CÁC HÌNH THỨC DẠY HỌC TRONG LỊCH SỬ (Phạm Ngọc Hiền)

          Trong lịch sử, loài người đã từng trải qua nhiều hình thức dạy học khác nhau, với nhiều điểm khác xa so với thời đại ngày nay. Các phương pháp dạy học mới nối tiếp nhau ra đời trên cơ sở đấu tranh với cái cũ. Và cũng có nhiều phương pháp rất cũ nhưng lại trở thành mới ở nhiều nước hiện nay. Mỗi thời đại, mỗi quốc gia có một hình thức dạy học riêng cũng góp phần tạo nên bức tranh đa dạng trong lịch sử giáo dục thế giới.

          Từ thời cổ đại, ở  Hy Lạp đã có trường học, trẻ em từ 7 đến 18 tuổi được tập trung về trường thể thao. Thực ra, đó là một trại lính có nhiệm vụ đào tạo ra những chiến binh giỏi để bảo vệ thành bang. Dụng cụ học tập là gươm, giáo, cung, tên... Ngoài học võ là chính, học sinh còn học văn, đó là các môn: tiếng Latinh, thơ ca nhạc hoạ, tôn giáo, toán học... Lớp học chủ yếu được tổ chức ngoài trời, thầy trò vừa đi vừa đàm thoại. Hiện nay, Việt Nam ta đang hô hào phát huy tính tích cực của học sinh bằng cách tăng cường hình thức đối thoại trong giờ học, nhưng thực ra, phương pháp vấn đáp đã được Socrate sử dụng từ 2500 năm trước. Cũng vào thời đại này, các nhà giáo dục như Platon, Aristote... đã biết dùng hình thức giáo dục hướng tới người học. Họ chú trọng tới tâm sinh lý và nhu cầu học tập để phân học sinh thành từng nhóm, chia chương trình ra thành nhiều chặng với những nội dung riêng.

          Cũng vào thời cổ đại, Trung Quốc đã có một số trường học gọi là "Thái học", "Chuyên khoa", "Thư viện"... ( Ở Việt Nam, có trường Quốc Tử Giám được thành lập năm 1076 cũng thuộc loại hình này). Học sinh của trường chủ yếu là con em quan lại, quý tộc, chiếm số lượng không đáng kể. Phần lớn học trò được đào tạo theo hình thức tự do ở ngoài nhà trường. Khổng Tử dạy học theo hình thức du thuyết, đi khắp nơi để truyền bá đạo. Ông thường dùng phương pháp "gợi mở" để học trò tự giải quyết vấn đề. Phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh còn được Mặc Tử.... vận dụng. Nhưng rất tiếc là về sau, phương pháp này không còn phát huy tác dụng nữa. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... đã có truyền thống hàng ngàn năm theo hình thức dạy học lấy người thầy làm trung tâm, lấy giáo lý Nho gia làm khuôn vàng thước ngọc. Nội dung áp đặt đi kèm với hình thức roi vọt. Lớp học chủ yếu diễn ra ở nhà thầy đồ hoặc nhà học trò. Khi học tới một chừng mực nào đó ( nhất là lúc thầy... hết chữ ), người trò có thể tự chuyển sang hình thức tự học ở nhà, chờ tới kỳ thi vác lều chõng lên Kinh ứng thí. Người ta cũng thường thấy cảnh thầy trò cùng đi thi chung nhưng thầy rớt còn trò đậu. Bất cứ ai có chút chữ nghĩa đều có thể làm thầy, nam giới nào cũng có quyền tham dự  các kỳ thi do nhà nước mở. Hình thức thi là viết bài luận ( hoặc sáng tác thơ phú ) nên những thí sinh nào có năng khiếu văn hay chữ  tốt thường có nhiều cơ may thi đậu ra làm quan.

          Ta hãy quay sang phương Tây thời trung đại. Phần lớn các lớp học là do nhà thờ mở với mục đích truyền đạo, thầy giáo là tăng lữ.  Trong xã hội phong kiến, cả phương Đông và phương Tây đều phổ biến hình thức dạy học áp đặt, thầy giảng trò ghi, học sinh phải có bổn phận học thuộc lòng các giáo lý, và không được phép hoài nghi. Loại trường thứ hai do các lãnh chúa mở để đào tạo hiệp sĩ ( kỵ sĩ ). Nội dung học gồm các môn: cưỡi ngựa, bơi lội, ném lao, đánh kiếm, săn bắn, đánh cờ, làm thơ... nhìn chung là thực dụng hơn so với lớp học nhà thờ. Thời Phục Hưng, Thomas More chủ trương nhiều hình thức dạy học tiến bộ như: tất cả mọi người đều có quyền được đi học ( chứ không riêng gì các nam quý tộc); chú trọng khoa học tự nhiên (trước đây thường chú trọng các môn xã hội); dạy tiếng mẹ đẻ thay cho tiếng Latinh; kết hợp học lý thuyết với lao động sản xuất chứ không phải đào tạo ra những trí thức chỉ giỏi cạo giấy và nói miệng. Đây là những ý tưởng rất táo bạo so với thời ấy.

          Sau thời Phục Hưng, giáo dục phương Tây đã hình thành hệ thống trường lớp tương đối bài bản. Học sinh được chia thành nhiều lớp, nhiều cấp học. Comenxki (1592 - 1670) là người đầu tiên trong lịch sử đã viết sách giáo khoa (theo đúng nghĩa của nó). Chương trình gồm nhiều môn, mỗi môn gồm nhiều bài, học xong chương trình có kiểm tra, đánh giá và có các kỳ nghỉ ngơi... Từ thế kỷ XVIII, những lớp học của Rousseau đã có phòng thí nghiệm hiện đại. Petxtalodi (Thụy Sĩ) còn thiết kế loại trường vừa học vừa làm. Học sinh đến trường không chỉ học văn hoá mà còn học thêm các nghề như: mộc, nề, dệt, đan, chữa máy móc... để giúp gia đình và có tay nghề trong tương lai. Người ta còn chứng kiến có những lớp học ban đêm trong các công xưởng của Owen. Sau này, ở nhiều nước còn có thêm mô hình trường bổ túc do các chủ xưởng mở để đào tạo tay nghề cho công nhân. Như vậy, lớp học không chỉ diễn ra ở thánh đường trang nghiêm mà còn xuất hiện ở những công xưởng bụi bặm...

          Từ năm 1889, ở Anh xuất hiện những "nhà trường mới" với nhiều chủ trương lạ so với thời ấy. Học sinh nam và nữ được xếp vào học chung một lớp. Thực hiện dân chủ hoá nhà trường bằng cách cho học sinh tham gia quản lý trường học. Dạy ngoại ngữ  theo phương pháp trực tiếp...Các nhà giáo dục thực nghiệm còn đưa ra một hình thức thi cử mới là trắc nghiệm (test) để thay thế hình thức viết luận truyền thống. Phương pháp trắc nghiệm mang tính khách quan cao và có khả năng đánh giá chính xác mức độ thông minh của học sinh. Ở Việt Nam vẫn còn đang tranh cãi về "phương pháp mới" này trong khi thế giới đã sử dụng nó từ hơn 100 năm nay. Không nói đâu xa, ngay ở miền Nam trước 1975 đã phổ biến phương pháp này.

          Trong thế kỷ XX, loài người đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục khởi nguồn từ Liên Xô và được rất nhiều nước áp dụng. Nếu như trước kia, việc học chỉ dành cho con nhà giàu thì ngày nay, giáo dục là bắt buộc với tất cả mọi người và hướng tới mục tiêu phổ cập. Người học từ cấp mẫu giáo đến sau đại học thuộc tất cả các loại hình đào tạo đều được miễn phí hoàn toàn, được nhà nước lo chi phí ăn ở, sách vở... và phân công việc làm sau khi ra trường. Người ta không còn chủ trương học để làm quan, để khoe chữ nghĩa mà học để làm người lao động có ích. Bởi vậy, dụng cụ học tập không chỉ có giấy bút, sách giáo khoa... mà còn có cả búa liềm, cuốc xẻng... Nơi học không chỉ diễn ra trong phòng ốc chật hẹp mà còn ở các công xưởng, nông trường... Thời gian nghỉ hè chính là "học kỳ thứ ba", tức là học kỳ lao động tập thể. Nhà sư phạm Makarenko chủ trương phương pháp "giáo dục tập thể". Nghĩa là học sinh không chỉ học ở thầy giáo, sách giáo khoa mà còn học ở tập thể cộng đồng, bởi vậy các hình thức sinh hoạt tập thể rất được chú trọng.

          Thế còn trong tương lai, nhân loại sẽ theo hình thức giáo dục nào? Sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử giáo dục. Người ta sẽ tạo trên mạng Internet những trường Đại học ảo với những giảng viên ảo và sinh viên ảo. Tất cả chương trình học, giáo trình, thi cử... đều được thực hiện qua mạng. Người học chỉ ngồi ở nhà, không tiếp xúc trực tiếp với người dạy, học sinh cùng một lớp không quen biết nhau. Dụng cụ học tập chủ yếu không phải là giấy bút mà là máy vi tính xách tay với các thao tác phổ biến như gõ bàn phiếm, nhấp chuột... Sinh viên có thể học một lúc nhiều trường và lấy nhiều bằng cấp trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, có lẽ điều này chỉ được áp dụng phổ biến ở bậc sau phổ thông.

          Và con người lúc ấy sẽ xếp hình thức dạy học của thời chúng ta vào mục "chuyện lạ có thật"...

                                                                                

PHẠM NGỌC HIỀN

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Phan Trọng Báu - Giáo dục Việt Nam thời cận đại - NXB Giáo dục, H. 2006

2. Nguyễn Lân - Lịch sử giáo dục thế giới - NXB Giáo dục, H.1958

3. Hà Nhật Thăng - Đào Thanh Âm - Lịch sử giáo dục thế giới - NXB Giáo dục, H. 1998

4. Nhiều tác giả- Hướng dẫn quan hệ quốc tế trong giáo dục và đào tạo-NXB Giáo dục, H.1996

 


Phamngochien.com - 15:33 - 13/12/2009 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận