Cuộc bút chiến xoay quanh Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ III

Hội nghị nhà văn trẻ TP.HCM đã khép lại nhưng dư âm của nó vãn còn sôi động bởi hàng loạt bài viết khen - chê trên báo chí. Đầu tiên là bài  Vui buồn với những người viết văn trẻ của Bùi Công Thuấn và đáp lại là bài Khi Bùi Công Thuấn hóng hớt và loạn ngôn của Hoàng Đình Quang. Tiếp theo, có bài Nguyễn Du đã lập trình trước cho Hội nghị nhà văn trẻ của Lê Thiếu Nhơn. Nhưng gây xôn xao nhất là bài Hội nhà văn Thành phố không cần nhà văn trẻ nữa ? của Anh Trúc đăng trên báo Văn nghệ TP.HCM (9 / 6 / 2011). Những bài chê Hội nghị nhà văn trẻ tập trung chủ yếu trên trang web lethieunhon.com. Những bài khen ngợi chủ yếu đăng trên Nhavantphcm.com.vn. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết liên quan để bạn đọc tham khảo.

 

 

Báo Văn Nghệ "đánh" Hội Nhà văn TP.HCM ?

 

LTS: Trên tuần báo Văn Nghệ (số 162, ra ngày 9.6.2011) thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM (cơ quan quản lý Hội Nhà văn TP.HCM), có dành 2 trang 18-19 để viết về Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3 do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Nội dung của 2 trang báo trên, ngoài vài câu khen ngợi có tính chiếu lệ, phần còn lại chủ yếu là phê phán gay gắt, thậm chí mỉa mai, xỉa xói về hội nghị.

Sau khi báo Văn Nghệ TP.HCM phát hành đã có nhiều ý kiến bạn đọc, nhà văn lão thành và đặc biệt là đông đảo đại biểu nhà văn trẻ tham dự hội nghị và trại sáng tác đã gọi điện, gửi tin nhắn, email cho Ban biên tập Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Tại sao báo Văn Nghệ TP.HCM lại "đánh" Hội Nhà văn TP.HCM?

Việc 2 cơ quan cùng trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM có "đánh" nhau hay không, chúng tôi không có thẩm quyền trả lời. Chỉ biết rằng, Ban Thường vụ Hội Nhà văn TP.HCM đã có cuộc họp thống nhất ý kiến về vụ việc báo Văn Nghệ TP.HCM, để gửi báo cáo tới những cơ quan quản lý cấp trên.

Trở lại nội dung của 2 trang báo VNTP.HCM về hội nghị, trong đó có bài chủ lực bao gồm 1 trang 19 của Anh Trúc (tức nhà thơ Ngọc Anh) phỏng vấn các đại biểu nhà văn trẻ: Huỳnh Mẫn Chi, Đồng Chuông Tử, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Đoàn Phương Huyền, Lê Miên Ca, Nguyễn Đặng Tường Vi.

Ngay sau khi báo vừa phát hành, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi đã tức tốc gửi thư đến nhà thơ Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nói rõ rằng chị không hề trả lời một cuộc phỏng vấn nào cho báo VNTP.HCM như thế cả (văn bản tư liệu này hiện do Ban Thường vụ Hội lưu giữ, nên chúng tôi sẽ đăng tải sau, mời bạn đọc theo dõi).

Cùng lúc đó, ba nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử, Lê Miên Ca và Nguyễn Đặng Tường Vi cũng gọi điện tới ban tổ chức cho biết họ không hề có cuộc trả lời phỏng vấn nào cho báo VNTP.HCM mà chỉ có cuộc trò chuyện cà phê bên lề giữa các bạn văn trẻ dự hội nghị và trại sáng tác trẻ với nhau. Nhà thơ Đồng Chuông Tử cũng lập tức đã có văn bản chính thức gửi tới ban tổ chức về "sự cố" này và đề nghị trang NVTPHCM đăng tải để bạn đọc, nhất là người trong cuộc hiểu rõ hơn vấn đề.

Để rộng đường dư luận và tôn trọng những ý kiến trái chiều nhau, trước mắt chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết Hội Nhà văn thành phố không cần nhà văn trẻ nữa? của Anh Trúc trên VNTP.HCM và bài phản hồi Cho một câu nhỏ, nhận cả cánh đồng cỏ triền phược của Đồng Chuông Tử.

Chúng tôi cũng mong nhận được phản hồi từ những người quan tâm, nhất là các nhà văn trẻ đã tham gia hội nghị và trại sáng tác.

 

Hội Nhà văn thành phố

không cần nhà văn trẻ nữa?

ANH TRÚC ghi

LTS: Sau khi Hội nghị viết văn trẻ thành phố lần thứ 3 được tổ chức tại Cần Giờ trong 2 ngày 28.05.2001 - 29.05-2011 kết thúc, báo Văn Nghệ TP.HCM đã nhận được rất nhiều ý kiến than phiền về cung cách tổ chức hội nghị từ những đại biểu trẻ. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này: Đoàn Phương Huyền giới thiệu nhóm Những ngôi sao xẹt trong đêm giao lưu  
1-Nhận xét của các anh/chị về việc sinh hoạt, ăn, ở- những nhu cầu cơ bản của đại biểu khi tham dự Hội nghị viết văn trẻ thành phố lần 3 trong 2 ngày vừa qua tại Cần giờ?

Đoàn Phương Huyền: Lúc đầu mọi người rất ngỡ ngàng khi bước vào nhà tắm: không kem đánh răng, không khăn tắm, không bàn chải...Chúng tôi phải xếp hàng mua các vật dụng đó. Ai nhanh chân thì mua được, ai chậm chân thì đành quay về phòng hoặc nhẫn nại chờ... nhân viên đi mua về bán lại. Tôi thật sự không thể tưởng tượng được chuyện này.

Nguyễn Đặng Tường Vy: Tôi may mắn là người cuối cùng mua được kem chống muỗi, nhưng những món đồ khác như kem đánh răng, bàn chải đánh răng thì... không có vì đã được bán hết, đành phải dùng chung với người bạn thân chứ biết sao bây giờ! Nói chung, cảm giác lúc ấy rất khó chịu và thấy mình hình như bị coi thường!  

Đoàn Phương Huyền: Lúc ngủ, tôi phải trải cái áo khoác của mình lên trên gối, lấy nón che mặt (đèn sáng không ngủ được) và che lỗ mũi vì...cái nệm hôi. Nhưng muỗi cắn quá, không còn cách nào khác tôi đành phải mắc mùng (mặc dù cái mùng chắc cũng đã lâu không giặt). Vậy là vừa ngủ tôi vừa bịt mũi. Quan sát xung quanh, tôi thấy cô bạn mình cũng đang đập muỗi "bốp, bốp" rất khí thế, còn ở một góc khác, hơn 2 giờ sáng, nhà thơ Song Phạm xoay tới xoay lui, không sao ngủ được. Sáng hôm sau, khi vào phòng toilet, bé Tường Vy mới la lên "sao hai chân của chị bị muỗi cắn quá trời vậy?!!"

Lê Miên Ca: Tôi là một người trẻ, năng động, có thể hòa nhập bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào trong cuộc sống mà không một chút nề hà. Nhưng khi bước vào căn phòng tập thể của Trung tâm Dã ngoại Cần Giờ(huyện Cần Giờ) để tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần 3, tôi rất bức xúc, thấy mình không được tôn trọng thật sự. Được biết là trong lịch trình có viết "nhận phòng"... nhưng chẳng có cái gì xảy ra như vậy cả. Đáng lẽ, chúng tôi phải được thông báo trước tình trạng như thế để mà chuẩn bị. May mắn là tôi có" kinh nghiệm"tham gia trại sáng tác nên đã chủ động mang theo đủ đồ dùng cá nhân. Tôi còn cho một người bạn mượn xà bông nữa (cười).  

Huỳnh Mẫn Chi: Nếu ở đông (hơn 20 người vào 1 phòng) với lý do "để cho vui" thì không đúng vì Ban tổ chức (BTC) đã có buổi giao lưu, đốt lửa trại, hội thảo...như vậy là đủ. Nhưng nếu với lý do "tiết kiệm tiền" thì cũng không đúng vì chỉ cần 54 ngàn đồng/1 người/đêm cho 1 phòng 5 người... thì đã có một chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng sạch sẽ. Vậy suy ra là "Hội nhà văn TP.HCM không tôn trọng mọi người".

Gương mặt tươi như... nhà văn trẻ!   2-Có người nói các bạn văn thơ trẻ thành phố đi dự hội nghị mà cứ "đòi" ăn ngon, ở resort xinh đẹp?

Huỳnh Mẫn Chi: Chúng tôi không đòi hỏi phải được ăn ngon hay ở resort xinh đẹp mà ít nhất, BTC phải đảm bảo chỗ ăn ở tương đối tốt vì dù sao chúng tôi cũng là đại biểu chính thức, là nhà văn, nhà thơ trẻ của thành phố này được mời tham gia trại sáng tác.

Trần Hoàng Nhân:  Làm nghề cầm bút mà nói đến chuyện ăn ở nghe có vẻ kỳ kỳ. Nhưng giới cầm bút trước hết cũng là một con người bình thường như bao con người khác. Bản thân tôi lại được mời đi dự hội nghị, tôi nhấn mạnh là "được mời" và đủ tiêu chuẩn "được mời" chứ không phải van xin, hoặc năn nỉ cho nên chúng tôi có quyền được đối xử đàng hoàng, tử tế.
Thử hỏi, đến với hội nghị, chị em nào cũng cố gắng diện thật đẹp, người thật thơm tho kiều diễm, mà nằm trên cái giường hôi hám, xếp hàng đi vệ sinh... như thế có phải là "phản cảm" không?

Lê Thiếu Nhơn: Chúng tôi xin được hỏi lại: Giả dụ trước đó, BTC thông báo các đại biểu nam ở chung môt phòng và các đại biểu nữ ở chung một phòng, không tiện nghi... thì liệu có được 1/3 số đại biểu tham gia hay không? Khổ, vì BTC quên phát huy sự rộng lượng để mở kim khẩu "lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu" nên đại biểu chúng tôi cứ loạng quạng như gà mắc tóc chả biết cách nào "gìn vàng giữ ngọc cho hay, cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời".

Nhóm Hải tặc rất "ngầu" khi "xuất tướng" tự giới thiệu     3- Nếu, có người hỏi anh/ chị:" Tại sao nhà văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh- những con người sôi nổi, táo bạo, sẵn sàng thử nghiệm, đón đầu các dòng chảy, khuynh hướng sáng tạo nhất cả nước lại bị đối xử như thế?"

 

Đoàn Phương Huyền: Tôi không biết!

Lê Thiếu Nhơn:  Theo tôi đoán, có lẽ Hội nhà văn TPHCM không cần nhà văn trẻ nữa. Hình như nhà văn trẻ đang ở vào hoàn cảnh "phận bèo bao quản nước sa, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh".

Lê Miên Ca: Tôi nghĩ chỉ là do sơ suất của BTC mà thôi... tuy vậy cũng khiến những người viết trẻ như tôi cảm thấy phân vân vì đã bỏ tất cả công việc, học hành để tham dự với niềm phấn khởi rất lớn...

Nguyễn Đặng Tường Vy: Tôi nghĩ, BTC cho là chúng tôi...còn nhỏ quá, nên đối xử sao cũng được! Tôi có đọc được lời than phiền của chị Ngô Thị Hạnh gởi kèm theo bài viết của anh Lê Thiếu Nhơn, nội dung liên quan đến câu hỏi này. Nhưng  theo tôi, chị Ngô Thị Hạnh đã xử sự không đúng khi bản thân chị là thành viên trong BTC mà lại bỏ trại sáng tác để về thành phố trong khi mọi người vẫn ở lại. Chị Hạnh có thể trình bày ý kiến,  bức xúc, cả sự ngạc nhiên của mình như câu hỏi trên( Tại sao nhà văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh- những con người sôi nổi, táo bạo, sẵn sàng thử nghiệm, đón đầu các dòng chảy, khuynh hướng sáng tạo nhất cả nước lại bị đối xử như thế?")  với BCH Hội Nhà Văn sau khi trại sáng tác kết thúc thì đẹp biết bao, vì thời gian ở trại đâu có dài, chỉ 3 ngày thôi, bắt đầu từ ngày 30.5.2011 và kết thúc vào chiều ngày 1.6.2011

Trần Hoàng Nhân: Tôi chỉ nghĩ rằng năng lực tổ chức của những người trong BTC hơi kém nên mọi việc mới vậy. Có lẽ, vì Hội Nhà văn Thành Phố mới bầu ban lãnh đạo mới, chưa quen việc nên lúng túng chăng? Hy vọng là hội nghị lần sau không có chuyện đáng tiếc như vầy. Nhưng nói đến hội nghị lần sau lại càng thêm tiếc, vì 5 năm mới hội nghị dành cho nhà văn trẻ một lần - tức một nhiệm kỳ lãnh đạo hội - muốn rút kinh nghiệm chắc phải đợi ban lãnh đạo hội nhiệm kỳ mới.

Đồng Chuông Tử: Sau khi kết thúc Hội nghị viết văn trẻ lần 3 trong 2 ngày tổ chức ở Cần Giờ, tôi nghĩ mình cần khoảng thời gian... 2 tuần mới có thể làm thơ một cách hồn nhiên trở lại (cười).  

 

4- Những sai sót của Hội nghị viết văn lần 3 tổ chức ở Cần Giờ  là chuyện " đã rõ như ban ngày"... Nhưng việc phát hành được tuyển tập Thơ Văn trẻ, việc các bạn ở lại dự trại sáng tác được tổ chức rất tốt, chúng ta không thể phủ định tất cả được...

Đoàn Phương Huyền:  Theo thông tin chúng tôi biết, tuyển tập Thơ văn trẻ thành phố ra đời là một sự cố gắng lớn khi đã liên hệ, thuyết phục giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt hỗ trợ kinh phí in ấn, giấy phép, để kịp chào mừng hội nghị những nhà viết văn trẻ lần 3. Tuyển tập đẹp, chất lượng khá. Tôi nghĩ đó có lẽ là món quà tinh thần ý nghĩa cho những cây viết trẻ, nhất là với các bạn sinh viên chưa được nhiều người biết đến. Lê Miên Ca:  Tôi có tham gia trại sáng tác cùng 9 bạn nữa, nói chung cảm thấy rất vui. Cả nhóm được anh Phan Hoàng chuyển đến căn phòng có máy lạnh, sạch sẽ và tươm tất hơn. Ở trại sáng tác, chúng tôi cũng được góp ý, trao đổi thẳng thắn về các sáng tác của từng người nên rút ra được nhiều điều bổ ích cho con đường sáng tạo của mình. Trần Hoàng Nhân: Việc "được" có thể nói là hội nghị đã "phá sản" kế hoạch mời các nhà văn trẻ tiêu biểu ở các tỉnh thành lân cận TP.HCM về dự. Nếu kế hoạch này được thực thi, thì như những gì vừa diễn ra sẽ khiến BTC đã "mất mặt" càng thêm "xấu hổ". Vì thành phố lớn, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật mà như vậy thì... Tuy nhiên, nhà thơ Phan Hoàng - thành viên BTC - đã khăn gói từ phòng riêng sang ở tập thể với các anh em trong một phòng chứa vài chục mạng lô nhô. Hành động đó của Phan Hoàng chỉ là cá biệt, nhưng thể hiện được sự "đồng cam cộng khổ" với anh em "khách mời".

Theo VNTPHCM

Đồng Chuông Tử (ngoài cùng bên phải) cùng bạn văn trẻ

dự trại sáng tác Cần Giờ đi xuồng thăm rừng Sác

 

Cho một câu nhỏ,

nhận cả cánh đồng cỏ triền phược

 

ĐỒNG CHUÔNG TỬ

 

"Sau khi kết thúc Hội nghị Những người viết văn trẻ lần 3 trong 2 ngày tổ chức ở Cần Giờ (trừ Trại sáng tác trẻ), đọc bài viết của ít anh em khác, tham dự lẫn không tham dự Hội nghị, liên quan chung cục lẫn "đánh đấm" cá nhân anh (ví dụ bài của đồng chí Bùi Công Thuấn ở hóc bò tó nào đó), anh nghĩ mình cần khoảng thời gian... 2 tuần mới có thể hồn nhiên làm thơ hay trở lại..."

Nhà thơ Phan Hoàng khai mạc trại sáng tác trẻ ở Cần Giờ

 

Trở về Sài Gòn từ Trại Sáng tác văn học trẻ ở Cần Giờ vào sậm chiều ngày 1.6, chưa kịp uống cà phê cùng bạn bè, tôi liền nhờ "cậu ba hội đồng" Trần Huy Minh Phương, đại biểu chính thức và cũng là một trong những thành viên ở lại Trại sáng tác, chở bằng xe gắn máy đến Thủ Đức gấp vì đã trễ một cuộc hẹn hơn 2 tiếng đồng hồ rồi.

Hôm ấy tôi có hẹn với nhà văn, nghệ sĩ trình diễn Lê Anh Hoài ở Hà Nội vào. Anh vào một công hai việc, trước là dự đám cưới một người cháu; sau, làm cuộc trình diễn mang tên "Lợn cạo". Ấn tượng, đông vui là cảm giác của tôi khi có mặt ở xưởng vẽ của họa sĩ Ngô Lực hôm ấy. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, cũng đã tường thuật và có những bức ảnh "trang trí" sinh động trên nguyenhuuhongminh.com.

Sáng hôm sau, Đồng Chuông Tử, Miên Ca, Tuệ Nguyên, Minh Phương, Tường Vi (những thành viên ở Trại sáng tác), gọi nhau í ới sau một đêm "khó ngủ vì cảm giác trống vắng bạn bè". Không khí 3 ngày ở lại Trại sáng tác rất vui. Cả trại như một gia đình hạnh phúc. Phải vậy chăng mà khi xa nhau, cả bọn thường hay gọi điện hỏi han, hẹn hò cà phê, lúc vỉa hè 58, khi 81 Trần Quốc Thảo.

Buổi sáng đó, Tuệ Nguyên và Minh Phương đến muộn. Tường Vi, Miên Ca và Đồng Chuông Tử, đậu lại cà phê 81 quen thuộc, ríu ran hồn nhiên cảm xúc. Lát sau, nhà thơ Ngọc Anh, phóng viên tuần báo Văn Nghệ TP.HCM bất chợt xuất hiện, như những lần gặp gỡ bình thường trước đó, anh em đã thân nhau rồi mà.

Khác chăng lần gặp "định mệnh" ấy, Ngọc Anh "hỏi xoáy hỏi xoay" nhiều bất thường về Hội nghị Những người viết văn trẻ lần 3 và Trại Sáng tác văn học trẻ. Tôi nghĩ trong lòng, Ngọc Anh cũng là một đại biểu văn trẻ, quan tâm đến suy tư các đại biểu khác cũng là chuyện bình thường, huống hồ đã là anh em với nhau, lại làm thơ nữa, chắc sẽ nạp nhiều năng lượng cho thơ tươi rói chất liệu hơn.

Uống rượu đế với ba khía, gỏi rau kìm trong rừng Sác

 

Cuối buổi nói chuyện, tôi bỗng đâm nghi ngờ, và có "rào" Ngọc Anh một câu rằng: "Đây chỉ là chuyện anh em nói vui ngoài quán nước, đừng có "tương" nhau lên mặt báo đấy. Khi nào em có sắp xếp, điện thoại mời trước, anh sẽ trả lời phỏng vấn nhé, không ngẫu hứng ngẫu nhiên như vầy. Nhưng mà anh nói thiệt, sau khi kết thúc Hội nghị Những người viết văn trẻ lần 3 trong 2 ngày tổ chức ở Cần Giờ (trừ Trại sáng tác trẻ), đọc bài viết của ít anh em khác, tham dự lẫn không tham dự Hội nghị, liên quan chung cục lẫn "đánh đấm" cá nhân anh (ví dụ bài của đồng chí Bùi Công Thuấn ở hóc bò tó nào đó), anh nghĩ mình cần khoảng thời gian... 2 tuần mới có thể hồn nhiên làm thơ hay trở lại...",tiếp sau là tràng cười sảng khoái, quên luôn thế sự.

Ngọc Anh phấn khởi nói, anh Tử ơi, câu này hay quá, nó nói lên nhiều điều, cho em xin câu này nhé. Anh không nấn ná, vội trả lời "ừ, cho em". Không hỏi em để làm chi, vì cũng đã hiểu tâm tính nhau, còn gì.

Nhưng Ngọc Anh ơi, chiều hôm qua anh lên mạng đọc thấy bài phỏng vấn của em, hoành tráng thì hoành tráng thiệt, sao lại bỏ ý của anh vào một bức tranh xám xịt, méo mó đến vậy. Ngữ cảnh khác, câu của anh bỗng trở nên nặng nề, cười đểu. Nó lạ lẫm và không đúng phong cách "giang hồ" nghĩa hiệp của anh rồi.

Em đã "vẽ" xong một bức tranh với sắc màu nóng, nhầy nhụa, rồi treo ý anh lên làm "vật tế thần" ư?

Đoàn nhà văn trẻ viếng tượng đài rừng Sác

Nguồn: Nhavantphcm


Phamngochien.com - 07:59 - 11/06/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận