Cù lao xanh (Lý Thị Minh Châu - Lâm Đồng)

Nằm cách bờ biển Quy Nhơn khoảng mười ba hải lý, Cù lao Xanh là một trong bốn xã đảo của tỉnh Bình Định. Là một hòn đảo khá lớn và đẹp, có cư dân sinh sống từ vài trăm năm qua. Người ta gọi là Cù lao Xanh chắc vì màu xanh của lá, của cây rừng mọc trên đó.
Bình Định có núi Vọng phu, có đầm Thị Nại có Cù lao Xanh đã đi vào thơ ca từ hồi nảo, hồi nào Duy làm sao biết. Chỉ biết, nó luôn hiện hữu trong lời bà đưa trưa, trong câu mẹ ru chiều. Ngày nắng, trời trong đi dọc theo con đường ven biển người ta dễ dàng trông thấy Cù lao Xanh nhàn nhạt phía chân trời. Ngày đó, Duy còn bé lắm, ước mơ được làm cánh chim hải âu tung tăng trên bầu trời cao rộng. Đậu lên đỉnh hải đăng cao chót vót trên Cù lao Xanh, nhìn xuống những nóc nhà bé tẹo dưới chân núi và những con tàu tấp nập ra vào bến cảng. Chẳng làm gì hết, chỉ là ước mơ thôi. Chỉ là ước mơ nhưng diệu kỳ thay ước mơ ấy đã thành hiện thực, hai mươi năm sau Duy đã đến và làm việc tại ngọn hải đăng đầy bão tố, phong ba của miền Trung này.
Rời cảng Quy Nhơn, tàu hàng rẽ sóng đến Cù lao Xanh mất gần hai tiếng đồng hồ trong điều kiện biển yên, sóng lặng. Ba lô trìu trĩu hành lý trên vai với lĩnh kĩnh lon, hũ đựng thức ăn khô, vài bộ áo quần đồng phục và cái laptop cá nhân dày cộm, cũ mèm. Nửa tháng vào ca trực, ngày hai chuyến thay nhau đi địu nước từ dưới chân núi lên trạm phục vụ đời sống của mình và đồng nghiệp. Vất vả làm sao kể xiết nhưng hoài công để nghĩ cách khác. Mùa mưa thì lấy nước ở suối, mùa nắng thì chịu, phải vào doanh trại bộ đội xa tít mới xin được loại máu thiên nhiên quý hiếm này. Người ta phải bơm nước từ giếng ngầm lên hồ chứa. Bơm bằng bơm điện khi nhà đèn mở điện từ chạng vạng đến hăm hai giờ đêm. Quả là hạnh phúc, bởi chưa ai có tiền mua máy phát điện
Gần một giờ leo núi, đá nóng hừng hực, mang được can nước lên tới trạm công vụ mất cả lít mồ hôi, áo quần không tắm cũng ướt nhẹp. Người cứ lâng lâng như đi trên mây, chắc phổi thiếu oxy bởi hơi thở có dập dồn đến mấy thì cũng không cung cấp kịp.
Hải đăng nơi Duy công tác cao 119 mét so với mực nước biển, đèn chiếu xa 20 hải lý, đủ sức dẫn đường chỉ lối cho những con tàu lạ muốn vào nước ta. Từ đây nhìn xuống, Duy thấy Cù lao Xanh như một một bàn cờ lớn đủ màu, lô nhô những quân cờ là những nóc nhà dân vạn chài. Bến thuyền san sát ghe bầu, ghe câu, ghe thúng. Bao quanh đảo là biển trời bao la, sóng trắng chập chùng thỏa thuê nhảy múa. Cuộc sống nơi đây thật là lý tưởng; yên ả, thanh bình làm sao. Không bụi bặm, không xe cộ náo nhiệt, khuôn mặt công nghiệp hoàn toàn vắng bóng nơi ngăn sông cách chợ này. Dân đảo hiền lành, dễ thân thiện và rất mến khách. Người ta thường biếu tặng Duy những món ngon vị lạ của biển cả, của đất mặn mồ hôi, của những ngọn rau cải xanh tươi non nõn trong vườn.
Vừa đặt chân lên cầu tàu, Duy băng băng về phía cây bàng cổ thụ, nơi có cái chợ nhỏ của làng chài. Duy mua vài lạng cá tươi roi rói, dăm con sò dương còn nguyên cái lưỡi thụt thò, thêm vài thứ gia vị đủ để làm ngon một bát canh chua và một món nướng. Xong việc, Duy đi về nhà Thảo. Nhà Thảo cạnh đường lên ngọn hải đăng. Là một căn hộ nhỏ trong dãy nhà dành cho các thầy cô giáo ra đây công tác. Nhà không sang nhưng cũng tường xây ngói lợp. Thảo và Vy là hai cô giáo còn độc thân nên người ta bố trí ở chung một phòng. Duy quen cả hai và không thể phân biệt tình cảm nào sâu, nào đậm. Bồng bột ư, không hề. Bởi Duy chưa phải tam thập nhi lập thì cũng ngấp nghé tuổi cha, tuổi thầy. Đủ sức vào đời bằng đôi tay và nghị lực của mình. Như thường lệ, bữa cơm trưa hôm nay cũng đầy ắp tiếng cười :
- Thảo và Vy này, mình không nhớ nổi là mình đã quen ai trước.
- Vô tình quá ta. - Vy nheo mắt nhìn Duy.
- Bạc bẽo chớ vô tình gì. Hôm đó, Thảo thấy sớ rớ ngoài khe suối cạn, chắc là đi tìm nước. Thảo không nghĩ ở cái đảo khá văn minh này còn có người ngớ ngẩn đi tìm nước vào mùa khô, mùa mà cỏ chỉ, cỏ gà không bao giờ ngóc đầu lên nổi thì lấy đâu ra nước. Còn Thảo thì đang mải mê hái mấy quả dứa rừng, gửi về cho nhỏ bạn trị bệnh đau lưng. Có quả dứa chín vàng nhưng ở tít trên cao, Thảo chẳng thể nào vói tới. May sao có anh chàng máu me ga-lăng, lăn xả vào gai nhọn và hái giúp mình. Thương tình con nhện giăng tơ, mình dắt con nhện về đây trả công can nước...
Duy thẹn đỏ mặt, đúng quá rồi còn gì, Thảo là người Duy gặp đầu tiên. Nhưng khi về tới nhà, cô nàng biến ngay vào phòng tắm để mặc Duy ngồi thừ ra chờ. Còn Vy hôm đó mặc chiếc áo gì đẹp và mỏng manh quá, đến nỗi cái nóng hừng hực ban trưa nơi này cũng tan chảy đi đâu. Xuân thì phơi phới trách sao không hớp hồn người ta, để người ta phải ngây ngây dại dại.
Kể từ hôm đó, Duy thành người uy tín của đồng đội, chuyên trách việc tải nước mà không phải làm thêm gì. Tiền bồi dưỡng trực ca đêm, Duy góp vào trả tiền điện cùng hai cô giáo. Từ cái khó, ló cái khôn. Để chống chọi với cái nóng như lửa của nơi này, Duy lấy tấm các tông đóng lên thanh gỗ nhỏ rồi treo lên xà nhà làm quạt. Một sợi dây dù thật mảnh nhưng chắc chắn buộc vào thanh gỗ đó rồi xỏ qua khe ròng rọc được neo trên vách đối diện tới cần đạp được Duy đặt dưới gầm bàn. Cần đạp có lò xo như cần đạp trống của các ban nhạc. Chỉ cần đặt bàn chân lên đó, đạp nhẹ là cánh quạt vận hành.
- Chả tích sự gì, nặng như cái đình. Không có anh, tụi em tháo ra cất cho đỡ ngứa mắt. - Vy trêu.
Duy cười cười, chân tay đàn bà mà. Yếu và mềm. Thế mới phục bà Định võ nghệ cao cường, thừa sức nắm chặt thắt lưng giặc đánh cho tơi tả.
Có đôi lần, ngồi một mình với Thảo khi Vy về phép, bạo dạn gửi cái hôn lên tóc cũng bị tóc chối từ, dũng cảm cầm tay cũng bị tay né tránh, Duy đâm ra nhát gừng với tình yêu. Ba năm ăm ắp kỷ niệm vui buồn, chỉ duy nhất một lần Thảo cho Duy hôn khi hai người đợi tàu trên bến vắng. Đó có phải là tình yêu hay không thì Duy vẫn phân vân. Ngược lại, với Vy thì thật hồn nhiên, tình yêu với cô là thứ xa lạ nào đó, cô thoải mái nắm tay vui đùa với Duy như nắm tay vui đùa với học trò nhỏ của mình. Duy tự nhủ nên đứng yên giữa hai người, viên sỏi nhỏ sẽ làm xao động mặt hồ vốn êm đềm, tĩnh lặng. Dư ba của nó sẽ làm cho những cánh bèo chao đảo, cách xa. Với Duy, giải pháp hay nhất cho trái tim là im lặng, đợi chờ.
Cơn bão Conson quái ác hoành hành hai ngày qua chưa dứt. Dây điện, dây thoại đứt tơi tả. Không có cách nào liên lạc được với Thảo và Vy, ngồi bó gối trong nhà trạm nhìn mưa tuôn xối xả Duy không thể cầm lòng. Mệnh lệnh trực chiến trăm phần trăm không cho phép anh rời bỏ nhiệm sở, Duy như người ngồi trên đống lửa, linh cảm báo cho anh biết có điều gì đó chẳng lành. Vài hôm sau tin dữ cũng đến, Thảo bị sóng dữ cuốn phăng khi cố cứu một học trò nhỏ trượt chân xuống vực. Cả làng chài chỉ biết nhìn theo con sóng mà chẳng dám làm gì. Duy không khóc nhưng mắt đầy nước mắt.
Lâu lắm rồi, Duy không thường xuyên đi trên con đường ngang nhà Vy nữa. Một con đường khác ở phía đông bến tàu dẫn lên ngọn hải đăng tuy hơi xa nhưng ít gập ghềnh là lối Duy chọn. Chiếc điện thoại bàn của trạm cũng không thường xuyên hiện số máy của trường nơi Vy dạy nữa. Hôm nay nó phá lệ :
- A lô...Phải anh Duy không ?
- Vâng, Duy đây.
- Hôm nay là ngày giỗ đầu của Thảo, trường em mời các anh xuống thắp nén nhang cho cô ấy. - Tiếng Vy nghèn nghẹn.
- Vâng, chiều chúng tôi xuống.
- Không, buổi trưa anh à, mười một giờ.
Chết thật, giờ này biết mua đâu được hoa quả, chẳng lẽ vác mặt tới ăn rồi về. Ngượng lắm. Duy bàn bạc với đồng nghiệp là một người ở lại trực trạm, hai người khác cùng Duy chia nhau đi hái hoa quả trong rừng.
Nắng hè hừng hực nung sôi tiếng ve sầu, đá cũng đổ môi hôi vì dầu dãi. Cù lao Xanh chỉ còn cái tên là nghe ra có màu sắc của lá, của cây rừng. Mắt hoa lên vì nắng, vì mệt, vì mồ hôi cay xè, Duy cố lê bước tới vạt dứa rừng ngày nào. Trong tâm tưởng, Duy đã hái được trái dứa chín mọng, mùi thơm dìu dịu của nó làm anh ngất ngây, mơ màng. Duy ôm nó quay về. Bỗng anh giật mình chết sựng, hình như Thảo. Thảo chớ còn ai khác. Thảo đứng đợi anh bên khe suối cạn nơi lần đầu anh gặp cô và cũng lần đầu anh biết giọt nước ở đây quý như máu của mình. Anh ôm Thảo vào lòng, hôn lên tóc, lên đôi môi rực cháy của cô để mặc trái dứa buồn bã rơi đi.
Một hòn đá cỡ quả ổi từ đâu rớt xuống chân Duy đau điếng. Giật mình, tỉnh ngủ anh ghi vội giấc mơ đẹp vào sổ tay như sợ nó bay đi mất.

L.T.M.C


Phamngochien.com - 21:27 - 16/11/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận