Đôi đũa cả (Vũ Văn Cương - Hưng Yên)

 

Đôi khi tôi chợt nghĩ về một cặp hình ảnh giờ đã chả còn thấy ở trong các bữa cơm gia đình của mình nữa: đôi đũa cả đánh cơm và xới cơm cho cả nhà. Có lẽ khi những gì thân thiết qua đi thì con người mới lại dành thời gian băn khoăn và nghĩ ngợi về nó. Thực lòng mà nói, tôi cũng chẳng thể nhớ chính xác là trong nhà mình thiếu vắng đôi đũa cả từ bao giờ nữa, nhưng có lẽ là từ khi gia đình tôi dùng nồi cơm điện. Cuộc sống hiện đại, nhiều tiện nghi, với ai đó có lẽ luôn là một cảm giác hạnh phúc, là mục tiêu phấn đấu, là quy luật kế thừa cho cái mới ra đời, còn với tôi, trong một phần của kí ức, tôi vẫn cho rằng mình nên dành một chút thời gian để hiểu rõ cái về cũ rồi sẽ biết đến cái mới sâu sắc hơn.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, các cụ nhà ta đặt tên là đũa cả, đũa thì có đôi nên hay gọi luôn là đôi đũa cả. Cả là lớn, cả khác với con. Đôi đũa con là đôi mà mỗi người dùng để ăn cơm. Tùy vào lượng cơm và lượng thức ăn mà người ta dùng đầu đũa để thu hẹp hoặc mở rộng khoảng cách giữa hai chiếc đũa nhờ chuyển động nhỏ của các ngón tay. Khi muốn ăn nhanh, dân mình gọi là “và cơm” rất linh hoạt và ấn tượng. Lớn lên, tôi còn biết thêm, ngoài đôi đũa tre quê tôi hay dùng thì đôi đũa con còn được làm từ gỗ, từ kim loại, thậm chí được làm từ xương hoặc ngà voi, nhựa tổng hợp, chất dẻo với nhiều kiểu dáng và mẫu mã hấp dẫn. Trong các bữa ăn của vua quan và các gia đình quyền quý xưa, đôi đũa có thể làm bằng gỗ kim giao hoặc bằng bạc, nếu có chất độc trong thức ăn, đũa lập tức đổi thành màu đen xỉn rất dễ phát hiện. Kinh nghiệm quả là một bài học thú vị. Nhưng đấy là những điều về đôi đũa con, đôi đũa trực tiếp đưa cơm với thức ăn vào miệng, còn đôi đũa cả thì lại có những nét đặc trưng riêng biệt.

Đôi đũa cả là đôi đũa dùng để đánh xới cơm trong nồi cho tơi ra, cho bớt nóng rồi lần lượt xới vào bát ăn cơm cho từng người trong mâm. Như thế, đôi đũa cả là đôi đũa trực tiếp xới cơm nóng giãy từ nồi cơm, do đó nó thường được làm từ tre cật hoặc trúc để đảm bảo độ cứng rắn, khỏe khoắn. Đôi đũa cả sinh ra từ thân tre, trúc mà tre trúc vốn là biểu tượng cho người quân tử xưa nay, tre trúc dù có thiêu cháy vẫn để lại nguyên hình gióng đốt, giống như viên ngọc cho dù có đập vỡ thì ngọc vẫn sáng. Ở quê tôi, khó có loại gỗ nào thay thế được nguyên liệu làm đôi đũa cả vừa tiện lợi vừa an toàn như tre trúc. Tre trúc ở quê hương, đất nước này thì đâu đâu chẳng thấy, đời đời vẫn gắn bó tình sâu nghĩa nặng với người Việt Nam trong lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Tôi chợt nghĩ cho đôi đũa cả như chợt nghĩ về những biểu tượng cho những gì thân quen nhất, gần gũi nhất mà cứ hồn hậu chất phác tự nhiên như bầu khí quyển bao đời nay.

Có phải vì là đũa cả nên thường phải đứng mũi chịu sào hay không nữa, nhưng cứ tưởng tượng tới cái nóng bỏng từ nồi cơm mà đũa cả là đối tượng tiếp xúc đầu tiên cũng đủ thấy sự hi sinh, không quản gian khó của nó rồi. Kể cả người anh em của nó ở dưới bếp khi xưa nấu cơm bằng rơm rạ que củi thì đôi đũa cả ở dưới bếp cũng phải trực tiếp ghế cơm, đảo cơm cho chín đều khi nồi cơm đang sôi sùng sục. Những nhiệm vụ nặng nề ấy thì các đôi đũa con khó có thể đảm nhiệm được một cách hoàn hảo, chứ chưa muốn nói đến các đôi đũa con được làm từ nhựa dẻo thì lại càng không thể. Quanh năm suốt tháng đôi đũa cả chỉ biết tới cơm sôi, cơm nóng mà không bao giờ chạm  tới đồ ăn thức uống sang trọng trong mâm, dù mâm cơm giản dị dưa cà đến những bàn tiệc sơn hào hải vị. Đôi đũa cả cứ như thế, cứ âm thầm hi sinh để vẹn tròn trách nhiệm của đôi đũa cả.

Hồi nhỏ, mỗi lần rửa bát là tôi ngại rửa nhất đôi đũa cả vì nó là đôi đũa dính nhiều cơm nhất và lại càng không thể rửa nhanh được, rửa qua quýt là bột cơm vẫn còn dính ở đầu đũa, ruồi sẽ bâu đậu vào rất mất vệ sinh. Tôi còn nhớ mỗi lần mở vung nồi xoong còn nóng, tôi cũng hay tiện tay lấy đôi đũa cả xiên vào cái lỗ ở trên núm nắp vung để mở ra cho đỡ nóng. Rồi có lần bắc nồi cơm bằng gang đang được ủ tro nóng, do không tìm thấy giẻ lót đâu, tôi bèn lấy đôi đũa cả ở ngay bếp đặt mỗi bên quai nồi một chiếc để nhấc vào rế rồi bê lên nhà. Rồi đũa cả đôi khi trở thành roi vụt con trẻ hư khi ba mẹ chưa kịp tìm thấy cái roi còn dắt ở đâu đó như tôi đã từng chứng kiến cô chú hàng xóm dạy con. Dường như tất cả những cái gì nóng nảy bỏng rát nhất cũng đến đũa cả, ấy vậy mà những câu ca ví von lại thường không thuộc về đũa cả, từ những điều so sánh tương xứng“Đôi ta làm bạn thong dong. Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng” đến những điều không tương xứng “Chồng thấp mà vợ lại cao. Như đôi đũa lệch biết sao so bằng”

Lớn lên thêm nữa, được đi học gần học xa tôi mới hiểu hơn về đôi đũa trong văn hóa ẩm thực của các nước phương Đông, đặc biệt là của các nước Đông Á, và cũng thấy thấm thía hơn cái từ “cả” bao la trong tiếng Việt. Rồi như cảm thấy tiêng tiếc cho đôi đũa cả khi xưa, tôi quyết định chọn một cái thìa xới cơm bằng tre chứ không bằng chất liệu nào khác nữa. Có thể đó cũng là cách níu giữ riêng tôi về một thời lớn lên cùng đôi đũa cả nhưng tôi dù sao nó cũng làm tôi thấy thêm yêu mái ấm gia đình trong niềm vui quây quần mỗi lần ăn cơm.

 


Phamngochien.com - 20:02 - 22/03/2020 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận