Giải cứu khối C (Minh Nhật)

Trong tuyển sinh ĐH - CĐ, khối C (gồm các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý) là khối thi chủ lực vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) - những ngành học giúp bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người. Nhưng, thật đáng báo động khi tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi khối C ngày càng thấp!

Quay lưng, ngoảnh mặt

Tại buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH, CĐ phía Nam ngày 7/5 vừa qua, nếu so sánh hồ sơ ĐKDT khối C với tổng số hồ sơ ĐKDT của nhiều tỉnh thành, ai cũng phải đặt dấu hỏi: "Tại sao hồ sơ ĐKDT khối C lại ít đến vậy?". Cụ thể: tỉnh Gia Lai có 1.692 hồ sơ khối C trong tổng số 27.270 hồ sơ ĐKDT, chiếm 6,2%; tỉnh Tây Ninh có 720 hồ sơ khối C trong tổng số 15.661 hồ sơ ĐKDT, chiếm 4,4%; Bình Dương có 516 hồ sơ trong tổng số 15.661 hồ sơ ĐKDT, chiếm 3,3%; Đồng Nai có 1.414 hồ sơ khối C trong tổng số 52.835 hồ sơ ĐKDT, chiếm 2,6%; và TP.HCM có 2.100 hồ sơ trong tổng số 151.573 hồ sơ ĐKDT, chiếm... 1,4%. Ngược ra phía Bắc, số hồ sơ dự thi khối C của Đà Nẵng là gần 4%, của Hà Nội là 4,4%. Như vậy, tùy mỗi tỉnh thành, cứ 100 thí sinh (TS) đi thi, chỉ có từ hơn một cho đến sáu TS dự thi khối C.

Tương ứng với số ĐKDT giảm là việc tuyển sinh vào các ngành khối C tại nhiều trường ĐH cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn năm ngoái, khóa tuyển đầu tiên, Trường ĐH Thủ Dầu Một chỉ tuyển được 50 sinh viên (SV) cho ngành văn trong khi chỉ tiêu được cấp là 100. Tương tự, khóa tuyển sinh đầu tiên cho ngành ngữ văn Trường ĐH Bình Dương tuyển được 300 SV nhưng đến năm ngoái (khóa thứ năm) số lượng chỉ còn 30, giảm 90%, và khả năng trong kỳ tuyển sinh năm nay sẽ tiếp tục giảm. Tại Trường ĐH Văn Hiến, tình hình tuyển sinh vào các ngành khối C cũng vô cùng èo uột. ThS Đỗ Văn Bình (Khoa Xã hội học - ĐH Văn Hiến) cho biết: những năm trước, chỉ tiêu tuyển mỗi năm 80 SV vẫn tuyển khỏe re, nhưng từ ba-bốn năm trở lại đây, mỗi năm chỉ tuyển được bảy - tám SV. Nhiều trường ĐH khác như Hùng Vương, Hồng Bàng... cũng đang trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí một số ngành đã và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Bó tay?

"Tại sao và làm cách nào để thu hút TS dự thi khối C vào các ngành KHXH&NV trở lại?" đang là vấn đề lớn nhưng không dễ có câu trả lời.

Về câu hỏi "tại sao?", theo PGS-TS Trần Tuấn Lộ - Trưởng khoa Tâm lý học - Trường ĐH Văn Hiến, có hai lý do lớn là: do thực tế khách quan và do lỗi hệ thống. Khách quan: đất nước đang trong thời kỳ phải phát triển kinh tế, kỹ thuật, TS "đua" vào các ngành kinh tế, kỹ thuật - công nghệ để dễ tìm việc làm, dễ hòa nhập và có thu nhập cao. Từ tâm lý thực dụng này của xã hội, các thầy cô giáo dạy các môn KHXH&NV cũng cảm thấy mất tự tin. Một giáo viên dạy văn ở bậc THPT nêu một thực tế: nếu có ai đó hỏi "thầy dạy môn gì?" thì ông thầy dạy toán sẽ trả lời mạnh dạn, ông dạy văn trả lời kém mạnh dạn hơn, còn các ông dạy sử, địa hay giáo dục công dân thì trả lời theo kiểu... buộc phải trả lời.

Không chỉ ngoài xã hội mà ngay trong trường học, các môn KHXH&NV cũng ngầm bị coi là môn phụ. Cụ thể, các trường quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng HS giỏi các bộ môn toán, lý, hóa, tiếng Anh hơn là văn, sử, địa, nên những HS thật sự thích sử, địa cũng không có cơ hội thi thố, không được nuôi dưỡng và vun đắp niềm đam mê. Tâm lý "môn chính-môn phụ" đã chi phối việc định hướng phân ban trong các trường phổ thông, hậu quả là nhiều trường không có HS theo học ban KHXH.

Thế còn lỗi hệ thống? Nhà giáo ưu tú Trần Chút - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến nói: "Nếu nghiêm túc nhìn nhận thì chúng ta - những thầy cô giáo giảng dạy và nghiên cứu văn học, là những người hành nghề chuyên nghiệp, nhưng tính chuyên nghiệp chưa tương xứng, từ đó dẫn tới một sự thỏa hiệp không đáng có, coi KHXH&NV như là một lĩnh vực thuộc công tác tuyên huấn, làm biến dạng giá trị khoa học đích thực và tính hấp dẫn của nhóm  ngành học này".

Về nội dung sách và giáo trình ĐH, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nói: "Thực tế một đằng nhưng sách viết một nẻo, kiến thức được đóng gói sẵn và người học không tìm ra cái mới, chân lý". Theo ThS Đỗ Văn Bình thì: "Hệ thống giáo trình các môn KHXH&NV ở bậc ĐH quá lạc hậu, chủ yếu thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, xa rời thực tiễn cuộc sống". Còn ở phổ thông, PGS Giang nói: "Dạy văn ở ta như hiện nay là giết văn. Kiểm tra đầu giờ là khủng bố. Thời gian còn lại thì rao giảng chính trị". Một nghiên cứu của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ trên 828 HS tại bốn địa phương là Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ cho thấy: 45,5% số ý kiến cho rằng, thầy cô giáo chính là nhân tố chủ yếu truyền cho các em tình yêu văn học, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có những lý do vừa nêu, thầy cô giáo dạy văn nói riêng và dạy KHXH&NV nói chung chưa làm được nhiệm vụ cao cả đó.

Sinh viên Nguyễn Đức Thắng - một bạn trẻ có thiên hướng KHXH&NV nhưng lại quyết định thi và học CĐ cơ khí, nói với chúng tôi: "Em không dám thi vào các ngành KHXH&NV vì sợ học thuộc lòng". Đáng tiếc đây là câu trả lời rất phổ biến ở HS phổ thông. Tổ trưởng tổ lịch sử và cán bộ mạng lưới môn lịch sử của một tỉnh miền Tây Nam bộ, nhận xét: "Nội dung chương trình môn lịch sử quá nặng, quá dài, có những bài giáo viên chỉ đọc cho học trò chép mà vẫn không đủ thời gian, cho nên không thể đổi mới dạy học, cũng không thể đưa thêm những nội dung khác vào để làm cho bài giảng thêm phong phú!". Ba môn thi ĐH của khối C gồm văn, sử, địa thì địa lý phải thuộc lòng, môn lịch sử thì kiến thức đã được "đóng hộp" và HS buộc phải thuộc lòng một cách chi tiết, đến môn văn - một môn học đầy cảm hứng sáng tạo, nhưng đề thi và ba-rem chấm điểm cũng bị chi tiết hóa và HS cũng buộc phải học thuộc lòng, thì TS sợ không dám thi khối C cũng không có gì lạ!

Làm sao để thu hút TS dự thi khối C vào các ngành KHXH&NV trở lại ? Thiết nghĩ khi đã tìm ra nguyên nhân ắt sẽ có được câu trả lời. Vấn đề trước tiên là làm gì để học sinh yêu mến các môn học khối C!

Minh Nhật

Theo Báo Phụ nữ TP.HCM

Đặng Văn Sỹ - (vào lúc: 19:06 - 06-13-2011)

CÁI GIÁ CỦA KHỐI C

 

Những mùa tuyển sinh CĐ- ĐH gần đây nhóm ngành KHXH&NV không còn sức hút đối với đông đảo thí sinh nữa. Không thể phủ nhận những yếu tố khách quan dẫn đến hiện trạng này nhưng nếu xét riêng ở vấn đề cơ hội việc làm, có một thực tế là không ít người đang có suy nghĩ “xem thường” các nhóm ngành XHNV, đứng ở góc độ của người đang làm công tác tuyển dụng tôi thấy vấn đề này cần phải xem lại.

Là một đơn vị kinh doanh sản xuất đa ngành nghề, hàng năm công ty chúng tôi phải bổ sung một số lượng khá lớn đội ngũ nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc, trong số này có đến 50% những người học chuyên ngành XHNV được tuyển chọn. Nhiều vị trí chủ chốt của công ty hiện nay như giám đốc marketing, giám đốc nhân sự, trưởng phòng nghiên cứu thị trường, trưởng phòng hành chính, trưởng phòng pháp chế, các vị trí trợ lí…đều xuất thân từ “dân khối C” cả. Họ là những người từng học cử nhân Ngữ văn – truyền thông, cử nhân luật, cử nhân hành chính học, xã hội học, địa lí tự nhiên, địa lí xã hội, ngoại ngữ…thậm chí khi công ty mở rộng xuất khẩu hàng hóa qua một số nước Đông Á thì tìm kiếm được những người học chuyên ngành Đông phương học, Hàn Quốc học hay Nhật Bản học là rất hữu dụng. Có một điểm chung là, khi những người thuộc các chuyên ngành XHNV được sắp xếp làm việc đúng vị trí, họ vừa đảm bảo sự chu đáo lại vừa thể hiện được sự nhanh nhạy sáng tạo trong công việc, mặt khác những người này cón có một lợi thế rất lớn nữa đó là kĩ năng giao tiếp khá tốt, điều mà những người học các ngành kinh tế hay kĩ thuật lại hạn chế. Khi công tác tại Sở Lao động thương binh và xã hội TP, tiếp xúc với nhiều đại diện của các tổ chức phi chính phủ họ cũng thường ưu tiên tuyển dụng những cử nhân ngành XHNV với mức thu nhập khá hấp dẫn. Học khối C ra trường bị thất nghiêp hay có việc làm nhưng mức thu nhập không cao đó chỉ là suy nghĩ của những người có tâm lí ỷ lại, không chủ động trang bị  cho mình những nghiệp vụ, những kĩ năng mềm cần thiết để có thể tự chọn cho mình những công việc phù hợp. Trên đây chúng tôi chỉ xét riêng ở các cơ sở kinh tế và các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài thì cơ hội có được một việc làm tốt của người học khối C hoàn toàn không thua kém những ngành học khác. Vấn đề đặt ra là Bộ giáo dục và các trường ĐH - CĐ cần điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp, chánh lối học kiểu hàn lâm xưa nay mà thay vào đó là những môn học, ngành học gần gũi và hữu dụng hơn đối với xã hội. Chỉ có như vậy mới hi vọng thoát khỏi cảnh “đìu hiu” ở các nhành khối C như hiện nay. Mặt khác, người học cũng phải xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp khi chọn các ngành XHNV để theo học, tránh tình trạng không học được các khối khác thì nhảy qua khối C để học vì nếu như vậy thì ngay cả khi tốt nghiệp ra trường thì đương nhiên những người này khó có thể đáp ứng các tiêu chí của nhà tuyển dụng. Ngành học nào thì cũng vẫn cần thiết cho xã hội, khối thi nào cũng còn đó những giá trị của nó vấn đề là cần sự thay đổi để mỗi ngành học ấy phù hợp với thời đại mà thôi.


Phamngochien.com - 21:40 - 21/05/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận