GS. Thomas Engelbert (Đức) nói về "Người Bahnar ở Việt Nam"

Tuần qua, tại trường Đại học Văn Hiến, GS.TS. Thomas Engelbert (Trưởng ban Việt Nam học, Đại học Hamburg, CHLB  Đức) đã có buổi nói chuyện chuyên đề "Người Bahnar ở Việt Nam" thu hút sự đón nghe của nhiều người quan tâm.

Dù biết trước giáo sư Thomas Engelbert sẽ thuyết giảng bằng tiếng Việt nhưng cả khán phòng vẫn không khỏi ngạc nhiên trước lối nói nhanh, giọng hào sảng của ông. Và như để trả lời sự ngạc nhiên đến thán phục ấy của mọi người, giáo sư có vài lời phi lộ về ông trước khi bước vào chủ đề của buổi nói chuyện. Khởi đầu từ một học bổng được sang Hà Nội, Việt Nam học tập, chàng sinh viên trẻ Thomas Engelbert đã gắn bó và đi theo con đường nghiên cứu về văn hóa, đất nước Việt Nam suốt hơn ba mươi năm. Đến nay, GS. Thomas Engelbert là một nhà Việt Nam học thế hệ trẻ nổi tiếng ở phương Tây. Ông có nhiều công trình về lịch sử Việt Nam, về người Hoa ở Việt Nam và Đông Nam Á rất có giá trị. Vừa là sử gia, vừa là nhà nghiên cứu về văn học, phong tục tập quán Việt Nam, GS Thomas Engelbert đã viết nhiều tiểu luận, sách và các công trình nghiên cứu. Đáng chú ý như: Nguyễn Bỉnh Khiêm - Giúp nước thương dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm - tác giả và tác phẩm, Vấn đề Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam từ viễn cảnh lịch sử, Vị trí mới của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, "Người Khmer miền Nam, họ là người Cam bốt hay Việt Nam?

Trong bài diễn thuyết của mình, giáo sư lần lượt đưa đến người nghe những kiến thức từ khái quát đến chi tiết về người Bahnar. Theo đó, Tây Nguyên là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, nơi hội tụ nhiều loại hình tín ngưỡng, văn hoá đặc trưng cho vùng, miền. Việc truyền giáo thời Pháp thuộc cho đồng bào Tây Nguyên bắt đầu từ năm 1850, khi Giám mục Cuenot Thể trao bài sai cho Thầy Sáu Do mở đường lên Tây Nguyên. Kon Tum trở thành xứ truyền giáo đầu tiên của khu vực Tây Nguyên thuộc giáo phận Đàng Trong (Quy Nhơn) của giáo hội Công giáo Việt Nam. Dân tộc Bahnar là một trong mười ba dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực Tây Nguyên, mà tập trung chủ yếu là ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Bahnar là dân tộc có số dân đông thứ ba sau dân tộc Gia Rai và Êđê, nhưng lại là dân tộc đông dân nhất trong chín dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơ me ở khu vực này. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, xã hội, nhưng cho đến nay, cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, bên cạnh sự giao lưu, tiếp thu các yếu tố văn hóa của các dân tộc láng giềng, dân tộc Bahnar vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Điều đó không những được lưu giữ trong tâm thức của mỗi người dân mà còn được thể hiện trong các dạng khác nhau như văn hóa vật chất hay văn hóa vật thể, văn hóa tinh thần hay văn hóa phi vật thể...

Trần Xuân Tiến


.


Phamngochien.com - 09:23 - 02/04/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận