Đầu tư cho quản lý giáo dục (Trần Anh Tuấn-SV ĐHKHXH&NV TP.HCM)

Đào tạo cho ngành quản lý giáo dục(QLGD) ngoại trừ phần rất nhỏ là tiền bạc, cơ sở vật chất,... Thì cái giá trị lớn nhất chính là phần ẩn sâu trong cách thức đào tạo. Một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn sẽ đặt đất nước trong tương lại gần ở vị trí cao trong bảng xếp hạng các quốc gia phát triển. Và ngược lại...

ĐẶC THÙ CỦA CHI PHÍ ĐÀO TẠO TRONG QLGD

Ngành QLGD có chức năng là ngành đào tạo đội ngũ quản lý giáo dục. Một cách gián tiếp là cho ra lò những sản phẩm là nguồn nhân lực chất lượng hay không. Do vậy sẽ có 2 mảng: chi phí nhìn thấy và chi phí không nhìn thấy. Chi phí nhìn thấy, có thể nắm bắt được qua những con số thống kê. Còn chi phí không nhìn thấy đó là hiệu quả của những chính sách giáo dục trong tương lai.

Vì quản lí giáo dục là quản lí bộ máy đào tạo con người, do đó, đứng về góc độ kinh tế, đây là khoản chi phí đủ lớn để có thể mua hay bán cả một dân tộc.

Việt Nam đã trải qua nhiều thời kì "Đổi mới" và "cải cách" giáo dục. Mỗi một bước "Đổi mới" lại xuất hiện những nét "mới" theo hướng dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Chính vì thế, giáo dục Việt Nam trở nên bất cập, đặc biệt là vài năm trở lại đây. Cũng chính vì thế mà ngành QLGD ra đời xuất phát từ nhu cầu cấp thiết là phải khơi dậy và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời đại công nghệ hóa, toàn cầu hóa bằng những chính sách khoa học, bám sát thực tiễn.

Từ những lý do trên, có thể nói, chi phí đào tạo cho ngành QLGD ở khía cạnh chìm là một sự đầu tư vô cùng lớn: Đầu tư cho chất lượng giảng dạy, đầu tư cho tư duy sinh viên, đầu tư cho những chắt lọc kinh nghiệm từ những mô hình giáo dục đã có

1. Đầu tư cho chất lượng giáo dục:

"Không thầy đố mày làm nên"... Vị trí của người truyền giảng kiến thức cùng phương pháp giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu thầy thuốc sai lầm chỉ có thể hại một con người, nhưng nếu người thầy sai lầm sẽ gây tình trạng èo ọt cho cả một thế hệ. Vì thế, người thầy được giao trọng trách đào tạo trong ngành học này phải thật sự giỏi, nghiêm túc và khoa học. Người thầy phải có cái "tâm", tức là phải có mong muốn cháy bỏng được đem sự hiểu biết của mình truyền thụ cho sinh viên (chứ không giảng lấy lệ, đợi hết giờ). Bản thân thầy cũng phải luôn nung nấu những tiềm năng của canh tân, của sáng kiến và bộ óc phải luôn chất chứa những ý tưởng quản lý. Để có được những giảng viên giỏi, sẵn sàng đầu tư cho thế hệ trẻ như thế thì cấp quản lý ngành học này phải có sự đầu tư to lớn hơn, cả vật chất lẫn tinh thần: Sự đầu tư cho phát hiện, mời gọi và ưu đãi người giảng chất lượng.

2. Đầu tư cho tư duy sinh viên ngành QLGD

Một cỗ máy muốn chạy tốt phải đồng bộ từ bộ phận lớn nhất cho tới từng con ốc. Chất lượng của ngành quản lý giáo dục cũng thế, phải có sự nhịp nhàng, gặp nhau giữa khâu giảng dạy và khâu tiếp thu, vận dụng. Do vậy, đầu tư cho sinh viên là một yêu cầu rất quan trọng. Trước tiên là công tác lựa chọn, nên chọn những sinh viên có niềm ham thích ngành học từ đầu(chứ không nên lấy nguyện vọng 2 nguyện vọng 3 - điều này cũng đúng với cả các ngành học khác nữa), có như vậy mới sẵn sàng bỏ nhiệt tình và quyết tâm vào sự nghiệp của mình. Tiếp sau công tác đầu tiên đó sẽ là việc nâng cấp tư duy từ lối học "tầm chương trích cú" coi lời người đi trước là "chân lý" thành lối học khuyến khích sự nghi ngờ và sẵn sàng phản biện. Để làm được điều đó, sự đầu tư không khác hơn là nâng cấp cách quản lý giáo dục ngay trong ngành Giáo dục học. Để mỗi sinh viên là một cá thể riêng biệt không bị chìm lấp bởi những ý kiến chung của tập thể.Phải là những người khao khát khám phá cái mới tốt hơn, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tới đây, vai trò của người giảng dạy một lần nữa được khẳng định thông qua phương phát truyền đạt kiến thức và cách thức động viên, khơi gợi những ý tưởng độc đáo sáng tạo nhằm hướng cho học trò sự trăn trở về những kiểu quản lý giáo dục mới tốt hơn. Tóm lại, đầu tư cho tư duy người học là chi phí vô hình nhưng rất lớn cho nguồn nhân lực quản lý giáo dục trước mắt, và, xa hơn nữa là cho sự phát triển của quốc gia sau này.

3. Đầu tư cho những chắt lọc kinh nghiệm từ những mô hình giáo dục đã có:

Lịch sử giáo dục thế giới hay bài học giáo dục của các nền giáo dục tại các nước phát triển đương đại là một kho những bài học kinh nghiệm. Cần phát huy có, nên tránh cũng có.  Vấn đề là lấy điểm xuất phát từ thực tiễn giáo dục của đất nước để soi vào những bài học đó như thế nào. Chắt lọc được những tinh túy của thời kì trước hay sự thành công của nước bạn hiện tại để vận dụng vào thực trạng giáo dục nước ta là cả một quá trình đầu tư công phu. Ngành học đào tạo ra những sinh viên quản lý giáo dục thì một trong nhiều nhiệm vụ của sinh viên ngành QLGD là tiếp cận, nhận biết và phát triển được tư tưởng quản lý giáo dục của mình trên cơ sở kinh nghiệm những nền giáo dục đã có. Để làm được điều đó là một quá trình, quá trình đó có chi phí là mồ hôi công sức tìm tòi, phát hiện. Giá trị kinh tế từ sự chắt lọc để có được những quyết định đúng đắn trong tương lai là vô cùng lớn. Nó sẽ làm cả đất nước giàu mạnh khi biết cách tìm và áp dụng những quy luật khác quan vào thực tiễn quản lý giáo dục và giáo dục.

ĐÀO TẠO NGÀNH QLGD NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM KINH TẾ

Quy luật phát triển của quốc gia nào hầu hết cũng bắt đầu bằng sự phát triển của nền giáo dục. Hệ thống giáo dục muốn đi đúng hướng và vận hành tốt phải có sự dẫn dắt từ công tác quản lý giáo dục. Cho nên, đào tạo cán bộ quản lý giáo dục tương lai có thể nói là nhiệm vụ thiết yếu vì sự giàu mạnh của đất nước, bởi như trên đã phân tích, có quản lý giáo dục đúng đắn thì việc dạy và học mới chất lượng, cho ra sản phẩm là nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của thời đại

Tại Việt Nam, công việc đào tạo cán bộ quản lý giáo dục tương lai bắt đầu từ việc đào tạo những sinh viên ngành QLGD. Những sinh viên này với những quyết định trong tương lai của mình(khi trở thành những cán bộ) sẽ chịu trách nhiệm với sự cường thịnh hay suy yếu của cả dân tộc. Giá trị kinh tế sâu xa từ những đường lối chỉ đạo, cách thức thực hiện rất khó mà tính được. Nó có thể mang lại lợi ích to lớn nhưng cũng có thể vô giá trị.. Điều đó phụ thuộc phần nhiều vào công tác đào tạo khi còn trên ghế trường đại học

Nguyên lý đầu tiên của kinh tế là "Chi phí là những thứ mất đi để có thứ đó"... Để có được nền giáo dục nền giáo dục đủ mạnh kéo đất nước "hóa rồng" thì chi phí đào tạo những cử nhân, thạc sĩ Giáo dục học là tiền bạc, là mồ hôi, công sức cho chất lượng giảng dạy, là cố gắng cho sự phát triển tư duy sinh viên, là nỗ lực tìm tòi, chắt lọc tinh túy những kinh nghiệm từ các mô hình giáo dục đã có,... Sự đầu tư này xét về vật chất không cần quá nhiều nhưng lại rất cần nhiều sự đóng góp của khoa học quản lý để có những quyết định trong tương lai của những nhà quản lý giáo dục tương lai thật sự hiệu quả, chất lượng.

 

TRẦN ANH TUẤN

  


Phamngochien.com - 17:19 - 19/02/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận