Cảm nhận về cuốn sách Kỷ niệm ấm lòng của PGS Lưu Đức Trung

   

 

      "Kỷ niệm ấm lòng", đó là một cuốn tự truyện dài gần 400 trang của thày giáo - GS Lưu Đức Trung -  NXB Thanh Niên phát hành tháng 8/2011. Nhân vật trung tâm là chính tác giả với cuộc hành trình đời người dài hơn 70 năm gắn với những biến cố, những thăng trầm của thời đại.

     Kết cấu truyện gồm 7 phần với các tựa đề: Ký ức thời thơ ấu; Thời niên thiếu trong khói lửa; Tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết; Những chặng đường trong đời dạy học; Tình yêu và nỗi đa đoan; Những kỷ niệm ấm lòng; Khúc vĩ thanh. Từ phần 1 đến phần 4, cốt truyện chủ yếu được kể theo trật tự thời gian tuyến tính. Từ phần 5 trở đi cốt truyện nghiêng về kiểu thời gian tâm lý. Chính sự thay đổi cách kể chuyện đã tạo nên sức hấp dẫn của cốt truyện.  Đây là cuốn tự truyện mà bất cứ người học trò nào của nhân vật tự truyện cũng muốn có trên giá sách của mình.          

      Tự sự là yếu tố quyết định của tự truyện. Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, lôi cuốn, cốt truyện được mở ra với một không gian tự sự tương đối rộng, gắn với những năm tháng cuộc đời của nhân vật chính. Ở đó, có mảnh đất Quảng Bình nghèo khó, nơi tác giả sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ, có xứ Nha Trang, Bình Định trong những ngày theo cha công tác, có đất Thanh-Nghệ nơi tác giả vừa phải vất vả kiếm sống vừa học tập, có nước bạn Trung Hoa và trường đại học Nam Kha-lâu đài tri thức của ông; có đất lửa Vĩnh Linh những ngày đầu theo nghề dạy học và đất Hà Thành, gần nửa đời người ông sống và cống hiến với những buồn, vui, trải nghiệm...Trong không gian tự sự đó, nhân vật tự sự phác họa chân dung con người mình.       

       Trước hết, đó là bức chân dung của một trí thức đã xây lâu đài trí tuệ từ cánh đồng hoang. Con đường tri thức mà ông theo đuổi quả không dễ dàng gì. Mẹ mất sớm, gia cảnh nghèo, sống tha phương, việc học gián đoạn bởi cuộc sống và chiến tranh ác liệt...Đến khi lập nghiệp, mảnh đất văn chương mà ông khai sơn phá thạch cũng đầy chông gai và bí ẩn. Trong khi đó, điểm tựa gia đình, một nhân tố không nhỏ quyết định thành công trong sự nghiệp của người đàn ông, lại lung lay, dễ vỡ.  Nếu không có sự kiên trì nhẫn nại và niềm đam mê, chắc chắn sẽ không giành được trái ngọt. Tác giả khẳng định: "Con người ta có trải qua những năm tháng gian nan nghèo khó mới thấy hết giá trị của hạnh phúc mà ta gặt hái được" (Trích Tự truyện). Bức chân dung thứ hai, và có lẽ cũng là trung tâm của cuốn tự truyện. đó là chân dung về một người thầy giáo. Phần 4, 5, 6 qua những câu chuyện, khi thì được kể theo trật tự thời gian (Những chặng đời trong nghề dạy học), khi lại đứt đoạn theo những hồi ức, những kỷ niệm...người đọc dễ dàng nhận ra chân dung một người thầy. Nếu như ai đó nói rằng nghề giáo là nghề cao quý bởi yếu tố truyền nghề thiêng liêng, thì ở đây, qua câu chuyện của mình, GS Lưu Đức Trung đã thuyết phục được độc giả bằng chân lý đó. Từ người đồng nghiệp đầu tiên trên ngôi trường Vĩnh Linh lịch sử, đến những người bạn ở trường Ngoại Ngữ Hà Nội, và rất nhiều đồng nghiệp trong khoa Ngữ Văn ĐHSP Hà Nội I...đã hun đúc lên trong ông ngọn lửa của tình yêu và những đam mê. Để rồi, cũng bằng chính tình yêu đó, ông lại truyền lửa sang lớp lớp thế hệ học trò của mình. Cuốn tự truyện đã ghi lại cả những bức thư, những dòng lưu bút, những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Ở đó ta bắt gặp những đam mê nghề nghiệp. Ở đó ta bắt gặp những yêu thương, tình nghĩa...Có thể nói, những trang viết về nghề chính là những trang xúc động nhất của cuốn tự truyện.       

     Trong suốt cuộc đời mình, hẳn cũng không ít lúc tác giả phải phiền lòng vì những lo toan cuộc sống, những bon chen, hiềm khích, lừa lọc...Song, điều đáng quý là cuốn tự truyện không đề cập đến điều đó, hoặc nếu có chỉ là vài dòng thoáng qua mang nét khôi hài. Đúng như tên của cuốn sách, tác giả  chỉ lưu giữ lại những kỷ niệm ấm lòng mà thôi. Mở sách là thấy tấm lòng, tấm lòng đầy bao dung, độ lượng của một người thầy đối với học trò, với đồng nghiệp; thấy tấm lòng của một người cha nhân từ, và tấm lòng vị tha cao cả của người chồng...

    Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến một bức chân dung nữa, chân dung nghệ sĩ mà người đọc dễ dàng nhận ra qua tự truyện của Lưu Đức Trung. Một chút hội họa, một tố chất báo chí lãng tử, tư chất nhà thơ... đã góp phần khắc họa bức chân dung nghệ sĩ của nhân vật. Để rồi, tất cả được kể lại bằng một giọng văn bàng bạc chất thơ, chất trữ tình, triết lý như thơ Tagor, lôi cuốn và hấp dẫn lòng người.

                                                                     THANH PHONG

(Bài đăng trên tạp chí Thế giới mới, ra ngày 10/10/2011)

 

Mời vào xem blog của PGS Lưu Đức Trung ở địa chỉ:

http://vn.360plus.yahoo.com/luuductrung33


Phamngochien.com - 20:31 - 13/11/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận