã từng có một chùm 20 bài thơ gọi là Thần kinh thập nhị cảnh để tả những cảnh đẹp của kinh thành Huế.

Lấy nguyên văn từ http://facts.baomoi.com/2010/05/25/t%E1%BA%A1i-sao-c%E1%BB%91-do-hu%E1%BA%BF-con-d%C6%B0%E1%BB%A3c-g%E1%BB%8Di-la-d%E1%BA%A5t-th%E1%BA%A7n-kinh-x%E1%BB%A9-hu%E1%BA%BF/

trịnh thị thủy - (vào lúc: 17:06 - 06-10-2012)
"Hình ảnh cố đô Huế - đất thần kinh" đất thần kinh là đất gì vậy bạn ? Bài viết bạn  trải dài như cơn mưa xứ Huế mà bạn cảm nhận vậy. nhưng sau cơn mưa ấy vẫn có cái giữ lại với người đọc đó là tình yêu Huế không tên

Phamngochien.com - 14:49 - 09/06/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận