Độc đáo khèn "Phằn tỵ" của người Dao đỏ (Bàn Hữu Tài)

.

Trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người Dao đỏ không thể thiếu tiếng khèn "phằn tỵ". Nhiều dân tộc có khèn nhưng khèn "phằn tỵ" của người Dao đỏ có nét độc đáo riêng biệt, góp phần quan trọng làm nên bản sắc riêng của người Dao đỏ.

Cũng gần như chiếc khèn "pí lè" của người Tày, chiếc khèn "phằn tỵ" của người Dao đỏ được chế tạo khá công phu. Thân khèn có 9 lỗ gồm 8 lỗ dành cho các ngón ở phía trước và 1 lỗ duy nhất ở phía sau dùng cho ngón tay cái khi thổi, thân khèn được làm từ lõi một loại gỗ mà người Dao đỏ gọi là "xà phong" vì lõi gỗ này vừa bền, vừa chống mối mọt tốt và có ưu điểm là rất nhẹ. Loa khèn được đúc bằng kim loại đồng, đầu trên của khèn chỗ ngậm mồm vào để thổi cũng được gắn bằng đồng và chụp nối vào đó bằng vỏ kén của một loại sâu thường kiếm trên thân cây đào hoặc mận gọi là "kèng sạo".

Để luyện thổi được chiếc khèn "phằn tỵ" khá công phu và phức tạp mà không phải ai cũng luyện được. Vì không giống như khèn Mông có thể hít vào cũng kêu, thổi ra cũng kêu mà chiếc khèn "phằn tỵ" của người Dao chỉ có cách duy nhất là thổi ra mới kêu và mỗi bài nhịp gọi là "dạt" phải hết bài mới được ngưng nghỉ, nhất là khi thổi đưa tiễn cô dâu về nhà chồng thậm chí trèo đèo lội suối vẫn phải vừa đi vừa thổi nên người thổi phải luyện cách lấy hơi. Cách lấy hơi là khi mũi hít vào lấy hơi vẫn phải để hơi dự trữ ở mồm để thổi ra cho khèn không ngừng kêu đồng thời các ngón tay vẫn phải kết hợp không được quên nhịp của bài nhịp gọi là "dạt". Vì thế những người luyện thổi khèn đầu tiên thường phải dùng que ống bông lau nhúng xuống nước thổi luyện khi nào thổi nước sủi lên không ngừng mới luyện thổi sáo, khi nào quen được với sáo mới được thử với chiếc khèn chính thức.

Đám cưới người Dao đỏ, ngoài những người có nhiệm vụ quan trọng, như: ông "sình sui" cúng tế làm chủ đám cưới, ông "mùi miền" mời khách, đầu bếp..., thì không thể thiếu ông "phằn tỵ" - người thổi khèn và đội trống. Đội trống, khèn được bố trí ngồi riêng mâm ở mép cửa bên trái của gia đình đám cưới, gồm: người thổi khèn, người đánh trống, người gõ chiêng và người cuối cùng là dùng thanh la. Trong lúc đoàn "sinh cha" (tức anh em họ hàng bên gái) đưa tiễn dâu chưa đến nhà trai thì đội trống có thể tưng bừng luyện tập cho đều nhịp. Đầu tiên là tiếng khèn đi trước, theo sau là trống và lần lượt là chiêng rồi cuối cùng là thanh la, phải đều nhịp kết hợp lại thành những bản nhạc bập bùng cất lên đều đặn trong các bài "dạt" như đón dâu, mời dùng bữa, kết thúc giải tán đám cưới...

Người thổi khèn đưa dâu thì không có chiêng trống mà chỉ là một người đơn lẻ thổi đưa tiễn đoàn "sinh cha" cùng cô dâu sang nhà trai. Khi nghe tiếng khèn của đoàn "sinh cha" đến, đội trống, khèn bên nhà trai bắt đầu ra đón, hai người thổi khèn gặp nhau và cúi lạy nhau rồi dẫn cả đoàn "sinh cha" đi theo một vòng tròn. Khi đứng lại ông "mùi miền" bên nhà trai đi mời rượu lần lượt mọi người trong đoàn "sinh cha". Trong lúc ông "mùi miền" mời rượu đoàn "sinh cha" thì đội trống vẫn tiếp tục nhảy múa đi theo vòng tròn bên cạnh đoàn "sinh cha". Nghi lễ này gọi là "vầy sinh cha" mang tính chất là họp mặt điểm danh và cảm ơn anh em bên nhà gái trước khi đưa dâu vào nhà trai. Khi ông "mùi miền" mời rượu xong thì đội trống tiếp tục dẫn đoàn "sinh cha" vào nhà trai. Sau khi đưa đoàn "sinh cha" vào nhà trai coi như người thổi khèn bên gái đã hoàn thành nhiệm vụ, còn đội trống, khèn bên nhà trai có thể tạm nghỉ và đợi khi đến bữa thì tiếng khèn, chiêng, trống lại nổi lên mang tính chất là mời khách dùng bữa. Nhịp điệu của các bài "dạt" mời ăn trưa, chiều, tối gần giống nhau, tuy nhiên cũng có một số nhịp và ý nghĩa khác nhau. Ngoài những bài "dạt" đưa dâu, đón dâu, mời dùng bữa, giải tán đám cưới... thì khèn còn dùng trong đám ma nhưng trong đám ma chỉ thổi một đoạn ngắn trong lúc đưa tang.

Chiếc khèn và tiếng khèn "phằn tỵ" của người Dao đỏ là nét đẹp văn hoá đặc sắc trong đời sống của cộng đồng người Dao đỏ nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy, trong cuộc sống hôm nay khèn "phằn tỵ" cần được quan tâm, trân trọng, gìn giữ và phát huy. 

Bàn Hữu Tài

SV Khoa Điện - Trường Đại học kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.

                                                 


Phamngochien.com - 06:29 - 08/12/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận