Ngày 14/01/2021, Tiến sỹ Nguyễn Huy Việt có đăng tóm tắt bài “Lục bát Kiều đồng cỡ”. Ông nêu ra khái niệm "cỡ" của từ và của câu Kiều như sau:

Từ tiếng Việt có 7 cỡ khác nhau từ 1 đến 7. Các từ có cở nhỏ nhất bằng 1, như các từ a, ả, ý …, hay viết in cũng vậy, như: A, Ý... Từ tiếng Việt có nghĩa duy nhất, có cỡ lớn nhất bằng 7 là từ nghiêng.

Định nghĩa cỡ của câu: Cỡ của một câu Kiều là một dãy số gồm lần lượt là cỡ của các từ trong câu. Thí dụ, cỡ của hai câu Kiều đầu tiên là: 435352 và 33344244. Ta cũng nói, đây là cỡ của câu lục đầu tiên và của câu bát đầu tiên trong Truyện Kiều, và thể hiện như cách viết sau đây:

    1. Trăm năm trong cõi người ta  435352
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau  33344244

Những câu Kiều có cùng một cỡ như nhau được gọi là đồng cỡ. Thí dụ:

  1. Sắc đành đòi một, tài đành họa hai  34333433
  2. Một mình thì chớ hai tình thì sao      34333433

là hai câu bát đồng cỡ:     34333433.

  1. Gần xa nô nức yến anh 322333
  2. Thệ sư kể hết mọi lời    322333

là hai câu lục đồng cỡ:     322333.

     Ông Tiến sỹ đã khảo sát và thống kê: Có tất cả 280 nhóm câu lục đồng cỡ khác nhau với 807 câu lục đồng cỡ và có tất cả 75 nhóm câu bát đồng cỡ khác nhau với 161 câu bát đồng cỡ. Và như vậy, tính chung, trong 3254 câu Kiều có tới 355 nhóm đồng cỡ khác nhau với 968 câu Kiều đồng cỡ. Trong đó ông đã công bố 350 nhóm đồng cỡ và giữ kín 5 nhóm làm 5 nhóm đồng cỡ bí ẩn khác nhau để nêu ra hai câu đố có thưởng dành cho bạn đọc:

Giải thưởng thứ nhất

Giải này 6 triệu đồng, tác giả dành tặng cho người đầu tiên tìm được ba nhóm bí ẩn ký hiệu A153, H58 và H59 gồm 2 câu lục và 4 câu bát đồng cỡ bí ẩn.

Giải thưởng thứ hai

Giải này, cũng 6 triệu đồng, tác giả dành tặng cho người đầu tiên tìm được hai nhóm bí ẩn ký hiệu C21 và I9 bao gồm 4 câu lục và 3 câu bát đồng cỡ.

Đọc bài viết của ông, tôi rất khâm phục các sáng tạo về nghiên cứu Truyện Kiều (TK) như: 70 Kỷ lục mới phát hiện trong TK; Lục bát Kiều đồng cốt; 200 câu hỏi, đố về Kiều; và bây giờ lại Lục bát Kiều đồng cở. Nghiên cứu, sáng tạo của Ông Tiến sỹ toán học về TK ngày càng cuốn hút những người yêu mến TK. Tôi nghĩ rằng lại có dịp giao lưu với ông và đặc biệt hứng thú với phát minh mới của ông và tôi lại lao vào “cuộc chơi” đầy mới lạ này. Hai giải thưởng của ông không hề nhỏ (điều đó nói lên sự khó khăn của cuộc chơi này) và lại càng thúc dục tôi bắt tay ngay vào công cuộc tìm ẩn số.

 Tôi biết rằng, để có kết quả này ông đã tìm tòi, nghiên cứu trong một thời gian dài, công sức bỏ ra không phải là nhỏ. Giải được các câu đố để nhận phần thưởng của Ông là một việc hầu như không tưởng. Nhưng vì ngưỡng mộ ông cọng với lòng yêu mến TK tôi đã xác định, biết đến đâu làm đến đó và nếu khó quá thì sẽ ngừng cuộc chơi, vì dẫu sao đây cũng là cuộc phiêu lưu tự nguyện.

Đầu tiên phải xác định rằng, muốn tìm được 13 câu Kiều bí ẩn (bao gồm cả 2 câu đố) thì phải biết được độ dài chi tiết của 22.778 từ trong 3.254 câu Kiều. Cần phải chia các câu trong TK thành 2 loại, câu 6 từ và câu 8 từ, tức là câu lục và câu bát. Viết ra, đếm độ dài từng từ và cọng lại thành độ dài của từng câu. Đây là công việc hoàn toàn bằng thủ công, đơn giản nhưng rối rắm, không được phép nhầm lẫn vì chỉ cần thiếu (hoặc thừa) một chữ cái trong một từ thì kết quả có thể đã khác biệt rồi. Tôi đã miệt mài chép, đếm trong khoảng 4 tuần và viết đến 70 trang A4.

Khi đã có kết quả phần 1, tiếp theo là phải xếp các câu cùng độ dài với nhau. Các câu lục trong TK có 17 độ dài khác nhau (độ dài câu ngắn nhất là 13, câu dài nhất là 29). Câu bát có 18 độ dài khác nhau (độ dài câu ngắn nhất là 19, câu dài nhất là 36). Việc xếp các câu cùng độ dài phải nhờ đến phần mềm Microsoft Word và Exel. Và với 2 tuần ròng rã, các câu cùng độ dài cũng được xếp xong với 70 trang A4.

Sau khi có kết quả phần 2, vấn đề tiếp theo là trong các câu cùng độ dài tìm ra các câu đồng cỡ. Việc tìm ra các câu đồng cỡ cũng nhờ đến phần mềm Microsoft Word và Exel. Trong thời gian khoảng 1 tuần và viết thêm đến 50 trang A4 nữa, các câu đồng cỡ cũng đã được sắp xếp lại. Rất may mắn là kết quả tôi tìm ra  không khác nhiều so với kết quả ông Nguyễn Huy Việt đã công bố. Có một số chênh lệch rất nhỏ theo tôi nghĩ là do cuốn Truyện Kiều tôi dùng và cuốn ông Việt dùng là 2 bản khác nhau, có 1 số từ khác nhau mà thôi. Cụ thể, ông Việt còn cho biết là khi viết bài "Lục bát Kiều đồng cở" thì ông dựa vào cuốn Truyện Kiều ấn bản kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du của Hội Kiều Học, nhưng có sửa đổi một số từ như ông có nói tới trong sách “70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều và một số thống kê, Nhà xuất bản Thanh niên, 9/2020" và một số nữa như ông viết trong bài "Về một số từ trong Truyện Kiều của Hội Kiều Học đăng trên trang Website của Hội Kiều học Việt Nam.

 Vấn đề cuối cùng là tìm ra 7 câu Kiều (5 nhóm trong hơn 355 nhóm) bí ẩn. Đây là công việc khó khăn nhất, vì tìm ra 1 câu trong hàng trăm câu không phải là chuyện dễ dàng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và nhận ra rằng, câu thứ 2 dễ hơn câu thứ nhất, vì chỉ cần tìm 2 nhóm câu trong 32 nhóm câu là được. Tôi đã thực hiện như sau: 

Câu 2:

Trước tiên tôi cọng số thứ tự của 23 nhóm đồng cỡ 4 câu lục của tôi tìm ra (của ông Việt là 21) gọi nôm na là X1, X2, X...X23. Tiếp tục cọng số thứ tự của 9 nhóm đồng cỡ 3 câu của câu lục của tôi tìm ra (của ông Việt cũng là 9) gọi nôm na là Y1, Y2,... Y9. Tôi lần lượt lấy tổng 12.978 từ đi Y1, Y2,... Y9  đến khi hiệu số bằng 1 số X nào đó thì chính là tổng của cặp cần tìm.

Câu 1:

Câu 1 khó hơn câu 2 rất nhiều do phải tìm 1 nhóm đồng cỡ 2 câu lục trong 162 nhóm đồng cỡ tôi tìm ra và 2 nhóm đồng cỡ 2 câu bát trong 73 nhóm tôi tìm ra trong khi đó ông Việt chỉ cho tổng các số thứ tự của 6 câu Kiều cần tìm ấy là 12.800. Tức là X+Y+Z =12.800, 3 ẩn số mà mỗi ẩn số lại có 2 số khác nhau cọng lại. Thật là khó và phương pháp duy nhất là loại trừ như ở câu 2. 

Trước tiên tôi cọng số thứ tự của 162 nhóm đồng cỡ 2 câu lục của tôi tìm ra (của ông Việt là 153) gọi nôm na là X1, X2, X...X162. Tiếp tục cọng số thứ tự của 73 nhóm đồng cỡ 2 câu bát của tôi tìm ra (của ông Việt là 65) gọi nôm na là Y1, Y2, …, Y73. Tôi lần lượt lấy 12.800 từ đi Y1, Y2,... đến khi hiệu số bằng 1 số X nào đó thì chính là cặp cần tìm. Vấn đề ở đây Y lại là 2 số tạm gọi là Ys và Z. Trong 73 nhóm đó nếu muốn kết hợp với nhau mà không trùng lặp thì cần đến 2.628 phương án. Tính đến đây thì tôi nản quá, muốn đầu hàng rồi.

Rất may là được sự gợi ý của ông Việt, tôi chờ quyển sách của ông ra đời để loại trừ 955 câu đồng “cở” mà ông đã công bố, còn lại sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ở đây tôi chỉ quan tâm đến 65 nhóm câu bát của ông tức là chỉ 130 câu thôi. Sau khi loại trừ 130 câu bát tôi chỉ còn lại 15 cặp câu bát (tức 105 phương án kết hợp Ys và Z mà không trùng lặp) và tôi đã dễ dàng tìm ra 5 đáp án cho câu 1. Tuy vậy, vẫn phải nhờ đến cuốn sách của ông Việt để loại đi 4 đáp án có câu lục trùng với những câu ông đã nêu và trích dẫn trong cuốn sách. Như vậy, cuối cùng tôi đã tìm ra được đáp án là:

Câu 1:

A153.

  1. Vực nàng vào chốn hiên tây           343443
  2. Đạo trời báo phục chỉn ghê           343443

H58.

  1. Dưới dày có đất trên cao có trời           43234324
  2. Càng yêu vì nết càng say vì tình           43234324

H59.

  1. Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày 34423453
  2. Hỏi nàng nàng đã bán mình chuộc cha 34423453

Câu 2:

C21.

  1. Sớm đào tối mận lân la           333332
  2. Làm cho cho mệt cho mê        333332
  3. Kẻo khi sấm sét bất kỳ           333332
  4. Bảo cho hội hợp chi kỳ           333332

I9.

  1. Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa 33343333
  2. 1 Nào lời non nước nào lời sắt son    33343333
  3. Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy    33343333

Bàn Thêm

    Khi nhận cuốn sách được tặng, tôi thấy trong phần "Lục bát Kiều đồng cở" với chữ "cở" mang dấu hỏi. Tác giả có trao đổi với tôi rằng, đó chỉ là cái tên gọi, dùng trong định nghĩa. Có thể dùng các từ đồng cớ, đồng cơ, đồng cờ hay đồng cỡ thì đều được và đều có nghĩa cả. Tác giả đã định nghĩa và dùng khái niệm "đồng cở" cho có ấn tượng và sắc thái riêng, với nghĩa của từ cở như từ cỡ tiếng phổ thông, phát âm như miền Trung và miền Nam vậy.

     Lại nữa, ở cuối sách, tác giả có nêu ra "Một phát hiện đặc biệt thú vị là Truyện Kiều không hề có bất kỳ hai cặp lục bát nào đồng cở với nhau". Nghĩa là không hề có hai cặp lục bát Kiều nào mà đồng thời có các câu lục và các câu bát tương ứng đồng cở với nhau. Tôi nghĩ, đây là một điều kỳ diệu của Truyện Kiều. Nhưng liệu có ai có đủ thời gian và kiên nhẫn để lần giở văn bản Kiều mà kiểm chứng và thực sự khẳng định lại được điều này hay không? Chính tác giả nói rằng, ông có một chứng minh cho điều này trong dạng tường minh, nhưng dài đến hơn bốn trăm trang. Liệu có ai có một chứng minh tường minh khác ngắn hơn, hay dài hơn cũng được, hay không?

     Rất cám ơn Tiến Sỹ Nguyễn Huy Việt đã tạo cho tôi một việc làm đầy bổ ích và hứng thú./.

Nguyễn Trí Tuệ Hội Kiều học Nghệ An

Điện thoại: 0977 026 515 - Email: tritue37@gmail.com