Chầm chậm ngược @ - sợi dây đàn nhạy cảm... (Xuân Huy)

 

 

Nhà thơ Huỳnh Quang Nam vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ - tản văn Chầm chậm ngược @. Mới đọc tiêu đề, người đọc có quyền liên tưởng đến một tập sách của hồi ức. Nhưng chỉ cần lật giở từng trang, ta sẽ bắt gặp những câu chữ tuy đầy tâm trạng nhưng không kém phần tươi mới...

Chầm chậm ngược @ là tác phẩm thứ chín, được tác giả góp nhặt, hình thành qua những thăng trầm thời gian trong quá nửa đời ngược xuôi của một người đã ngoài lục tuần, nên nặng chất chiêm nghiệm và triết lý. Cầm tập sách trên tay, không ít người sẽ cảm thấy hơi lạ khi thơ và tản văn dồn thành một. Bởi nếu tách riêng ra, mỗi phần cũng có thể in được mỗi tập như lệ thường. Nhưng tác giả không làm như vậy, một phần bởi "thi thư nhất thể" trong cùng một phong cách. Mặt khác, tác giả muốn dành tặng độc giả những gì chắt lọc, lắng đọng nhất từ trải nghiệm tâm hồn của mình. Âu cũng là sự nghiêm túc của con người luôn trở trăn với nghiệp câu chữ.

   Chầm chậm ngược @ là nỗi lòng của người đầu hai thứ tóc, trải đủ cả ngọt bùi đắng cay của cuộc đời, hướng về giấc mơ tuổi thơ để tìm lại nguồn vui sống:

   Tôi đi tìm con chim bói cá

   Trốn vào đâu tuổi thơ tôi ngày tôi trở lại...

   Tôi đi tìm

   Xanh ngắt một màu bói cá

   Ném vào dòng sông thời gian

                                                                  (Đi tìm)

   Nhớ về tuổi thơ, tác giả nhớ về góc bếp thân yêu của người mẹ hiền: "Chái bếp của mẹ còn theo tôi đến tận bây giờ với tiếng cơm sôi réo rắt và những làn khói bếp từ mái tranh tỏa lên bầu trời vào mỗi buổi chiều tà khiến cho bất cứ người xa xứ nào cũng phải nao lòng" (Chái bếp của mẹ) và cả món quà mẹ tặng ngày xưa như lời răn về một triết lý sống ngay thẳng:

   Con lật đật vững vàng

   Ngả nghiêng nhưng không bao giờ đo ván

   Diễu cợt và thách thức với thời gian

   Như lời mẹ nhắn nhủ cho con

   Cuộc đời đầy chông gai và sóng gió

   Dẫu có ngả nghiêng nhưng giữ cho mình đừng vấp ngã

                                                                                              (Con lật đật)

   Rồi nhớ về người chị gái dịu dàng, đảm đang nhưng cuộc đời đầy chông gai, sóng gió:

   Qua sông rồi chị có về

   Để chiều cứ tím, bốn bề gió lên

   Giá như thấy được chị cười

   Thì bao tiếng thở đêm dài đã tan

   Bây giờ con chị sang sông

   Chị như mẹ lại trong lòng sóng dâng

                                                                              (Chị ơi)

   Ở đây, tác giả không muốn trực ngôn về tình yêu thương với những người thân thuộc nên đã mượn hình ảnh để bộc lộ cảm xúc. Đây là cách lột tả nghệ thuật nhưng cũng là một cách trải lòng đẫm vị nhân sinh.

   Đọc những bài thơ trong Chầm chậm ngược @, ta dễ dàng nhận ra tình yêu quê hương da diết luôn ngự trị trong lòng tác giả. Đó không phải là quê hương chung chung như một khái niệm khô cằn theo lối mòn sáo rỗng mà là những hình ảnh gần gũi, giản dị, chân chất nhưng lại sinh động đầy bất ngờ:

   Mùa hạ ta về

   Tìm bông sen nở

   Gặp bông súng lẻ loi

   Tìm chim chiền chiện trên cây

   Gặp chim trẫu lủi cùng đồng đất

                                                                                (Dấu quê)

   Đó không chỉ là cây đa, bến nước, con đò, luống cày, ruộng mía luôn quen thuộc với mỗi người dân quê chân chất mà còn là mảnh trăng, cổng làng, tiếng chuông chùa, chợ quê... trong ký ức tuổi thơ, nuôi dưỡng tâm hồn tác giả để rồi trải qua bao gió mưa bầm dập vẫn giữ được cái hồn trong trẻo đầy nhân ái. Hãy nghe ông tự sự về trái ớt quê nhà xứ "nẫu": "Ở quê tôi ớt mọc đầy vườn đầy ngõ. Cắn một miếng ớt cay muốn xé lưỡi, nước mắt nước mũi cứ chực trào ra. Ớt như thế mới là ớt, anh ạ! Hình như đất quê càng nghèo thì ớt càng cay, anh nhỉ?... Thì ra trên đời không chỉ có cao lương mỹ vị mới đầy đủ và ngon miệng. Một trái ớt quê tầm thường cũng đủ cho một người bình thường gắn bó với quê hương cảm thấy hạnh phúc" (Trái ớt đất quê).

   Cho rằng thơ không diễn tả hết ý, tác giả lại dùng văn xuôi để bộc lộ thái độ: "Biết thời đại đổi thay, người ta cần những con đường rộng hơn, nhà cao tầng hơn, mọi tàn dư cũ kỹ bị đập phá để xây nền móng mới cho thời đô thị hóa, sao lòng tôi cứ bồi hồi nhớ tiếc khôn nguôi về chiếc cổng làng rêu phong của một thời thiếu niên và trai trẻ... Chỉ có chiều nay một mình con rơi nước mắt đi tìm chiếc cổng làng đã trở thành kỷ niệm và hoài niệm trên con đường mới mở hun hút xuyên qua làng chẳng để lại một chút dấu tích xưa" (Hoài niệm với cổng làng).

XUÂN HUY


Phamngochien.com - 15:35 - 18/03/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận