CHẤT THƠ TRONG MỘT CUỘC THI THƠ (Phạm Ngọc Hiền)

          Giải thưởng văn học thường niên của Hội LH VHNT và Hội Cựu học sinh trung học Phú Yên vừa mới được hình thành gần đây nhưng đã sớm khẳng định được thương hiệu của mình. Năm 2008, Ban tổ chức phát động cuộc thi thơ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Để tăng tính khách quan, thành phần Ban Giám khảo không chỉ có các nhà văn quen thuộc trong tỉnh mà còn có cả những nhà văn có uy tín ở các tỉnh khác như Lê Khánh Mai (Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa) và Nguyễn Thanh Mừng (Chủ tịch Hội VHNT Bình Định). Ban Giám khảo đã chọn ra được 11 tác giả để trao giải. Những tác phẩm có chất lượng trong cuộc thi được Ban Tổ chức chọn in thành tập Vọng làng đang thu hút sự quan tâm của các bạn yêu thơ.

          Đến với văn chương, mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau nhưng có lẽ đa số bạn đọc đều tán thành quan điểm cho rằng, một bài thơ hay cần phải có "chất thơ". Tức là phải có một vẻ đẹp nhất định về ngôn từ, hình ảnh, ý tứ... Trong cuộc thi này, ta bắt gặp khá nhiều bài có tứ thơ độc đáo. Trong bài Gồng gánh, Hà Kiều My đã diễn tả rất hay hình ảnh tảo tần của người mẹ gánh hàng rong kiếm tiền nuôi con ăn học: "Gầy đôi vai / Mẹ gánh đêm quành qua từng phố nhỏ (...) Con phố ngoái đầu theo bóng mẹ / Hun hút...". Tác giả đã dùng thủ pháp đảo ngữ "Gầy đôi vai", thủ pháp nhân hóa "con phố ngoái đầu" và cách kết hợp từ mới lạ "Mẹ gánh đêm". Bài thơ không chỉ hay ở câu chữ mà còn thấm đẫm ý nghĩa nhân văn. Bởi vậy, trung thành với "hiện thực" không nhất thiết phải cứ diễn đạt nôm na, vần vè. Người ta thưởng thức thơ là thưởng thức tài nghệ của tác giả. Cái tài ấy được thể hiện qua sự sáng tạo ngôn từ. Những bài thơ có cách diễn đạt mới lạ thường được đánh giá cao. Có thể dẫn ra một vài ví dụ về cách diễn đạt sáng tạo của các tác giả trong cuộc thi: "Em đi dưới bóng dừa xanh / Nghìn con mắt lá trên cành xôn xao / Xé mây làm dải lụa đào / Buộc bao mơ ước gửi vào mắt xanh" (Thần tượng - Vũ Hoàng Giang). Hoặc: "Dấu xưa gõ ngoằn ngoèo ký ức / Tóc rẽ chiêm bao ngỡ cỏ xanh" (Người ngồi trên xe ngựa - Hoàng Ngọc Anh). Đến với thơ là đến với cuộc chơi chữ nghĩa nên không ai thô thiển đến mức bắt bẻ các chi tiết "xé mây", "tóc rẽ chiêm bao"...

          Đến với tập thơ Vọng làng do Hội LH VHNT Phú Yên xuất bản, nhiều bạn có mong muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất và người Phú Yên trong văn học. Con sông Đà Rằng được các thi sĩ tô điểm bằng những sắc màu rực rỡ: "Ta ở cuối dòng sông đầy nhan sắc / Trăng rùng mình mấy nhịp hỡi đò / Xưa đặt tên Đà Rằng nao nức sóng / Lời sông Ba phóng khoáng bao giờ" (Lời núi - Trần Văn Lan). Còn đối với Ma Joan, sông Ba không chỉ mang vẻ đẹp cổ tích mà còn mang vẻ đẹp hiện đại, không chỉ tô điểm vẻ đẹp thiên nhiên mà còn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tỉnh nhà: "Chiều trên sông Ba Hạ / Hoàng hôn nhũ buông / Chợt đất trời phát quang / - Kỳ thạch / - Em / - Dòng sông / Hay lưới điện hòa nguồn ?...". Trong tập thơ, ta còn bắt gặp một "miền Trung nhuần hậu" trong thơ Đào Đức Tuấn, một làng cổ ven sông Chùa của Lê Anh hay một thị trấn Phú Thứ sầm uất trong thơ Hoài Niệm. Ta cũng bắt gặp một Phú Yên anh dũng kiên cường trong thơ của Bằng Tín, Trần Tử Minh, Thạch Bi Sơn, Trần Văn Phú... Và còn nhiều nữa, mỗi người tô điểm cho vẻ đẹp quê hương theo một cách khác nhau.

          Bài thơ đoạt giải Nhất cuộc thi này là Vọng làng của Đào Tấn Trực. Tác phẩm mang vẻ đẹp hài hòa cả về nội dung lẫn hình thức. Tác giả sử dụng thể lục bát truyền thống để diễn tả nỗi lòng hoài vọng quê xưa. "Có đi về phía con đường / Mới xa xóm vắng, mới thương quê nghèo". Hình ảnh "con đường" mang tính biểu trưng chỉ việc đi xa, cũng như Chế Lan Viên đã từng dùng hình ảnh con tàu để thể hiện khát vọng lên Tây Bắc. Hành trang ra đi của chàng trai 17 tuổi là những lời mẹ ru cùng những cảnh vật quê hương: "Nằm nghe con sóng quê nhà / Một vùng ký ức khói là là bay / Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy / Rạ rơm sương khói quyện đầy lời ru". Tác giả đã dùng những hình ảnh đẹp để diễn tả những kỷ niệm đẹp mà bây giờ chỉ còn là quá khứ: "Mẹ giờ đã hóa mùa thu / Câu ca dao cũ hình như lỡ làng". Mùa thu lá rụng, kết thúc một chu kỳ sinh trưởng, mẹ giờ đã đi vào lòng đất, không còn cất giọng ru con. Người bạn gái năm nào cũng đã sang ngang ("Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền"). Câu hát xưa của mẹ và cả người yêu đều đã "lỡ làng". Biết vậy, nhưng chàng trai vẫn trở về chốn cũ: "Huơ bàn tay gọi đò sang / Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa". Dĩ nhiên, ta biết đây chỉ là cuộc hành trình trong tâm tưởng. Và cả con đò, cổng làng cũng chỉ mang tính biểu trưng chỉ những hình ảnh thân quen trong đời sống dân tộc xưa nay.

          Không phải ngẫu nhiên mà Ban biên tập đặt tên cho tập thơ là Vọng làng. Đây là một nhan đề hay, có cách kết hợp từ mới mẻ và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm yêu quý những giá trị truyền thống. Nhan đề khái quát được phần nào tinh thần chung của cả tập thơ: hiện đại về hình thức nghệ thuật mà vẫn thấm đẫm những nội dung mang tính dân tộc. Tức là thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước: phấn đấu cho một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

                                                                                PHẠM NGỌC HIỀN

 

 

 


Phamngochien.com - 17:02 - 22/02/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận