"Ẩm thực vỉa hè" - nét văn hóa đặc sắc của thị dân Sài Gòn (Lưu Thị Thắm)

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Văn hóa ẩm thực là một đề tài tuy cũ nhưng nó luôn thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý từ phía các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư và đặc biệt là những người yêu ẩm thực.

Vậy văn hóa ẩm thực là gì?

Đó chính là những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đươc thể hiên gián tiếp qua các món ăn. Khi ta ăn một món ăn nào đó, chúng ta không chỉ đơn thuần là ăn một món ăn, mà đó chính là lúc chúng ta đang có cơ hội được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực. Sự tỉ mỉ, tinh tế, được gửi trọn trong từng món ăn mà người bán mong muốn gửi đến khách hàng của mình. Không những mong họ ăn ngon miệng mà cỏn mong họ hiểu được đằng sau mỗi món ăn chính là sự tận tụy, nhiệt tâm, là những giá trị văn hóa cao đẹp, lâu đời cần được gìn giữ và phát huy.

Văn hóa ẩm thực Sài Gòn _ có thể nói _ đó chính là văn hóa hàng rong. Nhiều du khách nước ngoài sang Việt Nam họ rất ấn tượng với một nét chấm phá của Sài thành đó là " ẩm thực vỉa hè ".

Đã từ lâu rồi, ăn vặt dường như đã trở thành một nét riêng, một nét rất đặc sắc của Sài Gòn. Đến nỗi bạn bè tôi thường nói vui rằng, "Đi du lịch ở Sài Gòn mà không đi ăn vặt thì coi như chuyến đi của bạn chỉ thành công một nửa!"

Nếu như Hà Nội có 36 phố phường, mỗi con phố là nơi chuyên bán về một sản phẩm nào đó. Thì Sài Gòn cũng có những con đường, mà chỉ cần nhắc tới tên thôi, thì người ta cũng có thể biết con đường đó nổi tiếng với món ăn gì. Như vậy thôi, cũng đủ để thấy bản đồ ẩm thực vìa hè Sài Gòn phong phú và đa dạng như thế nào.

Ẩm thực là một vấn đề tế nhị,vì đó  không chỉ là món ăn mà còn là sự đại diện cho văn hóa vùng miền. Vì vậy, đây luôn là một đề tài có sức lôi cuốn đối với  bất cứ ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về chúng.

Ẩm thực vỉa hè, xét ở phạm vi hẹp hơn, đây cũng là một vấn đề đã được đưa ra bàn tán, thảo luận rất nhiều. Nhưng thực tế thì chúng ta vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào cho sự phát triển của những gánh hàng rong.

Trước vấn đề thực tế này, bằng việc tìm hiểu về những khu vực tập trung bán hàng vỉa hè  trong thành phố và thăm dò ý kiến, nguyên vọng của những người bán hàng. Qua bài viết này, tôi mong muốn được đưa ra một vài ý kiến và giải pháp cho sự phát triển của những gánh hàng rong trong tương lai.

2. Phạm vi nghiên cứu

Một số khu vực " Ẩm thực vỉa hè" ở trung tâm Tp. Hồ Chí Minh.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đây là một vấn đề thực tế, cụ thể, do đó phương pháp nghiên cứu của tôi là nghiên cứu thực địa. Thực hiện khảo sát tại các khu phố, các con đường có bán hàng rong. Và từ đó đưa ra những đánh giá, kết luận, dựa trên cơ sở đó để đưa ra những giải pháp cho sự phát triển của những gánh hàng rong.

PHẦN NỘI DUNG

I. CƠ SỞ HÌNH THÀNH CÁC KHU " ẨM THỰC VỈA HÈ"

Những khu ẩm thực vỉa hè trong trung tâm thành phố thường có lịch sử phát  triển từ rất lâu đời. Theo xu hướng phát triển chung của xã hội, những khu vực ấy ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn cả về số lượng và chất lượng.

Những người bán hàng chọn vỉa hè làm nơi để kinh doanh buôn bán ,nhìn chung  đều là những người dân ngoại tỉnh. Cuộc sống ở quê vất vả, với mấy sào ruộng không đủ để họ trang trải cho cuộc sống. Họ tìm tới những thành phố lớn để làm ăn, buôn bán.,Với số vốn lận lưng chẳng đáng là bao, và và không có tay nghề chuyên môn, nên họ dành chọn vỉa hè làm nơi buôn bán. Tuy thu nhập không thực sự cao và ổn định, nhưng cũng giúp cho họ có thể tiết kiệm được một khoản tiền sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt ở thành phố.

Những thứ họ bán đều là những món ăn bình dân được bày bán ở trong một gánh hàng rong, trong một cái thúng nhỏ, trên một cái bàn con con hay là một cái xe đẩy linh động....Món ăn bình dân, giá cả cũng hết sức bình dân nhưng lại có một sức hút kì lạ đối với thực khách.

Tại sao thực khách chọn những món ăn bán ở vỉa hè chứ không phải là tại những nhà hàng sang trọng? Mặc dù  đối với nhiều người, họ có thừa khả năng để bước vào những nhà hàng sang trọng nhưng họ vẫn chọn cho mình những gánh hàng bày trên vỉa hè.

 Có nhiều lý do được đặt ra, nhưng có lẽ lý do chính vẫn là cảm giác thoải mái, thư thái khi được ngồi dưới một hàng cây xanh, gió thổi lồng lộng, không gian thoáng đãng tự do và nhâm nhi một chút gì đó. Đôi khi, họ đi ăn vặt vỉa hè mà không phải để ăn, mà mục đích chính là gặp gỡ bạn bè  hàn huyên, tán gẫu giữa một không gian rộng lớn  mà không sợ làm phiền tới người khác.     

II.  GIỚI THIỆU CÁC KHU " ẨM THỰC VỈA HÈ" NỔI BẬT

Sài Gòn có lẽ là "miền đất hứa" đối với bất cứ ai có chí tiến thân làm giàu. Hàng ngày, hàng giờ đất Sài gòn dang rộng vòng tay đón hàng trăm con người từ mọi miền Tổ quốc tới tìm kế mưu sinh. Những con người ấy, họ không chỉ mang theo một ý chí khao khát làm giàu mà họ còn mang theo bên mình cả những sản vật quê hương để giới thiệu với người Sài Gòn. Và từ đó những món ăn chơi ở khắp mọi nơi cũng được quy tụ về đây, mang đến cho Sài Gòn một nền ẩm thực phong phú và đa dạng hơn bất cứ nơi nào trên khắp đất nước. Chính những món quà vặt dân dã đó đã làm cho cuộc sống Sài Gòn có thêm nhiều hương vị theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 Có nhiều cách nhắc nhớ tên đất, tên đường, nhưng giản dị nhất, kích thích vị giác nhất chính là ...những món ăn. Dù không phải ai cũng biết, nhưng tôi xin đảm bảo rằng, nếu bạn sống ở Sài Gòn thì trong túi bạn lúc nào cũng có một vài địa chỉ ăn vặt ruột, bạn không chỉ giữ cho riêng mình mà luôn sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người quen khi họ có nhu cầu thướng thức.

Với bài viết này, tôi xin được giới thiệu tới một vài khu vực bán hàng rong khá đông đúc và tấp nập trong thành phố như: khu công viên 23 tháng 9, khu công viên 30 tháng 4 và khu công viên Lê Văn Tám.

1. Công viên 23 tháng 9

Công viên 23 tháng 9 là một công viên nằm tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh,dọc theo con đường Phạm Ngũ Lão. Công viên trải dài từ quảng trường Quách Thị Trang đến chợ Nguyễn Thái Bình đường Nguyễn Trãi.

Công viên được chia làm 2 khu công viên: khu A và khu B.

Khu công viên A bắt đầu từ quảng trường Qúach Thị Trang  đến đường Nguyễn Thái Học

Khu công viên B bắt đầu từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Nguyễn Trãi.

Công viên 23/9 là một trong những công viên lớn được đông đảo mọi người quan tâm tới. Tại đây không những chỉ dành cho những bạn trẻ Việt Nam mà còn thu hút một lượng lớn khách nước ngoài viếng thăm. Công viên còn là nơi thường xuyên tổ chức những buổi ca nhạc ngoài trời. Không khí nơi đây rất trong lành, mỗi buổi tối thường thấy nhiều đôi bạn trẻ rủ nhau ra đây để tâm sự, người già thì đi bộ tập thể dục quanh công viên, trẻ em thì tung tăng vui đùa thỏa thích. Đây là nơi tập trung một lượng lớn người bán rong. Mỗi người một xe, một gánh khiến cho khu vực này lúc nào cũng sôi động, tấp nập người mua, người bán.

Theo số liệu điều tra riêng của tôi thì công viên này có khoảng 90 người bán hàng rong ở khu A và khoảng 30 người bán ở khu B. Số lượng người bán có thể tăng lên nếu vào ngày cuối tuần và các dịp       lễ tết

Các mặt hàng được bày bán chính ở đây là: bánh tráng trộn, bắp luộc, bắp xào, cá, bò viên chiên, bắp rang bơ, khô mực, các loại trái cây, nước dừa, café và các loại nước giải khát .....

Khu vực này hoạt động cả ngày, nhưng nhìn chung chúng bắt đầu tấp nập từ 3h chiều và kéo dài hoạt động cho tới môt, hai giờ sáng.

Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, tỏ ra cũng khá là hào hứng với nét riêng biệt này của Sài Gòn. Họ cũng tò mò với những gánh hàng rong, họ ngồi xuống một gánh hàng nào đó, người bàn và người mua ra sức nói chuyên ....bằng tay và kết quả là một món quà vặt trên tay với sự háo hức hiện rõ trên khuôn mặt của họ.

2. Công viên 30 tháng 4

Công viên này nằm đối diện với Dinh Thống Nhất, trải dài theo đường Lê Duẩn, bắt đầu từ đường Nam Kì Khởi Nghĩa tới đường Phạm Ngọc Thạch và  Đồng Khởi.

Công viên này luôn tấp nập người từ sáng sớm tới đêm khuya. Người đi tập thể dục, người đi dạo phố và những nhóm bạn bè, đồng nghiệp tụ tập nhau giờ tan ca hoặc sau giờ học.

Nhắc tới nơi này, tất cả mọi người đều nhớ tới 2 chữ "café bệt". Dường như "café bệt" đã tạo ra một nét riêng đặc biệt ở đây. Sở dĩ gọi là café bệt bởi vì ở café ở đây không có ghế ngồi, bạn nhận ly café từ tay người bán và ngồi bệt luôn xuống các bờ gạch trong công viên. Thưởng thức café, ngắm phố xá nhôn nhịp, trò chuyên cùng bạn bè, hay đơn giản là ngồi một mình, trầm tư ngắm phố phường...

Ở đây cũng có bán hàng ăn vặt, nhưng các món hàng ở đây không  phong phú, đa dạng. Chỉ có một vài người bán, một cái rổ nho nhỏ, trên tay xách thêm một vài xách bánh phồng hay nem chua, họ đi bán dạo xung quanh công viên.

3. Công viên Lê Văn Tám

Công viên Lê Văn Tám là một công viên tại quận 1, công viên nằm giữa 4 tuyến đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu và Đinh Tiên Hoàng.

Con đường Hai Bà Trưng giờ tan tầm nổi tiếng kẹt xe, kèn kêu inh ỏi, khói bụi và hơi xăng bốc lên khiến người ta dễ nổi quạu. Vậy mà chỉ cách có một hàng cây, gần như một thế giới khác đang hiện hữu với những người thong dong ngồi dưới bóng mát, thưởng thức đĩa gỏi khô bò, nhấm nháp mấy cuốn gỏi cuốn, vừa ăn vừa rôm rả với những câu chuyện vui không đầu không đuôi.

Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám rất nổi tiếng trong  giới thích ăn hàng bình dân, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Tất cả nguyên liệu chỉ nằm vỏn vẹn khiêm nhường trong chiếc tủ kính nhỏ đặt trên vỉa hè. Một màu trắng xanh của sợi đu đủ, một lon đựng đậu phộng giã nhỏ, màu xanh ngời ngợi của rau quế, bịch bánh phồng, và lúc lỉu một chai nước mắm pha chế theo bí quyết riêng của người bán.

Chỉ khoảng mười ngàn đồng là đã có dĩa gỏi đầy đủ hương vị....Một cái dĩa nhôm con con hội đủ "sơn hào hải vị" với: đu đủ, thịt bò ướp, rau quế, đậu phộng rang béo ngậy ,mấy đọt rau răm cay cay, thơm nồng, tôm trong miếng bánh phồng, và mùi nước mắm ngọt dịu... làm cho bao người cảm thấy bị mê hoặc. Nhiều người đã bị quyến rũ đến đây, dù chỗ ngồi chỉ là lề đường hay ngay trên bãi cỏ.

III. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA "ẨM THỰC VỈA HÈ"

Cách đây 2 năm Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã có lệnh cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố như : Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ... Với hy vọng sau thành công của 15 tuyến phố trọng điểm đầu tiên tại quận 1, sẽ mở rộng đến các tuyến đường tại quận 3 và cả 53 tuyến đường điểm của các quận, huyện khác theo cách cuốn chiếu . Nhưng quy định chỉ được chấp hành trong một thời gian ngắn, rồi sau đó mọi thứ lại trở về như cũ. Bằng chúng là hiện nay tại các tuyến phố trên thực trạng hàng rong vẫn diễn ra tràn lan từng ngày từng giờ. Có khi còn hoạt động đông đúc hơn, sôi nổi hơn.

Nhìn chung, tất cả các khu vực bán hàng rong thường là hoạt động tự phát, diễn ra hàng ngày, bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào đêm khuya. Các khu vực này luôn luôn ồn ào, tấp nập người mua, người bán. Người bán không chị sự quản lý của bất kì cơ quan chức năng nào và họ không phải đóng thuế cho hoạt đông buôn bán của mình.

Hình thức bán hàng rong còn là nguyên nhân gây mất mỹ quan đô thị, khi mà ở đâu có hàng rong là ở đó có hiện tượng xả rác. Do ý thức của người bán hàng, và do ý thức của cả thực khách_người mua hàng. Họ không có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị cho nên họ xả rác hết sức bừa bãi. Nếu không có những quy định cụ thể, thì việc bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị khó mà thực hiện được nếu việc bán hàng rong vẫn diễn ra tràn lan hàng ngày, hàng giờ như hiện nay.

Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm luôn là một đề tài "nóng" hiện nay. Nhưng dường như khách hàng rất ít khi quan tâm tới vấn đề này. Vấn đề chính của họ là tìm một nơi thoải mái, thoáng mát, kiếm chút gì đó để nhâm nhi và tâm sự. Họ không quan tâm tới món hàng mà mình mua có được đảm bảo vệ sinh hay không.

Những gánh hàng rong không có bất kì một sự bảo đảm nào về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng quà được bày bán công khai trên hè phố, không công cụ bảo vệ, khói xe, bụi đường, vi khuẩn, ô nhiễm trong không khí không ngừng tấn công vào các sản phẩm. Người bán hàng thường là những người có trình độ thấp, hiểu biết rất ít về an toàn thực phẩm. Do đó, họ chưa ý thức được hậu quả  mà thực khách phải gánh chịu sau khi thưởng thức những món ăn vặt hè phố này.

IV.  ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA  "ẨM THỰC VỈA HÈ"

Hoạt động bán hàng rong là một hoạt động tự phát, không có đội quản lý, không có một tiêu chuẩn nào về sản phẩm được bán, không có bất cứ điều kiện nào về vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng không có bất cứ một quy định nào về việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Ở TP.HCM, khó có thể thống kê được có bao nhiêu người kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Chỉ biết rằng hầu như đầu mỗi con hẻm, góc phố nào cũng có vài người buôn gánh bán bưng.

Cuộc sống của những người bán hàng vỉa hè trôi qua bình lặng, với những lo toan, chắt chiu cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Cuộc sống của họ cũng bấp bênh như những gánh hàng trên đôi vai gầy. Gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vai của họ, đời sống không ổn định, gánh hàng thu lời chẳng là bao lại còn phải lo đối phó với các đội dân phòng cà các cơ quan y tế bất ngờ xuất hiện và yêu cầu xuất trình giấy phép chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Theo nhận định chủ quan của tôi thì những gánh hàng rong xét cho cùng cũng chỉ là nguồn cung đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu của xã hội: có người mua thì phải có người bán.

Những gánh hàng rong, như tôi đã nói ở trên, thì đây chính là một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn nói riêng cũng như đất nước Việt Nam nói chung. Tôi đã từng đọc bài viết "Quà vặt Sài Gòn đi nhớ ở thương", nó đã để laị trong tôi rất nhiều cảm xúc tốt đẹp.

"Bản đồ ẩm thực" Sài Gòn nhờ những gành hàng rong mà phong phú hơn, đa dạng hơn và đó cũng chính là một trong những lý do khiến du khách quay lại khi có cơ hội viếng thăm Sài Gòn.

V. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA " ẨM THỰC VỈA HÈ"

Dẫu biết là hàng rong làm mất mỹ quan đô thị và gây cản trở giao thông, nhưng chúng ta không thể dẹp ngay được. Bởi nó động chạm đến đời sống của rất nhiều người dân. Theo tôi trước khi ra lệnh cấm bán hàng rong, thành phố phải có những khu chợ quy hoạch để tập hợp người bán hàng rong lại, để họ có cơ hội mưu sinh thì tự khắc sẽ có "đường thông hè thoáng" .

Nhưng thực tế tôi chỉ thấy có lệnh cấm mà không thấy biện pháp lo cho những người bán rong, phải chăng ra một lệnh cấm thì quá dễ, chỉ cần một quyết định, còn tìm giải pháp thì khó quá nên chính quyền lờ đi.

Những gánh hàng rong là nội dung đã nhắc tới xuyên suốt trong bài viết nhỏ này. Và giờ đây, nó không còn là một gánh hàng rong đơn giản nữa, mà dường như nó đang gánh trên mình một trọng trách lớn, nó đại diện cho nền "văn hóa vỉa hè", bình dân mà nổi bật giữa Sài Thành sôi động.

Để thực hiện bài viết này, tôi cũng đã thực hiên một vài cuộc khảo sát nho nhỏ, đi tới những khu vực tập trung bán hàng rong đông đúc, tìm hiểu những ý kiến và nguyện vọng của những người bán hàng rong. Đa số họ đều là những người dân ngoại tỉnh, có hoàn cảnh sống hết sức khó khăn, một vài sào ruộng ở quê nhà thu hoạch chẳng đáng là bao cho nên những lúc nông nhàn họ phải đi tha phương nơi xứ người, kiếm thêm chút tiền gửi về lo cho gia đình ở quê, Vì trình đô học vấn không cao, chuyên môn tay nghề không có, và với số vốn lận lưng cũng chẳng đáng là bao, cho nên họ phải chọn những gánh hàng rong là giải pháp kiếm sống.

Khi được hỏi về cuộc sống ở thành phố của họ, dường như ai cũng canh cánh một nỗi lo. Họ biết là việc buôn bán có gây cản trở giao thông đô thị một chút nhưng chỉ vì nghèo khó nên họ mới phải bám phố, bám đường để kiếm sống qua ngày. Họ bán hôm nay mà lo cho ngày mai, không biết có còn được tiếp tục bán hay không, hay là lại phải dẹp gánh hàng rong vì một nghị định mới nào đó, cấm không cho bán hàng rong hay là những quy định mới về VSATT.

Và khi tôi đề xuất vể một khu vực bán hàng rong, hoạt động an toàn và quy mô thì họ tỏ vẻ rất đồng tình. Họ nói nếu được bán trong một khu vực như thế, có thể việc buôn bán của họ sẽ thuận lợi hơn. Sẽ không còn lo sợ vì bị dẹp gánh hàng rong nữa và như vậy thu nhập của họ sẽ được ổn định hơn.

Cũng có một số ý kiến cho rằng  ý tư  tưởng của tôi không khả thi và họ cho rằng rất khó để có thể xây dựng một khu vực như vậy. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, họ thấy rằng quyền lợi của họ được đảm bảo khi tham gia vào những khu vực này thì họ bắt đầu ủng hộ tôi.

Do đó, qua bài viết nhỏ này, tôi xin được đề xuất một ý kiến về việc xây dựng ba khu vực ăn vặt tương ứng với ba địa điểm mà tôi đã giới thiệu ở trên bài viết.

 QUY HOẠCH BA KHU PHỐ ĂN VẶT VỈA HÈ.

  • Khu phố ăn vặt công viên 23 tháng 9.
  • Khu phố "Café bệt" công viên 30 tháng 4.
  • Khu phố bán "Gỏi khô bò" công viên Lê Văn Tám...

KẾT LUẬN

Muốn có văn minh đô thị không thể chỉ bằng ý chí chủ quan của người làm chính sách mà có được. Tôi nghĩ khi xã hội phát triển, giàu có lên, nhận thức của con người được nâng cao thì người dân tự khắc sẽ văn minh lên.

Với những ý kiến đóng góp cho sự phát triển lâu dài của những gánh hàng rong. Tôi mong rằng bài viết của mình sẽ nhận được sự ủng hộ cũng như những đóng góp tích cực từ những ai cũng quan tâm tới vấn đề này. Bên cạnh đó, bài viết của tôi chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót và những nhận định chủ quan, do đó tôi cũng rất mong muốn nhận được những lời phê bình để bài viết của tôi có thể hoàn chỉnh hơn.

Lưu Thị Thắm - SV khoa Du lịch, ĐH Văn Hiến

       
       
       
       
       
       

Phamngochien.com - 10:12 - 24/10/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận