Chúc mừng cô Nguyễn Thị Hồng Anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ

Hôm nay, ngày 26 tháng 11 năm 2010, tại trường Đại học KHXH & NV TP. HCM, diễn ra lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ cho học viên cao học Nguyễn Thị Hồng Anh với đề tài "Vấn đề tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử". Hội đồng chấm luận văn gồm:

Chủ tịch hội đồng:   PGS.TS. Đoàn Lê Giang

Phản biện 1:           TS. Phạm Ngọc Hiền

Phản biện 2:           GS.TS. Huỳnh Như Phương

Ủy viên:                TS. Huỳnh Văn Vân

Thư ký:                 TS. Phạm Công Khanh

Hội đồng chấm luận văn đã đánh giá cao những nỗ lực của tác giả luận văn và khẳng định những đóng góp mới mẻ của công trình trong lĩnh vực nghiên cứu nhà thơ Hàn Mặc Tử nói riêng và phong trào Thơ Mới nói chung. Hội đồng đã thống nhất thông qua luận văn và đề nghị cấp bằng thạc sĩ Ngữ văn cho học viên Nguyễn Thị Hồng Anh. Xin chúc mừng tân thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Anh !

 

Trích nhận xét phản biện của TS. Phạm Ngọc Hiền:

 

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ gây sự chú ý mạnh mẽ của dư luận trong nước hơn nửa thế kỷ qua. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Hàn Mặc Tử từ nhiều góc độ khác nhau. Bạn Nguyễn Thị Hồng Anh đã chọn cho mình một hướng đi mới mẻ, đó là nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử từ góc độ lý thuyết tiếp nhận. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên có công trình nghiên cứu về vấn đề tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử. Trước đây đã có nhưng đó chỉ là những bài viết lẻ tẻ, vài nhận xét rời rạc trong các cuốn chuyên luận. Nay tác giả luận văn đã hệ thống lại, tạo ra một công trình hoàn chỉnh, có quy mô lớn về lĩnh vực này. Đặc biệt là vấn đề tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử được nhìn nhận từ lý thuyết tiếp nhận văn học, một lĩnh vực khoa học còn mới mẻ và đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu hiện nay.

Bố cục của luận văn tương đối hợp lý, trình bày theo thời gian tiếp nhận của độc giả. Chương 1: Tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử giai đoạn 1930 - 1945. Sau khi trình bày những cơ sở văn hóa xã hội đã nảy sinh thơ Hàn Mặc Tử và đời sống văn học lúc bấy giờ, tác giả luận văn đi vào tìm hiểu cách cảm nhận của ba đối tượng độc giả chính: một là công chúng yêu thơ, hai là bạn bè Hàn Mặc Tử và ba là các nhà phê bình chuyên nghiệp như Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan. Trong số các nhà phê bình thơ Hàn Mặc Tử giai đoạn này, tác giả luận văn đánh giá rất cao Trần Thanh Mại và xem ông là người khai mở cho hàng loạt công trình nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử sau này.

Chương 2: Thơ Hàn Mặc Tử trong đời sống phê bình 1945 - 1975. Ở chương này, tác giả không phân chia từng loại độc giả như trước mà theo một hướng tiếp cận mới hơn. Đầu tiên chia theo thời gian: gồm hai giai đoạn: 1945 - 1954 và giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Bắc và miền Nam. Chương này chủ yếu tìm hiểu đời sống tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử ở miền Nam. Thơ Hàn Mặc Tử được nhìn nhận qua nhiều lăng kính khác nhau: Phân tâm học, thuyết hiện sinh, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Đạo giáo, cách tiếp cận xã hội học và thi pháp học. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong tiến trình tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử, và cũng là phần quan trọng nhất của luận văn.

Chương 3: Những vấn đề tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử từ 1975 đến nay. Giai đoạn này không có hướng tiếp cận nào mới mẻ hơn về thơ Hàn Mặc Tử. Vấn đề quan trọng là khẳng định chỗ đứng của Thơ Mới nói chung và thơ Hàn Mặc Tử nói riêng. Thi phẩm của Hàn đã dần dần vượt qua được các định kiến để có chỗ đứng quan trọng trong lòng người. Mỗi loại độc giả có một cách tiếp cận khác nhau, tạo ra nhiều giá trị khác nhau về thơ Hàn Mặc Tử. Bạn Nguyễn Thị Hồng Anh đã có lý khi cho rằng: độc giả ở miền Trung và miền Nam chú ý thơ Hàn Mặc Tử nhiều hơn là miền Bắc. Bằng chứng là hàng loạt những công trình nghiên cứu, phê bình, thơ ca nhạc họa, sân khấu điện ảnh về Hàn Mặc Tử chỉ xuất hiện ở miền Trung và miền Nam.

Về hình thức trình bày, phần nội dung chính của luận văn gồm 106 trang, ngoài ra còn có phần tài liệu tham khảo với 104 tài liệu. Công trình được trình bày theo đúng quy cách của một luận văn thạc sĩ.

 


Phamngochien.com - 21:43 - 25/11/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận