Mấy cảm nghĩ về nhạc & thơ (Phan Thanh Tâm - Cà Mau)

 

Ai cũng biết nhạc và thơ có những đặc tính giống nhau, nên có người nói trong thơ có nhạc trong nhạc có thơ, vì nhạc có tiết tấu và nhịp điệu thì thơ cũng có nhịp điệu và tiết tấu. Về thể loại biểu đạt thì nhạc có nhiều thể loại như nhạc Bolero, nhạc Vàng, nhạc Dân ca.v.v…; về nhịp điệu thì nhạc có nhịp 2/4, 3/4, 4/4, 6/8.v.v…Ở thơ cũng có nhiều thể loại biểu đạt như thơ lục bát, thơ đường, thơ bốn năm chữ đến bảy tám chữ.v.v…; và ở mỗi thể loại thì thơ cũng có nhịp 2,3,4… 

Tiết tấu âm nhạc là cách sắp xếp chuỗi âm thanh ngắn dài khác nhau, tạo thành từng nhóm lớn nhỏ theo ý đồ của người soạn nhạc; tương tự thì tiết tấu thơ là sự sắp xếp các từ ngữ theo chuỗi câu ngắn dài và nhóm đoạn theo ý tình của nhà thơ. Nhịp của âm nhạc được xác định trường độ trong một trường canh và lặp lại đều đặn theo chu kỳ thời gian; tương tự thì nhịp thơ cũng ngắt đi ngắt lại trong câu thơ, bài thơ theo thể tuần hoàn ở thơ có vần. 

Để gây hưng phấn và lạ tai thì trong âm nhạc có nhiều thủ thuật, trong đó có biến tấu bất thường, nghịch phách hay đảo phách; tương tự ở thơ, để diễn đạt sự trắc trở, mạnh mẽ hay tâm trạng thất thường thì người ta chuyển nhịp chẵn của thơ sang nhịp lẻ 3/3, 3/5, 1/5… 

Ở âm nhạc thì chia nhịp phách trong trường canh để ngắt nhịp cho đúng, rồi ký âm các nốt nhạc dài ngắn theo giá trị tương đồng; những nốt ấy đi với ca từ đơn lẻ hay một nhóm ca từ có ý nghĩa để tạo nên cảm xúc cho người nghe. Ở thể thơ thì cũng dựa vào từ đơn và nhóm từ có ý nghĩa để ngắt nhịp. 

Nhìn chung âm nhạc và thơ thuộc nghệ thuật thính giác, chỉ khác về hình thức biểu đạt cảm xúc. Khi một chuỗi âm thanh kéo daì hoặc một chuỗi từ ngữ thơ nối tiếp, mà không có tiết tấu và nhịp điệu để  chuỗi âm thanh và chuỗi từ ngữ đó trở thành dạng hình sóng như nhịp đập con tim, thì các chuỗi ấy không tạo ra cảm xúc cho người nghe. 

Những người làm nghệ thuật thì giống nhau về tính chất chung, nhưng khác nhau về lãnh vực và nghề nghiệp. Một anh làm âm nhạc thì luôn có tâm trạng hướng nội và hướng ngoại. Anh ta suy tư trăn trở về thế sự tình đời, rồi ôm đàn khải những nốt khởi âm để mong tìm hứng thú trong sáng tác âm nhạc. Cái lợi của anh nhạc sĩ là có nhạc cụ nên dễ gây cảm hứng khi sáng tác. Lúc hoàn thành một bản nhạc như ý, anh ta mong muốn phát hành nó ra công chúng yêu nhạc. Nếu lần đầu công bố tác phẩm thì cũng không dễ dàng. Anh ta tất bật tìm kiếm nhà quảng cáo, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc.vv… Mọi thứ đều phải bỏ công sức và tiền túi, trừ nhạc của anh quá hay thì anh ta chỉ việc ngồi nhà, vì mọi thứ đều có người khác lo. Còn anh nhà thơ thì cũng không khác gì, anh ta cũng trăn trở suy tư chuyện tình chuyện đời, chuyện trên trời dưới biển để mong sáng tác ra bài thơ cho thật hay. Anh ta không có nhạc cụ nhưng anh ta có “nhạc lòng”, một thứ âm nhạc trời phú cho anh ta. Những lúc vui buồn thế sự thì giai điệu thơ, tiết tấu thơ và nhịp điệu thơ có từ trong cõi vô thức vô hình nào đó, nó lại vang lên trong tâm hồn anh ta, khiến cho trái tim anh ta đập khác thường, rồi thì anh ta gõ “đàn lòng” với nhịp chữ tuôn trào. Đến khi có nhiều tác phẩm tuyệt hảo, anh ta cũng chạy lăng xăng để phát hành tác phẩm như anh nhạc sĩ. 

Về phương diện sáng tác của anh nhạc sĩ như nói ở trên, thì anh ta còn chọn thể loại, điệu thức, tiết tấu, nhịp điệu….rồi ký âm nó thành một chuỗi âm thanh ngắn dài, cao thấp để tạo giai điệu cảm xúc   cùng lời ca, nhằm biểu đạt tình ý của tác giả. Như vậy để sáng tác một bản nhạc thì cần nhiều công đoạn và kỹ thuật tối thiểu mà người sáng tác cần phải có. Còn ở anh làm thơ thì cũng có cái tương tự để sáng tác ra một bài thơ, là chọn hình thức thể loại cho phù hợp với tình ý biểu đạt của mình. 

Trong âm nhạc có năm dòng kẻ để ký âm nốt nhạc, trong tâm hồn nhà thơ cũng có những dòng kẻ vô hình như thế, để ghi lại nhịp sống buồn vui bằng những nốt ngôn từ, mà tâm hồn nhà thơ đã cảm thụ nó ra sao. Thanh điệu, nhịp điệu và tiết tấu của một bài thơ, sẽ giống một giai điệu nhạc là đi từ thư thả đến cao trào, từ dịu dàng đến sôi nổi… 

Về phương cách sáng tác thì âm nhạc thường có bốn cách. Một là, soạn giai điệu rồi viết lời sau; hai là, soạn lời trước rồi viết giai điệu; ba là, soạn giai điệu và lời cùng một lúc; bốn là, mượn thơ phổ nhạc. Tương tự thì thơ có ba cách, một là, sáng tác ngẫu hứng; hai là, chọn tiêu đề rồi lập dàn ý; ba là, mượn tác phẩm văn học để phóng tác. 

Về cấp độ văn học thì “ca từ” so với “thi từ” thì cái nào văn chương hơn ? 

Xin gợi mấy điều ra đây: 

Ở dòng Nhạc sang, ca từ thường viết lưu loát và có nhiều ẩn dụ. Lời được viết theo thể văn xuôi hay văn vần thì nghe rất thơ, sâu sắc và tình cảm. Khi tách ca từ ra khỏi giai điệu nhạc, thì có rất nhiều ca từ đẹp tựa một bài thơ, như một số bài và lời nhạc của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên cũng có số bài nhạc khác, khi tách lời thì ca từ trở nên rời rạc, thiếu cảm xúc. 

Ở dòng Nhạc Bolero, ca từ thường viết dung dị như lời nói thông thường, ít bóng bẩy văn chương; có thể giai điệu và lời nhạc của thể loại Bolero, nghe gần khớp với độ dài lời nói cửa miệng của người bình dân chăng? Riêng nhạc Bolero của Trần Thiện Thanh thì phần lớn lời nhạc của ông được viết theo lối hoa mỹ. 

Âm nhạc có ca từ và không ca từ. Loại có ca từ thường là nhạc phổ thông, vì vậy âm nhạc là một tổng hòa âm thanh có lời ca. Nhờ giai điệu dẫn dắt, người ca sĩ mới thể hiện được cung bậc tình cảm mà tác giả đã gửi vào đó. Nhờ vậy, ca từ có “khiếm khuyết” thì được khỏa lấp và bù khuyết bằng âm thanh nhạc cụ, trong đó phải kể đến công của nhạc sĩ hòa âm. 

Nhạc sĩ cũng có nhiều loại, anh chuyên về sáng tác, anh chuyên về hòa âm phối khí.v.v…Ngoài sáng tác thì anh nhạc sĩ có khiếu văn chương, sẽ dễ dàng viết lời hơn anh nhạc sĩ không có khiếu; vì vậy mà có nhạc sĩ sau khi sáng tác, thì đi nhờ bạn bè hiểu biết thơ văn đặt lời. So nhạc sĩ với nhà thơ thì ông nhạc sĩ kiêm nhiệm nhiều thứ như vừa biết đàn, vừa biết sáng tác và vừa viết lời, đôi khi còn phối âm cho bản nhạc của mình. Anh nhà thơ thì chỉ có nhiệm vụ là sáng tác ra bài thơ sao cho thật hay. Anh nhà thơ mạnh về sự cô đọng và lạ hóa ngôn từ. Anh nhạc sĩ thì mạnh về cấu trúc âm thanh. 

Ngôn ngữ thơ ví như thứ gỗ quý không bị sơn phết; ca từ cũng là gỗ quý, nhưng được sơn phết bằng kỹ thuật âm thanh và giọng ca điêu luyện. Khi gặp bài thơ tuyệt hảo thì cho 100 điểm; khi gặp bài nhạc hay thì cho ca từ và giai điệu là 70, hòa âm là 30. 

Về ngẫu hứng thì thơ và nhạc đều ngẫu hưng. Như thấy cô em bán cà phê xinh đẹp, thì nổi hứng làm bậy mấy câu thơ tặng nàng để lấy lòng. Anh viết nhạc thì sáng tác tốc hành một bài nhạc để ca ngợi vẻ đẹp cuốn hút của cô nàng. Biết đâu một trong hai sẽ nổi tiếng vì những chuyện như vậy. 

Một nhà thơ ở tuổi hai mươi, anh ta lúc nào cũng cao hứng, thì một đời anh ta sẽ có vài ngàn bài thơ là chuyện nhỏ, nhưng ông nhạc sĩ thì không thể. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông sáng tác được sáu bảy trăm bài là hiếm ở thời của ông và cho đến bây giờ. Tất nhiên thơ – nhạc đều có giới hạn về sự hay dở trong tổng số bài sáng tác. 

Những điều ở trên không hoàn toàn là đúng. Xin nói ra ít nhiều mối tương quan, giữa nhạc và thơ là ra sao theo cảm nghĩ cá nhân. Tất nhiên còn rất nhiều sai sót mong được lượng thứ./. 

(Ngày 1.5.2020al) 

Phan Thanh Tâm – Cà Mau

Thu Cao - (vào lúc: 02:08 - 08-10-2022)
Hay vậy anh! Chuẩn đấy chứ!

Phamngochien.com - 19:42 - 06/07/2020 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận