Hội nghị bàn tròn về ngày thơ Việt Nam

Nhà văn TP.HCM:"Tổ chức ngày thơ như thế nào? Theo tôi không thực sự quan trọng, điều quan trọng và rất cần quan tâm là việc đầu tư, tổ chức như vậy có mới, có thú vị, đặc biệt là có "thơ" hay không? Chính vì vậy thật cần những cái đầu, những cái nhìn mới, trẻ, và cũng rất cần ĐẦU TƯ. Tôi thấy những ngày thơ càng về sau này càng tổ chức vội vàng, qua quýt, nên không tránh khỏi việc lặp lại, nhàm chán..."

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 vừa trôi qua để lại những dư âm khác nhau. Có nơi tổ chức thành công. Có nơi bị xem là thất bại. Là người trong cuộc, các nhà thơ nhìn nhận ra sao về cách tổ chức ngày thơ trong 11 năm qua? Và nên tổ chức thế nào để thu hút các nhà thơ và công chúng yêu thơ đến với ngày thơ đông hơn?

Đó là hai vấn đề mà Bàn tròn nối mạng văn học số 1 của NVTPHCM đặt ra và mời một số nhà thơ, nhà phê bình văn học tìm lời giải đáp. Xin giới thiệu đến bạn đọc kỳ 2...

NHÀ THƠ PHẠM SỸ SÁU (TP.HCM):

- Để tổ chức Ngày Thơ Việt Nam ra hình ra dáng, tôi nghĩ cần có nhiều yếu tố, trong đó có sự tham gia và hưởng ứng tích cực của người làm thơ là điều kiện tiên quyết. Chúng ta không thể đòi hỏi một sân chơi có nhiều người tham gia khi chính chủ thể của sân chơi đó là các nhà thơ lại là những người thờ ơ nhất. Chúng ta phải biết chấp nhận một sự thật là Ngày Thơ chưa thực sự tạo được sức hút đối với người làm thơ và công chúng yêu thơ. Những nỗ lực chủ quan của một số người, một số đơn vị trong thời gian vừa qua trong hoạt động Ngày Thơ chưa mang lại nhiều kết quả. Chúng ta không buồn vì điều đó mà buồn vì chuyện khác, chuyện chúng ta chưa thực sự tôn trọng nhau, chưa kể là chưa tôn trọng những người yêu thơ.

 - Để Ngày Thơ Việt Nam thu hút sự quan tâm hơn của công chúng, tôi nghĩ chúng ta phải có cách tổ chức và cách làm khác. Hội Nhà văn từ trung ương đến địa phương chỉ nên là trung tâm điều phối hoạt động, chứ không phải là người chịu trách nhiệm từ A đến Z trong hoạt động của Ngày Thơ. Mỗi năm nên có một hình thức sinh hoạt khác nhau, phong phú và đa dạng hơn, không nên chỉ đọc và ngâm, chỉ ca và hát, người đến thưởng ngoạn trở thành kẻ bị động trước cuộc chơi. Một địa điểm hay nhiều địa điểm là do chủ đề, cái quan trọng là người làm thơ và công chúng yêu thơ được thoả lòng cùng thơ. Chỉ như thế Ngày Thơ mới thật sự có ý nghĩa. Còn hiện nay Ngày Thơ Việt Nam vẫn mang dáng dấp phong trào, một thứ thông tin cổ động không hơn không kém. Hy vọng điều này sẽ không lặp lại trong tương lai.

 

 

NHÀ PHÊ BÌNH PHẠM NGỌC HIỀN (TP.HCM):

- Ngày xuân, có nhiều thứ để chơi, trong đó có chơi thơ và đây cũng là sân chơi mang lại nhiều đánh giá phức tạp nhất. Nếu như trong lĩnh vực bóng đá, sự hay dở thể hiện rõ ràng qua số bàn thắng thì hầu như khó có tiêu chí rõ ràng nào để đánh giá thơ hay. Năm nào cũng vậy, hội thơ xuân cũng tạo ra nhiều dư luận trái ngược nhau. Có người đòi xóa bỏ lễ hội thơ để khỏi tốn kém kinh phí và để khỏi nghe cãi nhau, rách việc. Có người lại cho rằng, thơ là sự sống còn của dân tộc nên tổ chức lễ hội thơ là việc làm đáng hoan nghênh nhất trần đời.

Dĩ nhiên, ta có quyền bình phẩm các lễ hội thơ. Nhưng đừng nên xem lễ hội thơ quan trọng đến mức yêu cầu nó phải hoành tráng, vui nhộn... Cũng như ta có quyền bình phẩm một đám cưới: cô dâu xấu, chàng rể lùn, mâm cỗ ít... nhưng chúng ta không có quyền bắt gia chủ phải thế này thế kia. Miễn sao, họ đã tổ chức được một đám cưới và cảm thấy sướng là được. Sự tồn tại các lễ hội thơ cũng là điều hay, còn việc tổ chức thế nào thì tùy vào địa phương. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, bạn thích sân thơ thì chơi, không thích thì sang sân đá gà, chẳng sao cả.

Các lễ hội thơ của ta còn mang tính độc quyền, không có sự cạnh tranh nên đơn điệu. Thông thường, hội nhà văn các tỉnh - thành đứng ra tổ chức một lễ hội thơ vào đầu xuân. Điều đó có nghĩa là muốn tổ chức thế nào cũng được, chất lượng không quan trọng, không cần đông khách. Có nơi, ban tổ chức xin kinh phí nhà nước khoản tiền to bằng con voi nhưng quy mô lễ hội nhỏ bằng con chuột. Văn nghệ sĩ lên đọc thơ phú, vè, cáo, hịch... gì cũng được. Người ta nghĩ, nếu đọc thơ có bán vé thì phải cố gắng đọc hay, đằng này... rạp thơ đã có nhà nước tài trợ thì đọc - hát hay dở gì cũng được.

- Có thể kết hợp hội thơ với sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề ở trường học, phát động gây quỹ khuyến học ở các địa phương, quảng cáo cho các doanh nghiệp. Nếu thấy chơi thơ cũng có lợi như chơi bóng đá thì nhiều nhà tài trợ cũng nhảy vào tham gia, góp phần tạo nên sự hoành tráng. Sân thơ này liếc nhìn sân thơ kia, nếu thấy mình lép, họ cũng thẹn mà cố gắng tổ chức tốt hơn. Chẳng hạn như vào mỗi mùa thơ xuân ở Phú Yên, có khoảng 15 lễ hội thơ của các cấp: xã, huyện, tỉnh, các trường học, ban ngành, hoặc các nhóm thơ. Nơi nào tổ chức chu đáo thì bạn yêu thơ kéo tới khá đông, văn nghệ sĩ các tỉnh cũng đến dự. Nơi nào... bèo thì sân thơ vắng như chùa bà Đanh, ban tổ chức phải ủ ê mặt mày khi nghe kiểm điểm và hứa năm sau sẽ thế này thế kia...

Vậy nên, cứ tạo điều kiện cho các cơ quan đoàn thể, câu lạc bộ đứng ra tổ chức lễ hội thơ càng nhiều càng tốt. Ai muốn tổ chức hội thơ thì cứ tổ chức, cũng như ai muốn lập gánh hát thì cứ lập, miễn là có khán giả. Chúng ta cứ tạo cơ chế cạnh tranh, tự khắc lễ hội thơ sẽ tốt hơn.

 

 

NHÀ THƠ NGUYỄN THANH MỪNG (BÌNH ĐỊNH):

- Dưới góc độ văn hoá, ai cũng biết rằng tính độc đáo của một lễ hội là ở sự riêng biệt, có một không hai. Ví dụ một lễ hội đầy bản sắc là lễ hội của người Việt cổ mang tên Trò Trám (Linh tinh tình phộc) ở Phú Thọ. Các trò đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua Xuân bán Xuân và dạy học, mô phỏng cách diễn đạt về ngành nghề xã hội "Tứ dân chi nghiệp". Tâm điểm là "lễ mật" diễn ra lúc sang canh đêm 11, rạng ngày 12 tháng Giêng, sau lễ tế, đúng 0 giờ, cụ Thủ từ miếu Trò thắp hương và rước "nõ nường" - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ và sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được làng công phu chọn lựa. Sau đó, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô "linh tinh tình phộc", hai nhân vật chính: nam cởi trần đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm nường làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Ba lần đâm trúng - mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần - được mùa; một lần là làm ăn kém... Phút thiêng là phút diễn ra trong đêm tối chủ tế nghe đủ ba tiếng "cạch" đèn lại sáng, "dập" chiêng trống để mừng và kính báo với thần linh, thiên địa biết "lễ mật" đã thành công. Ngày nay có khác, nhưng đúng trò Trám ngày xưa, sau 3 câu khẩu lệnh "linh tinh tình phộc", cụ Thủ từ sẽ hô to "tháo khoán". Mọi người hò reo, các đôi trai gái trong làng được tự do ôm ấp vui chơi ngoài rừng trám. Lễ "hèm" của làng thành công khi có cô nào mang thai trong dịp đó, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Những đứa trẻ được hoài thai trong đêm "linh tinh tình phộc" làng vui mừng chấp nhận vì họ quan niệm rằng sự phồn thực cho cả làng đã đem lại từ cuộc giao phối có kết quả. Sáng 12 tháng Giêng là lễ "Rước lúa thần" cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng phong túc. Lễ rước những bông lúa mẩy từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra theo nghi thức và rước đến đền Xa Lộc thờ vị tướng Phùng Lân Hổ thời Trần, tiếp đến rước rước xung quanh làng. Hoạt động tính giao của con người và sự tôn vinh bông lúa là trung tâm, linh hồn của Lễ hội Trò Trám.

Các lễ hội nước ta thường diễn ra vào mùa xuân, vạn vật tốt tươi, mưa hiền gió thảo, con người cũng đầy hùng tâm tráng khí.

Trước đây, chỉ Ngày Thơ Quảng Ninh (bắt đầu năm 1988 nhân kỷ niệm 520 năm vua Lê Thánh Tông cho khắc bài thơ của ông lên vách núi Truyền Đăng) và Nguyên tiêu Núi Nhạn (bắt đầu từ năm 1980 tại Tuy Hòa), nhờ vậy nó quy tụ được lực lượng nhiều vùng miền, kể cả trung ương, gây được hiệu ứng của sự kết nối và lan tỏa. Từ 2003, song song với Ngày Thơ (mang tính chất trung ương) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tất cả các địa phương đều khai hội, muôn hồng nghìn tía, như đơn vị phát động đã tuyên bố, đã và đang cố gắng hình thành một lễ hội mới, một mỹ tục mới cho cả nước.

Khác với ngày hội làng truyền thống - dân gian kiến tạo một không gian chứa đựng đậm đặc năng lượng thiêng của cả vũ trụ và thời gian được hình thành bởi cư dân bản địa với nhu cầu "mời" các vị thần linh, anh linh núi sông trời đất, anh linh các vị anh hùng dân tộc, các vị thành hoàng che chở cho làng xóm, mời tổ tiên các dòng họ về dự, hội tụ sức mạnh thiêng liêng của cả trời đất, non sông, hồi quang tiền hiền khúc xạ vào thế hệ cháu con - Ngày Thơ là hoạt động nghề nghiệp của một loại hình nghệ thuật đặc thù, do một tổ chức "chính trị xã hội nghề nghiệp" đứng ra gánh vác. Do "cơ chế" ấy, không phải nơi nào cũng có đủ lực lượng (vật chất và tinh thần), một mặt là cái tâm cái tầm mặt khác là năng lực tổ chức cũng như sự hứng khởi của người cầm chịch cũng khác nhau nên không phải lúc nào ở đâu cũng thổi bùng được ngọn lửa đam mê và cao thượng của thi ca, thậm chí có nơi có chỗ còn ngược lại.

Chiều sâu tâm linh và ý nghĩa cao cả của ngày hội truyền thống được hình thành trong máu thịt bởi sự tín ngưỡng mà mỗi cư dân bản địa quán triệt từ bé, qua sự tiếp nhận từ gia đình, làng xóm, cộng đồng... đã khó đòi hỏi ở Ngày Thơ, bởi mỗi lễ hội, mỗi mỹ tục đâu phải ngày một ngày hai mà nó hình thành bởi nhiều thế hệ. Tính chất một lễ hội truyền thống là cuộc tiếp xúc con người với thần thánh, đắm mình trong không gian thiêng và thời gian thiêng, để được tiếp nhận năng lượng thiêng của cả trời đất, quá khứ, hiện tại và để được trải nghiệm sự thăng hoa.

Do vậy, ở đây chỉ bàn về người yêu thơ (lực lượng khán giả quyết định thành bại của một lễ hội thơ) và sự quy tụ các nhà thơ, các tổ chức thơ của nhà tổ chức, khơi dậy nguồn mạch di sản thơ mỗi vùng miền và thành tựu thơ đương đại của địa phương. Tính chất của Ngày Thơ, dù nhìn nhận dưới góc độ nào cũng phải là nơi tôn vinh thơ và nhà thơ, làm cho những giá trị thơ ca được lan tỏa và khơi nguồn cho sự sáng tạo những giá trị mới. Qua tin tức trên báo chí và thông tin bạn bè, tôi bắt gặp những ố ái hỉ nộ, và tôi cũng chỉ biết đồng cảm, chia sẻ. Bên cạnh niềm vui được gặp bạn trong Ngày Thơ, có lúc buồn vì nhiều chỗ "lễ hội lúa" trở thành nơi tôn vinh cỏ dại và sâu rầy, và bên cạnh cây lúa, hình tượng người nông dân bị lấn át bởi... kẻ đầu cơ thị trường gạo. 

- Một lễ hội lúa thì phải tôn vinh hạt lúa, người trồng lúa và vùng đất mà người và lúa tri âm. Nhưng Ngày Thơ, trong thời "lạm phát", có lúc niềm hứng khởi nông dân bên bờ xôi ruộng mật, đã bị thu hẹp hoặc đánh tráo. Như trên đã nói, việc tổ chức tùy năng lực và sự hứng khởi cũng như cái tâm cái tầm của người cầm chịch. Và sự thu hút, cảm nhận cũng tùy vùng miền, tùy tính cách và tâm trạng nhà thơ. Tôi từng dự hai lễ hội lúa. Một là Lễ hội lúa gạo do nhà nước chủ trì, các doanh nghiệp hùng mạnh tham gia, tất nhiên chuyện tiền nong quá dồi dào. Trong Festival Lúa gạo Việt Nam diễn ra ở Sóc Trăng với chủ đề chính là "Vinh danh hạt ngọc Việt - Môi trường xanh cho cánh đồng vàng", bao gồm các hoạt động tổng thể như các lễ hội, triển lãm, hội thảo khoa học. Bên cạnh đó, còn có các hội thi, hội diễn, lễ trao giải và các chương trình phụ trợ khác, có khu triển lãm đặc biệt nhằm tái hiện mô hình công cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại và mô hình các thời kỳ phát triển của cây lúa nước Việt Nam, khu triển lãm "Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới" để giới thiệu các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu của các địa phương; khu dành cho các đơn vị doanh nghiệp, các tỉnh thành, các đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán, các doanh nghiệp nước ngoài; khu thương mại tổng hợp hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng sản xuất ở Việt Nam; khu ẩm thực Việt Nam...

Một lễ hội khác, Lễ hội dân gian Mừng Lúa Mới của người Kà Tu ở Quảng Nam, hoàn toàn do dân làng tổ chức. Trung tâm làng là cây nêu cao vút làm bằng gỗ kroon với biểu tượng chim grooc, chim phượng hoàng. Xung quanh làng, phụ nữ ngực trần giã gạo, đạp lúa mừng mùa màng phong túc. Trong nhà gươl, cơm lam, bắp luộc, bánh sừng trâu, xu xoa, gà nướng ống tre, rượu ta vak uống trong chiếc cốc tre xanh non... được bày ra, người làng đưa lên môi từng vị khách. Vừa ăn uống trong tấm lòng hoan hỉ mến khách của đồng bào Kà Tu chất phác, nghe âm ba tiếng tù và hú gọi thần linh, điệu múa "Tung tung" mừng chiến thắng của các chiến binh và lễ "Ya yá" cầu mùa hiến dâng Mẹ Lúa tưng bừng diễn ra trong tiếng cồng chiêng.

Tôi không phủ nhận tầm vóc quốc gia quốc tế và sự phồn vinh của Lễ hội thứ nhất, nhưng tôi yêu mến và muốn "ăn rừng uống núi" ở cái Lễ hội thứ hai. Cái hạt lúa giản dị được choàng thổ cẩm kia có giá trị hơn những hoàng bào trong chiu chắt của những đồng bào nghèo khó và gian lao đã đem lại cho tôi sự giàu có về cảm thụ và cường thịnh của các giác quan. Tôi đã bắt gặp ở Lễ hội thứ nhất, sự quảng bá hạt lúa nhỏ ra thế giới lớn và ở Lễ hội thứ hai, một vũ trụ lớn thu mình trong hạt lúa nhỏ.

Ngày thơ cũng vậy, nếu muốn nâng thành lễ hội, không thể nào không thừa kế những tinh hoa của lễ hội truyền thống và tiếp cận với thế giới hiện đại trong mô thức truyền thống-hiện đại, dân tộc- quốc tế. Còn tất nhiên, thơ từ ngàn năm nay, không có lễ hội nào cả, nó là sự cô đơn của tâm hồn sáng tạo, thăng hoa trong nụ cười nước mắt người thơ giữa một cộng đồng dân tộc yêu thơ.

Nếu không phải cầm chịch cho đêm Nguyên tiêu, tôi chỉ thích trèo lên ngọn núi cao cùng những bạn bè tâm đắc, nói những chuyện tâm đắc, hoặc vào một ngôi chùa như Thiên Bửu Thạch Tự, Linh Phong Thiền Tự, Thập Tháp Di Đà Tự, Tổ đình Long Tường... Tôi nghĩ, thơ không phải chỉ của nhà thơ, hiểu theo nghĩa ghi trong từ điển. Mà thơ cũng đâu chỉ của bá tánh. Thơ còn là của chúng sinh, nó không dừng lại ở chúng hữu tình không thôi. Nó còn trú ngụ ở linh hồn thảo mộc. Tôi xúc động về chuyện con cọp vàng ăn cơm rau ngồi nghe Ông Núi tụng kinh ở Linh Phong Thiền Tự, hay cây gõ đỏ ba người ôm trong cuồng phong bị trốc rễ đã dừng lại không đè xuống mái Tổ đình Long Tường. Con cọp vàng và cây gõ đỏ ấy xứng tầm thi sĩ hơn hay những người nối câu bắt vận tranh nhau trưng diện giữa sân khấu đọc thơ xứng tầm hơn! Xin lỗi, tôi không có ý định cạnh khóe gì nếu những ai mang tâm hồn thi ca độ lượng hay tài năng đích thực và tác phẩm thơ của họ làm thổn thức những tri âm và lan tỏa trong tâm thức những cộng đồng. Sự thổn thức ấy thường đến với lòng người vào lúc tĩnh lặng, trong đêm khuya, cô đơn và bất trắc... Ngày Thơ Việt Nam, nhiều người hưởng ứng và vui vẻ, nhưng tác dụng của nó trong việc liên thông với kinh mạch thơ ca dân tộc trong quá khứ và tương lai, chắc ai cũng hy vọng, mới có nhu cầu khen chê bàn bạc. Bởi vậy, nếu không khí tụ họp hoan hỉ ấy có chút đồng hành nào với niềm cô đơn sáng tạo cũng là mừng. Chỉ mong những giá trị nếu không được đồng cảm thì cũng đừng bị thị phi. Không bị động chạm gì, nhưng chỉ hè nhau trong bè phái lợi ích nhóm, tán dương cỏ rác cũng là một chiêu trò phỉ báng cây lúa vậy! Ngân sách là tiền thuế của nhân dân, xin đừng để nhân dân ngoảnh mặt và bỗng nảy ra sự so sánh với thành tựu trong văn học sử, ca ngợi Tự Lực Văn đoàn hay Bàn Thành Tứ Hữu, những nhóm bạn đáng nể phục về thành tựu và "cơ cấu tổ chức" của họ là trên tình nghĩa bạn bè, không có kẽ hở cho đồng tiền xin cho từ ngân sách lọt vào! 

 

 NHÀ THƠ NGUYỄN THUÝ QUỲNH (THÁI NGUYÊN)

- Tôi cũng cho rằng, thành công nhất của việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam dịp Nguyên tiêu hàng năm là đã đưa Ngày Thơ vào đời sống, trở thành một sinh hoạt văn hóa đẹp đẽ, sang trọng trên phạm vi cả nước, xem như một một mỹ tục mới trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hôm nay. Đó là ngày hội của những người làm thơ và yêu thơ.

Với Thái Nguyên, sau nhiều kỳ tổ chức ở phạm vi một hội trường đôi ba trăm người dự, thì 3 năm nay, Ngày Thơ đã được tổ chức ở quy mô lễ hội.

Địa điểm tổ chức là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một địa chỉ văn hóa độc đáo giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là đơn vị chủ trì tổ chức, và tùy theo kế hoạch hàng năm, thường có khoảng 5 - 7 đơn vị phối hợp, từ các trường học, các đơn vị nghệ thuật, các địa phương...

Thời gian tổ chức là 1 buổi sáng. Sau một chương trình đặc sắc nhất - diễn ra ở sân khấu lớn do Ban tổ chức Lễ hội chủ trì, là hoạt động của các Vườn thơ dành cho các đối tượng khác nhau như "Vườn Thơ muôn nhà" dành cho các câu lạc bộ, "Vườn Thi ca và Tuổi trẻ" dành cho học sinh, sinh viên, "Vườn Thơ thành phố Thái Nguyên" dành cho Hội VHNT thành phố Thái Nguyên... Cùng với đó là các hoạt động phụ trợ như: triển lãm ảnh nghệ thuật, thi đề thơ vào ảnh, trưng bày các tác phẩm thư pháp, trưng bày thơ hay...

Cách làm này được người yêu thơ và lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Nhiều bạn thơ ở các nơi về dự với Thái Nguyên cũng ghi nhận Thái Nguyên đã thực sự có Lễ hội Thơ.

 - Sở dĩ Ngày Thơ Việt Nam ở Thái Nguyên khá thành công là vì những người chỉ đạo và trực tiếp tổ chức đều cùng chung tư duy "đưa thơ gần hơn với các tầng lớp nhân dân, người dân thực sự là chủ thể sáng tạo". Khi người đến dự thấy mình có việc để làm (như đọc thơ, thi đề thơ vào ảnh, giao lưu với nhau...) thì người ta hứng thú hơn, có trách nhiệm hơn. Đương nhiên, chương trình chính thức do Ban tổ chức chủ trì cũng phải hết sức đặc sắc, sử dụng lực lượng chuyên nghiệp, phải làm cho người thưởng thức có được cảm xúc mãnh liệt nhất, từ đó họ sẽ trân trọng thơ và người làm thơ hơn.

Tôi thấy nhiều địa phương trong cả nước tổ chức Ngày Thơ khá hay, chỉ cần chịu khó học hỏi lẫn nhau là cũng có được vốn liếng nhất định để áp dụng ở địa phương mình. Thú thực là năm nào nghĩ đến việc tổ chức ngày thơ chúng tôi cũng... sợ và ngại. Làm thế nào để năm sau có cái gì đó mới hơn, hay hơn so với năm trước - đó luôn là áp lực, nhất là với tổng đạo diễn chương trình. Ngay sau Tết, cơ quan Hội đã phải vắt chân lên cổ, làm cả ngày, thậm chí cả đêm. Được cái là lễ hội thành công, thấy người đến dự tưng bừng, ra về mãn nguyện, thì mình cũng tự hào.

 

NHÀ THƠ SONG PHẠM (TP.HCM):

- Tôi không thể nói cụ thể thế nào là "thành công" hay "thất bại", vì điều này còn tùy thuộc vào đánh giá của cá nhân mỗi người. Ví dụ có năm người ta đưa ra "sáng kiến"... mang thơ vào nhà hát (Nhà hát TP.HCM) nhiều người cho là "thành công rực rỡ" nhưng theo tôi thì năm này khá chán, nếu không muốn nói là thất bại - theo nhận định của những người làm thơ trẻ chúng tôi. Bởi thơ và người thơ vốn dĩ tẩm ngẩm tầm ngầm, lặng lẽ, không thể khoác lễ phục, make-up, đưa lên sân khấu, tổ chức quay phim, chụp ảnh rình rang mà thành công. Lại có năm người ta mang thơ vào... Sở thú (Thảo cầm viên TP.HCM). Khi đó các nhà thơ đem thơ mình "tiếp thị" bằng cách vắt vẻo máng lên cây, hoặc bày ra lối cỏ, nhà thơ và người yêu thơ ngồi bệt ra đất trà rượu mạn đàm, nghe gió đùa trên lá, nghe "chim kêu vượn hú" vẳng xa xa... Vậy mà thú vị, mà đáng nhớ, tưởng không thơ mà lại "rất thơ"!

- Tổ chức ngày thơ như thế nào? Theo tôi không thực sự quan trọng, điều quan trọng và rất cần quan tâm là việc đầu tư, tổ chức như vậy có mới, có thú vị, đặc biệt là có "thơ" hay không? Chính vì vậy thật cần những cái đầu, những cái nhìn mới, trẻ, và cũng rất cần ĐẦU TƯ. Tôi thấy những ngày thơ càng về sau này càng tổ chức vội vàng, qua quýt, nên không tránh khỏi việc lặp lại, nhàm chán. Mà ngay cả người tham gia tổ chức, người làm thơ còn thấy chán, huống hồ công chúng yêu thơ làm sao không... nản vì thơ?! Nếu không đổi mới cách tổ chức thì Ngày Thơ sẽ dần tàn lụi trong đời sống thi ca...

(Còn tiếp)

Nguồn Nhà văn TP.HCM 


Phamngochien.com - 09:31 - 07/03/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận