Cà phê sáng... (Nguyễn Tịnh Giang - Kon Tum)

Ngày nào tôi cũng chở con đi học sớm. Anh thì con cái đã lớn, đứa thì học đại học, đứa đi làm xa, ở nhà không biết làm gì nên cũng đến trường sớm và chúng tôi thường cà phê sáng cùng nhau ở quán trước cổng trường...

- Này ông có tin bói toán không?

- Tôi chả tin. Có người bảo: thằng đui nói hoảng thằng sáng hết hồn. Nếu như mọi việc cứ diễn ra như lời thầy bói thì hóa ra cuộc đời của mỗi người được lập trình sẵn à? Mà nếu vậy thì mọi nỗ lực của con người trong cuộc sống nầy còn có nghĩa lí gì?!

- Ông không tin thì thôi! Người ta đi xem đầy ra cả đấy, già trẻ lớn bé đủ cả...

- Số đông chưa chắc đã đúng, hãy xem đó là những ai? Ông thử làm phép thống kê xã hội học thì biết ngay! Tôi nghĩ: khi người ta mất niềm tin trong thế giới thực này thì mới tìm tới thế giới ảo....

- Nói như ông thì bói toán, cúng bái toàn là tào lao cả à? Văn hóa ĐạiViệt hàng nghìn năm đấy!

- Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng... khó tin lắm! Theo tôi, muốn coi bói phải am hiểu Nhân tướng học, Nhân trắc học, Chiêm tinh học, Dịch học... chứ không chỉ dựa vào mấy lá bài đỏ đen và vài đồng xu sấp ngửa mà nói dựa được. Còn chuyện cúng bái: tôi thấy, bây giờ người ta đến với thần linh không còn được trong sáng như xưa nữa mà đã nhuốm màu  thực dụng, vụ lợi, mặc cả... Không ít người lên chùa khấn Phật, cầu xin vận may rồi nhét tiền vào Ngài ở bất kì chỗ nào có thể nhét được... Chuyện cướp Ấn, cướp Phết, cướp Lộc trong các lễ hội đánh nhau sứt đầu mẻ trán, chuyện đâm trâu, chém lợn (những con vật gần gũi với người dân nông nghiệp lúa nước!), bây giờ lại còn có cả dịch vụ chuyển Fax nhanh Ấn đền Trần cho người ở xa nữa (!). Những chuyện đấy ông nghe chắc đã nhàm đến vô cảm. Tôi hỏi thật, giả dụ tôi và ông cùng lên chùa, ông thắp nhang vái Phật, tôi đứng cạnh đấy thì không (nhưng lòng thì rất thành tâm). Vậy thì Phật độ trì (nếu có) cho ông hay cho tôi nào? Mà Phật làm sao độ trì cho khắp cả bốn bể chúng sinh đầy khổ nạn này. Khổ nạn do thiên tai địch họa đã đành, đằng này do dục vọng và vô minh, con người lại tự bày ra đủ trò để hãm hại nhau... Xét đến cùng: Chúa, Phật, Thiên đàng, Địa ngục đều từ tâm mà ra cả. Một ngày sống khỏe mạnh, bình yên, không làm gì hại ai... đấy là một ngày ở Thiên đàng và ngược lại là một ngày ở Địa ngục... Quyền cao chức trọng mà con cái hư hỏng và luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu thì sung sướng nỗi gì? Một cái tâm bình an là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời này. Đừng nhìn vào thành công của một con người nào đấy mà ghen tị, vì làm sao ông biết được cái giá mà họ phải trả cho sự thành công ấy. Đấy là tiền của, mồ hôi, nước mắt và có thể có cả sự nhục nhã nữa... Còn tham, sân, si là còn khổ. Bởi vì, không thể làm nguôi đi dục vọng bằng cách làm thỏa mãn dục vọng. Chúng ta bị đốt cháy trong lửa và lửa chỉ tắt khi không còn cái để cháy nữa. Ngộ đấy! Tôi thích chữ Ngộ Không lắm. Ngộ cái Hữu đã khó, ngộ cái Không lại càng khó hơn. Chỉ những bậc chân tu thượng thừa mới mong đạt được điều này.

- Ông nói đến ngộ tôi mới nhớ có chuyện thiền sư nọ, một hôm trời rét bèn sai đệ tử tìm củi để sưởi, nhưng trong hang chẳng còn gì mà bên ngoài thì tuyết rơi dày đặc... Thiền sư bảo đệ tử tiếp tục vào chánh điện tìm, nhưng ở đấy ngoài tượng Phật bằng gỗ ra thì chẳng còn gì nên quay ra bẩm báo. Nghe xong thiền sư mắng: ta đã bảo tìm tất cả những gì bằng gỗ kia mà... Người đệ tử sợ hãi vào bê tượng Phật ra và trước sự ngạc nhiên của người học trò, thiền sư lấy búa chẻ tượng Phật ra làm bốn mảnh ném vào lò lửa... Thế đấy, những bậc chân sư ngộ Đạo thì không cần đến chùa, không cần tụng kinh gõ mõ, không cần thắp nhang vái Phật (thực ra đó chỉ là hình dáng tượng trưng thôi). Đối với họ thì Phật có mặt ở khắp nơi trong vũ trụ này chứ không chỉ có ở trong chùa... Phật đã ở trong tâm họ!

- Đúng thế! Có người cả đời tụng kinh nhưng không biết câu kinh nói gì. Cho nên tụng kinh không bằng hiểu kinh, hiểu kinh không bằng làm theo kinh. Đấy mới là Phật tử.

- Tôi cũng thích tư tưởng nhập thế hành đạo của Phật giáo...

- Ông là người hay đọc sách về tôn giáo, về lịch sử, văn hóa vậy ông có bao giờ tìm hiểu về nguồn gốc của cái bắt tay không?

- À... cái này nghe đâu có nguồn gốc từ LaMã. Các nhà Sử học cho rằng: bắt tay là cách người LaMã bảo đảm với người bạn mới là họ không có dao găm trong túi, không chém giết, không thù hằn... Về sau người phương Tây mới quy ước: Khi bắt tay không được nắm quá lâu, không được nắm quá chặt và người lớn tuổi, người phụ nữ phải là người đưa tay ra trước... Nói tóm lại, bắt tay là thân thiện, là văn hóa và quý nhau là ở tình cảm chân thật chứ không câu nệ gì. Tuy vậy, bây giờ, có những bàn tay chìa ra cho người ta nắm (chứ không phải bắt tay) như là một sự ban ơn... Có người bắt tay người này nhưng nói chuyện với người khác và mắt lại nhìn đâu đâu... Có người thấy cấp trên từ xa là vội chạy đến tóm lấy tay hóng chuyện, trong khi anh bạn đứng bên cạnh thì chẳng hỏi được câu nào... Danh giá gì? Tôi rất dị ứng với kiểu bắt tay như thế!

- Ông thì hay để ý, bắt bẻ, sĩ diện  nên mới khổ.

- Tôi không bắt bẻ nhưng tôi biết tự trọng và chúa ghét những đứa khúm núm nịnh trên, nạt dưới, có tí chức quyền là vênh váo. Thật mất nhân cách!

- Thôi biết rồi, khổ lắm .. Tết này chắc ông cũng lâng lâng cả ngày?

- Không đâu! Tôi bệnh đầy ra đấy, tọng vào có mà...đi tong! Cố nhịn để nhận cái sổ hưu cho trọn kiếp làm thầy! Nhân ông nói về rượu xin tặng ông mấy bài thơ bốn câu của nhà thơ Ôma Khayam (BaTư) mà cánh đàn ông biết chút bia rượu cần phải đọc:

                                 Ai cũng biết là Khayam già yếu
                                 Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu
                                 Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam
                                 Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu 

                                 Bí mật cuộc đời tôi và anh không biết
                                 Chỉ còn rượu và tình yêu bất diệt
                                 Thế giới ra sao thì cũng thế mà thôi
                                 Vì trước sau tôi và anh cũng chết 

                                 Hạnh phúc là gì? chẳng là gì, đúng thế!
                                Chết anh để lại gì? chẳng để lại gì, đúng thế!
                                Tôi đã say sưa, tất cả tưởng của mình
                                Nhưng nhìn kĩ hóa ra chẳng có gì, đúng thế! 

                                Sau cơn mưa hoa hồng chưa khô
                                Trong tim tôi nhiệt tình chưa khô
                                Đóng quán sớm làm gì ông chủ
                                Nắng còn vương trên của kính chưa khô!

Ôma Khayam có cả trăm câu thơ về rượu như thế, đọc thú vị lắm. Nếu ông cần hôm nào tôi cho mượn. Bệnh tật không uống được rượu cũng buồn. Nhưng nói chuyện uống rượu ở đây là nâng chén tao nhã như các cụ ngày xưa chứ không phải Zdô...Zdô trăm phần trăm như bây giờ. Tục lắm! Cũng như cái chuyện lì xì ngày tết ấy. Ngày trước người ta lì xì mừng tuổi với tiền mới mệnh giá nhỏ được bỏ vào phong bì đỏ với lời chúc thành tâm ... Bây giờ cũng biến tướng ra. Lì xì là để lấy quan hệ, phải đẳng cấp, không có phong bì cũng chả sao miễn là càng dày càng tốt (mà đâu chỉ trẻ con thích lì xì?!). Người lớn vậy, hỏi trẻ con sao không hư? Tôi chứng kiến có lần một cháu bé xé phong bì trước mặt khách sau khi được lì xì. Cháu reo lên khi mở phong bì có nhiều tiền và lộ vẻ kém vui khi... Buồn quá!

- Đừng buồn! Ông đã nghe Nhạc sĩ Trần Tiến nói về Giấc mơ Chapi chưa? Chưa à? Chuyện là thế nầy, nhạc sĩ Trần Tiến khi gặp tác giả của cây đàn Chapi (người dân tộc Raglai- Ninh Thuận đang sống cùng gia đình trên một ngọn đồi) và ngỏ lời muốn mua đàn, không ngờ người ấy nói: Ông thích thì tôi cho, bao nhiêu năm rồi tôi đâu có dùng đến tiền. Anh thấy đấy, nhà tôi có nào là dê, nào gà và cả ruộng nương nữa. Tôi đang sống rất hạnh phúc với ngôi nhà này...  Ôi! một cuộc sống rất đỗi bình yên và không cần đến tiền (thứ mà cả nhân loại đang sống chết vì nó) sao quá đỗi tuyệt vời! Giấc mơ Chapi là thế, đáng để ta suy ngẫm lắm chứ? Người tốt giờ là của hiếm...

- Tôi thì quan niệm đơn giản: một người sống không làm hại ai (chứ chưa dám nói đến chuyện giúp đỡ vô tư) thì đã là người tốt rồi. Có kẻ hôm trước còn rao giảng đạo đức thì hôm sau đã ngồi nhà đá bóc lịch! Bây giờ người tốt, kẻ xấu, thật giả, vàng thau lẫn lộn, phải có con mắt tròng vàng như Tôn Ngộ Không (truyện Tây Du Kí) thì mới có thể nhìn người ra người, yêu quái ra yêu quái dù chúng có biến hóa thiên hình vạn trạng, kể cả hóa thành Phật Tổ tọa trên đài sen!

- Chuyện xã hội ấy mà, có nói cả ngày, cả tháng, cả năm cũng không hết. Tôi chỉ mong ông lo giữ sức khỏe đặng đầu năm sau nhận cái sổ hưu rồi vui thú điền viên... Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường (Kiếp cầm ca, soạn giả cải lương Viễn Châu).

- Tôi tính sau khi nghỉ hưu sẽ vào Vũng Tàu làm nhà ở với con trai, mấy năm sau bà xã nghỉ hưu rồi đoàn tụ gia đình thế là xong! Lúc đó chắc con cái cũng đâu vào đấy rồi, mình chỉ lo hưởng già vui chơi cùng con cháu... làm vườn và viết lách cho vui, hà hà... (anh có giọng cười đặc trưng như thế). Mình đã chuẩn bị tư liệu cả rồi, có thời gian rỗi là bắt tay vào viết ngay. Khí hậu miền biển mát mẻ có lẽ mình sẽ sống thọ đấy, tầm nhìn đến 20... Tất nhiên sống thọ không có nghĩa là không chết mà là chết chậm hơn người khác mà thôi! Thời gian sống quý giá lắm, vậy mà ta đã phung phí nó vì theo đuổi những thứ rất... tầm phào!  Hà hà... khi nào có dịp vào Vũng Tàu nhớ ghé thăm mình...

Nhưng rồi, cuộc hẹn đã không thành, vì anh đã không chờ được đến ngày nhận sổ hưu... Những ước mơ rất đỗi bình dị, đời thường kia đã vĩnh viễn theo anh xuống mồ. Có ai ngờ được một người khỏe mạnh như anh (từng là huấn luyện viên võ cổ truyền tại một võ đường ở Huế), sống điều độ, ăn uống kiêng khem,  rất chăm chút sức khỏe, vậy mà đùng một cái... Từ có đến không sao quá đỗi nhanh, đành rằng có sinh tất có diệt, đấy là quy luật tất yếu của tự nhiên. Vì, nơi nào có khả năng làm nảy sinh trong ta một nụ cười, thì cũng tiềm ẩn một khả năng làm trào lên trong ta những dòng nước mắt. Nơi nào có thể tạo ra hạnh phúc thì ở đó cũng tiềm ẩn một khả năng gây ra đau khổ.... Sự sống và cái chết cũng thế. Mọi sự gần như đồng nhất ở điểm khởi đầu và điểm kết thúc, một cái kết thúc không ai tránh khỏi chỉ có trước hay sau, nhanh hay chậm mà thôi. Tất cả những tiến bộ, những kiêu hãnh, những cải cách, những xa hoa, giàu có, khoa học tất cả đều có một kết thúc duy nhất: chết! Đó là điều chắc chắn! Các thành phố mọc lên rồi biến đi, các đế chế xây dựng rồi sụp đổ, các hành tinh vỡ vụn, tan thành bụi.... Cả thế giới đều đi về cái chết. Bậc thánh nhân cũng chết, kẻ tội lỗi cũng chết, người giàu, người nghèo đều chết, tuy nhiên vẫn lưu luyến, tha thiết sự sống. Chúng ta đều muốn bảo toàn thân xác mình mãi mãi, nhưng sẽ có lúc ta chê cười cái ý tưởng ấy.... Vì thế, khi có người hỏi vua Yuhishthira “Tâu hoàng thượng, theo hoàng thượng thì cái gì là kì diệu nhất trên trái đất này?” Nhà vua đáp: “Ngày nào quanh ta cũng có người chết, thế mà người ta cứ tưởng mình không bao giờ chết”! Thế đấy, khi hiểu rõ về cái chết thì ta đồng thời cũng hiểu hết giá trị của sự sống, quý giá từng phút giây sống, vì không có gì cả ngoài cuộc đời này! Hãy yêu nhau đi, hãy xích lại gần nhau, cùng nắm tay nhau vui vẻ đi qua cõi đời vốn rất đỗi vô thường này. Đừng ganh ghét hãm hại nhau mà chi, vì mai kia, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ rời bỏ trần gian này, rời bỏ những gì thân yêu nhất và sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy nhau, mãi mãi...!

                           Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
                           Dù vẫn biết mai này xa lìa thế giới
                           Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
                           Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời.

                                           (Hãy yêu nhau đi - Trịnh Công Sơn)


Phamngochien.com - 08:10 - 09/01/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận