Cảm nghĩ của độc giả về trang web phamngochien.com

 Phan Thanh Tâm (Cà Mau)

Một nhà phê bình thơ, khi đọc thơ thì có cái cảm của một nhà phê bình; một đọc giả khi đọc thơ, có cái cảm của đọc giả. Nhà phê bình có thước đo giá trị của thơ bằng phương pháp phê bình; đọc giả có thước đo giá trị của thơ, tức: “Lấy hồn ta để biết hồn người”.

Tôi là khách thơ của Tạp Chí Sông Ba, Tạp Chí Văn và Phạm Ngọc Hiền.com, xin có đôi điều cảm nghĩ khi đọc thơ, mong chia sẻ ra đây cùng mọi người.

Giới văn nghệ sĩ, ít nhiều đều có năng khiếu về cái tài gì đó, lớn lên học hành rồi tôi luyện để trở thành tài hoa trong lãnh vực nghệ thuật mà mình yêu thích, nên trong một triệu người mới sản sinh ra được một vài nhà thơ đúng nghĩa; vì vậy, có người năm ba tuổi đã trở thành thần đồng thơ, thần đồng âm nhạc, hay khi yêu, bị tình phụ rồi mới làm thơ bày tỏ nỗi lòng, v.v…

Như vậy, bầu thơ đã có từ trong bầu thai, nó chứa đựng tiềm thức, linh thức, ký ức…của nhà thơ từ khi chưa sinh cho đến khi lớn lên sau này. Bầu thơ ấy theo thai nhi như cái nghiệp lớn dần, rồi đến lúc nào đó bầu thơ tràn trề lai láng ra bên ngoài khiến nhà thơ “thi tác” không kịp thở. Lúc đó lý trí chào thua cảm xúc đang dâng trào cực độ. Đến lúc bầu thơ cạn kiệt thì nhà thơ có thêm kinh nghiệm quý trong sáng tác. Khi bầu thơ đã kiệt thì có muốn làm cũng rất khó, vì niềm thi hứng không còn dư dả như xưa, rồi ngày qua tháng lại bầu thơ tự nhiên dần đầy nhà thơ lại thi tác tiếp. Vì vậy, cả đời nhà thơ có thể sáng tác vài trăm bài đến vài ngàn bài thơ, đem ra thi tuyển thì được vài chục đến trăm bài hay đáo để. Như vậy một bài thơ được làm ra cho mọi người thưởng thức cũng có quá trình tiềm ẩn từ A – Z. Nhà thơ Phạm Tiến Duật có lần nói: “Trong trăm bài thơ chọn ra được một bài hay là khá lắm rồi.” Như vậy mới thấy một nhà thơ làm được một bài thơ vượt thời gian thì không phải dễ và rất quý.

Đọc thơ có vần: Khi đọc một bài thơ có vần điệu, cảm câu thơ như được tha mỡ rồi thả chùi trên mặt kiếng nghe trôi chảy, câu thơ không còn nằm lì trên hàng kẻ giấy, trái lại, nó biết uốn lượn lên xuống như con sóng trào ngoài khơi khi ta đọc nó, hoặc, liên tưởng tới nốt khởi âm khi sáng tác một bản nhạc, nốt khởi âm dẫn dắt giai điệu nhấp nhô tạo niềm cảm xúc đến dâng trào, hay một giai điệu nhạc nào đó mà ta thích nghe(…). Thường ban nhạc đệm hát, có phần nhạc dạo đầu cho ca sĩ lấy đà để hát: giai điệu đẹp, lời dạt dào tình cảm, nhịp chẽ nhịp chỏi sẽ làm người ca sĩ phấn khích hát mỗi lúc một hay hơn và phiu bay hơn. Như vậy thơ có vần có nhịp, giống như khúc dạo đầu của một bản nhạc, nhà thơ cảm hứng theo nhịp đà…Rồi “bỗng” tuôn ra những dòng thơ lai láng cảm xúc, nhà thơ cũng phiu bay lã lướt theo nhịp hai nhịp ba, nhịp chỏi như một ca sĩ thực thụ đang trình diễn. Ca sĩ đặt hết tình cảm của mình vào lời ca và giai điệu bài nhạc; nhà thơ cũng đặt hết tình cảm vào nhịp điệu của thể loại thơ cùng với đỉnh cao bí hiểm của cảm xúc tạo thành một bài thơ hay độc đáo. Một bài nhạc hay, ấn tượng thường ở điệp khúc, ca sĩ cũng hát hay ở phần điệp khúc này, tương tự, một bài thơ hay thường ở một khổ thơ, câu thơ nào đó 

Đọc thơ có vần như ngồi trên đầu con sóng biển, lúc nhặc lúc khoan, nhịp sóng rì rào lời thơ dạt dào, trời biển gom hết vào tâm trí một màu thanh thanh rất khoan khoái!...Xếp bài thơ lại mà dư âm vẫn con rộn ràng mấy hôm, hay mươi năm sau, tên bài thơ thì không thể nhớ, nhưng không thể quên cái hồn thơ dạt dào bất tận, khắc lòng lúc nào chẳng biết. Nhà thơ là người mổ tạng mình cho thiên hạ xem, vì vậy, tạng của nhà thơ chính là tâm tư cõi lòng của đọc giả (lấy hồn ta để biết hồn người).

Một tiểu thuyết gia muốn lấy được nước mắt đọc giả phải tốn hàng trăm trang giấy và thời gian ấp ủ có khi rất dài. Một bộ phim lấy nước mắt cần tình huống và vai diễn xuất sắc. Một bài thơ chỉ vài khổ, thậm chí vài câu “mùi mẫn” thì lấy cái rưng lòng của đọc giả ngon lành! Như vậy mới biết sự kỳ diệu của thơ là kinh động hồn người là ra sao.

Đọc thơ tự do: Nhịp tạo đà của thơ tự do là nhịp cảm riêng của từng nhà thơ: nó tạo đà từ tiềm thức, ký ức, linh cảm, giấc mơ…Và các vấn đề về cuộc sống qua sự trải nghiệm của nhà thơ, nhà thơ muốn hướng đến cái nào đó để bày tỏ cảm nghĩ mà không theo một quy tắc nào. Vì vậy, nhà thơ muốn nói câu dài câu ngắn là tùy ý, khi thì chỉ một từ khi thì năm mười từ…Rồi tưởng chừng, thơ tự do không có vần nhịp, nó có vần nhịp được đặt để không cố định, phụ thuộc vào nhịp cảm của nhà thơ, chỉ nhà thơ mới biết đặt cảm xúc ở đâu là thích hợp. Nhịp thơ còn là những lần ngắt dòng, xuống dòng đột ngột hay kéo dài dòng chữ, v.v…Thơ tự do có những khoảng lặng tạo cho đọc giả nhiều suy tưởng, nghĩ mình là đồng tác giả với nhà thơ, hoăc tự do hiểu theo cách riêng nào đó. Đọc thơ tự do loại “khổ đọc” giống như đi máy bay lên tận trời xanh: nhìn trời biển bao la qua lớp mây bềnh bồng hư hư thực thực mà không biết mình đang ở trần gian hay thượng giới!...Dung lượng lý trí ở thơ tự do nghĩ là nhiều, ngoài cảm xúc còn rất cần đến lý trí để giải một đề bài có đa hình, đa sắc, đa âm, đôi khi là những điều phi lý mà suy ra thì rất thích, rất hay: vì,“Tự do trong nghệ thuật luôn tạo ra giá trị mới và sự độc đáo”.

Trở lại làm khách thơ của Tạp Chí Sông Ba, Tạp Chí Văn và Phạm Ngọc Hiền.com, tôi đọc say mê và rất cảm phục các vị nhà thơ: ví như bài thơ “Nhớ quê”, nói lên nỗi niềm tác giả lâu lắm rồi không về thăm quê, thăm ông bà cha mẹ, thăm bạn bè, đồng thời nhắc nhở người đọc đừng quên quê hương của mình; một bài “Tình phụ” làm cho tác giả buồn ngậm ngùi, cũng nhắc nhở đọc giả nên yêu thương chân thành, chung thủy,v.v…Tất cả đẹp và thiêng liêng như thế thì hỏi sao không nao lòng! Mỗi bài thơ đều để trong lòng người đọc một dư vị khó quên.

Tôi cảm các vị đều là nhà thơ tài năng! Và ai, chưa là nhà thơ chính hiệu thì hãy làm nhà thơ của chính mình, chính gia đình nhỏ bé hạnh phúc của mình, nhà thơ của bạn bè, nhất là nhà thơ của người mình yêu thì còn gì quý bằng!...

Cuối cùng, tôi luôn là khách thơ của các vị ở Tạp Chí Sông Ba, Tạp Chí Văn  Phạm Ngọc Hiền.com.

 (Ngày mùng 9 Tết năm 2019 Kỷ Hợi)

 Phan Thanh Tâm

 


Phamngochien.com - 20:00 - 21/04/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận