Cảm nhận bài "Trách" của Nguyễn Thị Thanh Hà

 
TRÁCH...
 
Nhớ ngày nào mới làm quen
Ngọt ngào anh khẽ gọi: “Em” thì thầm.
 
Thế rồi duyên nợ trăm năm
Thế rồi... chung gối, chung chăn, chung nhà
Sẻ chia hôm sớm vào ra
Thân thương tiếng gọi đậm đà  “Mình ơi!”
 
Thời gian lặng lẽ êm trôi
Tự lúc nào chuyển xưng “Tôi” gọi “Bà”
Trách ai? Thôi trách tuổi già
Giá mà đừng có gọi “Bà” xưng “Tôi”.
 
Cái ngày xưa ấy đâu rồi
Để tôi nghe lại một lời gọi “Em”.
 
                       Tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà
 
Trong cuộc sống gia đình mối quan hệ giữa hai nhân vật chính: vợ và chồng quyết định hạnh phúc “trăm năm”. Gia đình là tế bào của xã hội nên hạnh phúc trong mỗi gia đình có tác động tốt đối với xã hội, và ngược lại. Bởi vậy, trách nhiệm của mỗi công dân đối với xã hội trước hết là xây dựng gia đình văn hóa có cuộc sống hạnh phúc. Một chi tiết tưởng như rất nhỏ trong cuộc sống nhưng ý nghĩa không nhỏ: đó là cách xưng hô giữa vợ và chồng. Đọc tập thơ “Dòng sông xanh” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà tôi tâm đắc bài thơ “Trách” bởi đã nêu lên một vấn đề rất tế nhị trong cuộc sống vợ chồng khi tuổi đã xế chiều.
Bài thơ lục bát nhiều tâm sự và trải lòng của người vợ hiền có văn hóa với người chồng thân yêu, mở đầu bằng hai câu thơ tình cảm, ấm lòng:
“Nhớ ngày nào mới làm quen
Ngọt ngào anh khẽ gọi: “Em” thì thầm”.
Một trong những kỷ niệm sống mãi trong ký ức đối với mỗi người vợ là những ngày “mới làm quen”. Ngày đó sao anh dễ thương đến vậy? Từ ánh mắt, nụ cười... đến lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào đã làm lay động trái tim em. Mỗi khi nghe “anh khẽ gọi” tiếng “em ” vừa dịu dàng, êm ái vừa ấm áp, thân thương trong lòng em lại dâng trào xúc động. Em cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và tin rằng đã tìm được một nửa yêu thương của mình. Bên anh, em cảm thấy vững tin!
“Thế rồi duyên nợ trăm năm
Thế rồi... chung gối, chung chăn, chung nhà”.
Cái gì đến nó sẽ đến. Cảm ơn Cuộc đời đã cho em gặp anh để đôi mình nên vợ, nên chồng. Đối với mỗi người trưởng thành, “trai khôn cưới vợ, gái ngoan tìm chồng” xây dựng một gia đình là điều kiện đảm bảo hạnh phúc lâu bền. “Thế rồi duyên nợ trăm năm”.Hai người đến với nhau bởi cái “duyên”; sống bên nhau bởi cái “phận”, cái tình. Có duyên, có phận nên duyên vợ chồng! Đó là những cặp vợ chồng hạnh phúc. Không ít những người yêu nhau tưởng chừng không thể tách rời nhưng lại không được sống bên nhau bởi không có phận. Cũng có những đôi vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc bởi họ có phận mà không có duyên với nhau. Tình yêu là thứ tình cảm rất đặc biệt gắn kết hai người xa lạ trở nên gần gũi, thân thiết “chung gối, chung chăn, chung nhà”, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau trong suốt cuộc đời. Tác giả dùng điệp từ“thế rồi” khá đắt, vừa để diễn tả tình yêu đôi lứa của họ đã đơm hoa kết trái, vừa như kể lại chuyện tình của họ như “duyên nợ” Trời sinh. Cũng như bao cặp vợ chồng hạnh phúc khác, khi nên vợ nên chồng, họ sống bên nhau tràn đầy niềm vui, hạnh phúc:
“Sẻ chia hôm sớm vào ra
Thân thương tiếng gọi đậm đà  “Mình ơi!”
Tình yêu của họ không còn lãng mạn, thăng hoa bởi “những lời nói có cánh” làm vui lòng nhau khi đang yêu mà họ hiểu nhau, thân thiết, gắn bó với nhau bởi tình nghĩa vợ chồng, cùng chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống. “Thân thương tiếng gọi đậm đà  “Mình ơi!”. Họ gọi bằng “Mình” vừa ngọt ngào tình cảm, vừa gần gũi, thân thiết như là một nửa của  nhau. Trong cuộc sống không nhiều những cặp vợ chồng gọi nhau bằng “Mình” dù họ rất yêu nhau. Cũng có thể họ quan niệm khi đã trở thành vợ chồng sống thủy chung, tình nghĩa và có trách nhiệm với nhau, với gia đình mới là thực chất của hôn nhân. Có nhiều cách xưng hô với nhau, vợ chồng cùng lựa chọn sao cho vừa tình cảm, vừa phù hợp với tập quán, nghề nghiệp. Thông thường họ tiếp tục xưng hô với nhau bằng “Anh”, “Em” như thời đang yêu. Có nhiều cặp vợ chồng suốt đời họ gọi nhau bằng hai tiếng “Anh”, “Em” đầy tình cảm yêu thương. Cách xưng hô này vừa biểu hiện tình cảm, vừa thể hiện trách nhiệm của người chồng với tư cách là trụ cột của gia đình. Người vợ mong được chồng yêu chiều, cần được chồng quan tâm, che chở mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Và, người chồng đã sẵn sàng đáp ứng tâm nguyện đó. Một số người lại quan niệm: khi đã nên vợ, nên chồng mối quan hệ giữa hai người đã nâng lên một cấp độ mới, cách xưng hô với nhau cần được nâng lên tương xứng. Họ gọi nhau bằng “Mình” bởi họ đã là một nửa của nhau, thân thiết với nhau, nguyện gắn bó với nhau trong suốt cuộc đời. Gọi nhau bằng “Mình” vừa thể hiện tình cảm yêu thương, gần gũi, không thể tách rời; vừa biểu hiện họ là “bạn đời” của nhau, cần bình đẳng với nhau trong cuộc sống. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1975 trên báo Tiền phong có mục trao đổi “ Gọi vợ bằng gi?”. Khi được  phỏng vấn, nhà thơ Tú Mỡ (năm đó 75 tuổi) trả lời rằng ông gọi vợ bằng Mình và phân tich khá hay. Khi gọi nhau bằng Mình phải thật dịu dàng, tình cảm mới đạt được hiệu quả mong muốn. Tiếng gọi “Mình ơi!” phải được khởi nguồn từ trái tim mẫn cảm của người gọi mới thể hiện được tình cảm thật. Mỗi khi người bạn đời về nhà cất tiếng gọi “Mình ơi!” với ngữ điệu tình cảm tha thiết, nhẹ nhàng, trong lòng ta tràn ngập niềm vui, cảm động và chắc chắn một lời yêu được cất lên: “Mình về rồi à?”. Và, nếu là người vợ, có thể còn tình cảm hơn: “Mình ơi, em đây!”. Hạnh phúc đến với họ thật bình dị nhưng nồng ấm, thân thương...  
Thời gian lặng lẽ êm trôi
Tự lúc nào chuyển xưng “Tôi” gọi “Bà”.
Thế rồi... họ có con, không còn son nữa. Cuộc sống mưu sinh mỗi người đều phải bươn trải, vun đắp gia đình, nuôi dạy con cái. “Thời gian lặng lẽ êm trôi”, khi con đã trưởng thành, có gia đình riêng họ mới giật mình cảm thấy mình không còn trẻ nữa. Rồi các cháu nội, ngoại lần lượt ra đời, bố mẹ chúng gọi họ bằng Ông, bằng Bà thay con. Rồi các cháu lớn lên, chúng bi bô gọi Ông, Bà... Họ “lên chức” và tự lúc nào đã xưng Ông, xưng Bà khi chuyện trò, âu yếm cháu với niềm hạnh phúc viên mãn. Thế rồi... họ cũng vô tình hay hữu ý thay đổi cách xưng hô với nhau để thể hiện với mọi người rằng mình đã lên Ông, lên Bà. Và , thế là “Tự lúc nào chuyển xưng “Tôi” gọi “Bà”.
“Trách ai? Thôi trách tuổi già
Giá mà đừng có gọi “Bà” xưng “Tôi”.”
Người chồng thường vô tâm không còn để ý đến cách xưng hô với vợ khi đã “lên Ông, lên Bà”, đôi khi còn hãnh diện khi gọi vợ bằng “Bà”. Khi đã gọi vợ bằng “Bà”  đương nhiên phải xưng “Tôi” rồi. Nhưng người vợ thì khác, họ ưa tình cảm và tế nhị hơn. Họ cảm thấy hình như thay đổi cách xưng hô tình cảm vợ chồng không còn đằm thắm như trước nữa. Có người còn suy diễn: chồng gọi bằng “Bà” có lẽ chê mình già rồi chăng? Bởi vậy, có thể chia sẻ với tâm sự chính đáng của người vợ “Giá mà đừng có gọi “Bà” xưng “Tôi”.” Từ khi có cháu, hình như các bà dành nhiều thời gian chăm sóc cháu, lãng quên chồng? Có ông chồng nói vui rằng: từ ngày có cháu, mình “mồ côi” vợ. Như vậy, hai người không thể trách được nhau bởi có một nơi sẵn sàng tiếp nhận mọi lời trách cứ... “Trách ai? Thôi trách tuổi già”.
“Cái ngày xưa ấy đâu rồi
Để tôi nghe lại một lời gọi “Em”.”
Những câu kết của bài thơ đầy hoài niệm trong nỗi buồn man mác. Tìm về “Cái ngày xưa ấy”... tìm về những ngày đẹp nhất của đời người khi đang yêu và được yêu để được nghe người yêu mình gọi tiếng “Em” ngọt ngào khi tuổi đã xế chiều thì thật lãng mạn đáng yêu. Mọi người đều có quyền mơ ước dù mơ ước có thành hiện thực hay không. Tìm về “Cái ngày xưa ấy”  là ước mơ được sống lại một thời tuổi trẻ với bao kỷ niệm đẹp đẽ, ngọt ngào, quý giá của mỗi người. Đối với người cao tuổi, cuộc sống rất cần có những mong ước, nhớ thương để tâm hồn được thanh thản, nhẹ nhàng.
Câu kết khép lại bài thơ: “Để tôi nghe lại một lời gọi Em” không đơn giản chỉ là một tiếng gọi thân thương của người bạn đời mà, tôi cảm giác mong muốn của người thơ còn nhiều hơn thế. Phải chăng khi đã lên Ông lên Bà, khi tuổi đã xế chiều người ta vẫn mong ước tình cảm vợ chồng vẫn tươi đẹp, nồng nàn như thuở... đang yêu?
 
                                                      Hà Nội, cuối thu 2015
                                                     Nguyễn Đình Nguộc

Phamngochien.com - 06:16 - 07/12/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận