Bài giải đề thi ĐH môn Văn khối D của Phạm Ngọc Hiền đăng trên báo Tuổi trẻ

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2010

Môn: NGỮ VĂN; Khối: D

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu I. (2,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân , việc nhân vật Tràng "nhặt" được vợ đã khiến cho những ai ngạc nhiên? Sự ngạc nhiên của các nhân vật đó có ý nghĩa như thế nào về nội dung và nghệ thuật?

Câu II. (3,0 điểm)

Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhóang.

Từ ý kiến trên anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận anh/chị về đoạn thơ sau:

những tiến đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo chòang đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vần trăng chếnh chóang

trên yên ngựa mỏi mòn

 

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hòang

áo chòang bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

 

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

(Đàn ghi ta của Lor-ca - Thanh Thảo, Ngữ văn 12,

Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 164-165)

Câu III.b. Theo Chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết "bát cháo hành " mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao) và chi tiết "ấm nước đầy và nước hãy còn ấm" mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa - Nam Cao).

 

GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI ĐẠI HỌC KHỐI D NĂM 2010

Câu I

Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, việc nhân vật Tràng "nhặt" được vợ đã khiến cho mọi người rất ngạc nhiên. Dân xóm ngụ cư và bà cụ Tứ ngạc nhiên đã đành, bản thân Tràng sau đêm tân hôn vẫn cảm thấy ngờ ngợ không tin mình đã có vợ thật.

Sự ngạc nhiên của mọi người có ý nghĩa tô đậm bức tranh thảm hại của nạn đói năm 1945. Cái chết sầm sập kéo đến và treo lơ lửng trước mắt mọi người khiến thị và Tràng không còn thời gian để suy tính chuyện trọng đại nhất của đời mình. Qua đó, còn thấy được tình người trong cảnh khó khăn và khát vọng sống của các nhân vật.

Sự ngạc nhiên của các nhân vật còn có tác dụng khắc họa rõ nét hơn tình huống truyện. Đó là cái nghịch cảnh oái ăm do nạn đói đưa lại, một người ế vợ như anh Tràng mà vẫn tình cờ nhặt được vợ một cách dễ dàng. Một sự việc vừa bi vừa hài vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Câu II: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng đảm bảo các ý sau:

- Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người với nhau và đối với xã hội. Người có đạo đức là có những phẩm chất tốt đẹp phù hợp với quan niệm chung của cộng đồng. Người có đạo đức giả là người nhìn bề ngoài có vẻ hào nhoáng, lương thiện, công minh nhưng kỳ thực là dối trá, đánh lừa người khác, vi phạm các chuẩn mực của cộng đồng...

- Người đạo đức giả lừa dối với chính bản thân mình. Hành vi bề ngoài mâu thuẫn với suy nghĩ bên trong nên họ phải luôn suy tính tìm cách che đậy, sợ người khác phát hiện. Sự sống không thực với chính bản thân đã làm cho họ khổ sở và nhân cách ngày càng tha hóa...

- Lối sống đạo đức giả cũng gây tai hại cho xã hội. Nó làm cho nhiều người bị mắc lừa, gây thiệt hại cho những ai cả tin. Nó làm cho mọi người luôn sống trong cảm giác nghi ngờ, bất ổn; cơ quan, làng xã thiếu tình đoàn kết; tạo những bất công cho xã hội, làm nảy nở cái xấu, cái ác...

- Để có được cuộc sống thanh thản trong tâm hồn và góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, con người cần phải sống có đạo đức. Chúng ta cần phải sống thật thà và cũng mạnh dạn đấu tranh để loại trừ thói đạo đức giả trong xã hội...

Câu III a.

- Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau 1975, ông là một trong những người chủ trương đổi mới cách tân thơ Việt. Bài Đàn ghi ta của Lor-ca rất tiêu biểu cho khuynh hướng ấy. Trong đoạn "những tiếng đàn bọt nước...máu chảy", Thanh Thảo đã tái hiện thành công vẻ đẹp bi tráng của Lor-ca (1898 - 1936), nhà thơ nổi tiếng Tây Ban Nha.

Vẻ đẹp bi tráng của Lor-ca được thể hiện qua những chi tiết sau:

- Lor-ca sống trong một thời đại bi kịch, có cuộc đấu tranh giữa lực lượng tiến bộ với chế độ độc tài phát xít lỗi thời. Kết cục theo hướng bi thảm, những người có tư tưởng tiến bộ bị hãm hại (Tây Ban Nha  áo choàng đỏ gắt; bỗng kinh hoàng / áo choàng bê bết đỏ / Lor-ca bị điệu về bãi bắn...).

- Lor-ca sống hết mình với nghệ thuật, chủ trương đổi mới, cách tân thơ ca theo trường phái tượng trưng, siêu thực. Nhưng đó là một cuộc hành trình khó khăn, đơn độc vì đương thời không mấy ai hiểu và ủng hộ (đi lang thang về miền đơn độc / với vầng trăng chếnh choáng / trên yên ngựa mỏi mòn...).

- Lor-ca có tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, yêu tự do. Ông rất ham sống nhưng số phận bắt phải chết. Tuy vậy, thi sĩ vẫn thản nhiên trước cái chết (Tây Ban Nha / hát nghêu ngao (...) chàng đi như người mộng du (...) tiếng ghi ta lá xanh biết mấy...).

- Lor-ca có người yêu và dùng cây đàn ghi ta để ca ngợi vẻ đẹp của nàng, ca ngợi tình yêu và tự do nhưng số phận bi thảm đã chia cắt tình duyên của họ (tiếng ghi ta nâu / bầu trời cô gái ấy / tiếng ghi ta lá xanh biết mấy / tiếng ghi tròn bọt nước vỡ tan / tiếng ghi ta ròng ròng / máu chảy...).

- Nghệ thuật: bài thơ có nhiều hình ảnh tượng trưng, siêu thực, sáng tạo nhiều cách diễn đạt mới; nhiều biện pháp tu từ: ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ; tạo không khí Tây Ban Nha, kết hợp hài hòa thơ ca nhạc họa. Thanh Thảo đã sử dụng thành công thể thơ tự do để ngợi ca P. G. Lor-ca - biểu tượng của sự đấu tranh cho tự do trong nghệ thuật.

Câu III b.

- Nhà văn Nam Cao theo quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Ông thường khắc họa tình cảm con người trong những hoàn cảnh khó khăn, cay nghiệt. Chỉ qua những chi tiết nghệ thuật rất giản đơn chân thực như "bát cháo hành" của thị Nở (Chí Phèo) hoặc "ấm nước đầy và nước hãy còn ấm" của Từ (Đời thừa), ta có thể thấy được điều đó.

- Chí Phèo là nông dân bị tha hóa. Sau đêm ăn nằm với Chí, thị Nở đã nấu cho anh ta "bát cháo hành". Chí cảm động húp cháo vừa suy nghĩ về những giá trị của cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Chí muốn bỏ nghề đâm thuê chém mướn để thị Nở dẫn dắt vào "cái xã hội bằng phẳng, thân thiện". "Bát cháo hành" là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, có nhiều ý nghĩa: giúp Chí khỏi bệnh, cho thấy tình thương yêu của thị Nở và khơi dậy bản tính thiện của "con quỷ dữ" làng Vũ Đại.

- Văn sĩ Hộ mang bi kịch nội tâm do có hoài bão lớn nhưng bị cuộc sống áo cơm ghì sát đất. Có lần Hộ uống rượu say, đánh đuổi vợ con ra khỏi nhà nhưng sáng hôm sau, ngạc nhiên khi thấy Từ vẫn dành cho anh ta "ấm nước đầy và nước hãy còn ấm". Chi tiết này cho thấy Từ vẫn có tình yêu thương Hộ, nhẫn nhịn, sẵn sàng bỏ qua những hành động vũ phu của chồng. Nó đã làm cho Hộ cảm động, "khóc to hơn", xin lỗi vợ để rồi cảm thấy cần phải đối xử tốt hơn nữa với người thân.

- Hai tác phẩm viết về hai đề tài khác nhau: nông dân và trí thức nghèo. Ở tầng lớp nào cũng có những con người bị tha hóa do cuộc sống nghiệt ngã đưa đẩy. Nhưng điều đáng quý là con người có thể vịn đứng dậy nếu có người khác quan tâm giúp đỡ. Dù chỉ là những cử chỉ nhỏ nhoi nhất vẫn có thể đánh động những tình cảm lớn lao nhất trong mỗi con người. Nam Cao đã thành công trong việc dùng các chi tiết đắt để khắc họa triết lý đó.

 

Tiến sĩ PHẠM NGỌC HIỀN

(Khoa Ngữ văn - ĐH Văn Hiến)

 

Bài giải này đã đăng trên báo Tuổi trẻ ra ngày 10 - 7 - 2010

 


Phamngochien.com - 11:03 - 10/07/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận