Đất đắng (Đặng Bá Canh - Đăk Nông)

 

Trời đẹp! Sau mấy ngày mưa dầm dề, bầu trời xam xám, tai tái như nước da người sốt rét rừng lâu ngày nay biến mất. Những đám mây trắng xốp ôm lấy dãy núi phía nam. Gió mơn man thổi. Khương thấy lòng nhẹ bẫng. Có cái gì đó cứ nao nao trong lòng. Đã lâu lắm rồi Khương chẳng rặn nổi một dòng thơ nào bởi bao thứ việc cứ đến, cứ đến làm tâm trí Khương chẳng còn chút thảnh thơi cho việc vận vần mấy câu lục bát mà nhiều người vẫn xem là năng khiếu, là sở trường của Khương. Và giờ đây, chao ơi! Lá biếc cành xinh này, má người ửng đỏ này, cứ thế, cứ thế rồi Khương sẽ có những câu thơ thật tình tứ cho mà xem.

- Nghĩ gì ngẩn người thế trưởng thôn! Là Hạnh bí thư chi bộ thôn, Khương ngoảnh lại nhỏ nhẹ: Hạnh đấy à, mời vào nhà! “ Ừ! đành cắt đôi câu lục bát mà ông đang thai nghén vậy”. Hạnh, người bạn thân thiết từ hồi còn ở quê rồi cùng một đợt đi kinh tế mới. Đây là lúc tâm hồn Khương thảnh thơi và dịu mát nhất, cần lắm một người bạn hiểu Khương như Hạnh. Cầm lấy cái điếu cày, Hạnh vân vê mồi thuốc vào cái nõ điếu như ý chừng có chuyện muốn nói. “Hình như lâu rồi ông không làm thơ nhỉ?”. Thơ. Nhiều lúc tưởng chừng như Khương đã quên nhưng nào đâu quên được. Những câu lục bát vẫn tìm về trong mạch cảm xúc của Khương để rồi thỉnh thoảng có vài bài Khương lại gửi tạp chí văn nghệ tỉnh. Ban biên tập hồi âm khen lời thơ hay, tứ thơ độc đáo. Hạnh riết một hơi thuốc, mắt lim dim nhả khói lên trần nhà, chem chép miệng rồi đặt nhẹ bàn tay lên vai Khương. “Ông ạ! Chắc ông phải làm thêm một nhiệm kỳ trưởng thôn nữa!”.

Trưởng thôn. Thôi  xin kiếu, quyền rơm vạ đá, làm một nhiệm kỳ là đã đủ lắm rồi. Nghĩ đến đó, mặt Khương đanh lại. Sáu mươi lăm hộ dân ở cái thôn Đèo này thiếu gì người xông xáo, nhiệt tình mà cứ phải là Khương. Khương tính rồi, năm nay, Khương sẽ tập trung cho việc ra tập thơ để còn có cái giao lưu với anh em, bạn bè văn nghệ. Thì mới lần họp cộng tác viên tháng trước, chủ tịch Hội văn nghệ đã động viên, nhắn gửi “Ra tập thơ đi cậu ạ, lục bát cậu hay lắm! Với lại ra tập thơ để Hội có căn cứ xét kết nạp hội viên”. Khương lâng lâng. Chủ tịch Hội, một người nổi tiếng văn chương chữ nghĩa ở cái xứ này đã tâm sự thế đâu phải chuyện chơi. Mà quả thật, đâu chỉ ông chủ tịch hội, cái dịp Khương tham gia lớp bồi dưỡng viết văn do Hội văn nghệ tỉnh tổ chức cho cộng tác viên, các nhà thơ ở trung ương cũng đã khen khi Khương đọc vài bài thơ lục bát. “Thôi, bí thư ạ! Tôi làm một khóa rồi. Với lại tôi còn dự định của tôi!”. “Ở bên nhau cả hơn bốn chục năm rồi, tôi không hiểu ông thì hiểu ai! Nhưng xem chừng dân trong thôn mình cũng chỉ tín nhiệm mỗi ông thôi! Ông quên có lần ông nói với tôi câu gì mà các cụ hay dạy ấy nhỉ! Vi công... à dĩ công vi thượng, lấy cái việc chung của xã hội làm đầu là gì? Dân người ta nhìn cả đấy? Ông làm được gì người ta mới bầu chứ!”.

Khương định nói, nói với Hạnh rằng: không, nhất quyết là không! Nhưng lời thủ thỉ của Hạnh làm lòng Khương như mềm lại. Kể ra thì khóa trưởng thôn vừa qua Khương làm cũng không đến nỗi nào. Này nhé, suốt hơn mười năm kể từ dạo đi kinh tế mới vào đây, ở cái thôn Đèo cách trung tâm xã hơn hai mươi cây số đường rừng này, cứ tối đến lại tù mù trong ánh đèn dầu. Dân đã kêu lên xã, tại sao đến giờ, đường điện đã đi qua thôn, trạm biến áp đã lắp đặt mà cả mấy chục hộ vẫn không có cái ánh sáng văn minh của đèn điện? Lãnh đạo xã giải thích rằng thôn Đèo tuy thuộc xã nhưng đường điện kéo qua đó lại thuộc sự quản lý của điện lực huyện khác. Giờ thôn phải có trách nhiệm trực tiếp qua điện lực huyện bên làm việc thì mới có được điện. Việc đó thôn phải lo. Nhưng mà, khổ nỗi tối thì tối cả làng. Nào có phải một mình nhà tôi dùng đèn dầu đâu. Chính quyền không lo thì cá nhân tôi sức mấy mà đi lo mấy cái chuyện điện đóm vốn thủ tục nhiêu khê, phức tạp lại tốn kém. Ba đời trưởng thôn trước đều không lo được cái khoản điện cho bà con. Đến đời trưởng thôn Khương, việc đầu tiên Khương xác định là phải kéo cho được cái anh ánh sáng về. Và Khương đã làm được. Hạnh bảo “tôi là bí thư chi bộ, ông là trưởng thôn. Làm gì thì làm nhưng cái thôn mình phải có điện ông ạ!”. Đúng! Tiếng là thôn nhưng đều là người cùng một làng đi kinh tế mới. Bà con đang trông vào Khương. Khương không xắn tay xốc vác thì đâu còn xứng với sự tín nhiệm.

Chỉ hai tháng sau, cả cái thôn Đèo đã ngập tràn trong ánh điện mỗi khi đêm về. Khương vui và người dân xung quanh cũng vui. “Trưởng thôn tài thật đấy! Chỉ hai tháng đã đưa được điện về cho bà con!”. Để kéo được điện về thôn, Khương đã phải chạy đôn, chạy đáo cả tháng trời. Việc này thì vợ Khương biết, mọi người đều biết. Nhưng cái khoản tiền vài triệu bạc gọi là bồi dưỡng cho mấy ông điện lực kéo điện vào thôn Khương bỏ tiền túi ra đấy. Nếu họp thôn bảo hai triệu đó chia đều cho mấy chục hộ dân, biết khi nào thu lại được? Bỏ ra một đồng người ta cũng tiếc, đó là chưa nói, nhiều anh trong thôn làm thì dở, phá thì hay, chúng nó đề nghị đưa biên lai, hóa đơn ra thì chết Khương. Ba cái khoản bồi dưỡng đó, chỉ biết với nhau vậy thôi. Mà chỉ biết với nhau thì người dân có quyền nghi ngờ. Bởi thế coi như Khương chịu mất tiền. Mới tuần trước, vợ Khương định bán vài tạ cà phê để mua cho con bộ đồ mới đi học ấy mà vẫn còn tiếc, còn do dự. Vợ Khương mà biết việc này, Khương chẳng thể yên được đâu! Khương cứ tưởng, một khóa trưởng thôn coi như hoàn thành nhiệm vụ, ai dè, Hạnh nói thế, nghĩa là khóa tiếp theo đây, họp thôn người ta lại tiếp tục bầu Khương. Trốn làm sao được bây giờ? À! Khương nghĩ ra cách rồi. Cứ ra họp thôn, Khương sẽ giới thiệu thêm ông Thảnh cán bộ mặt trận thôn mấy năm nay. Ông Thảnh bản tính vốn hiền lành, nhỏ nhẹ lại hay giúp đỡ người khác. Ý nghĩ ấy làm Khương như trút được gánh nặng. Mấy héc ta cà phê của Khương bắt đầu cho thu hoạch lớn. Khi đó, vợ con sẽ đỡ cực nhọc, Khương sẽ có nhiều thời gian cho niềm đam mê thơ phú.

Nhưng Khương vẫn lại phải tiếp tục làm trưởng thôn cũng vì từ thơ phú mà ra. Quý mến cái biệt tài làm thơ lục bát của Khương, anh em văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới thăm Khương. Thử hỏi ở cái thôn Đèo, có ai như Khương tháng nào cũng có nhà văn kính cận, nhà báo áo ký giả đến chơi, luận bàn thơ ca, thế sự. Và còn nữa. Từ khi trở thành hội viên hội văn nghệ tỉnh, cứ mỗi lần đi họp giao ban trên xã, bên bưu điện lại chuyển cho Khương cuốn tạp chí văn nghệ. Đó là chưa kể, một vài tờ báo văn nghệ các địa phương khác còn đăng thơ Khương và gửi báo biếu về. Đến cả Phó chủ tịch xã cũng phải bắt tay Khương thật chặt “Nhân tài luôn là tài sản quý! Ở địa phương khó khăn như xã ta, nhân tài càng quý hơn”. Họp thôn, người ta nhất loạt giới thiệu Khương để bầu lại làm trưởng thôn. Thậm chí, có người còn bảo ‘Thôi, không cần bỏ phiếu, bà con biểu quyết bằng giơ tay!”. Khương đã có phương án để tìm ra lối thoát rồi. Nhưng ôi thôi, Khương chưa kịp giới thiệu lão Thảnh thì lão đã lên tiếng trước “chẳng ai có thể đảm nhận tốt hơn cái trọng trách này bằng trưởng thôn hiện nay của chúng ta!”. Tiếp lời lão Thảnh là những tiếng hô nhất trí vang lên. Vậy là Khương vẫn phải tiếp tục làm cán bộ. Vợ Khương bảo “Thôi! Bà con người ta có quý, có tin thì mới bầu bố nó! Với lại cả chục năm bố nó đã lao lực với với vườn, với rẫy rồi. Giờ là thôn trưởng, lâu lâu còn được ra xã, ra huyện hội họp cho nó thoải mái tí cũng là cái hay!”. Vợ Khương coi thế mà cũng ý tứ, biết người biết ta lắm. Mỗi khi bạn bè, anh em ở tỉnh, ở huyện vào chơi, vợ Khương lại luýnh quýnh, lon ton lo đi giết con gà, thả mẻ lưới kiếm con cá hấp cho Khương tiếp đãi. Có điều, nhà Khương vẫn còn tuềnh toàng quá. Nếp nhà thưng ván đã mối mọt, mái tôn dột nát. Vợ Khương nghĩ là nghĩ cho Khương, đành rằng mang danh nhà thơ thì nghèo nhưng cũng phải cho nó tươm tất chứ cứ thế này nhếch nhác, lôi thôi, lếch thếch quá. Khách khứa đến một lần chứ lần sau người ta cũng ngại bởi chẳng ai nỡ ăn uống, nói cười trong một căn nhà minh chứng cho sự bần hàn, nghèo đói. Hay là bán bớt đám rẫy? Có lý. Dăm héc ta Khương cắt bớt một héc thì đã làm sao? Rẫy Khương đẹp, dốc thoai thoải, gần con suối mát trong chảy từ vạt rừng nên chỉ mới đánh tiếng đã có người đến dạm mua. Bốn trăm triệu héc ta, đủ Khương làm cái nhà đẹp. Nhưng ôi thôi, sổ đỏ đâu? Đến lúc đó, Khương mới giật mình: chưa có sổ đỏ. Chẳng ai dại gì vứt vào cả một đống tiền cho một héc rẫy mà chỉ có thỏa thuận viết tay. Cuộc mua bán chấm dứt.

... Lão Phượng bảo “trưởng thôn ạ! Bây giờ cái gì cũng phải tiền thôi! Thằng con tôi nó mới chạy cái sổ nông nghiệp hết gần ba chục triệu đó”. Sao lại phải chạy? Mình là dân kinh tế mới đi theo chủ trương của nhà nước! Chính quyền phải có trách nhiệm làm sổ đỏ cho dân chứ? “Thì đồng chí trưởng thôn xem, mấy vị trưởng thôn các khóa trước tưởng lo được cái sổ đỏ cho dân nhưng nào có xong đâu! Cuối cùng thì chỉ có được cái sổ đỏ cho riêng các vị thôi! Tưởng mới nhưng nhẩm ra thì cũng mười ba năm kể từ khi được chia đất rồi đấy trưởng thôn nhỉ?”. Khương lục tìm, vẫn còn đây biên bản tiếp nhận dân kinh tế mới của chính quyền sở tại, vẫn còn đây quy hoạch chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất cho bà con, vẫn còn đây danh sách những hộ di dân kinh tế mới. Mười ba năm ấy, tám chục hộ dân giờ chỉ còn sáu mươi lăm hộ bám trụ lại với mảnh đất này. Họ vẫn cần mẫn với công việc nương rẫy hằng ngày trên những vạt đồi mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phải, Khương sẽ đem vấn đề này nêu ra tại cuộc họp giao ban ở xã sắp tới. “Trưởng thôn ạ! Như tôi đây gần bảy chục tuổi đầu, sống chết lúc nào chẳng biết, chẳng quan trọng gì cái sổ đỏ nữa đâu! Chỉ lo nếu có nằm xuống  không có chỗ chôn thôi! Chả lẽ buộc con cháu phải đưa về quê! Mà mình đã cắt khẩu vào trong này rồi, đất quê còn đâu nữa mà chôn với cất?”. Lão Phượng lo rất đúng. Cái nghĩa địa của thôn theo quy hoạch từ ngày đầu bây giờ là những vạt cao sao xanh thắm đang thời kỳ cạo mủ. Dân đã mấy lần gặp chủ nhân của đồi cao su này, người ta bảo có sổ đỏ hẳn hoi. Hỏi kỹ hơn mới biết, người ta mua lại của một vị nguyên cán bộ lãnh đạo huyện. Quái lạ! Đây là nghĩa địa của thôn sao lại có vị cán bộ lãnh đạo huyện nào vào đây? Lại phải đưa ra cuộc họp giao ban xã thôi! “Nếu trưởng thôn lo được hai cái việc đó thì dân chúng tôi được nhờ!”. Lão Phượng nói như vừa gửi gắm như vừa khích tướng. Không phải khích, những sự việc rõ ràng như thế, chả lẽ những quy định của pháp luật lại không ủng hộ bà con thôn Đèo?  

Phó chủ tịch xã định kết thúc cuộc họp sớm với lời nhắc nhở mọi người “Hôm nay đám cưới con đồng chí chủ tịch, chắc chúng ta kết thúc sớm một chút các đồng chí nhỉ?”. Khương giơ tay xin có ý kiến. “Ô! Nào mời nhà thơ!”. Phó chủ tịch vẫn hay gọi thân mật như thế. “Hẳn hôm nay nhà thơ của chúng ta có sáng kiến hay để dự đám cưới con chủ tịch cho thêm phần rôm rả đây!”. “Tôi thấy, chúng ta, trong đó có các đồng chí ngồi đây, bao gồm cả tôi,... chúng ta làm việc tắc trách quá!”.

Mọi cặp mắt dồn sang Khương. Khương càng say mê, mạnh mẽ: Như thôn tôi, mười ba năm nay người dân vẫn không được cấp sổ đỏ! Mặc dù bà con di dân theo diện kinh tế mới của nhà nước. Có nhiều tiếng xì xào. Anh này nói lạ, không có sổ đỏ thế sao có những hộ người ta bán đất, người ta tách sổ cho con cái thế? Đó là những hộ đã chạy được sổ đỏ! Còn lại thì chưa có!. Phó chủ tịch đã hiểu ra vấn đề. À, thì ra cái gã nhà thơ này đi đòi sổ đỏ cho dân thôn Đèo đây. “Đồng chí trưởng thôn! Cấp sổ đỏ có phải có nguyên tắc, có tuần tự, có thời gian chứ đâu có thể làm ào ào vô tội vạ được!”. Khương đã bắt đầu thấy nóng mặt. Phó chủ tịch phụ trách mảng nông nghiệp, địa chính mà có thể nói như thế ư? Đồng chí nói sai rồi, sao lại đến tận bây giờ không cấp sổ cho dân? Sao mấy đợt các đồng chí cho cán bộ địa chính vào đo đạc, lập hồ sơ rồi bỏ đó mà không triển khai? Mọi người bắt đầu bàn tán. Phó chủ tịch xã xem chừng vấn đề dễ vượt khỏi tầm kiểm soát của chủ trì cuộc họp. Mấy khóa phó chủ tịch xã ở các địa phương khác nhau đã cho ông kinh nghiệm rằng, với những con người như thế này cứ phải gặp riêng, để nó bung ra những nội dung tế nhị thuộc quyền quản lý của mình chỉ có chết. “Đồng chí trưởng thôn ạ! Các đồng chí ạ! Thực ra vấn đề này cũng là điều mà chúng tôi đang trăn trở đây! Chắc chúng tôi phải gặp riêng đồng chí và bà con để mà giải quyết thấu đáo vấn đề này thôi! Hôm nay, chúng ta nghỉ sớm hơn một chút được không các đồng chí!”. Người ta hiểu. Phó chủ tịch chủ trì phiên họp thay chủ tịch đã có ý không muốn đưa nội dung Khương nêu ra bàn bạc, thảo luận tại cuộc họp. Vả lại hôm nay đám cưới con chủ tịch, chả lẽ để cho những chuyện tranh luận, bàn cãi như thế ảnh hưởng đến không khí đi dự đám cưới. Thôi, việc chẳng liên quan đến thôn mình, tránh cho nó lành. Mọi người lẳng lặng đùn đẩy nhau ra khỏi phòng họp, chỉ còn Khương và phó chủ tịch xã. “Đồng chí ạ! Đừng nói thế vạ miệng đấy! Như mình đã nói rồi, tuần tự rồi xã sẽ hướng dẫn bà con làm sổ. Còn ai cần gấp có thể ưu tiên cho làm trước! Mà cậu vẫn chưa xong sổ đỏ đúng không? Để mình chỉ đạo bên địa chính triển khai sớm cho cậu!”. Phó chủ tịch đã nhầm, Khương đâu phải cầu cạnh, thậm thụt để được làm sổ đỏ cho riêng Khương đâu. Cái mà Khương cần đó là mọi người trong thôn phải được triển khai làm sổ đỏ. “Anh ạ! Theo quy định tại Luật đất đai thì.......”. “Thôi! Ông đừng nói luật đất đai với tôi! Phụ trách mảng này, tôi phải nắm luật chứ!” “Thế anh nắm luật sao anh không triển khai cho dân? Sao vẫn còn tình trạng chạy sổ đỏ?” “Bậy nào! Ông là trưởng thôn, lại là văn nghệ sĩ, nói phải có nhân chứng, vật chứng, đừng nói tùy hứng?”. Phó chủ tịch đập bàn. “Tôi không nói theo cảm hứng, tôi nói có sách, mách có chứng! Chưa hết đâu, cả cái nghĩa địa của thôn đã đưa vào quy hoạch từ khi dân chúng tôi vào đây giờ cũng bị chiếm hết rồi!”. Đến nước này thì Phó chủ tịch chỉ thẳng mặt Khương “Bố láo, bố toét! Ông ăn nói lôm côm, cảm tính. Ông có chịu được trách nhiệm với những lời nói của ông không?”. Khương vốn vẫn kính trọng phó chủ tịch xã, một người mà vẫn rất vồn vã, động viên và khích lệ Khương, một người vẫn thường ca ngợi tài thơ của Khương. Thế nhưng, giờ đây, tất cả đã không còn nữa, Khương bước vội ra cổng nổ máy nhảy lên xe, quên cả đám cưới con chủ tịch.

... Lão Phượng lại qua. Lần này, lão châm đóm riết thuốc lào liên tục. Sau mỗi lần hút là một lần lão ho lục khục. Thôi cụ ạ! Cụ đang bệnh đừng hút nữa! “Cái anh thuốc lào kể cũng lạ chú mày ạ! Nó cũng như đàn bà ấy! Không có tí thì thôi chứ đã có tí ti rồi là cứ muốn thêm tí nữa! Dẫu biết nó chẳng có lợi cho sức khỏe tí nào!”. Nói rồi lão cười ngặt nghẽo. Lão Phượng hôm nay kể cũng lạ, ngay cả cách gọi Khương bằng chú mày. “Này, ở đời chẳng biết đường nào mà lần! Bí thư vừa mới mượn tôi hai tháng lương hưu đấy! Bảo là đang lo cho con đi xuất khẩu lao động. Mà muốn đi xuất khẩu lao động thì phải vay mượn ngân hàng những mấy chục triệu cơ. Mà muốn mượn ngân hàng thì họ bảo phải thế chấp sổ đỏ. Thế là ông ấy phải lo chạy sổ đỏ đấy chú mày ạ!”. Sao Hạnh lại làm thế? Lại đi vay của một ông cụ ốm yếu tuổi bảy mươi? Ờ mà cũng phải, vợ Hạnh mấy năm đau yếu, gia cảnh sa sút lắm, vườn rẫy chẳng ăn thua, chắc Hạnh tính cho con đi một chuyến xuất khẩu lao động để đổi đời đây? Nhưng thiếu gì chỗ vay lại vay của lão Phượng? Như đoán được ý Khương, lão Phương vội phân bua “Khổ lắm chú mày ơi! Vay nóng bây giờ nó tính lãi suất cả chục phần trăm đấy! Lãi mẹ đẻ lãi con đào đâu ra mà trả! Tao cũng chẳng tiêu pha gì, cho nó mượn khi có thì trả tao! Nói cho cùng cái thằng Hạnh cũng tội!”. Khương ngồi lặng yên. Những người dân quê Khương khi vào đây đã hăm hở biết bao. Vào để có đất sản xuất, để tìm một cuộc sống mới đủ đầy, giàu có hơn. Thế nhưng, mười mấy năm rồi, thử hỏi trong thôn có được mấy hộ khấm khá. Cho đến giờ, ngay cả cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất họ cũng chẳng có. Khương trót mang tiếng là nhiều chữ nghĩa, thơ văn vậy mà suốt một nhiệm kỳ đã không sâu sát với cuộc sống bà con. Bà con ủy thác cho Khương làm trưởng thôn là có ý cả đấy! Khương đã đưa ra cuộc họp ủy ban, nhưng xem chừng cán bộ ở xã và các thôn khác không mặn mà, ủng hộ? Hay cách làm của Khương đã sai? Không! Khương đưa ra một nội dung rất rõ ràng, cụ thể cơ mà?. “Chú mày ạ! Chú mày có cả bạn bè làm văn, làm báo trên tỉnh sao không nhờ người ta có tiếng nói cho mình?”. Đúng! Lão Phượng nói đúng. Khương sẽ nhờ bạn bè tư vấn, chỉ bảo cách làm đơn kiến nghị gửi đến các tòa báo. Khương sẽ viết, viết rõ ràng, viết rành mạch, viết đúng với những gì đang diễn ra ở thôn Đèo.

Lại họp giao ban xã. Lần này chủ tịch phang Khương giữa cuộc họp: “Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã đến làm việc với tôi và đồng chí Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp, địa chính. Ở đây cần nói rõ, đồng chí trưởng thôn Đèo đã viết đơn gửi các cơ quan báo chí tỉnh vào cuộc. Nội dung là khiếu nại việc cấp sổ đỏ cho thôn Đèo. Tôi đã nói ở các cuộc họp trước rồi, đồng chí là một cán bộ, làm như thế là vi phạm nguyên tắc. Thông tin bây giờ nhạy cảm lắm, chưa hiểu sự tình báo chí đã nhao lên. Ảnh hưởng, rất ảnh hưởng đến địa phương đấy các đồng chí ạ! Chúng tôi vừa có thông tin, đồng chí trưởng thôn Đèo còn kích động bà con làm đơn kiến nghị tập thể gửi đi các cơ quan nữa! Đồng chí nghĩ sao mà hồ đồ thế? Các đồng chí thấy thế nào?”. Cuộc họp lặng im. Chuyện này nhạy cảm, phức tạp và dễ mất lòng mất bề lắm. Thế nên im lặng là vàng. Khương cũng không muốn nói nữa. Khương đã ý kiến tại các cuộc họp giao ban và cả những cuộc gặp riêng chủ tịch, phó chủ tịch rồi. Phải triển khai việc cấp sổ đỏ cho dân, phải kiểm tra, xử lý đường dây chạy sổ đỏ, phải giải quyết ngay chuyện nghĩa trang của thôn. Nhưng rồi, hứa vẫn cứ hứa, chờ vẫn cứ chờ. Khương nản, nản thật rồi. Hôm trước xin vợ mấy trăm nghìn nộp cái thẻ cào cho điện thoại, vợ còn đùa “gớm, phụ cấp tháng triệu bạc cơ mà!”. Quả thật, phụ cấp trưởng thôn như Khương tháng gần triệu bạc thật. Thế nhưng, quãng đường heo hút từ thôn ra ủy ban xã hơn hai chục cây số. Hội họp, giao lưu, rồi đám ma, đám cưới, cán bộ xã mời, các thôn khác mời, cứ quay như chong chóng. Rồi cũng qua hết, có đáng là bao, nhưng mấy cái việc của thôn đến nay xã vẫn chưa giải quyết, lãnh đạo lại còn phê bình, cảnh cáo làm Khương buồn, làm Khương nản. Cơn mưa chiều làm con đường trơn trượt, ngập ngụa trong bùn đất. Chưa bao giờ con đường về thôn lại dài như vậy. Nhá nhem tối, trong màn mưa giăng kín, Khương đẩy xe vào ngõ. Tiếng oang oang trong nhà như vỡ ra “Việc này phải chờ trưởng thôn thôi! Đúng rồi, phải chờ trưởng thôn! Nếu không có đất chôn, chúng tôi sẽ khiêng quan tài lên ủy ban xã cho coi! Đu… úng!”. Cái gì mà quan tài với chôn cất trong nhà Khương thế này? Khương vuốt vội những giọt nước mưa đang táp ràn rạt trên mặt. “ông Phượng chết rồi trưởng thôn ơi!” “Cái gì? Lão Phượng?”. “Lão Phượng! Lão chết từ sáng nay”. “Trưởng thôn! Trưởng thôn phải tìm chỗ chôn cho cha tôi, không thì mai tôi khiêng quan tài lên xã bây giờ! Chiều nay, chúng tôi lên khu đất nghĩa địa thôn để đào huyệt bị đuổi đánh, chúng bảo thằng nào chôn trong đất nhà chúng tao, chúng tao đánh chết tại nơi!”. Vậy là điều lão Phượng lo đã xảy ra. Lão Phượng, khi nghỉ hưu đã theo con cháu vào nơi này để động viên chúng bám trụ với vùng kinh tế mới, đến lúc chết lão lại không có một chỗ để yên nghỉ hay sao? Khương biết, dân trong thôn đến nước này họ sẽ làm thật đấy, và khi cái quan tài khiêng lên xã thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Phải đi! Ai đó cùng Khương đi ngay bây giờ. Lãnh đạo xã phải giải quyết trường hợp này. Nếu không giải quyết, Khương sẽ lên huyện, lên tỉnh. Sự việc không đừng được nữa rồi. Đi. Khương nổ máy, quay xe giữa cơn mưa nặng hạt.


Phamngochien.com - 18:42 - 29/05/2020 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận