Góc suy ngẫm của Phạm Ngọc Hiền năm 2015 (phần 1)

Những quan điểm của Phạm Ngọc Hiền về xã hội ...
đăng trên trang web phamngochien.com năm 2015

1. Có hai người Việt đi làm mướn ở Marốc về thăm quê. Người quê miền Nam thì bà con hỏi thăm: nay làm ăn thế nào, có khá giả không ? Người quê miền Bắc thì bà con hỏi thăm: nay đã làm tới chức vụ gì rồi, đạt danh hiệu gì chưa ? (PNH)
2. Trí thức là gì ? Trí thức là người biết nói những câu do tự mình nghĩ ra (mà không phải nói theo một ai hết) (PNH)
3. Hiền Chấm Cơm "bói" tình hình Việt Nam năm 2015 có những nét nổi bật như vầy:
       "Nước ta chẳng nghèo thì giàu
       Quanh năm ăn nhậu tiệc tùng liên miên
       Dân ta chẳng dữ thì hiền
       Nếu không tranh đấu cũng ghiền chửi nhau"
                  (Bói xem nước Việt thế nào - thơ Phạm Ngọc Hiền)
4. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Phép vua thua lệ làng". Thời đóng cửa, nhiều người khen "lệ làng"; còn thời mở cửa thì sao ? (PNH)
5. Thất nghiệp không đến với những người dân có sức khỏe và siêng năng. Thất nghiệp chỉ đến với những người cho mình là ông hoàng bà chúa (PNH)
6. Thời cổ đại, khi đánh nhau, nếu hiệp sĩ này bị gãy kiếm thì hiệp sĩ kia ngừng đánh. Một hiệp sĩ trước khi tắt thở vẫn dành lời cuối cùng khen đường kiếm đẹp của đối thủ. Thời nay có ai cao thượng như vậy không ? (PNH)
7. Một ông vua đã cười như điên khi nghe tên hề kể rằng: Ở nước ngoài, sau khi hết nhiệm kỳ, tổng thống cũng tự đi kiếm việc làm thêm giống như dân thường. Vua hỏi lại tên hề: "Ngươi hãy trả lời nghiêm túc: chuyện này có thật không ?" (PNH)
8. Xe hươu nói với xe rùa: bạn phải giỏi phóng nhanh để CSGT khỏi phạt. Xe rùa nói: nếu không có những người chạy chậm như tôi thì làm sao tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhất là vào thời điểm cuối năm các địa phương đang cần tiền để mở tiệc ăn mừng thành tích ! (PNH)
9. Trên đời này, có những người bạn buồn khi ta thất bại nhưng cũng buồn khi ta thành công. Chỉ có cha mẹ mới là người có niềm vui và nỗi buồn đích thực đối với ta (PNH)
10. Giáp tết nguyên đán, chú gà trống nức nở nói với bác heo: đã đến lúc chúng ta phải chia tay nhau rồi. Bác heo sụt sịt: cái quý nhứt của cuộc đời đó là sự sống, đời gia súc chúng ta chỉ sống có một lần, hãy gắng sống sao cho thơm thịt béo lòng để đến khi nhắm mắt xuôi chân có thể nói rằng, tất cả thân xác ta đã hiến dâng cho mâm cỗ quan trọng nhứt trong năm của loài người (PNH)
11. Đã tròn 20 năm, kể từ ngày có lệnh cấm đốt pháo. Có phải chăng đây là một quyết định vội vàng và duy ý chí theo kiểu cái gì không quản lý được thì cấm ? Dẫu tiếng pháo đã tắt ngấm trong dịp tết nhưng nó vẫn mãi vang vọng trong lòng dân tộc Việt. (PNH)
12. Chú Ngựa tổng kết năm 2014: tôi đã kiến nghị chính phủ mở thêm nhiều con đường mới, dài, rộng, tha hồ chạy. Chú Dê nêu phương hướng năm 2015: tôi sẽ kiến nghị chính phủ cho phép người dân được tự do sinh đẻ theo luật tự nhiên, đẻ ít không khen, đẻ nhiều không phạt. (PNH)
13. Cứ vào dịp tết, người ta ăn uống, chúc tụng nhau rối rít. Trước tết, A tới nhà B tặng gói nem; B tới nhà A tặng lại gói chả. A tới nhà B ăn tất niên; B tới nhà A ăn tất niên lại. Sau tết, A tới nhà B chúc "an khang thịnh vượng"; B lại tới nhà A chúc "vạn sự như ý". Rồi họ lại cùng đi chúc tết xóm làng / cơ quan. Hết tết, A tới nhà B "trút hũ" rượu. B tới nhà A lai rai thức ăn tồn đọng trong dịp tết. Hết nhà này đến nhà khác, họ cứ ăn uống, chúc tụng như vậy cho hết "tháng ăn chơi". (PNH)
14. Năm 2015, Sài Gòn nở rộ dịch vụ cho thuê /mượn xe con về quê ăn tết. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, xe con chạy bóp còi toe toe làm giật mình lũy tre làng. Hết tết, vào lại Sài Gòn, xe khách, xe con nối đuôi nhau chạy dài dằng dặc trên QL 1A. Một ông già ra ngõ ngắm xe, lẩm bẩm: xe nhiều thế này chẳng khác gì ở Sài Gòn 40 năm trước. (PNH)
15. Tết 2015, người được thiên hạ bàn tán nhiều nhất là Nguyễn Bá Thanh. Những việc làm của ông đã gây tranh cãi, nay cái chết của ông cũng tiếp tục gây xôn xao dư luận. Nhưng dù thích hay không thích, người ta đều thừa nhận ông là người năng động, có đầu óc tân tiến, đặc sệt tính Quảng Nam và chất Nam hà. (PNH)
16. Cuộc đời người giống như chiếc xe máy leo núi. Trước 40 tuổi, người ta phải rồ tay ga để xe lao lên dốc. Sau 40 tuổi, phải dậm thắng để giảm tốc độ khi xe lao xuống cái hố đang chờ sẵn cuối dốc (PNH)
17. Ở làng quê tôi cách đây 15 năm, khi có đám tang, chủ nhà mổ heo đãi khách khứa ăn uống linh đình, họ ép rượu ầm ĩ trong tiếng khóc rầu rĩ của con cháu người quá cố. Nay, hủ tục đó đã xóa bỏ. Họ hàng, xóm làng chỉ tới thắp nhang tưởng nhớ người đã khuất rồi về chứ không ăn uống gì, chủ nhà có nài ép cũng không ai ăn. Đây là một thay đổi lớn trong văn hóa nông thôn. (PNH)
18. Để giảm TNGT, người ta đã vẽ ra 1001 quy định để tận thu tiền dân. Nhưng từ đó sinh ra một quy luật chỉ đúng ở VN: tổng số tiền nộp phạt càng cao bao nhiêu thì số vụ tai nạn càng cao bấy nhiêu. Thực ra, giải pháp quan trọng nhất là phải xóa bỏ nền văn hóa sùng bái bạo lực. Nhưng nhiệm vụ này lại thuộc về ngành văn hóa - truyền thông - giáo dục. (PNH)
19. Trong lễ chọi trâu ở Hà Nội (3/2015), có một cặp trâu không chịu húc nhau vì... chủ của chúng là anh em. Cuối cùng, trâu em nhường trâu anh vào chung kết. Đứng trước 100 triệu đồng tiền thưởng, con trâu biết nhường nhau nhưng đứng trước 1 lô đất của cha mẹ để lại, anh em tan đàn xẻ nghé... (PNH)
20. Thời bao cấp, người ta lập thành tích chặt phá rừng. Trong tết trồng cây 2015, người ta lại thi đua chặt 6.700 cây xanh Hà Nội. Rồi năm sau, nếu toàn bộ cây phượng ở Hải Phòng bị đốn hạ thì có còn "thành phố hoa phượng vỹ" hay không ? (PNH)
21. Khi lên làm thủ tướng, Lý Quang Diệu mơ ước Singapore sẽ đuổi kịp Việt Nam. Nhưng con rồng Việt Nam bị vướng bom mìn nên tụt hậu. Còn con rồng Singapore tránh được các cạm bẫy nên đã sớm đến được chốn thiên đường. (PNH)
22. Thủ tướng Lý Quang Diệu từng hiến kế cho Việt Nam: nên gửi sinh viên miền Bắc vào Nam để học cách kinh doanh, và tìm những tinh hoa của sinh viên Sài Gòn cấy ra miền Bắc. Hóa ra, người nước ngoài hiểu lịch sử Việt Nam còn rành hơn người Việt Nam. (PNH)
23. Vào những năm 1960, ở châu Âu diễn ra cuộc tranh luận như sau: CN Cấu trúc cho rằng: con người chỉ xác định giá trị của mình trong hệ thống, bởi vậy cần phải nương theo dư luận xã hội mà sống. CN Hiện sinh cho rằng: con người là một cá thể có những nhu cầu riêng, không nhất thiết phải hy sinh bản thân mình cho thiết chế xã hội. Bạn ủng hộ cái nào ? (PNH)
24. Phong trào bác sĩ TQ lén thay nội tạng bệnh nhân có vẻ như đã được nhiều bác sĩ VN noi theo. Có sinh viên đi thực tập ở bệnh viện, chứng kiến việc đồng nghiệp cố ý làm chết bệnh nhân để lấy nội tạng bán kiếm lời. Sau khi ra trường, anh ta không dám theo nghề y vì sợ làm điều thất đức. Có lẽ anh ta theo đạo Phật chăng ? (PNH)
25. Thời cải cách ruộng đất, để tránh bị đấu tố, nhiều địa chủ lén mang trâu sang làng khác giấu. Thời nay, để tránh kê khai tài sản, nhiều quan chức lén gửi tiền ra các ngân hàng nước ngoài. Nếu thời nào cũng sợ bị giàu thì làm sao đất nước sánh vai cùng cường quốc năm châu được (PNH)
26. Muốn đánh giá người già, hãy nhìn quá khứ của họ, muốn đánh giá người trẻ, hãy nhìn tương lai của họ (PNH)
27. Thời cổ đại, các thành bang Hy Lạp tập hợp theo vua Agamemnon đi đánh thành Troia để giải phóng người đẹp Helen. Trải qua bao núi xương sông máu,10 năm sau, họ mới hạ được thành. Nhưng lúc đó, không ai quan tâm tới số phận Helen mà chỉ lo cướp tài sản mang về nhà mình. Vậy, thực chất của cuộc chiến này là gì ? (PNH)
28. Bước sang thế kỷ XXI, Bộ Giáo dục Việt Nam vẫn ôm đồm quản lý các trường học chặt chẽ chẳng khác gì thời bao cấp, Nhà nước quản lý từng người dân mỗi năm được ăn bao nhiêu ký muối, mặc bao nhiêu mét vải và tắm bao nhiêu cục xà phòng. (PNH)
29. Nhà nghèo vì làm đám giỗ quá nhiều, nước nghèo vì tổ chức lễ kỷ niệm quá nhiều. Nếu chỉ biết quay mặt về quá khứ thì không lẽ phải đi thụt lùi để tiến tới tương lai (PNH)
30. Nghe tin Việt Nam sẽ đưa chương trình chống bạo lực vào nhà trường, Thích Ca bật cười chảy cả nước mắt. Chư Phật gạn hỏi lý do, Thích Ca chỉ trả lời: "Ta hổng dám nói đâu !", rồi lại tiếp tục cười ngoặt nghẽo (PNH)
31. Trẻ con thích chơi bắn súng nhựa, đánh giặc giả. Người lớn thích chơi bắn súng thép, đánh giặc thật. Cả người lớn và trẻ con đều thích cảm giác mạnh, chỉ khác nhau về tính nhân văn (PNH)
32. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày đất nước chấm dứt cuộc chiến tranh 30 năm, xin gửi lời chia buồn tới 3 triệu người mẹ mất con, 2 triệu người con mất cha, 1 triệu người vợ mất chồng và nửa triệu thương phế binh ở cả hai phe. Nỗi đau này dằng dặc đến muôn thu ! (PNH)
33. Ngày xưa, người ta hiểu một người "thành đạt" là được làm quan, làm thầy. Ngày nay, người ta hiểu "thành đạt" là giàu sang, nổi tiếng, có địa vị xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người phấn đấu học cao chỉ để làm cán bộ, thầy giáo nên sinh ra nạn thừa quan thầy, thiếu thợ giỏi. (PNH)
34. Người ta khuyên nhà giáo phải ăn nói chuẩn mực, khuôn mẫu và khuyên nhà thơ phải diễn đạt lạ thường, phóng túng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp nhà giáo cũng đồng thời là nhà thơ ? (PNH)
35. Có lần trên tàu lửa, tôi gặp ông Tây lấy ra từ balô một cuốn tiểu thuyết và đọc rất ngon lành. Trong khi đó, đa số người Việt trên tàu chưa hề đụng tay tới một cuốn tiểu thuyết. Họ chỉ muốn xem tivi, học theo tivi, nói theo tivi, làm theo tivi... (PNH)
36. Đầu Thế chiến II, Liên Xô thả một con vật giống chuột chũi sang nhà Đức Quốc xã để làm sứ giả. Nhưng bị Hitler bất ngờ đánh một đòn khá đau, chuột hóa thành chim và bay sang phía nhà Đồng Minh. Suốt 70 năm qua, người ta cứ cãi nhau mãi mà không biết đó là bồ câu hay là chuột chũi. Thực ra, nó là con dơi. (PNH)
37. Người ta thường lấy thước đo tuổi tác để cho rằng, con người trưởng thành vào năm 18 tuổi. Thực ra, một ông già 60 tuổi chưa chắc đã trưởng thành nếu như suốt đời chưa từng nếm mùi thất bại, chưa từng trải nghiệm những buồn đau để suy nghĩ chín chắn hơn trong cuộc sống (PNH)
38. Nguyễn Trãi khen cảnh ngư nhàn: "Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách / Con đò gác mái suốt ngày ngơi". Nếu suốt ngày không có khách thì ông lái đò lấy tiền đâu để đóng lệ phí giao thông đường sông ? Nếu lỡ bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì lấy đâu ra tiền đóng viện phí ?... (PNH)
39. Con nai vừa ăn cỏ vừa nghe ngóng xem thử có con hổ nào rình ăn thịt mình không. Con người vừa làm việc vừa nghe ngóng xem thử có con người nào rình làm hại mình không (PNH)
40. Nhiều người quan niệm rằng, để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ thì phải đào tạo nâng cao trình độ các cô giáo mầm non. Nhưng học càng cao thì các quý cô càng lười chăm sóc trẻ. Thực ra, người chăm sóc trẻ tận tình nhất, có kinh nghiệm nhất là các bà nhà quê mù chữ. (PNH)
41. Suốt mấy năm nay, vấn đề biển Đông luôn gây bàn tán ầm ĩ ở Việt Nam. Khi nhìn ra Trường Sa, Hoàng Sa, đa số dân Việt chỉ nhìn thấy mấy cục đá nổi lên trên mặt biển. Thực ra, phần chìm dưới mặt nước mới đáng sợ (PNH)
42. Trong bài Chỉ Hà Nội mới có "văn hóa chửi" (vietnamnet.vn), có người cho rằng, "văn hóa chửi" xuất phát từ những người dân có trình độ thấp, nghèo... Theo tôi, văn hóa chửi ở Việt Nam bắt nguồn từ những người ở tầng lớp cao. Họ chửi trong sách báo, trên bục giảng, ở cơ quan... rồi người dân học tập và chửi theo. (PNH)
43. Trước nguy cơ quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta, vua Trần trưng cầu dân ý nên hòa hay nên đánh. Các quý tộc nói nên hòa vì nếu có chiến tranh thì thái ấp điền trang của họ sẽ bị thiêu rụi. Nhưng các bô lão bần nông quyết tâm đánh, sẵn sàng tiêu thổ mái nhà tranh và bụi chuối sau hè. Vua Trần thở vắn than dài, chẳng biết nghe theo ai. (PNH)
44. Xã hội càng hiện đại thì nghịch lý càng nhiều. Người ta phải mua máy giặt đồ trong khi có nhu cầu tập thể dục cho đôi bàn tay. Người ta phải đi chợ bằng xe máy trong khi có nhu cầu tập thể dục cho đôi bàn chân. Và người ta mướn Osin dọn dẹp nhà cửa vì mình bận... chơi game ! (PNH)
45. Người ta bỏ ra cả núi tiền để xây dựng bộ môn giáo dục kỹ năng sống cho các con chim nhốt trong lồng. Trong khi chỉ cần thả những con chim đó ra ngoài trời là chúng tự hình thành kỹ năng sống mà không cần ai dạy. (PNH)
46. Muốn biết một tờ báo có khỏe mạnh hay không, nhà nước hãy cắt bầu sữa nuôi nó. Nếu tờ báo vẫn tự nuôi sống được mình thì chứng tỏ nó đã trưởng thành (PNH)
47. Ngày nay, nhiều người không dám tin vào bản thân mình mà chỉ tin vào dư luận báo chí. Thực ra, nhà báo cũng là người bình thường và có thể nhận thức sai lầm giống như mọi người. Trong một xã hội chưa có nhiều diễn đàn phản biện, độc giả không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào ký giả. (PNH)
48. Trên biển Đông, người ta diễn vở bi kịch có cốt truyện như sau: tên cướp biển Tàu muốn chiếm đoạt hai công chúa Philippines và Việt Nam. Hiệp sĩ Mỹ ra tay che chở nàng Philippines. Còn nàng Việt Nam ngổn ngang nỗi niềm: "Lòng này chẳng biết theo ai / Cả Tàu lẫn Mỹ đẹp trai quá chừng !" (PNH)
49. Ông Nguyễn 6X chứng kiến nhiều chuyện lạ chưa từng thấy ở miền Bắc sau 1986: bố mang lợn ra chợ bán mà không bị quản lý thị trường bắt. Mẹ được chọn mua vải ở cửa hiệu tư nhân mà không cầm tem phiếu xếp hàng. Thanh niên sang huyện khác tán gái mà không cần viết giấy xin phép ủy ban xã...Theo ông, những điều kỳ diệu đó chỉ có ở Việt Nam thời..."Đổi Mới" (!)(PNH)
50. Con cọp chia xã hội loài thỏ thành hai giai cấp: mập và ốm. Tên cướp chia xã hội loài người thành hai giai cấp: giàu và nghèo (PNH)
51. Tôi nghĩ là HS sẽ thích môn Sử nếu được học về lịch sử ra đời các tôn giáo - học thuyết, sự phát triển các đô thị và giao thương nước ngoài, quá trình hình thành tivi-điện thoại-máy tính... (PNH)
52. Ngày xưa, trí thức Việt nói câu gì cũng trích dẫn lời của các "Tử" bên Tàu. Ngày nay, trí thức Việt nói câu gì cũng trích dẫn lời của các ông op, ep, ki... bên Nga. Biết đến bao giờ thì trí thức Việt tự nói những câu của riêng mình ? (PNH)
53. Con quạ chê sơn ca: cậu hát giọng gì khó nghe quá, hãy tập hát theo giọng của tớ: C...ọ...a... (PNH)

Còn nữa

Phan thanh Tâm - (vào lúc: 16:08 - 08-19-2019)
Tôi đọc hết 53 câu của tiến sĩ, ngẫm câu nào cũng chí lý và sâu sắc. Tiến sĩ nên viết thêm nữa.

Phamngochien.com - 10:27 - 11/03/2016 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận