Bài từ "Lâm Giang Tiên" của Dương Thận nhìn từ tư tưởng đạo gia (Ths. Hồ Tấn Nguyên Minh)

" Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, kiệt tác văn chương không chỉ thuộc về  Trung Hoa mà thuộc về cả nhân loại mở đầu bằng việc dẫn bài từ nổi tiếng " Lâm giang tiên" của thi sĩ Dương Thận đời Minh. Bài từ như sau:

Nguyên tác:

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại chuyển đầu không
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ đa dương hồng?
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng
Quý kiến thu nguyệt xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung.

Dịch:

Trường giang cuồn cuộn chảy về đông

Sóng vùi dập hết anh hùng

Được, thua, phải, trái thoắt thành không

Non xanh nguyên vẹn cũ

Mấy độ bóng tà hồng!

Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi

Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong

Một bầu rượu vui vẻ tương phùng

Xưa nay bao nhiêu việc

Phó mặc nói cười suông

                                                ( Phan Kế Bính dịch ) (1)

Không phải ngẫu nhiên mà cha con Mao Tôn Cương khi chỉnh lý " Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung đã dẫn " Lâm giang tiên" làm đề từ. Đây là bộ tiểu thuyết viết về cuộc phân tranh đẫm máu giữa ba tập đoàn Ngụy, Thục, Ngô kéo dài gần 100 năm. Gần 100 năm ấy, biết bao cảnh điêu linh, tán loạn, chết chóc, tang thương. Con người trở nên mệt mỏi, rã rời. Họ oán ghét chiến tranh, mong đợi hoà bình, ngưỡng vọng về một cuộc sống yên vui, no ấm. Bài từ "Lâm Giang Tiên" của Dương Thận  thể hiện được khát vọng thanh bình ấy. Đọc " Lâm giang tiên" ta như muốn rũ bỏ hết mọi ưu phiền tục lụy, lánh xa tất cả những thị phi, giành giật trong cõi nhân gian để tìm về nơi thông xanh suối biếc, nương náu chốn thôn dã, tìm con đường nuôi dưỡng chân tâm hầu mong sống một cuộc sống bằng an, thanh thản.

Hẳn không mấy khó khăn để nhận ra rằng Dương Thận trong " Lâm Giang Tiên" đã chịu ảnh hưởng khá sâu sắc tư tưởng Đạo gia - Triết thuyết vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa do Lão Tử sáng lập và Trang Tử kế tục. Trong " Đạo đức kinh", Lão Tử quan niệm vũ trụ tuần hoàn theo " Luật phản phục" ( Quay trở về ), ông viết:

" Đạo lớn thì lưu hành, lưu hành thì đi xa, đi xa rồi trở về"

                                                                    ( Chương 5 ) (2 )

" Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu. vạn vật trong thiên hạ từ mà sinh ra. lại từ không mà sinh ra

                                                                   ( Chương 40) ( 3 )

Khởi thủy là , từ vô sinh hữu, hữu biến hóa vô cùng rồi lại trở về . Vạn vật sinh ra từ Đạo để rồi cuối cùng "qui căn" trở về Đạo. Mà tính cách của đạo là phác ( đơn sơ) và tự nhiên. Cho nên "quy căn" cũng tức là trở về với cái đơn sơ, hòa hợp với tự nhiên mà sống. Lão Tử cho rằng xã hội đời loạn giống như một nồi cá kho, trong đó cá thì nhiều mà nồi thì nhỏ. Bậc hiền giả là người không can thiệp vào, để yên cho nó tự sắp xếp, còn nếu động vào nhiều quá thì nó sẽ nát. Cho nên trong đạo trị quốc ông chủ trương " vô vi" ( Không làm trái tự nhiên ) và kịch liệt phản đối chiến tranh. Đối với ông, lối sống minh triết nhất là lối sống từ bỏ đua chen danh lợi, thuận theo tự nhiên, hòa vào thiên nhiên vĩnh hằng mà sống. Trong "Lâm Giang Tiên", Dương Thận thể hiện rõ tinh thần ấy của triết lý Đạo gia:

                      Trường giang cuồn cuộn chảy về đông

                      Sóng vùi dập hết anh hùng

                      Được thua phải trái thoắt thành không

Dòng Trường Giang ngàn đời nay vẫn chảy để chứng kiến bao hưng phế, đổi dời. Nào là anh hùng lừng danh trận mạc, nào là thiên tử chễm chệ ngôi cao. Nào công danh, nào lợi lộc, nào chức tước, nào quyền uy cuối cùng cũng theo dòng nước cuốn phăng đi cả. Người đời chém giết nhau chẳng qua cũng vì một cái danh hão mà thôi. Vậy sao không từ bỏ tất cả, sống vô vi thanh tĩnh để đổ lấy cái thanh thản trong tâm hồn?

                       Non xanh nguyên vẻ cũ

                       Mấy độ bóng tà hồng

                      Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi

                      Đã quen nhìn thu nguyệt, xuân phong

                      Một bầu rượu vui vẻ tương phùng

Nước non xưa vẫn còn nguyện vẹn, mấy độ chiều nghiêng xế bóng mà con người vẫn chìm đắm trong binh đao, đảo điên trong danh lợi. Sao không như ông ngư, ông tiều an nhiên tự tại sống giữa thiên nhiên bên chén rượu tương phùng, đem cái đạm bạc đơn sơ mà đối lập với ảo mộng phù hoa để rồi bao nhiêu việc thế gian tan trong tiếng cười suông:

                        Xưa nay bao nhiêu việc

                        Phó mặc nói cười suông

Cần gì tranh giành, cần gì hơn thua, cần gì phải trái, cứ trở về với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, vui  với cảnh thanh đạm thì tức khắc sẽ tìm được niềm vui trong cõi thế. Nói như Lão Tử trong " Đạo đức kinh"

" Không tranh với ai nên không ai tranh được với mình "

                                                                   ( Chương 22) ( 4 )

Đó chẳng phải là tâm sự của bậc hiền triết với mong muốn xây dựng một xã hội thanh bình, hòa mục đó sao? Dương Thận sống cách Lão Tử hàng nghìn năm mà hiểu được cái lẽ " Được, thua, phải trái thoắt thành không" thì có thể xem là tri kỷ của bậc thánh nhân vậy.

   HỒ TẤN NGUYÊN MINH

* Chú thích:

 (1) Dẫn theo Tam quốc diễn nghĩa, NXB Văn Học, Hà Nội - 2001

 (2) Dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo đức kinh, NXB VHTT - 2006

 (3) Dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo đức kinh, NXB VHTT - 2006

 (4) Dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo đức kinh, NXB VHTT - 2006

 

Trần Văn Vinh - (vào lúc: 05:08 - 08-22-2011)
Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả

Phamngochien.com - 20:00 - 21/08/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận