Các lớp trầm tích văn hóa trong thơ Triệu Lam Châu (Phạm Ngọc Hiền)

Nhà thơ - nhà giáo Triệu Lam Châu vừa qua đời. Nhân sự kiện buồn này, tôi xin đăng lại bài của tôi viết về ông đã in trong tập Những nẻo đường văn chương, NXB Văn Nghệ TP.HCM 2007.

 

CÁC LỚP TRẦM TÍCH VĂN HÓA TRONG THƠ TRIỆU LAM CHÂU

Nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu vốn là một kỹ sư địa chất, suốt đời chuyên tìm kiếm các vật chất trầm tích trong lòng đất. Bước chân của nhà thơ dân tộc Tày này đã từng in dấu ở rất nhiều nơi: Việt Bắc, Liên Xô, Tây Nguyên, Tuy Hòa v.v… Miền đất nào cũng lắng đọng nhiều ân tình kỷ niệm nên đã tạo ra nhiều lớp trầm tích văn hóa trong thơ ông.

Triệu Lam Châu rất yêu quý nâng niu bản sắc dân tộc mình. Bởi vậy, ta thấy văn hóa Tày thể hiện trong thơ ông rất đa dạng: Văn hóa vật chất, phương thức lao động, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, tư duy ngôn ngữ… Chẳng hạn như phong tục hỏi vợ trong bài “Mé già hỏi vợ cho con”. Nhà trai phải dùng lối nói bóng bẩy để thăm dò ý nhà gái:

“Mé bước lên nhà sàn:

“Nhà bác có trái hồng chín mẩy

Như mặt trời trên rẫy

Xin nhượng lại cho tôi được chăng?”

Cách ví von cũng rất độc đáo, trái hồng đang chín chỉ người con gái đã đến lúc phải lấy chồng, mặt trời chỉ vẻ đẹp rực rỡ của cô gái nhưng vẻ đẹp này được đặt trong bối cảnh cuộc sống lao động của người miền núi (“trên rẫy”). Khi đồng ý, nhà gái cũng đáp lại bằng những từ ngữ giàu hình ảnh sinh động:

“Vâng, nhà có trái hồng đậu trên cành

Chưa có ai xin hái

Nay bác để ý tới

Tôi hân hạnh lắm thay”.

Lối đối đáp như vậy rất tế nhị, nhún nhường, cho thấy lời ăn tiếng nói dân gian là cả một nghệ thuật rất đáng để chúng ta học hỏi. Nhờ phản ánh đúng nét độc đáo trong lối tư duy của dân tộc ít người mà bài thơ đã tạo được  dấu ấn sâu sắc.

Trong thời gian học tập ở trường Đại học Mỏ Leningrad (1970 -1976), chàng sinh viên đa tài này không chỉ biết nghiên cứu đất đá lạnh lùng mà còn quan tâm đến cả những sắc màu huyền diệu của văn hoá Nga:

“Em ngâm anh nghe những lời thơ Puskin

Náo động cả vùng Xibia tháng Chạp

Gió núi ngang tàng miền Capcat

Lá phong vàng vời vợi sắc thu Nga”

                                                   (Tìm thêm nửa mặt trời)

Trong bài thơ, hình ảnh và tính cách Nga được thể hiện qua nhiều phương diện: Thơ ca nhạc họa, lịch sử, địa lý, sinh vật học… Sự nặng nợ với con người và thiên nhiên Nga đã tạo thành lớp trầm tích thứ hai trong thơ của nhà địa chất này.

Giã từ Liên Xô, chàng kỹ sư Triệu Lam Châu trở lại Việt Nam và đi khắp miền Tây Nguyên bao la để tìm quặng cho Tổ quốc cũng đồng thời tích hợp quặng quý cho thơ mình:

“Ôi núi rừng sáng đẹp như mơ

Những vỉa đá triệu năm rồi thức đợi

Đến hôm nay chúng tôi mới tới

(…) Bao mạch ngầm sôi động trang thơ”

Tác giả không chỉ “nghẹn lòng” trước “Những sắc màu hồng hoang kỳ ảo” mà còn cảm động sâu sắc trước tấm lòng của đồng bào, đồng đội trong những tháng năm vất vả giữa núi rừng. Vì thế, “chất Tây Nguyên” đã dằn sâu dưới đáy lòng. Và kết quả của sự mang nặng đẻ đau đó là sự ra đời của tập thơ “Trăng sáng trên non” với lời phụ đề “Kính tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”. Năm 1998, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã trao tặng giải thưởng cho tập thơ như một sự ghi nhận, biểu dương cho những ai biết quý trọng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Năm 1980, Triệu Lam Châu lại rời Tây Nguyên về công tác ổn định tại trường Địa chất Tuy Hòa. Thơ ông lại bổ sung những sắc màu của quê hương mới: Núi Nhạn, Chóp Chài, Đồng Cam, sông Đà Rằng, đồng lúa Tuy Hòa, biển khơi…Vẻ đẹp cổ kính của Nhạn Tháp (biểu tượng của tỉnh Phú Yên) in sâu vào trong tiềm thức, ám ảnh nhà thơ cả trong lúc thức lẫn lúc ngủ. Cho nên, nếu đêm nào“Tháp Chàm bỗng vắng trong mơ” thì:

“Sáng mai mình cứ mãi ngỡ ngàng

 Như đánh mất điều gì quý giá

 Như không phải chính bản thân mình nữa

 Chập chờn rung…chắp nối chiêm bao”

Nhà thơ gốc Cao Bằng này diễn tả tình yêu với mảnh đất Phú Yên quá sâu sắc. Đến mức, ta có cảm tưởng rằng, rất hiếm có nhà thơ nào gốc Phú Yên đủ sức thốt ra những lời yêu quê mình cảm động đến như vậy.

“Ôi quê hương muôn quý ngàn yêu

Luôn toàn vẹn những gì Người đã có

Nếu không có tấm lòng thật thà rộng mở

Làm sao có cái chất Tuy Hoà”

Chính “cái chất Tuy Hòa” chuyên cần và phóng túng ấy đã làm nên đặc điểm của lớp trầm tích văn hóa thứ  tư  trong thơ Triệu Lam Châu.

Như vậy, thơ Triệu Lam Châu dung hợp rất nhiều sắc màu văn hóa. Nhưng trong quá trình giao lưu, ông rất có ý thức giữ gìn bản sắc Tày, đặc biệt là ngôn ngữ, bởi vì “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc”( Humboldt ). Cả năm tập thơ in riêng của ông đều được trình bày dưới dạng song ngữ, đa phần là tác giả tự dịch từ Tày sang Việt như: Hai rủng nưa phja (Trăng sáng trên non - 1998), Coong fầy đông (Ngọn lửa rừng – 1999), Dẳc khèn (Giọt khèn – 2001), Đỏi nhằm nưa khau (Thầm hát trên đồi - 2004). Đặc biệt, ông còn có tập thơ dịch từ Nga sang Tày là Đêm trắng (2002). Việc dịch sách thơ từ tiếng Nga ra tiếng dân tộc thiểu số là rất hiếm thấy ở Việt Nam.

Trên cơ sở lấy văn hóa Tày làm nền tảng, Triệu Lam Châu luôn trăn trở tìm cách nâng cao thơ mình sao cho “vừa dân tộc vừa hiện đại”. Ông đã tìm được “lối đi riêng của thơ mình” bằng cách dùng “bút pháp giao thoa văn hoá”(theo lời tác giả). Ông tưởng tượng ra sự việc mời các danh nhân văn hóa nước ngoài về thăm Việt Nam để mượn cái nhìn của dân tộc khác mà phát hiện ra nét độc đáo của dân tộc mình. Chẳng hạn, khi thấy “Pauxtopxki lặng nhìn cối nước”, tác giả đã chỉ ra nét độc đáo của phương thức sản xuất dân tộc Tày là dùng cối giã gạo bằng nước suối. Ông mời nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ N. Hikmet đi chợ miền núi để thưởng thức lối tỏ tình độc đáo của trai gái Hmông. Nhà thơ Lermontov mang về Nga nỗi niềm thương nhớ cô gái Tày cùng với hương hồi và tấm khăn thổ cẩm để giới thiệu văn hoá Tày với thế giới. Triệu Lam Châu mời “Gagarin qua cầu treo sông Mãng” ở  Cao Bằng để sau này nhà du hành sẽ có dịp mang cái “cảm giác bồng bềnh” ấy lên vũ trụ. Để nâng cao tầm văn hóa dân tộc mình, ông còn mời Maiacovski về gốc đa cổ kính đọc thơ cho các già làng nghe… Chưa hết, ông còn mời nhà thơ Puskin, nhà văn Tsekhov vào tận Phú Yên để góp phần làm tăng thêm sự thân mật giữa hai nền văn hóa với nhau. “Hồn thơ Nga xa xăm lộng lẫy / Nỗi niềm thân thiết của lòng ta”. Nhờ có những ý tưởng độc đáo này mà Triệu Lam Châu đã đoạt giải Nhất về thơ trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài tình hữu nghị Việt – Nga do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga phối hợp với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tổ chức (11–2000). Ngoài ra, những đóng góp của ông trong lĩnh vực giao lưu văn hóa còn thể hiện qua hàng loạt cuốn sách dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt như: Nửa phần sự thật, Đêm trắng, Nàng dâu, Lửa tình đã cạn, Hoa nở muộn mằn, Người đàn bà tôi thương, Đi tìm hạnh phúc, Mối tình của người góa phụ, Túp lều lá bên sông

Thơ Triệu Lam Châu không chỉ có sự giao thoa văn hóa Việt – Nga mà còn có sự nối kết giữa các vùng miền, dân tộc trong cả nước Việt Nam. Ông khắc họa một nét Tày Việt Bắc giữa lòng phố biển miền Trung (Người Pác Bó về thăm Nhạn Tháp). Ông đã “mang thác Cam Ly về xuôi”, mang những sắc màu Tây Nguyên cùng với ánh mắt xao xuyến của cô gái miền núi về đồng bằng: “Đi trên biển mà nhớ rừng da diết (…) Bóng chiều buông, tình gửi hướng mặt trời”. Triệu Lam Châu muốn dung chứa nhiều quá, dẫu biết rằng đa mang là khổ:

“Mơ cùng sương núi chon von

Lại nghe sóng biển rập rờn chân mây

Lòng chia đôi ngả thế này

Làm sao trọn vẹn niềm say cõi mình”

(Giọt khèn)

Hiếm có nhà thơ nào ở Việt Nam có duyên nợ với nhiều nền văn hóa như Triệu Lam Châu. Không chỉ là một dịch giả nổi tiếng, ông còn là một nhà thơ thành danh nhờ biết phát huy những tinh hoa của dân tộc mình. Luôn có ý thức giao lưu học hỏi để nâng cao tầm văn hoá và biết cố gắng tạo ra những nét riêng của mình. Có người cho rằng, Triệu Lam Châu là một hiện tượng văn hóa của dân tộc Tày. Chúng ta sẽ thấy điều này càng có lý khi liên tưởng đến câu nói của Tr. Aitmatov: “Xét về bản chất của mình, nghệ sĩ là một hiện tượng dân tộc”.

Phạm Ngọc Hiền


Phamngochien.com - 08:20 - 13/01/2018 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận