Đôi điều về nhạc Sến (Phan Thanh Tâm - Cà Mau)

    

     Nhạc Sến là gì ?...Chỉ có những nhà nghiên cứu âm nhạc mới hiểu rõ từng giai đoạn hình thành và phát triển của các thể loại âm nhạc trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này. Những người nghe nhạc như tôi thì chỉ biết hỏi bác Gu-gồ, nhờ tìm giúp coi Nhạc sến là gì?...Bác tìm cho tôi năm cách lý giải về nhạc Sến.(còn nữa hay không thì tôi chưa biết)

    1. Chữ Sến đọc trại từ chữ “Maria Sến”, theo lý giải: năm 1954 giới thượng lưu ngoài bắc di dân vào Nam có mướn người ở gọi là con Sen, không hiểu vì sao người ta lại gán ghép tên Sen với chữ Maria thành Maria Sến, nửa Tây nửa Ta với một dụng ý nào đó(…)

    2. Chữ Sến đọc trại từ chữ “Maria Schell 1926 – 2005” là nữ minh tinh người Áo, tác giả Tuấn Huy chuyển tên thành Maria Sến vì cô này diễn rất sướt mướt(…)

    3. Chữ Sến còn dùng để chỉ những cô gái gánh nước máy phông-tên ở các đô thị thời trước 1975, hay những người bình dân hát nhạc Bolero còn gọi là “nhạc máy nước”(…)

    4. Chữ Sến bắt nguồn từ cách nói bắt vần có cùng chữ “S”: sang - sến(Sang là sang trọng; Sến là quê mùa)

    5. Thời đất nước còn chia đôi, miền Bắc gọi chung nhạc miền Nam là Nhạc vàng vì giai điệu lời ca nghe ủy mị, than trời trách phận, thiếu sức sống…Nhạc miền Bắc được gọi là Nhạc đỏ, nhạc hào hùng khí thế cách mạng và giàu sức chiến đấu….Gọi Nhạc đỏ, Nhạc vàng còn là ý nghĩa của hai màu cờ, miền Bắc nền cờ đỏ chiếm phần lớn, miền Nam nền cờ vàng chiếm phần nhiều hơn. Nhạc vàng còn nói đến thứ kim loại bằng vàng để chỉ sự giàu có sang trọng của giới thượng lưu miền Bắc vào những năm Pháp thuộc. Vì vậy, dòng nhạc Bolero vẫn được miền Bắc gọi là Nhạc vàng như xưa nay.

     Năm cái tên “Sến” ở trên điều có ý cho rằng mình là nguồn gốc tên Nhạc Sến ngày nay. Xin hỏi: Ai là chị Maria Sến đã làm mê hoặc lòng người cho tận đến ngày nay và đang lên ngôi!?

     Còn cách thứ 6 thì tôi chỉ nói cho vui: Chữ Sến có thể bắt nguồn từ chữ Sến của cây đàn Sến, đàn Cò của nghệ nhân đàn hát Cải lương…Vì Cải lương là môn nghệ thuật đặc trưng của xứ Nam Bộ như đàn ca tài tử ngày nay. Nghệ nhân đàn cổ thường có các loại đàn: Tranh, Ghi ta phím lỏm, Sến, Cò...Vì vậy chữ Sến để chỉ người dân Nam Bộ hay thích hát nhạc Bolero, Rumba, Ballade, Habanara….Vì điệu Bolero thường có nhịp tư như ca cổ, tốc độ hát gần với ca cổ, lời nhạc Bolero giản dị giống tính cách người Nam Bộ chân chất mộc mạc…Nghe danh ca Út Trà Ôn hát vọng cổ “Tình anh bán chiếu” lời ca và giọng hát nghe rất thật thà như hát nhạc Bolero, nhưng lay láng tình cảm, nhớ thương chờ đợi đều nói rất rõ ràng không quanh co.

     Âm nhạc vùng miền… Người Nam Bộ hiền hòa và hiếu khách, nói năng thẳng thắn không ưa hàm ý quanh co, tính tình phóng khoáng nên có chút ngang tàng hảo hán. Dân Nam Bộ  lúc nhậu vui hay nói: “Chơi hết mình còn cái quần tà lỏn cũng chơi!”, “Chơi xả láng sáng về sớm!”, “Chơi tới bến luôn tụi mầy ơi!”.v.v...Đất Nam Bộ hình thành cách đây vài trăm năm, thời mới khẩn hoang trên rừng cọp beo, rắn độc, dưới sông sấu nổi đầu như mù u.v.v...Do cái chết luôn cận kề rình rập của các loài ác thú, người dân khẩn hoang buộc phải nói rất ngắn - như hét thật to: Cọp cọp!!!... Rắn rắn!!!... Sấu sấu!!!...Để chỉ người nào không hay biết thì lập tức tránh né. Nếu nói có đầu có đuôi: Con cọp vằn nó đang rình ở buội rậm sát bên mầy, mầy coi chừng nó vồ là chết ngắc đó nghen con!...Nói chưa hết câu thì cọp vồ chạy vào rừng ăn không còn miếng xương!...Như người dân biển cũng vậy: người đứng mũi, người đứng lái muốn nói nhau cũng phải thật gắn gọn: Thả neo!...Buộc dây!...Kéo lưới!...Nói dài dòng thì ghe trôi mất, nên ngươi dân biển bị cho là ăn nói thô lổ và cụt ngủn không đầu không đuôi. Vì vậy, những nhạc sĩ sinh trưởng ở vùng đất Nam Bộ thường viết lời nhạc, cho dù có văn hoa bóng bẫy thì lời cũng rất rõ ràng, đi thẳng vào trái tim người nghe: yêu nói yêu, hờn nói hờn, nhớ nói nhớ, chứ không quanh co hàm ý như các nhạc sĩ sinh trưởng ở miền Bắc… Miền Bắc, miền Trung là cái nôi của văn hóa cội nguồn, thắng cảnh nên thơ hữu tình… Người Bắc quan niệm học để làm quan cho họ hàng được nhờ vì thời phong kiến làm nông dân bị bóc lột cùng kiệt…Miền Trung đất cày lên sỏi đá cũng lấy cái học để nuôi thân tiến thân. Hai nơi này đều sinh ra anh hùng hào kiệt của dân tộc. Trái lại người miền Nam thời đó đất rộng người thưa, họ cần đất hơn là cần học. Như Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy, gia sản trên trăm ngàn mẫu đất ruộng, muối…Ông đi Tây du học về được bằng lái xe và bằng lái máy bay. Nhạc sĩ miền Bắc thường có kiến thức văn học phong phú nên viết nhạc giống như làm thơ phải có vần có điệu, ý hàm súc sâu xa; còn viết như câu văn xuôi thì cũng phải văn chương bóng bẫy. Có thể đây là nguyên nhân sinh ra dòng Nhạc vàng nhạc sang chăng?...Vì vàng là thứ kim loại quý chỉ những giới thượng lưu thời đó mới có để trang sức, nhằm tăng thêm sự giàu sang của mình. Lời ca thì trữ tình lãng mạn ảnh hưởng văn học Pháp thời thuộc địa.. Thời đó giới thượng lưu hay nhập quốc tịch Pháp - ôm cẳng Tây nhằm hưởng đặc quyền đặc lợi, trái lại, người nông dân ở cả ba miền lúc đó đều nghèo đói và thất học, chữ nghĩa chưa đầy lá mít thì lấy đâu mà thưởng ngoạn loại âm nhạc hàn lâm cao siêu đó!?

      Như vậy, phong cách sáng tác của các nhạc sĩ ở mỗi vùng miền ít nhiều có sự khác nhau. Điều này tương tự câu nói của một nhạc sĩ khá nổi tiếng ở Sài Gòn mà tôi quên tên: “Người có hiểu biết một chút thì hát nhạc khó hiểu một chút gọi là Nhạc sang, người ít hiểu biết thì hát nhạc Bolero dễ hiểu gọi là Nhạc Sến, nhưng tất cả đều là Nhạc vàng.” Bây giờ muốn phân ra nhạc nào là Nhạc Sến,  nhạc nào là Nhạc vàng thì rất khó…Mà phân để làm gì, chỉ gây thêm hiềm khích. Hay nhạc sĩ nào là nhạc sĩ Nhạc vàng, nhạc sĩ nào là nhạc sĩ Nhạc Sến cũng không nên. Nhạc sĩ miền Nam chính hiệu như Lam Phương, Thanh Sơn, Trúc Phương… Các nhạc sĩ này khi sáng tác ít nhiều đều mang ngôn ngữ và âm hưởng Nam Bộ. Tuy nhiên, các nhạc sĩ ở miền Trung như Châu Kỳ, Hàn Châu…Khi sáng tác cũng có ngôn ngữ Nam Bộ - đó là sự rõ ràng giản dị. Có lẽ họ sinh sống lâu năm ở đất Sài Gòn rồi quen cung cách tình cảm của người Sài Gòn, người Nam Bộ chăng?...Hay do tính cách của người miền Trung cũng giản dị và mộc mạc như người Nam Bộ? Ở đây không phân biệt rạch ròi, tất cả hòa điệu làm nên một nền Tân nhạc độc đáo và đặc sắc của một vùng miền để mọi người thư giãn những lúc làm việc mệt nhọc.

       Như đã nói ở trên: do khác nhau về địa lý khí hậu, vùng đất Nam Bộ chằng chịt sông rạch, hiếm cảnh phong tình nên thơ, nền văn hóa mới mẻ chưa phát triển đa dạng và phong phú như bây giờ…Văn hóa sơ khai của vùng đất mới ăn sâu vào tâm thức tâm hồn của người nghệ sĩ – từ đó hình thành nên tác phẩm nghệ thuật cũng mang tính sơ khai dung dị. Một vùng đất mới chân chất sinh ra những con người nghệ sĩ chân chất thì lời ca tiếng hát cũng chân chất mộc mạc như thế! Ở một vùng địa lý khác như miền Bắc, miền Trung phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non hùng vĩ chập chùng mây khói thì con người nghệ sĩ ở đó đã khắc sâu vào tâm thức tâm hồn của họ qua bao đời cha ông. Nơi đó còn có một nền văn hóa đậm sắc và lâu đời, vì vậy tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ sáng tác ở đó cũng khác hơn ở miền Nam. Miền Nam do đồng ruộng mênh mông, cò bay thẳng cánh tận trời chiều chưa hết đất (…). Một nhạc sĩ miền xuôi sáng tác nhạc Tây nguyên sẽ không hay bằng nhạc sĩ Tây nguyên, tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ như nhạc sĩ Nguyễn Cường là người Hà Nội, ông sáng tác nhạc Tây Nguyên rất hay, có lẽ ông có những năm tháng lưu lại vùng đất này khá lâu chăng? Hay nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là người miền Trung, ông sáng tác bài “Chiếc áo bà ba” nói về sông nước miền Tây rất nổi tiếng tận bây giờ. Nói về ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (Nhật Trường), theo tôi, ông là người đứng giữa dòng Tân nhạc miền Nam thời trước 1975…Vì giai điệu nhạc ở cung trưởng của ông viết rất đẹp, sang và sáng, lời ca thì trữ tình bóng bẫy và nghe rất hay!

      Nếu cho Nhạc sến là nhạc của người bình dân Nam Bộ quê mùa – thì đó là cả bề dầy lịch sử của thời khẩn hoang rừng sâu nước độc và đầy hiểm nguy...Lời ca tiếng hát Nhạc Sến nghe ra quê mùa chân mộc nên thường bị xem nhẹ – chính cái đó là nước mắt, sự khổ ải cơ cực của tổ tiên ông bà đã khẩn hoang vùng đất khắc nghiệt toàn ác thú…Và có biết bao sinh linh bị cọp vồ sấu tha, tưởng chừng không thể chinh phục được vùng đất hứa đầy mơ ước của những người nông dân nghèo tứ xứ. Cái mà mọi người có được hôm nay là thành quả của trăm năm gian khổ !

      Cái thú ca hát của người Nam Bộ từ hò đối đáp, cải lương đến sến… Hồi chưa có vọng cổ, nhạc Sến, người dân Nam Bộ thời khẩn hoang chèo xuồng đi trên sông rạch, hễ thấy gái như mèo thấy mỡ, mau mau mở dây xuồng rồi chèo siết theo chọc ghẹo, người con gái cũng không vừa, đưa đẩy câu hò tình tứ, hẹn duyên hẹn nợ kiếp này rồi kiếp mai sau…Anh chàng mê mệt đuổi theo đến trời sẩm tối, giựt mình nhìn lại đoạn đường ghẹo gái trên chục cây số…Hối hả từ giã bóng hồng hẹn lại lần gặp sau, cong lưng cong cổ chèo về cho siết, lúc đó muỗi rừng bay ra kêu vo ve như sáo thổi rượt đuổi mau mau về nhà để má lo: sợ bị cọp vồ sấu tha!…Rồi có khi cả đời họ không gặp lại nhau! Cũng có đôi hò đáp rồi lấy nhau đẻ ra trung đội 12 tên lính vừa cái vừa đực cho vui nhà vui cửa và cho có người nối dõi tông đường, hay có trai khỏe mà làm ruộng làm rẫy nối nghiệp nhà nông. Hay hò vì thất tình thất ngải, do cha mẹ không cho lấy nhau chỉ vì nghèo.v.v…. Thời hò đáp qua đi thì tới thời ca vọng cổ: đi cày đi cấy, tát nước nhổ mạ… Nói chung làm gì cũng ca cũng hát! Bây giờ tới nhạc Sến thấy ca mọi lúc: đám cưới ca, đám ma ca, chồng bỏ vợ thôi ca, chạy xe ôm ca, đánh bài tứ sắc thua ca, ông giám đốc rảnh việc ngồi tréo giò lên bàn cũng ca vì nhớ người mẫu chân dài tới nách.v.v…Ca đến nổi phải sinh máu ghen tuông: Một anh ở nhà đối diện, anh ta đi tới đi lui trong nhà rồi hứng thú hát “ước gì nhà mình chung vách hai đứa mình khoét vách chung qua…” Chị ở nhà đối diện cũng cao giọng hát “ước gì nhà mình chung vách tối mai này khoét vách chung qua…”. Anh chồng say nhừ, loáng thoáng nghe vợ hát đú đởn, anh chồng nổi sung thiên tát vợ mấy cái đau điếng, còn anh bạn thì mau mau khóa cửa.(tôi kể vui, nhưng đó là thật).

      Nhạc Sến có khó hát không? Nhạc Sến hát rất dễ, ai hát cũng được, nhưng để thành danh ca dòng Nhạc Sến thì rất khó, cách lấy hơi nhả chữ phải mềm mại, thường ngân nhẹ ở cuối câu hát nghe rất ngọt tình…Hát phải tròn vành rõ chữ, phải bỏ trái tim vào dòng kẻ nhạc với tác giả. Nói chung là hát phải “mùi” độ mùi này giống như “mùi” ở ca giọng cổ. Tôi không rành về ca hát, cái này hỏi mấy cô mấy thầy thì nói hay lắm!....Nhạc Sến hát trong lúc nhậu thì khỏi phải nói phải chê: chỉ cần cây đàn thùng có bị đứt dây hay không thì không quan trọng, chưa đã, lấy muỗng đũa gõ lóc cóc lên miệng chén miệng tô đến mẻ bể, hứng nữa thì chạy xuống nhà sau lấy thau, thùng, can, lên đập bình binh như trống chập chã…Lúc đó khán giả không phải mua vé, đứng xem rất đông thì càng hào hứng chơi mút chỉ sáng về sớm!...Lại có khi làm phiền hàng xóm, nhất là hát Karaoke không giờ giấc, sinh nhiều chuyện láng giềng buồn nhau.v.v….

     Lời nhạc Sến hợp với tính cách của người bình dân Nam Bộ: nói yêu nói thương thì thẳng ruột ngựa, không vòng vo cao thấp như dòng Nhạc sang gì đó. Người bình dân ít học không có thời gian suy tư trăn trở…Họ nghe nhạc Sến lâu ngày rồi thấm vào máu vào não, hễ nghe ai ca Nhạc sến thì lép nhép hát theo, lòng đầy khoan khoái như uống ly ca phê đen vào buổi sáng sớm để chuẩn bị chạy xe ôm hay phụ hồ…Nhạc sến Nhạc vàng có lúc bị cho là sướt mướt, ủy mị, yếm thế, ru ngủ làm cho con người mất tinh thần chiến đấu nghịch cảnh, ảnh hưởng tâm tính và sự phát triển của xã hội. Giã sử, con người không có những thứ tình cảm bản năng đó thì loài người sẽ ra sao??? “Lời nói đó đúng chỉ trong tư tưởng của một người”.

     Thể loại Bolero là nhạc của nước ngoài, bây giờ gọi là Nhạc Sến Việt hay Nhạc sến Nam Bộ gì đó - thì Việt hóa thành cái của mình rồi, lấy cái tinh hoa của thế giới làm cái văn hóa văn nghệ của mình là đã có từ ngàn xưa, như vay mượn Hán tự, bắt chước phong tục tập quán tốt đẹp của Tàu.v.v… Làm cho văn hóa Việt ngày thêm phong phú đa dạng và giàu bản sắc là tốt chứ không phải xấu, tất nhiên là có chọn lọc thử thách. Điều lý thú là từ con Sen ngày xưa gọi là ở đợ thì lại khá trùng hợp với từ Ô-sin ngày nay gọi là người giúp việc, đều có chữ “S”(Sen, Sin), gọi Nhạc Sến là Nhạc Ô-sin nghe cũng văn hoa! (tôi nói đùa)…

     Nhớ hồi còn nhỏ, đi theo mấy anh chị ca hát trước năm 1975, không nghe ai nói bản nhạc này là Nhạc vàng bản nhạc kia là Nhạc sến, chỉ nói đây là nhạc Phạm Duy, đây là nhạc Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Lam Phương, Thanh Sơn…. Cũng không ai nói anh chị ca Sến quá. Vậy mà, chỉ vì cái tên gọi của người giúp việc là Sen hay minh tinh màn bạc Maria Schell của Áo gì đó, lâu ngày mặc định dòng nhạc Bolero thành Nhạc Sến ngon lành!...Nghĩ ra cũng khá ngộ lạ!... Một dòng nhạc phổ biến nổi tiếng của thời Sài Gòn được định danh tên tuổi lại thì quá bất ngờ !?...Làm được việc này chỉ những ai bản lĩnh và uy tín khắp mình trong giới nghệ thuật cũng như chánh quyền, khiến nhà báo phải tung hô vạn tuế và ủng hộ theo đuôi! Vì thời đó giới sinh viên trí thức dễ phản ứng biểu tình (…) Kể cả những tác giả thuộc dòng nhạc Bolero ở một vùng khá tự do về ngôn luận thì họ sẽ phản ứng ra sao? Tôi lại đùa nữa: lỗi này tại ông Gu-gồ, hễ có tin giựt gân, mới, lạ, độc… thì làm bà Tám nhiều chuyện liền!...Đúng sai hạ hồi phân giải, loan truyền tin bằng miệng thì khó định hình định dạng nhạc Bolero trở thành Sến. Ngày nay ông Gu-gồ lan tin bằng cấp số nhân: 1 người nói, chỉ 1 giờ sau thành 100 ngàn người nói rồi triệu triệu người nói, không bao lâu đội mảo vẽ râu, thành hình hài Nhạc Sến rất dễ dàng như trở bàn tay!

     Tuổi trẻ tân thời thích nhạc trẻ trung, vui tươi và sôi động: đầu lắc lắc, tay búng bóp chát, chân nhún nhảy theo điệu nhạc tươi khỏe: Hàn, Thái, Campu…Thú thật tôi rất thích xem lớp trẻ ca hát nhún nhảy như thế!...Lúc đó tâm hồn mình như trẻ lại rất nhiều!...Khi đó, người yêu thích dòng nhạc Bolero trữ tình cho ai gọi dòng nhạc này là Nhạc sến, thì nghĩ là miệt thị dòng nhạc đặc trưng của giới bình dân. Nói vậy chứ có ai xem thường chị Maria Sến mình đâu!...Bi giờ chị Sến mình nổi như cồn, lên ngôi ở các chương trình ca nhạc giải trí của đài truyền hình Vĩnh Long và có rất nhiều cuộc thi tuyển chọn ra ca sĩ hát dòng nhạc Sến “mùi”, có nhiều chủ đề: Hát cùng Bolero, Solo cùng Bolero, Tình ca Bolero.v.v..Và có hàng ngàn thí sinh ở khắp ba miền đăng kí dự thi. Giám khảo là những danh ca kỳ cựu của dòng nhạc Bolero như Phương Dung(nhạn trắng Gò Công), Họa My, Thái Châu, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung…Mỗi đêm thí sinh được chọn hát dòng nhạc của các nhạc sĩ tài hoa như Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Thanh Sơn…Ở đài truyền hình thành Phố Hồ Chí Minh thì có những cuộc thi tương tự: Nhạc trẻ hát chung Nhạc sến. Giám khảo là những ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quang Linh, Quang Dũng, Quang Lê, Phương Thanh….Tuổi trẻ kéo nhau đi coi ào ào rất say mê.

      Người Nam Bộ rất mê ca hát, đó là thú vui của những người đi khẩn hoang. Họ hát giữa đất trời mênh mông, giữa rừng sông chằng chịt như màng nhện: Cọp gầm rừng sâu, sấu trườn bãi sông, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh”…Chung quanh họ là thần chết rình rập từng hồi, vậy mà vẫn cất tiếng hát sang sảng như sua đuổi các loài thú ác để biến rừng sâu nước độc thành đồng ruộng, nương rẫy, vườn tượt, đầm cá đầm tôm… Nuôi sống một phần lớn đất nước hiện nay, còn dư mang biếu cho các nước bạn còn nghèo để thể hiện lòng mến khách của nhân dân Việt Nam và dân Nam Bộ nói riêng(Tôi nói có quá không?)….Nói để thấy người Nam Bộ ca hát không phải bỏ đất đai ruộng vườn hoang phế, trái lại, họ làm ra rất nhiều của cải cho gia đình, cho quê hương Nam Bộ và cho đất nước Việt Nam của họ: vì Nam Bộ là một vùng đất nổi tiếng thiên thời địa lợi và nhân hòa!

      Người Việt trong hay ngoài nước: có gọi dòng nhạc Bolero trữ tình là Nhạc Sến quê mùa với dụng ý nào…Thì xin một lần nghĩ lại cội nguồn, nhất là người Nam Bộ: cha ông ta và ta đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất một thời đánh đổi cái chết mới có được cái cho ta thụ hưởng hôm nay !!! (…)

Phan Thanh Tâm

 ----------------------------------------------------

- Chú thích: Người viết không có ý nói nhạc sĩ bắc, trung, không sáng tác Nhạc sến, có, nhưng nhạc sĩ sinh và lớn lên ở vùng miền nào thì thường bị ảnh hưởng văn hóa vùng miền đó trong sáng tác nghệ thuật.

 


Phamngochien.com - 20:17 - 16/03/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận