100 câu hỏi lý thuyết môn Văn (ôn thi TN THPT và thi vào ĐH, CĐ)

 

Tháng 5 - 2010, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM và công ty sách Thành Nghĩa ra mắt cuốn "100 câu hỏi lý thuyết môn văn" (ôn thi tốt nghiệp THPT, luyện thi CĐ, Đại học) của TS. Phạm Ngọc Hiền. Đây là cuốn sách đầu tiên trên thị trường sách tham khảo Việt Nam chuyên về phần lý thuyết môn Văn. Lâu nay, ta chỉ thấy các cuốn sách Để học tốt văn, Cách giải các đề thi làm văn nghị luận... nhưng chưa có cuốn nào hướng dẫn làm phần lý thuyết. Cuốn "100 câu hỏi lý thuyết môn văn" gồm hai phần: Câu hỏi lý thuyết và hướng dẫn làm bài. Nội dung bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12. Nội dung cuốn sách được trình một cách khoa học, hợp logic, mang tính sư phạm cao. Tác giả cuốn sách đã từng có kinh nghiệm dạy THPT và hiện nay dạy bậc Đại học phần văn học Việt Nam hiện đại (trùng với phần học sinh 12 thi TN THPT và Đại học). Sách có bán ở các siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ và các hiệu sách khác trên toàn quốc. Sau đây là một số câu hỏi và đáp án trích ra từ cuốn sách:

 

Câu 3: Hãy nêu các đặc điểm cơ bản của văn học cách mạng Việt Nam 1945 - 1975.

    Văn học cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 có những đặc điểm cơ bản sau:

   1. Văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Nền văn học mới hình thành cùng với sự ra đời của chế độ cách mạng. Những chặng đường của văn học gắn liền với những chặng đường lịch sử. Nhà văn cũng đồng thời là chiến sĩ, dùng ngòi bút để phục vụ cách mạng. Hiện thực lịch sử dân tộc trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các văn nghệ sĩ. Văn học xoay quanh hai đề tài cơ bản: bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH. Nhân vật trung tâm là người lính và con người mới trong lao động sản xuất, gắn bó đời mình với cách mạng.

     2. Nền văn học hướng về đại chúng. Quần chúng nhân dân là đối tượng phản ánh của văn học. Nhà văn quan tâm miêu tả những đau khổ của người dân nghèo dưới chế độ cũ, cho thấy khát vọng vươn lên của họ và sự đổi đời nhờ cách mạng. Những tập thể quần chúng công - nông được miêu tả đẹp đẽ, tượng trưng cho sức mạnh của thời đại. Nhà văn có thái độ trân trọng, ngợi ca nhân dân và học hỏi nguồn văn hóa dân gian để tạo ra những tác phẩm trong sáng, dễ hiểu để phục vụ nhân dân. Từ phong trào quần chúng xuất hiện những nhà văn tài năng bổ sung đội ngũ nhà văn cách mạng, góp phần xây dựng một nền văn nghệ nhân dân.

     3. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi: Phản ánh những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, đó là công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Tác giả nhìn nhận mọi vấn đề trên lập trường chung của cộng đồng. Nhân vật thường mang phẩm chất anh hùng, đại diện cho sức mạnh và vẻ đẹp dân tộc. Ngôn ngữ mang phong cách cao cả, trang trọng, giọng điệu ngợi ca hào hùng. Cảm hứng lãng mạn: Miêu tả cuộc sống lý tưởng, con người đẹp đẽ, yêu thương, vui tươi. Dẫu còn gian khó nhưng vẫn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Giọng thơ tin yêu, đôn hậu, trữ tình thắm thiết. Hình tượng thơ giàu màu sắc sinh động, bay bổng, tự do.

Câu 10: Theo anh (chị), trong phần mở đầu Tuyên ngôn độc lập, việc Hồ Chí Minh trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp có ý nghĩa gì ?

Các bản tuyên ngôn thường mở đầu bằng phần xác lập cơ sở pháp lý làm tiền đề vững chắc cho các lập luận của tác giả ở các phần tiếp theo. Ở phần mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp với các mục đích sau:

Đó là các tuyên ngôn bất hủ, nổi tiếng được cả loài người thừa nhận. Qua đó tranh luận ngầm với Pháp và Mỹ rằng, chính tổ tiên họ đã vạch ra các chân lý đó nên nếu họ xâm lược Việt Nam thì vi phạm các điều ước của tổ tiên mình.

Cuộc Cách mạng tháng Tám đã cùng một lúc giải quyết xong cả hai nhiệm vụ: giải phóng dân tộc (như cách mạng Mỹ) và thiết lập chế độ dân chủ (như cách mạng Pháp) nên lấy hai bản tuyên ngôn này làm tiền đề là hợp lý.

Đặt bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam lên ngang hàng với hai bản tuyên ngôn của hai nước lớn trên thế giới cũng có nghĩa là khẳng định tư thế độc lập ngang hàng với các nước khác. Từ tuyên ngôn độc lập của một nước, tác giả muốn suy rộng ra quyền độc lập của tất cả các nước khác.

Câu 55: Hãy nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của M. Sô - lô - khốp.

M. Sô - lô - khốp (1905 - 1984), xuất thân trong một gia đình nông dân quê ở tỉnh Rô - xtốp (sông Đông). Thời thanh niên, ông tham gia chính quyền cách mạng tại địa phương. Năm 1922, ông đến Mát - xcơ - va làm nhiều nghề kiếm sống rồi trở về quê hương. Trong Đại chiến II, ông là phóng viên chiến trường. Sau chiến tranh, ông tham gia lãnh đạo chính quyền Xô - viết địa phương, được bầu làm Đại biểu Xô viết tối cao, được phong anh hùng lao động Liên Xô.

M. Sô - lô - khốp thường viết về vùng quê sông Đông và những lĩnh vực mà ông từng trải nghiệm. Nhà văn không ngại lột tả những sự thực gai góc trong cuộc sống, những điều cay đắng của chiến tranh. Văn xuôi của ông mang đậm tính sử thi, nghệ thuật phân tích tâm lý sắc sảo. Tác phẩm tiêu biểu: Truyện sông Đông, Đất vỡ hoang, Số phận con người, Họ chiến đấu vì Tổ quốc... Ông được nhận giải thưởng Nô - ben văn học năm 1965 với bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm.

Câu 78: Hãy chỉ ra sự khác nhau về cách nhìn đời của hai nhà văn Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam thông qua hai tác phẩm Số đỏ và Hai đứa trẻ.

Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945. Các nhà văn theo xu hướng này chủ trương vạch trần "sự thực ở đời", đó là bộ mặt xấu xa, giả dối "khốn nạn", "chó điểu" của xã hội đương thời. Dưới con mắt của Vũ Trọng Phụng, tất cả xã hội thượng lưu trong tiểu thuyết Số đỏ đều xấu xa, giả tạo. Ngay cả những chỗ đáng ra phải được trang nghiêm nhất như đám tang của cụ cố tổ mà cũng đầy rẫy sự nhố nhăng. Tác giả đã phê phán nó bằng giọng văn trào phúng, sâu cay.

Thạch Lam là một trong những nhà văn tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, một tổ chức văn học theo khuynh hướng lãng mạn nổi tiếng đương thời. Những nhà văn theo xu hướng này thường miêu tả cuộc sống thi vị nên thơ, chuyên khai thác đời sống tình cảm con người. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã miêu tả khung cảnh một phố huyện tẻ nhạt, hiu hắt buồn dưới con mắt của hai chị em Liên - những đứa trẻ mới lớn luôn khao khát những khung trời mới lạ. Tác giả có cái nhìn trìu mến, yêu thương nhân vật, giọng văn trữ tình, giàu chất thơ.

Câu 93: Theo anh (chị), những yếu tố nào trong cuộc đời Hàn Mặc Tử có thể giúp ta hiểu sâu sắc thêm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ ?

Trước hết, Hàn Mặc Tử từng học trung học ở Huế nên ông am hiểu vẻ đẹp con người và phong cảnh thôn Vỹ, sông Hương... Cũng ở đây, có một cô gái mà ông đem lòng thầm yêu trộn nhớ là Hoàng Cúc. Họ quen biết nhau từ thời cha cô đưa gia đình vào Quy Nhơn làm ở Sở đạc điền, cùng chỗ làm với Hàn Mặc Tử. Khi Tử vào Sài Gòn làm báo thì Hoàng Cúc theo gia đình về Huế. Sau này biết Tử trở về Quy Nhơn, cô gửi tặng một tấm hình chụp cảnh sông nước Vỹ Dạ. Cảm tấm lòng của Hoàng Cúc nhưng mặc cảm vì mắc bệnh nan y nên Tử đã làm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ (năm 1938). Tác phẩm bày tỏ sự yêu thương trân trọng tình cảm của người con gái nhưng có chút hoài nghi và khéo léo khước từ lời mời của người yêu vì hoàn cảnh đặc biệt. Bài thơ cho thấy tình yêu trong sáng, cao thượng, tấm lòng thiết tha gắn với đời và bi kịch của nhà thơ.

 

 

 

 

 



Phamngochien.com - 21:47 - 29/05/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận