Bức tranh tình yêu (Vũ Cẩm Linh - Hà Nội)

Thế là từ tuần sau công ty có chế độ nghỉ 2 ngày thứ 7 và chủ nhật. Tôi vui mừng báo với anh tin vui này. Chúng tôi sẽ có dịp cùng nhau đi vẽ phong cảnh ở các làng quê và bằng bàn tay tài hoa của anh khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy sẽ được anh mô tả hết sức tài tình. Thực ra tôi chẳng hiểu gì về hội họa cũng như các bức tranh của anh nhưng cứ miễn là tranh của anh tôi đều khen đẹp. Có bức tranh chỉ phác họa bằng nét bút chì, tôi thấy toàn màu xám xịt ấy thế mà lại là bức tranh anh rất tâm đắc.

Thứ 7 chúng tôi cùng tới huyện Phục Hòa. Trong trí tưởng tượng phong phú của tôi thì những làng quê như thế này sẽ có những cánh đồng thơ mộng, hoa dại mọc ven đường. Song thay vào đó là những cánh đồng mía và cảnh người dân tấp nập đi lại qua cửa khẩu. Đến sát biên giới chúng tôi tìm được 1 khoảnh đất bằng phẳng bên bờ sông để đặt giá vẽ. Tôi mệt mỏi thả người xuống bãi cỏ, mắt lơ đãng ngắm nhìn dòng sông phân cách giữa 2 nước Trung-Việt. Kể ra thì dòng sông này không đẹp bằng dòng sông Hiến chảy phía sau nhà tôi. Thật chẳng bõ chút nào nếu đi bằng ấy cây số chỉ để vẽ dòng sông này.

-  Anh à! Ra đây ăn 1 chút gì đã chứ.

-  Em cứ dùng trước đi, anh đang làm dở cái này.

Mặc kệ. Tôi lôi chiếc bánh mì trong túi ra ăn ngon lành, người tựa vào 1 gốc cây ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy đã thấy anh hoàn thiện xong bức tranh và đang tự chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Tôi nhẹ nhàng bước tới và ôm lấy vai anh:

-  Đẹp quá!

-  Ý em là ...

-  Màu sắc ấy, nom rất hài hòa, bố cục cũng được...

-  Em mà cũng biết đến bố cục cơ à?- Rồi anh tỷ mỉ giải thích:

-  Chỗ có hình ống khói này tượng trưng cho nhà máy đường, kế bên là những người nông dân đang phấn khởi thu hoach vụ mùa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, còn tòa nhà dòng chữ phía trên là cửa khẩu quốc gia và đây là dòng sông ngay dưới chân em.

-  Ý nghĩa của bức tranh là người dân vùng biên có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Phải không anh?! Giá trị nhỉ nhưng không biết có đủ tiền xăng đi lại không- Tôi nửa đùa nửa thật. Anh cứ đứng bần thần nhìn bức tranh mãi không thôi. Tôi không nhận ra nỗi buồn thầm kín ấy nên giục anh về sớm kẻo trời tối. Trong suốt chặng đường về anh chỉ hỏi 1 câu:

-  Em có hối hận khi đi cùng anh không?

-  Tuần sau em sẽ lại đi cùng anh và mãi mãi như vậy.

Cuối cùng người bạn đời tôi chọn là anh. Trong suy nghĩ của tôi cuộc sống tựa như 1 bức tranh đẹp. Bởi tôi được sống trong sự đầy đủ từ nhỏ đến khi trở thành 1 viên chức trong 1 doanh nghiệp nhà nước chuyên kinh doanh mặt hàng độc quyền nên không biết đến sự cạnh tranh của thị trường và mặt trái của cuộc sống. Cưới xong chúng tôi thuê 1 căn hộ để ở và cũng là nơi để anh sáng tác. Thời gian đầu tôi luôn tạo điều kiện để anh làm việc nhưng dần dần thấy trong nhà luôn bừa bộn nào là giá vẽ, khung tranh, bút mực thật chứng mắt. Một lần tôi thấy trong cái mớ nghệ thuật ấy có một bức tranh thiếu phụ bụng mang dạ chửa, không cần biết sự thể ra sao. Tôi tru tréo lên:

-  Nghệ thuật gì mà thấy toàn chửa vởi đẻ. Anh định theo trường phái gì nữa đây?

-  Nghệ thuật đẹp ở sự sâu lắng, có điều em không muốn hiểu mà thôi. Em nhìn xem thiếu phụ đặt tay lên bụng suy nghĩ về tương lai của đứa con sắp sinh sẽ ra sao khi mà trước mặt là 1 cồn cát trắng.

-  Con chúng ta rồi cũng chẳng sáng sủa hơn đâu- Tôi gằn giọng.

-  Phải kiên trì và biết hy sinh em à!

-  Phải rồi! Có hy sinh thì tranh của các danh họa như Van Góc, Picatso mới có giá gấp hàng trăm lần lúc họ còn sống. Còn số phận những tác phẩm của anh sẽ ra sao đây? Tôi mỉa mai.

Anh nhìn tôi với ánh mắt đợm buồn và không ngờ tôi thay đổi nhanh chóng đến vậy, phải làm gì để tôi vừa lòng đây, hay ngày ngày đi vẽ những tấm pa nô, áp phích quảng cáo cho nhà hàng này, doanh nghiệp kia theo sự sắp đặt của vợ. Lẽ nào không có 1 góc cho anh dù chỉ là rất nhỏ. Ngẫm ra thì tôi có hơi quá một chút song anh cũng hiểu được tâm trạng của vợ bởi 1 bức tranh may lắm gặp khách mới bán được mà giá chả là bao. Trước đây giới họa sĩ thường lui tới nhà tôi bàn luận về hội họa. Mới đầu cũng thấy vui vui lâu dần những chuyện ấy đối với tôi trở thành phù phiếm, cộng với bệnh khó ngủ thành thử tôi sinh ra cáu kỉnh và hay dằn vặt chồng. Vì thế họ cũng ít lui tới hơn.

Dạo này anh trầm tư hẳn. Để xoa dịu không khí gia đình, một buổi chiều tôi ra chợ mua thức ăn định bụng sẽ làm món anh thích nhất, đang chuẩn bị nấu thì đám bạn tới rủ anh đi liên hoan bạn anh được giải thưởng tranh ảnh gì đó. Mặc dù rất muốn đi nhưng anh vẫn ngập ngững sợ tôi phật ý.

-  Anh đi cùng mọi người cho vui. Chẳng mấy khi các anh ấy đến- Tôi cố lấy giọng vui vẻ động viên anh.

Khi anh đi rồi, tôi cũng khóa cửa sang nhà cái Nga chơi. Từ khi lập gia đình đến giờ ít khi 2 đứa có dịp trò chuyện cùng nhau, tôi định bụng sẽ ở lại ăn cơm cùng nó. Thời gian này chồng nó thường xuyên đi nước ngoài. Trong cái vẻ lộng lẫy của ngôi biệt thự ấy tôi vẫn không thấy cái không khí của 1 gia đình. Cô bạn tôi cũng kêu buồn vì thường xuyên một mình một bóng. Cái Nga để tôi ngắm bể cá cảnh trên nhà còn nó xuống bếp làm cơm. Ngắm hết cá cảnh đến cây cảnh tôi lững thững xuống bếp, đi qua chỗ để cái tủ đựng đài, tiện tay tôi bấm nút play, một bản nhạc vang lên thánh thót, đôi lúc lại dồn dập như thôi thúc tôi trở về 1 thời đầy ắp những kỷ niệm. Hồi đó là ngày sinh nhật của cái Nga, anh Đông- bạn học cùng khóa và là phu quân của cái Nga bây giờ đã tặng 1 băng nhạc gồm 10 bản nhạc mà Nga thích nhất. Hồi đó anh đông đã phải mất hàng tháng trời đi sưu tập mới có được và bây giờ bản nhạc ấy vẫn còn nguyên vẹn. Lặng người 1 lát và không hiểu sao tôi đứng dậy ra về, miệng nói trong vô thức:

-  Mình phải về để chuẩn bị cơm nước không có sợ lát nữa uống rượu say, lão lại đói.

-  Nhưng cậu đã nhận lời ở đây...

-  Thôi để khi khác, mình quên mất là hôm nay có việc.

Về đến nhà đã thấy chàng họa sĩ say mê vẽ, thức ăn để trên bàn quên không đậy bị con mèo bới ra tung tóe mà lão chồng vẫn thản nhiên như không. Tôi sấn sổ lao tới hất mạnh bức tranh thiếu nữ đang vẽ dở:

-  A ! lại vẽ chân dung con nào đây, thảo nào dạo này thấy mê mẩn cử như cái nhà này chỉ là cái nhà trọ. Anh để cái bếp như thế mà nhìn được à?

Anh lặng lẽ đứng nhìn bức họa bị vứt chỏng trơ giữa nhà rồi xuống bếp lúi húi thu dọn mặc cho tôi gào lên, xong đâu đấy anh mới ôn tồn nói:

-  Hôm nay sinh nhật em nên anh đã vẽ bức chân dung về em. Em đã quên rồi sao?! Ngày đầu tiên gặp em cũng đã có 1 bức như thế và bây giờ anh hy vọng vẫn không thay đổi.

Tôi ngẩn người song bản tính kiêu hãnh luôn tồn tại nên cố lấp liếm đi.

- Bằng này tuổi rồi hơi đâu mà nghĩ đến sinh nhật. Mình cứ hoàn thành tấm biển quảng cáo cho nhà hàng Hoa Mai trước đã không có lỡ ngày khai trương của họ.

Ngày ấy và bây giờ, bản nhạc và bức tranh có gì khác nhau bởi chúng chính là bằng chứng của tình yêu. Tôi lóng ngóng nhặt bức tranh lên và đem vào phòng ngủ. Anh nói với theo:

-  Cứ đặt ở đó để anh hoàn chỉnh đã.

-  Hãy cứ để nó dở dang như thế, có ai là hoàn thiện được đâu.

Tôi ôm bức tranh và đi vào buồng, bất giác trước mắt tôi hiện lên hình ảnh cô bạn gái ngồi cô độc trên chiếc gường khảm trai bóng lộn, khắc khoải chờ chồng về, tôi liên tưởng ngay đến 1 bức tranh tình yêu- một bức tranh mà tôi suýt nữa đánh mất.

 Vũ Cẩm Linh


Phamngochien.com - 05:25 - 15/05/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận