Con được loại giỏi - khoan vội mừng! (Hải Yến)

1.Vậy là một năm học nữa lại kết thúc. Chỉ mấy ngày nữa thôi, lần lượt các trường học, các cấp học trên cả nước sẽ tổng kết năm học. Ðến thời điểm này, hầu hết kết quả học tập của học sinh đã được thông báo đến phụ huynh. Kết quả, có lẽ cũng không khác nhiều so với mọi năm: Tỷ lệ học sinh khá giỏi cao, tỷ học sinh trung bình rất ít, học sinh đạt học lực yếu - kém là con số hiếm hoi. Phụ huynh đã không còn ngỡ ngàng trước thành tích học tập xuất sắc của con em mình nữa. Bởi học sinh đạt loại trung bình mới lạ, chứ đạt loại khá giỏi đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.
 
Có người còn bảo: thời bây giờ, học sinh đã bị tước mất quyền ở lại lớp rồi. Bởi vì, không cần biết quá trình học tập của các em ra sao, mức độ tiếp thu kiến thức thế nào… Cuối năm, kiểu gì các em cũng được lên lớp. Thế cho nên có không ít trường hợp học sinh “ngồi nhầm lớp”. Nhầm to đến nỗi học sinh đã học lớp 6, lớp 7 rồi mà vẫn không đọc thông, viết thạo. Ðó là trường hợp 5 em học sinh Trường THCS Ðông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã được báo chí phản ánh hồi tháng 4 vừa qua. Trên thực tế, đây không phải là những trường hợp “ngồi nhầm lớp” đầu tiên được phát hiện.
 
Đừng đặt nặng thành tích học tập, hãy vui vì trẻ được hạnh phúc trong học tập
và tiến bộ mỗi ngày (Ảnh: minh họa)
 
Cô hiệu trưởng một trường THCS có tiếng ở TP. Biên Hòa đã từng than thở với người viết: “Không hiểu ở tiểu học dạy kiểu gì mà điểm tổng kết toàn 9, 10 nhưng khi lên cấp 2 thì học sinh học yếu quá. Ðầu năm nào nhà trường cũng phải cho khảo sát năng lực học tập của học sinh lớp 6 để kèm cặp các em ngay từ đầu không thì các em không theo được chương trình”… Nói là nói vậy, nhưng rồi cấp 2 lại nối gót cấp 1, tỷ lệ học sinh khá - giỏi lại tiếp tục cao chót vót, vẫn “mò” mãi mới ra được vài học sinh yếu, kém trong mỗi lớp học. Ðể rồi nhiều phụ huynh lại “ảo tưởng” rằng con mình học giỏi, trong khi nhiều điểm số chỉ là “lời nói dối ngọt ngào”.
 
Giáo viên không đánh giá, xếp loại học sinh dựa trên quá trình học tập (như tinh thần của Thông tư 22 của Bộ GD-ÐT áp dụng cho học sinh tiểu học) mà dựa trên điểm số là chủ yếu. Ðến lượt mình, nhà trường lại không đánh giá giáo viên dựa trên quá trình giảng dạy mà căn cứ vào bảng xếp loại học lực, đạo đức của học sinh.
 
TS. Phạm Ngọc Hiền, giảng viên Trường đại học Sài Gòn cho rằng: “Giáo viên giỏi không phải là người đạo diễn thành công một tiết dạy cho những học sinh đã giỏi sẵn. Giáo viên giỏi là người có khả năng rèn luyện một học sinh yếu thành học sinh khá, tạo hứng thú cho học sinh trung bình phấn đấu thành học sinh giỏi và giáo dục một học sinh cá biệt thành học sinh ngoan”. Quan điểm của TS. Phạm Ngọc Hiền nhận được rất nhiều sự đồng tình của phụ huynh và giáo viên.
 
Những điều mà TS. Phạm Ngọc Hiền nêu ra chắc hẳn những nhà quản lý giáo dục, các giáo viên trực tiếp giảng dạy đều nhận thức được. Thế nhưng quan điểm đúng đắn đó lại không được áp dụng vào thực tế. Khi việc đánh giá giáo viên chưa đúng thực chất, bản chất thì rất khó có thể mong chờ việc đánh giá học sinh là thật được.
 
Áp lực thành tích nhiều khi không đến từ phía ngành Giáo dục mà lại xuất phát từ chính mong muốn không phù hợp của phụ huynh. Mong muốn đó là: Con phải học giỏi. Nhiều người vẫn cho rằng việc học giỏi sẽ mang đến thành công cho con: thi đậu vào trường chuyên, lớp chọn; thi đậu trường đại học hạng “top ten”, sẽ có việc làm tốt với mức lương cao. Vì vậy, đôi khi, chính phụ huynh đã thúc ép con học tập mà không quan tâm, nhận diện sở thích, sở trường của con để có định hướng, đồng hành và hỗ trợ con phát huy được năng lực cốt lõi của bản thân.
 
2. Con cái giỏi giang, tất nhiên là niềm vui lớn của cha mẹ. Nhưng có lẽ không ít phụ huynh đã kịp nhận ra rằng: Bảng điểm, giấy khen mà các con nhận được chưa hẳn phản ánh đúng năng lực học tập của các con. Ðằng sau những điểm số cao, những thành tích học tập đó có khi không phải là niềm vui, niềm hạnh phúc, mà ngược lại chính là nỗi sợ hãi của các con.
 
Mới đây không lâu, ngày 15-5, trên mạng xã hội lan truyền clip vụ việc một cô giáo ở Hải Phòng đã ra tay tát tới tấp, dùng thước đánh rất nhiều học sinh lớp 2 trong giờ kiểm tra cuối năm học: Viết chậm - đánh, quên không lùi vào hai ô - đánh, đặt dấu chấm không đúng chỗ - đánh… Ðó thực sự là một tiết kiểm tra hãi hùng và điểm số chắc rằng cũng tỷ lệ thuận với sự sợ hãi của các học sinh. Nếu clip không được “tung” lên mạng, nếu các con không kể cho cha mẹ nghe rằng mình đã bị cô đánh thế nào trong giờ kiểm tra… thì chắc sẽ có rất nhiều ông bố, bà mẹ đang sướng rơn vì thành tích học tập của con mình.
 
Năm học này, chắc chắn có nhiều phụ huynh, trong đó có những phụ huynh có con là học sinh lớp 2 bị đánh trong clip nêu trên không còn cảm thấy vui mừng khi con được nhận giấy khen trong ngày tổng kết. Bởi lẽ, tấm giấy khen đó được đổi bằng sự sợ hãi, nỗi ám ảnh về bạo lực học đường của con cái họ.
 
Mấy năm gần đây, thay thế việc “khoe” thành tích học tập của con, trên mạng xã hội đã xuất hiện ngày càng nhiều những lời ta thán: Học gì mà trong lớp toàn là học sinh giỏi, tìm mãi mới được vài đứa trung bình; chắc con cái chúng ta thành thiên tài hết… Nhiều phụ huynh đã dần không còn hứng thú với giấy khen, phần thưởng của con nữa.
 
Nếu thành tích đã phản ánh không đúng chất lượng, không đem lại niềm vui, hạnh phúc trong học tập cho con cái chúng ta, vậy chúng ta hãy đừng vội mừng khi con được giấy khen. Hãy vui mừng vì con cái đã nỗ lực và tiến bộ lên mỗi ngày, so với chính bản thân các con chứ không phải với “con nhà người ta”.
Hải Yến

Phamngochien.com - 18:08 - 31/05/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận