Đi tìm lời giải về Trịnh Công Sơn qua góc nhìn người nghe nhạc (Phan Thanh Tâm - Cà Mau)

Lời giải:

Số phận con người do đâu?

  1. Tài năng nghề nghiệp do đâu?
  2. Vì sao ca từ nhạc Trịnh trở nên huyền ảo đến khó hiểu?
  3. Vốn ca từ ở đâu Trịnh Công Sơn lấy để sáng tác âm nhạc?
  4. Người nghệ sĩ khi sáng tác nghệ thuật là thế nào?
  5. Tài năng của người nghệ sĩ?
  6. Cảm hứng và sự tưởng tượng của người nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật?
  7. Dòng nhạc Trịnh ảnh hưởng chủ thuyết nào?
  8. Cái thú nghe nhạc Trịnh đêm khuya theo cảm nghĩ riêng.

     Để hiểu phần nào về nhạc và con người của Trịnh Công Sơn, theo tôi: suy bụng ta ra bụng người và nghe nhạc của ông thường xuyên. Nói hiểu ở đây là cảm về ca từ của ông theo cách riêng của mỗi người. Lời giải chỉ khơi gợi cho những điều còn thắc mắc: vì sao và tại sao Trịnh Công Sơn trở thành nhạc sĩ tài hoa được mọi người yêu thích qua hai dòng nhạc: Phản chiến và Tình ca vượt thời gian…

Lời giải 1: Số phận con người do đâu?

     Những người theo phái duy tâm cho rằng số phận con người do thần thánh chi phối tạo nên; thuyết luân hồi nhân quả của đạo Phật cho rằng số phận do tạo nghiệp của người đó lúc còn sinh thời; người theo phái thực tế cho số phận là do con người tự tạo: vì tư tưởng sinh ra hành động - hành động sinh ra thói quen - thói quen sinh ra tính cách - tính cách sinh ra số phận. Ví dụ: Một anh có thói quen ăn trộm, trước tiên anh ta phải có suy nghĩ ăn trộm, suy nghĩ này dẫn anh ta đến hành động ăn trộm, ăn trộm lâu ngày trở thành thói quen, “ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt”. Thói quen lặp lại thường xuyên trở thành tính cách của một người dẫn tới số phận. Rồi một ngày nọ anh ta bị bắt ở tù vì tội ăn trộm: đó là số phận theo qui luật nhân quả do chính bản thân mình tạo ra. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người ta không thể giải thích được số phận của một con người theo quan niệm trường phái thì họ dung hòa: số phận do con người tự tạo 70% + thần thánh chi phối 30% = 100 % số phận một người.

     Ngoài ra, người ta còn có cách quy ra số phận con người kể từ khi người đó sinh ra là lớn lên rồi chết:

  1. Thời đại người đó sinh ra và lớn lên…
  2. Sinh ra thời chiến hay thời bình, ở đô thị hay làng quê, trong gia đình giàu hay nghèo, khuyết tật hay bình thường….
  3. Học thức nghề nghiệp: tài năng do thiên phú hay do di truyền hoặc do sự học hỏi trui rèn của bản thân.
  4. Nhân sinh quan, tâm lý, tính cách, sở thích….
  5. v…

Lời giải 2: Tài năng nghề nghiệp do đâu?

     Xin đưa ra công thức tham khảo cho các ngành nghề:

     Nền văn hóa và đất đai phong cảnh thiên nhiên của một vùng đất nơi sinh ra và lớn lên + Thời đại sinh sống + Tài năng thiên phú hay di truyền + Tài năng học hành của bản thân + Sở thích, tính cách… + Trao dồi tôi luyện + Quá trình làm việc và sự sáng tạo không ngừng +v.v…. = Nghề nghiệp tài năng của một người.

     Tới đây có thể hình dung ra tài năng của Trịnh Công Sơn và tài năng của ta do đâu mà có. Như vậy số phận con người và tài năng nghề nghiệp được hình thành gồm nhiều yếu tố. Trịnh Công Sơn giống như chúng ta cũng sinh ra trong một hoàn cảnh nào đó. Trịnh Công Sơn là người xứ Huế, có lẽ đất đai phong cảnh nên thơ của dòng sông Hương núi Ngự…Vùng đất sinh nhiều anh hùng hào kiệt đã thấm sâu bao đời mà Trịnh Công Sơn là người may mắn thừa hưởng tinh hoa đó chăng?

Lời giải 3: Vì sao ca từ nhạc Trịnh trở nên huyền ảo đến khó hiểu?

     Cách nói lạ không phải là mới mẻ đối với các nhạc sĩ, thi sĩ… Nói lạ là một phương pháp sáng tác trong văn học có từ lâu đời. Cách nói lạ của các nhạc sĩ thi sĩ khác chỉ là hơi lạ - cái hơi lạ này thường ai cũng đoán hiểu theo một ý nào đó không làm mọi người ngỡ ngàng hay kinh ngạc...Cách nói lạ của Trịnh Công Sơn thì rất đổi xa lạ và rất tân kỳ. Ngôn từ nói lạ của ông nghe hoa mỹ và cuốn hút lạ lùng. Cách sắp xếp ca từ của ông về hình thức trông rất tân kỳ và khi nghe cho nhiều cung bậc cảm xúc lạ…Nên ca từ của ông trở trừu tượng và khó lý giải theo cách hiểu thông thường, nên nhiều người kinh ngạc vì cái độc đáo tân kỳ của ông! (Nói ông sắp xếp ca từ: không có nghĩa là ông viết ca từ ra giấy, rồi suy ngẫm xếp nó lại theo lý trí rạch ròi, nếu có thì rất ít,…Mà sự sắp xếp này là do cảm xúc sắp xếp tự nhiên, nó bật ra từ trong sâu kín tâm hồn của ông)

     Tạm chia ca từ nhạc Trịnh Công Sơn làm 2 cấp độ:

     - Cấp độ 1: Ca từ tân kỳ đến ngỡ ngàng: có bài cảm hiểu rõ ràng, có bài cảm hiểu lơ mơ nhưng hiểu ý tác giả. Ca từ đẹp như bài thơ và có sức hút ma mị gồm các ca khúc: Ướt my,  Diễm xưa, Biển nhớ.v.v…(có khoảng vài chục ca khúc yêu thích và thịnh hành ở cấp độ một)

     - Cấp độ 2: Ca từ tân kỳ đến kinh ngạc và hại não: hiểu lơ mơ, không hiểu, trăn trở suy nghĩ về ca từ nói lạ. Theo ước đoán những ca khúc đứng tóp 100 trở lên thì rất khó hiểu, nhưng người ta vẫn nghe vẫn thích vì cách nói lạ ngộ nghĩnh giàu hình ảnh và giàu màu sắc ca từ. Vì sao mà nhạc Trịnh Công Sơn càng về sau thì càng khó hiểu: Trịnh Công Sơn có khoảng 600 ca khúc, mỗi ca khúc cho là 36 trường canh, mỗi trường canh là một cụm ca từ, đem nhân cho 600 thì bằng: 21.600 cụm ca từ khác nhau. Từ 100 ca khúc trở xuống hầu như không thấy sự trùng lấp ca từ. Ngoài dòng nhạc Phản chiến ông chỉ có một chủ đề nói về  Tình yêu & thân phận, như vậy ông có trăm cách nói lạ khác nhau về tình yêu thân phận. Ví dụ: “Anh yêu em, anh nhớ em…” Ông có trăm cách nói hàm ý bóng gió không bị trùng lấp câu chữ. Giã sử 600 ca khúc không có sự trùng lấp ca từ thì Trịnh Công Sơn phải moi tim vắc óc mới nặn ra những ca từ luôn khác biệt, nhưng người nhạc sĩ tài hoa này giàu sức tưởng tượng thì dù có một ngàn ca khúc thì ông cũng dễ dàng đặt ca từ. Chỉ cần ông đặt tựa bài hát ra như, “Đóa hoa vô thường” thì ông sẽ cảm tác ngay và các ca từ trước đó sẽ không bị lặp lại. Nhạc của ông mang hơi hám của: Đạo ca, Kiếp ca, Tâm ca, Suy niệm ca…

     Theo tôi, cách nói lạ “Tân kỳ độc đáo và sắc sảo” của Trịnh Công Sơn chưa có trong văn học cổ kim tính cho tận bây giờ. Ông nói đến sự vật nào thì sự vật đó như nằm trong không gian ba chiều cảm sờ nắn được. Trịnh Công Sơn không phải người rối loạn ngôn ngữ, ông chỉ nói quanh quẩn về tình yêu kiếp nhân sinh như bao nhà thơ, nhà văn và các nhạc sĩ sáng tác khác. Lắm lúc ông không dùng phép tu từ trong sáng tác văn chương thông thường, hoặc ông không dùng trực từ chỉ định về cái chết cụ thể như: Anh chết, em chết hay sự thương yêu đau khổ nhớ nhung…Mà ông hình dung sự vật, sự việc qua lăng kính riêng biệt của ông đó là cách nói hàm ý lạ. Từ đó ông diễn lại tiếng mẹ đẻ bằng cách sắp xếp ngôn ngữ nghe rất xa lạ của cách nói thông thường. Tuy nhiên, không gây cảm giác khó chịu, trái lại còn thu hút người nghe vì nó lạ ngộ chưa từng nghe thấy! – Từ đó sinh ra cách nói lạ độc đáo khó hiểu, khó lý giải. Ông không cho là mình nói lạ như mọi người nghĩ về ông, ông nói lạ vượt khuôn phép khuôn khổ của cách nói cách nghĩ bình thường là đương nhiên khó hiểu. Nghe nhạc của ông lắm lúc không hiểu hết thâm ý của ông, nhưng cảm thì rất nhiều cung bậc. Thông thường con người có xu hướng nghe nói rõ ràng trong giao tiếp hàng ngày, nên cho Trịnh Công Sơn sáng tác trong tinh thần không ổn định. Vì ngôn ngữ đời thường được ông tu sửa theo cách ông nghĩ. Ông có cảm xúc cực nhạy và siêu phàm cũng là tự nhiên của ông vì đó là bẩm sinh thiên phú. Có lần tôi bắt chước cách nói lạ của ông, tôi thử rồi thấy mình như thằng khùng thằng điên!...Mọi người làm được thì xã hội sẽ ra sao? Ông có thần giao cách cảm đặc biệt giao tiếp với trời đất vũ trụ với tiềm thức nhiều kiếp luân hồi của mình thì đố ai biết!...Mà không tin không được vì không có cách lý giải nào thuyết phục hơn. Tôi nhớ đã đọc trong một quyến sách: Một nhà văn nước ngoài viết về tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tả lại cảnh chiến tranh đã xảy ra trên một vùng đất rất xa nơi nhà văn ở và cách xa thời đại nhà văn sống vài trăm năm…Ông tả các vũ khí đánh nhau và nhiều thứ khác giống hệt các vật mà các nhà khảo cổ khai quật. Rồi không có sự giải thích nào thuyết phục bằng cách cho ông là người của tiền kiếp luân hồi và nơi xảy ra chiến tranh là quê hương của ông, ông là người lính chết trong trận chiến đó. Người ta cho rằng tiền kiếp của con người nằm ở tiềm thức, nằm mơ thấy mình hóa bướm hóa rắn là do tiền kiếp trước của mình là bướm là rắn! Những hiện tượng như vậy xảy ra trong đời sống thường ngày, khoa học không giải thích được thì con người mượn sự mầu nhiệm huyền bí để giải thích đó là tự nhiên xưa nay.

     Tôi có nghe hai ca khúc của Trịnh Công Sơn do danh ca Khánh Lý hát, tôi không biết tên tựa bài hát vì nghe qua usb. Bài thứ nhất có lời:Tôi là ai, là ai ba trăm năm trước, tôi là ai, là ai, là ai, vu vơ đất bồi, em ngồi ngọn sóng mang thai. Tôi là ai, là ai ba trăm năm trước, tôi là ai, là ai, là ai, Sài Gòn gánh gió trên vai, mưa lầy lội, tôi tìm tập trung dấu vết hươu nai, không ai chờ đợi hình bóng tôi phai. Tôi là ai, là ai, hôm nay tôi đến tôi tìm tôi. Tôi là ai, là ai ba trăm năm trước, tôi là ai, là ai, là ai, ra đi vời vợi, gót hồng lạc dấu em tôi. Tôi là ai, là ai ba trăm năm trước, tôi là ai, là ai, là ai, trở lại hóa kiếp rong chơi giữa nơi nầy. Phố phường Sài Gòn nhớ nhớ quên quên, đi quanh tôi tìm hình bóng xưa quen, đi tìm em, tìm em, cho tôi dấu vết bóng phù nam. Tôi là ai, là ai, hôm nay tôi đến tôi tìm tôi./.

     Bài thứ hai có lời: Nhật nguyệt í a trên cao, ta ngồi ối à dưới thấp, một dòng í a trong veo, sao lòng í a còn đục, bầy vạc í a bay qua kêu còn í a tịch lặng, đường đời í a không xa, sao chồn í a gối chân. Nhật nguyệt í a trên cao, ta ngồi ôi à dưới thấp, một đường í a cong veo, nắng vàng ối a đột ngột, từ độ í a chim thiên hót lời ối a mệnh bạc, từng giọt í a vô biên, chối chim ối à tiếng tăm./. Bài này Khánh Ly hát giọng như tụng kinh niệm Phật với cây đàn guitar khẩy hai dây nghe tịch lặng, đều đều như tiếng gõ mõ tụng niệm của các thiền sư ở chùa. Bài này thuộc loại “khổ nghe” ở cấp độ 2, hại não!

     Riêng hai bài nhạc này cho nhiều nghi ngờ: Trịnh Công Sơn có thể là Phật tử tại gia. Ông rất tin vào thuyết luân hồi nhân quả của Phật giáo, và tin sẽ hóa kiếp là Trịnh Công Sơn sau 300 năm nữa. Ai có thể chờ 300 năm sau coi có Trịnh Công Sơn luân hồi như ông nghĩ không? Trịnh Công Sơn sáng tác qua giấc mơ tiềm thức, thần giao cách cảm.v.v…Ông cảm cái kiếp trước của mình qua những ca từ khó hiểu cũng là chuyện bình thường của con người, vì ai cũng có cái đặc biệt không giải thích được. Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thường luôn nói lạ và nói lạ là bẩm sinh là thiên phú của ông. Như câu “Em ngồi ngọn sóng mang thai” – Nghe lạ ngộ!

     Những ca khúc ông xưng hô “anh, em” thì nghe dễ hiểu như dòng nhạc Boléro thịnh hành. Trái lại, những ca khúc ông xưng “ta, tôi” hoặc có những ca khúc ông xưng hô rất ít từ: “anh, em, ta, tôi, thậm chí không xưng từ nào”…Ông nói bóng gió và tạo ghép rất nhiều hình ảnh lạ ngộ đến vô lý để diễn đạt sự chiêm nghiệm ở tầng siêu thức tiềm thức của ông thì hàm súc rất sâu xa khó hiểu. Nhạc của ông có cái hiểu cái không là ngôn ngữ nào ông sử dụng đời thường thì dễ, câu nào ông sắp xếp ngôn ngữ nói lạ thì rất khó hiểu. Có bài ông tự sự với núi, gió, suối, mây…bằng triết lý suy niệm của riêng ông, cho thấy ông có tâm trạng cô đơn không biết giải bày cùng ai: vì…người yêu đã bỏ ông đi! Hoặc ông gọi “người ơi, ai ơi” da diết nỗi lòng thương nhớ khôn siết! Có những ca khúc ông so sánh tình yêu với cỏ cây nghe rất hay lạ và đậm chất thơ trữ tình.

     Tựa bài hát của Trịnh Công Sơn thường nghe: đẹp và thơ, nhưng có bài nghe rất ngộ lạ, hàm ý sâu xa khó hiểu, rất khó đoán được nội dung ca khúc muốn nói cái gì. Ở dòng nhạc Bolero thì tên ca khúc thường biểu thị nội dung khá rõ nét. Nói vui!: Muốn nghe hiểu nhạc Trịnh thì nghĩ như đang giao tiếp với một người nước ngoài mà ta nghe chưa quen và nói chưa thạo ngôn ngữ của họ. Vì nhạc Trịnh có câu hiểu dễ, có câu nhíu mài lơ mơ, có câu vỗ trán lắc đầu không hiểu gì hết, giống như nghe thằng Tây nói chuyện vậy. Khi biết chủ đề ca khúc thì phải: cảm ca từ, đón câu ý, cảm giọng ca và tiết tấu giai điệu, rồi phối lại thành câu ý coi muốn nói hay ám chỉ cái gì. Vì vậy, không giỏi tiếng Tây mà nghe thằng Tây nói 10 chữ hiểu được năm ba chữ, rồi phối câu ghép từ, đón ý nó muốn nói cái gì: là giỏi rồi!...Nghe nhạc kiểu này thì mất cảm xúc và hại não chết luôn, nhưng nhạc Trịnh thì trái lại. Có lẽ Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng chủ thuyết siêu thực nên ca từ của ông đậm hình ảnh của thể loại thơ siêu thực khó hiểu. Tuy nhiên: nhờ hòa âm hay + giai điệu nhẹ nhàng tự sự + tiếng hát Khánh Ly truyền cảm sâu lắng = làm cho hình ảnh ca từ như trôi trong không gian ba chiều: tạo nhiều cảm giác thực - ảo và lơ mơ bềnh bồng rất thích thú!...Và có cả sự tò mò thắc mắc: là vì sao và tại sao, Trịnh Công Sơn lại nói lạ với những dụng ý gì!?

Lời giải 4: Vốn ca từ ở đâu, Trịnh Công Sơn lấy để sáng tác âm nhạc?

     Vốn ca từ được Trịnh Công Sơn: lấy từ ca dao tục ngữ tiếng mẹ đẻ, lấy từ tiếng ru của bà và sự dỗ dành âu yếm của mẹ, lấy từ ký ức tuổi thơ hồn nhiên, từ nền văn hóa nơi ông sinh ra và lớn lên; lấy từ kiến thức văn học triết học mà ông học hỏi và trải nghiệm, lấy sự chiêm nghiệm từ tiềm thức của những giấc mơ, từ linh cảm siêu nhiên huyền bí…Ông còn lấy thành phố, con đường, công viên, quán nước, vỉa hè, ánh điện…Ông vay mượn trời đất: mây, núi, cây cỏ, sông suối, chim muông…Nói chung ông lấy thế giới vật chất và thế giới tinh thần trộn lẫn để sáng tác ca từ theo cách riêng của mình.(Nói vui là không đụng hàng!) Vì khi trời đất đã ưu ái thì phải cho phải giúp ông những cái ông cần để cảm tác về “cuộc đời” về “cái tôi” về “sự huyền bí” mà tạo hóa vô tình hay hữu ý ban phát cho ông cũng như ban phát cho những tài năng khác là có nhiệm vụ làm đẹp cuộc đời như là cách trả nợ đời và trả nợ tạo hóa chăng?(…)

Lời giải 5: Người nghệ sĩ khi sáng tác nghệ thuật?

      Người nhạc sĩ sáng tác quan trọng nhất là tiếng đàn nhạc cụ, tôi không có đàn piano nên không biết âm thanh của nó có gợi ra nhiều ý tưởng sáng tác hơn đàn guitar không? Theo tôi thì người nhạc sĩ chuyên loại nhạc cụ nào thì sáng tác loại đó. Tuy nhiên, có những nhạc cụ khó gây men và khơi dậy nỗi lòng sâu kín của người nhạc sĩ. Âm thanh tiếng đàn là sợi dây kết nối vô hình từ cảm xúc tới tiềm thức, ký ức và vượt xa không gian hiện thực… Trừ những nhạc sĩ sáng tác không cần tiếng đàn, họ xướng âm là la la lá, đồ mi sol….là sáng tác được một bản nhạc hay đàng hoàng. Thời chiến tranh các nhạc sĩ cách mạng sáng tác chỉ cây đàn măn-đô-lin, bơm đạn bắn không còn thì lấy gì sáng tác, vậy mà họ làm được. Tiếng đàn có âm tối, âm sáng, âm buồn âm vui nên dễ kích thích nỗi niềm người nhạc sĩ, người nhạc sĩ sáng tác không gian thời gian chung quanh như lắng đọng…Họ không nghe thấy gì ngoài tiếng đàn và giai điệu mà họ ngân nga thả hồn tìm kiếm để bắt lấy nó cho kỳ được! Một tiếng động không làm họ bị chi phối, một tiếng động lớn sẽ làm họ giựt mình, lúc đó mạch cảm xúc bị gián đoạn thì làm họ rất bực mình, vì nối lại mạch cảm xúc không như trước, giống như cắt sợi dây đứt hai rồi đem nối nó lại vậy. Theo quan niệm phương đông thì người nghệ sĩ nằm trong thế giới “Thiên-địa-nhân”. Cái khí thiêng của núi sông, văn hóa cội nguồn của một vùng đất cũng ăn sâu vào ký ức tiềm thức của người nghệ sĩ tự bao đời. Trịnh Công Sơn sáng tác ra ca từ và những ngôn từ đó âm vang tận tiềm thức, ký ức đã được lưu giữ tự bao đời của cha ông truyền lại. Sự ấp ủ trăn trở của người nghệ sĩ vốn hình thành như men say dầy dậy trong tâm thức, tiềm thức hồi nào không hay biết… Và chỉ khi người nghệ sĩ dâng trào cảm xúc thì men say ấy đã chín mùi thành chất xúc tác giúp cho người nghệ sĩ sớm thăng hoa trong sáng tác nghệ thuật: người nghệ sĩ say men lâng lâng rồi cho ra những ý tưởng tân kỳ độc đáo!...Khoảnh khắc, hơi men tan vào vũ trụ để lại tâm hồn người nghệ sĩ nỗi khắc khoải triền miên về điều mà mình vừa miên man chạm tới: hơi men tan đi, khao khát vẫn còn. Và nó để lại cho người nghệ sĩ áng thơ văn tuyệt tác, như những bản Tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời! Tới đây đã hiểu phần nào về con người Trịnh Công Sơn và hiểu về ta ra sao. Sao ta không tài hoa như ông, đừng vội, vì chúng ta có tài năng khác mà ông không có.

Lời giải 6: Tài năng của người nghệ sĩ?

     Theo quan niệm Á đông - cái tài là do thiên phú, cái tài còn là tinh hoa của dân tộc của trời đất ưu ái cho một người nào đó. Vì vậy khi người nghệ sĩ sáng tác thì trời đất núi sông phát ra siêu lực giúp họ cảm tác nghệ thuật - vì trời đất ưu ái thì phải giúp họ, đây cũng là quy luật tự nhiên của vũ trụ vô cùng và khó hiểu! Tài năng của người nghệ sĩ như tảng băng trôi: “phần nổi là thực, phần chìm là ảo, khi sáng tác hai cái này tan chảy vào nhau”. Nhạc sĩ và nhà thơ thì cho ra những ngôn từ thực-ảo, vì nhà thơ và nhạc sĩ luôn mạnh về cảm xúc: Người thiên về sắc thái cuồng nhiệt, người thiên về triết lý trữ tình tinh tế như Trịnh Công Sơn…Độc đáo ở Trịnh Công Sơn là cách biểu đạt ngôn từ một cách ma mị nên có người tặng ông là Phù thủy văn chương !... Ca từ của ông như có hồn níu kéo người nghe một niềm cảm xúc kỳ lạ! Ông có sức hình dung sự vật lạ kỳ nên cho ra những ngôn từ cũng kỳ lạ không kém. Bấy nhiêu đã thấy trí tưởng tượng của Trịnh Công Sơn là siêu việt!…Đôi mắt của ông rất tinh tường tinh tế, đầu óc của ông thì rất tự do phóng khoáng, giúp ông vượt khỏi ngưỡng hiện thực để đi đến cái siêu cao hơn. Sự vật mà ông nghĩ tới luôn nằm trong không gian ba chiều nên trở thực và ảo, lung linh trong trí giúp ông tạo ra ca từ cũng lung linh thực-ảo. Và cái thực-ảo làm ngôn ngữ của ông trở nói lạ, nhằm diễn đạt sự vật theo suy niệm của riêng ông. Vì ông sáng tác cho “cái tôi” của ông, chứ không cho “cái tôi của mọi người”. Ngoài sáng tác nhạc, Trịnh Công Sơn còn được biết đến là một nhà thơ và họa sĩ, ông sáng tác nhạc giống như khi làm thơ hoặc vẽ, nên nhạc của ông đậm sắc thái thơ và họa…Ví như ông cầm bút cọ phát thảo lên khung vẽ những nét sơ khai rồi đậm dần theo cái mà ông tưởng đến…Và đôi khi chỉ là những nét mơ hồ, trừu tượng và rất khó hiểu. Một người nghệ sĩ mang trong người nhiều yếu tố nghệ thuật thì khi sáng tác những thứ đó bị chi phối lẫn nhau, cái này có hồn xác của cái kia ngự trị ít nhiều: Hỏi vì sao trong âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn có thơ có họa…Chính hai cái này trộn lẫn làm ngôn ngữ trở nên huyền ảo chăng!?

     Một nhạc công đệm đàn “mùi” quá làm cho Khánh Ly hát “mùi” hơn. Hát xong, Khánh Ly tươi cười bước xuống vỗ vai anh nhạc công: “Cám ơn tiếng đàn réo rắc của anh, tôi say theo tiếng đàn mà hát không muốn nghỉ!” – Anh nhạc công cười phấn khích: “Nghe Khánh Ly hát “mùi” làm tôi đắm đuối đàn theo muốn đứt ruột gan!” – Một khán giả bước tới hỏi: “Anh nói vậy, mà bây giờ anh có đàn được như vậy cho thần tượng của tôi hát lại được không?... Chứ tôi thấy anh phăng anh phiu dữ lắm đó nghen!” – Anh nhạc công toe toét: “Anh có bắn tôi thì tôi chịu, chứ bắt tôi đàn giống như lúc nảy thì chịu thua!” – Khánh Ly và nhạc công cười xòa. Vị thính giả bước tới hỏi Trịnh Công Sơn đang ngồi ghế danh dự: “Nhạc sĩ sáng tác nghe hay quá!…Mà sao ca từ nghe lạ quá, hỏng hiểu gì hết! – Trịnh Công Sơn cười nín thinh không trả lời vì sợ anh ta hỏi thêm: Nhạc sĩ sáng tác như vậy mà nhạc sĩ có hiểu nhạc của mình nói gì hay không?  Trịnh Công Sơn suy nghiệm: “Tại sao lúc đó mình sáng tác như vậy, nghe cũng là lạ và khó hiểu!” Có thể ông hiểu lơ mơ về ca từ nhạc của mình như ta hiểu bây giờ vậy, vì đó là cảm xúc nên không theo qui luật nào! (Tôi nói xàm cho vui rồi lại xàm tiếp!). Như câu chuyện là thật thì Trịnh Công Sơn khó giải bày, vì ông giống như anh nghệ sĩ đàn guitar ngẫu hứng theo tiếng hát mùi mẫn của Khánh Ly vừa rồi. Anh ta phấn khích phăng phiu, nhấn nhá mọi cách gây hứng thú cho Khánh Ly hát mỗi lúc một hay và ngược lại tiếng hát Khánh Ly đã làm anh phấn khích. Người nghệ sĩ luôn có cái cảm đồng điệu như vũ trụ đồng điệu với người nghệ sĩ trong sáng tác. Tương tác xảy ra nhất thời, người nghệ sĩ phải nhanh trí bắt lấy cái thần khí lúc đạt đỉnh thăng hoa: nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn đều cảm được cái này, không có nó họ không thể sáng tác, cố ép chỉ là con số không!

Lời giải 7: Cảm hứng và sự tưởng tượng của người nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật?

     Ở người nghệ sĩ quan trọng nhất là cảm hứng và sự tưởng tượng, cảm hứng giúp người nghệ sĩ sáng tác qua hình dung tưởng tượng của mình. Khi cảm hứng đạt đỉnh lúc này tinh thần người nghệ sĩ hòa vào trời đất vạn vật rồi tương tác lẫn nhau. Người nghệ sĩ cảm thấy tinh thần sáng suốt và tinh tế hơn. Người nghệ sĩ có cảm giác tinh thần bềnh bồng, nhịp tim đập nhanh hơn như có luồng khí thiên nhập vào người(…)Lúc này người nghệ sĩ tập trung cao độ, quên đi mọi thứ để cho nhiều ý tương mới lạ xuất hiện…Người nghệ sĩ chưa kịp nắm bắt ý này thì ý kia lướt tới xô đẩy như sóng trào: là nhà thơ trong đầu âm vang tiếng thơ rồi tuôn trăm dòng nối tiếp ra trang giấy cách vô thức, nhà văn thì viết hằng giờ liền mà ý tưởng cứ luôn mới mẻ không ngừng!...Đôi tay cầm bút của người nghệ sĩ thường khó đuổi kịp ý nghĩ vì vậy mà bản thảo nguệch ngoạc chữ khó đọc, bản thảo không kịp sửa bỏ lâu ngày làm người nghệ sĩ khó đọc lại chữ của mình, vì vậy người nghệ sĩ khá vất vả để ghi chép hết những dòng ý nghĩ mới lạ lúc cảm hứng lên đến cao trào. Linh thức của người nghệ sĩ là điểm nối: tiềm thức con người với vũ trụ….Vì vậy con người mới sáng tạo ra cái kỳ diệu độc  đáo như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn! Bao nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn khác cũng sáng tác như thế. Tôi không thần thánh Trịnh Công Sơn, vì ai cũng có thể trở thành vĩ nhân về thiên tài xuất chúng của mình. Tôi trân quý và cám ơn ông đã để lại cho cuộc đời tôi đang ở một tài sản âm nhạc vô giá về: Tình yêu & Thân phận - cho mọi người có cái để suy ngẫm riêng tư về cuộc đời mình đang sống…Và cuộc đời này đâu chỉ có tôi và bạn!? Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, tôi cảm con người ông rất hiền lành và cảm được sự cô đơn đâu đó của ông(…) Tôi không thấy có lời bon chen nào trong ca từ âm nhạc của ông. Và ông đã đứng giữa ngã rẽ của thế sự cuộc đời (…) Ông không đai nghiến, yếm thế cuộc đời ông ở, ông yêu nó vô cùng. Tâm ông thấm nhuần triết lý Đạo Phật về lòng bác ái, yêu thương đồng loại (ở dòng nhạc Phản chiến).

     Trong âm nhạc của ông ta nghe ông tự sự về “cái tôi cái ta”: cái tôi thương, cái tôi nhớ, cái ta nghĩ ngợi, cái ta suy niệm, cái tôi của tiền kiếp, cái ta chiêm nghiệm về thế giới huyền bí.v.v….Biết bao “cái tôi cái ta” đã hình thành trong con người nói lạ của Trịnh Công Sơn. Tôi không may mắn nghe hết 600 ca khúc mà ai đó liệt kê. Theo tôi những ca khúc chưa phát hành còn rất nhiều điều trăn trở về “cái tôi cái ta và cái độc đáo” của ông chưa thật sự được khám phá: “Người nào phát kiến ra cái mới mẻ chưa từng có trong lịch sử cổ kim, hoặc, một câu nói làm kinh động thế giới thì người đó có thể trở thành vĩ nhân về cái tài đặc biệt của mình”

     Tóm lại, tưởng tượng ví như mây ngũ sắc của buổi hoàng hôn có nhiều hình dạng kỳ quái: Nhà thơ hình dung kia là đàn ngựa chạy tung khói bụi, kia là núi non chập chùng trong bão tố. Nhà văn thì hình dung đó là vị thần đang cưỡi trâu cưỡi bò, hay đó là bồng lai tiên cảnh có các vị tiên râu dài tới ngực đang ngồi đàm đạo đánh cờ.v.v…Phúc chốc, sinh ra cảm hứng cảm tác, cái mình cảm cái mình nghĩ. Trịnh Công Sơn thì khác, ông cho đó là cảnh cái chết, cảnh biệt ly….Cảm hứng còn được viết ra bằng trí tưởng tượng vô song và không tưởng của các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ…Lúc đó cái thần thái vượt lên chín tầng mây để giao thoa cùng trời đất vũ trụ: họ nói, họ hát, họ vẽ như người cõi trên! Hỏi mấy ai hiểu được tranh trừu tượng, thơ siêu thực gì đó cho đúng nghĩa của người cảm tác: biết đâu chính cái khó hiểu là đỉnh cao nghệ thuật của trăm năm sau, vì thế giới này cũng đã từng như vậy!

Lời giải 8: Dòng nhạc Trịnh ảnh hưởng chủ thuyết nào?

     Con người sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hay thời đại nào đó…Tư tưởng và trào lưu của thời đại đó ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của một số người đương thời. Tư tưởng trào lưu đôi khi hợp thời này nhưng không hợp thời kia, tư tưởng người này không hẳn giống người kia là chuyện hiển nhiên.(…)

     Trịnh Công Sơn sinh sống vào thời đất nước bị chia đôi(…)Thời đó có nhiều chủ thuyết ra đời: thuyết lâu đời nhất là Phật giáo trong đó có thuyết luân hồi; gần hơn là thuyết siêu thực trong thơ ca và thuyết hiện sinh trong lối sống.v.v…Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ trí thức nên ít nhiều bị ảnh hưởng các thuyết trên là đương nhiên. Là người nghệ sĩ trí thức ông không thể đứng ngoài thế sự(…)Hoàn cảnh lúc đó buộc ông đứng trước ngã rẽ và rất khó cho ông(…) Là một nhạc sĩ tài năng ông chọn dòng nhạc Phản chiến để bày tỏ quan điểm và thức tỉnh mọi người(…)Âm nhạc Trịnh Công Sơn chủ yếu có hai dòng: “Tình yêu - Thân phận” và “Phản chiến”. Ở dòng Tình yêu & Thân phận: Ngôn ngữ có bài đậm nét của thể thơ siêu thực khó hiểu. Phần lớn nói về: cái tôi của tình yêu, cái tôi của chiêm nghiệm, cái tôi của kiếp nhân sinh.v.v... Ở dòng Phản chiến ông ngầm kêu gọi buông bỏ: Tham-sân-si và kêu gọi lòng yêu thương bác ái của con người. Đây là giáo lý chủ chốt của Đạo Phật và là cội nguồn của mọi khổ đau do lòng tham của con người sinh ra. Ngôn ngữ ca từ của ông diễn đạt một hình thái khác, nhưng ẩn chứa cái tâm của ông về thế sự cuộc đời mà ông đang ở trọ. Có thể nói Trịnh Công Sơn được biết đến và nổi tiếng từ dòng nhạc Phản chiến: Thời đó sinh viên và các tầng lớp trí thức sử dụng nhạc Phản chiến của ông trong các dịp du ca hội họp và nghỉ hè.v.v.... Như vậy, Trịnh Công Sơn ít nhiều chịu ảnh hưởng của các chủ thuyết nói trên. Theo tôi về tư tưởng sáng tác, ông ảnh hưởng giáo lý nhà Phật là chủ yếu. Thiết nghĩ, đó là cái Tâm Phật của người nghệ sĩ chân chính: vì tâm sinh tướng - Tâm tướng ông không thuần khiết thì không biểu thị ra bên ngoài bằng cái Tâm tướng của ngôn từ ca từ thông qua cách nói lạ. Ông nói lạ mà nghe cuốn hút, ông nói lạ mà nghe tình cảm, ông nói lạ mà nghe sâu sắc, ông nói lạ mà nghe ngộ nghĩnh đáng yêu.v.v…Và cái nói lạ đó không ngoài tình yêu thân phận, tình người và cuộc đời chúng ta đang sống. Những lời ông nói đó còn thật hơn cuộc đời thực, vì cái thật đó được ông khơi gợi nói ra mà ai cũng có thể cảm nhận được theo cách riêng của mình; còn cái thật của cuộc đời thì đôi khi bị khuất lấp, ít người thố lộ ra cho mọi người cảm được mùi vị đắng cay, thương yêu, nhung nhớ, khổ đau của cuộc đời. v.v… Đôi khi cái lạ đẹp, cái kỳ ảo đó không hiểu mấy nhưng vẫn hay và nghe tự nhiên. Ngôn từ của Trịnh Công Sơn nghe đẹp cả hình thức lẫn nội dung. Và cái đẹp đó không của riêng Trịnh Công Sơn mà là của mọi người nghe nhạc của ông: cần vươn tới chân-thiện-mỹ trong đời sống hiện đại ngày nay.

Lời giải 9: Cái thú nghe nhạc Trịnh đêm khuya theo cảm nghĩ riêng

     Đêm nghe nhạc Trịnh: hình dung như thước phim chiếu trong đầu: không gian mở rộng nhiều bối cảnh quen thuộc đến ngỡ ngàng, phụ thuộc vào độ cảm, sức tưởng tượng của người nghe. Nhân vật thường mờ nhạt nhưng đậm ngôn ngữ kỳ ảo đến cuốn hút. Nghe một lúc ngỡ lạc vào xứ sở lạ kỳ…Rồi phấn khích đứng xem nhà ảo thuật ngôn ngữ dùng mọi thủ pháp đánh lừa thị giác người xem…Ngôn ngữ hoán đổi liên tục tạo nhiều ngữ nghĩa, nhiều sắc thái cung bậc đến choáng ngộp! Rồi nhà ảo thuật như vẽ vào tâm trí người nghe hỗn độn tranh ấn tượng lẫn trừu tượng…Người nghe nhanh trí phối những tranh ấy thành bức tranh tổng thể để có cái hiểu cảm riêng. Và đây cũng là cái thú độc đáo khi nghe nhạc Trịnh: câu rõ nghĩa đứng cạnh câu lờ mờ nghĩa, câu dễ hiểu đứng cạnh câu khó hiểu…Người nghe hụt hẩng bơ vơ thì câu rõ nghĩa lại xuất hiện kéo cảm xúc trở lại. Nghe nhạc Trịnh giống như trò chơi đố chữ xếp hình, trò rượt đuổi của mấy đứa con nít, ý này đuổi ý kia loạn xà ngầu…Người nghe chú ý tìm bắt sao cho được tên đứng gần nhất là thích lắm rồi! Ngôn ngữ âm nhạc có khác hơn ngôn ngữ thơ văn, vì: ca từ + phối âm + tiếng hát…= Thường cho ra nhiều hình ảnh cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhất là ngôn ngữ nhạc Trịnh biến hóa nhiều hình ảnh không tưởng, bất ngờ, choáng ngộp, một phần nhờ vào âm thanh phối khí, độ cảm của ca sĩ khi hát – ngôn ngữ ca từ như bóng ma ám ảnh người nghe, nhạc ngưng rồi mà dư âm còn kéo, lòa nhòa thực hư – mà hay mà say mê! Nói vui: Một cô gái đẹp dễ tán tỉnh sẽ không thu hút bằng cô gái bí hiểm…Cái bí hiểm này làm mình tức trăn trở tìm mọi chiêu trò để chinh phục nàng, nhưng chinh hoài mà nàng không phục, cứ tiếp tục chinh, chinh mãi! Nghe nhạc Trịnh cũng vậy!

     Quá trình nghe nhạc Trịnh Công Sơn, tôi có một số lý giải theo cách nghĩ riêng: Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ông hiếm dùng ngôn ngữ của dòng nhạc bình dân Bolero, ông dùng phong cách văn chương ít hơn ngôn ngữ đặc thù nói lạ của ông. Như ông ẩn dụ A với B…thì cùng một lúc ông cho ra nhiều hình ảnh ở B…Nhạc Trịnh Công Sơn có bài như bức tranh trừu tượng với những mảng màu kết hợp ngẫu nhiên qua cách ông dựng ngôn ngữ…Nó chứa nhiều hình ảnh biến ảo và những hình ảnh đó như một phần tiềm thức hay giấc mơ của ông: vì giấc mơ thường rời rạc, đứt quảng và mờ nhạt...Hình ảnh này vừa khơi gợi thì hình ảnh kia hé mở níu kéo người nghe lạc vào mê cung của ngôn ngữ nói lạ đầy sắc thái cung bậc cảm xúc, khơi gợi trí tò mò…Nghe ông nói cái này lại nghĩ đến cái kia, có cái nghe nghịch lý, vậy mà hay mà mê! Ông là nhà ngôn ngữ nói lạ đại tài biết dẫn dụ người nghe đến cuốn hút: “Hãy nghe nữa đi để tìm ra kho báu bí mật được cất giấu bên trong những con chữ tầm thường”.v.v…Nói vui!: Ngôn ngữ của ông giống như khi chiếu phim thì cần 24 ảnh trong một giây để tạo hình ảnh thật cho não nhận diện sự vật sự việc cho người hiểu biết, đằng này máy chiếu của ông bị hư, lúc thì thiếu ảnh lúc thì dư ảnh làm cho sự vật sự việc mờ nhòa không rõ nét, chỉ cố hình dung phán đoán sự vật sự việc đó một cách thiếu chính xác và mơ hồ đến khó hiểu. Hay ông kết hợp giữa “thực và ảo”: tức A và B: A là vật thực, B là vật ảo; hay A là ảo, B là thực…Và cùng một lúc ông đưa ra nhiều hình ảnh thực - ảo... Khó phân phân đâu là thực và đâu là ảo, đâu là có và đâu là không.v.v…Vì vậy, tôi xin đưa ra công thức tham khảo khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn theo cách lý giải riêng của mình:

     Ngôn ngữ nhạc Trịnh Công Sơn = Lời nói thông thường đứng cạnh lời nói không thông thường + Lời thông thường đứng cạnh lời hàm súc triết lý + Hình ảnh thực đứng cạnh hình ảnh ảo và ngược lại + Ngôn ngữ thường ngày được hoán đổi hay định danh lại một từ nào đó nghe rất mới lạ + Ngôn ngữ ca từ có hình ảnh thơ siêu thực + Ngôn ngữ nói lạ đôi lúc nằm ngoài phép tu từ + Ngôn ngữ tiềm thức, ngôn ngữ giấc mơ của cái tôi bí hiểm + Ngôn ngữ linh thức về thế giới siêu hình huyền bí + Thế giới nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn + v.v…= Ngôn ngữ huyền ảo của Trịnh Công Sơn tạo ra hai thế giới thực và hư.

     Như nói ở trên: từ đây người xem bị lóa mắt chăm chú nhà ảo thuật mong tìm ra cái sơ hở, cái tẩy, cái mẹo, cái siêu kỷ thuật của nhà ảo thuật, kết quả là con số không!...Cuối cùng chỉ biết vỗ tay cảm thán trước cái biệt tài kỳ ảo, cái độc đáo và cái khéo tay của nhà ảo thuật ngôn ngữ đại tài! Lạc vào “vườn âm nhạc của Trịnh Công Sơn như lạc vào “vườn kỳ ngộ” của xứ sở không tưởng!...Ở đó ta tìm thấy ta về tình yêu kiếp nhân sinh, về cuộc đời ta đang ở qua vô số mảnh ghép vỡ vụn. Nghe nhạc Trịnh như say men chếch choáng, suy nhớ tháng ngày yêu xa thương gần của một thời đẹp đẽ hay cay đắng….Nói như vậy để hiểu khi nghe nhạc Trịnh thường bắt con người ta phải suy tưởng viễn vong. Ngôn từ của ông đậm hình ảnh kỳ ảo thì trí não người nghe cũng phải đậm hình ảnh tưởng tượng…Và chính ngôn ngữ kỳ lạ xuất hiện bất ngờ suốt chiều dài giai điệu đã làm người nghe phải kinh ngạc đến kinh dị! Rồi tưởng thưởng hết lời vì đã cho họ thưởng ngoạn một thế giới mộng mị chưa từng có bao giờ và kể cả trong chiêm bao! Nghe nhạc Trịnh đêm khuya, giai điệu cùng tiếng hát Khánh Ly như thay lời muốn nói dùm ta về tình yêu, về cuộc đời, về thân phận kiếp luân hồi…Rồi cái ta cái tôi nhỏ bé cảm lớn hơn đẹp hơn trong ý nghĩ: yêu không cuồng, nhớ không lụy, hờn tợ gió bay, không đai nghiến yếm thế và yêu mọi người. Âm nhạc của ông còn nhắc ta khi đã thương thì lòng phải mở phải đẹp, phải trách nhiệm với người mình thương - vì sống là phải đẹp phải trách nhiệm để khi cái ta vĩnh hằng thì lòng thanh thản cho gió cuốn bay đi!... Mọi thứ được cảm nhận qua ngôn ngữ kỳ ảo của ông, ông nói thương nói nhớ nghe mộng mị lạ lùng và ngộ, ông rất rất nhiều cách nói thương nhớ như thế. Ngôn ngữ của ông đa dạng về hình thái ngữ nghĩa và hàm súc sâu sắc – cái nào nghe, coi, cũng hay cũng đẹp cũng lạ! Hỏi sao mà người nghe nhạc của ông mỗi lúc một nhiều. Giới trẻ hát và nghe nhạc của ông cũng chỉ mong cảm được cái đẹp, cái cao quý cao thượng về: “yêu tình, yêu đời, yêu người, yêu mình”: Yêu như yêu lần đầu, xa như chưa bao giờ, nhớ như nhớ thuở nào, và quên như chưa bao giờ…Mọi thứ đều đẹp trong ngôn ngữ lung linh sắc màu, và cái ma mị ẩn hiện tâm trí người nghe qua “triết lý tình/ triết lý đời/ triết lý cái tôi chiêm nghiệm” của Trịnh Công Sơn về cõi vô thường: hai tay buông xuôi thì chẳng còn gì ngoài thân xác trở về cát bụi!...Vũ trụ này có bao la vô cùng thì ngày nào đó nó cũng chết như kiếp người nhỏ bé: có sinh tất có diệt! Tưởng chừng ngôn ngữ rất nghịch lạ và khó hiểu sẽ làm Trịnh Công Sơn rời xa mọi người rồi đi vào quên lãng mãi mãi, trái lại, người nghe một nhiều. Các nhà chuyên môn thì tốn thời gian giấy mực hội thảo hội đàm về ngôn ngữ nói lạ của ông – coi Trịnh Công Sơn là một hiện tượng lạ trong ngôn ngữ nghệ thuật hiếm thấy. Theo tính toán của các nhà làm nghệ thuật, nhạc Trịnh Công Sơn có nhiều người nghe và yêu thích nhất kể từ thế kỷ trước cho đến nay, dù rằng ngôn ngữ ca từ của ông có mơ hồ trừu tượng. Và nhạc của ông có thời được trả tác quyền nhiều nhất.

     Xin mượn ý Khổng Tử: “Âm nhạc giúp con người thưởng ngoạn tinh thần, âm nhạc còn là cách tập hợp để truyền bá tư tưởng đẹp của tác giả” - Trịnh Công Sơn là những tác giả như thế! Đó là cái Tâm Phật của ông về tình yêu thương kiếp người, về cuộc đời mà ông đã sống!

     Cuối cùng xin mượn lời Trịnh Công Sơn để kết: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo!”

(23 giờ 25. Đêm giao thừa 2019, Kỷ Hợi)

Phan Thanh Tâm

* Chú thích:

Bài chia sẻ về Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông qua góc nhìn người nghe nhạc: người viết không có tham vọng mở ra thế giới tâm hồn, tâm linh của Trịnh Công Sơn hay bình phẩm điều gì về ông. Người viết chỉ cảm thấy những gì khi nghe nhạc của ông rồi nói ra cái cảm nghĩ riêng của mình. Bài chia sẻ còn nhiều sai sót hạn hẹp mong mọi người lượng thứ.


Phamngochien.com - 07:14 - 29/03/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận